/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

LÀNG AM THỨ MƯỜI TÁM VÀ CHÙA SONG MAI, TRUNG AM

Và câu ca “Mười tám Am, sang Nam mất một” cũng như chùa Song Mai, chùa Ngàn Mai đã có lời giải đáp?

AM THỨ MƯỜI TÁM VÀ CHÙA SONG MAI 

(tiếp theo kỳ trước)

.

       Sau hàng mấy trăm năm, mảnh đất ba làng bên triền Hữu sông Hàn bị lở và Mai Am bị lở mạnh nhất (đáy của hình chữ U). Dân cư làng này di chuyển dần vào phía trong (phía Nam) và lần cuối cùng vào những năm cuối của thế kỷ XVII thời Lê trung hưng. Trước cơn đại hồng thủy tất cả các đê ngăn lũ đều bị vỡ và những hộ dân Mai Am còn lại phải di dời sâu vào phía trong đất đầm Bái thuộc giáp Bắc của xã Liêm Khê là chính, một số về thôn Bích Động (thuộc Hậu Am) và Trung Am để mưu sinh.

       Có thể nói khu đất hoang khá rộng bên bờ Hữu sông Hàn, trong đó có khu đất đầm Bái vòng xuống xóm Thừa là đất của vua Mạc ban cho trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ông được phong tước Trình Tuyền hầu và Trình Quốc công, nhưng ông đã hiến tặng cho nhân dân lục tổng. Có một di tích liên quan tới phần đất mà nhà vua ban cho ông khi Nguyễn Bỉnh Khiêm được phong tước Trình Quốc công là chùa Thái Bình thuộc xã Dương Am (nay là xã Trấn Dương)  được xây dựng từ thời nhà Mạc do chính Trạng Trình cắm đất dựng chùa.

       Mảnh đất Đầm Bái nơi đây có nhiều ao hồ khe lạch, những câu ca dao cổ còn được lưu truyền như “Cá rô đầm Bái, con gái Trung Am” hay “Bán cá chợ Hôm, đơm tôm đầm Vĩnh”… Từ khi Mai Am bị lũ xoáy “gặm nhấm” hết thì một thời gian ngắn sau cái tên Mai Am cũng không còn vào đầu thế kỷ XVIII thời Lê trung hưng.

       Còn một nhân chứng nữa mà Ôn Quận công Vũ Khâm Lân khi đến thăm khuôn viên gia đình Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bên sông Hàn có viết bài tựa trong sách “Bạch Vân Am cư sỹ Nguyễn Văn Đạt phả ký”:

“Vào năm Vĩnh Hựu nguyên niên (Ất Mão – 1735) đời vua Lê Ý Tông, thôn dân Trung Am vì nhờ thịnh đức của Tiên sinh có dựng hai ngôi đền ở chỗ nền nhà cũ của Tiên sinh trước, tại hai đền này, người hàng tổng nhớ ơn đức, xuân thu nhị kỳ đến tế lễ. Người trong họ của Tiên sinh là Nguyễn Văn Lý sợ sau này gia phả thất lạc có soạn lại một quyển và nhờ tôi viết cho bài tựa…

May thay! Năm Tân Dậu niên hiệu Cảnh Hưng (1741) đời vua Lê Hiển Tông tôi vâng mệnh đổi đi Hồng Châu, nhận thấy cùng với nơi nhà cũ Tiên sinh chỉ trong gang tấc, tới lui dễ dàng, nhưng lại vì việc quân ngũ quá bề bộn, nên mãi đến mùa xuân năm sau, tức năm Nhâm Tuất (1742), trong khi vâng mệnh đi bồi đắp đê sông Nhị Hà, mới thực hiện được ý định nói trên.

       Đến quê hương của Tiên sinh tôi tìm đến nền quán Trung Tân, coi tấm bia cũ, nhưng nét chữ đã quá mờ không sao đọc nổi. Tôi vào đền thờ bái yết, nhân tiện hỏi hậu duệ bảy đời của Tiên sinh là ông Thời Đương để xem hành trang, nhưng cũng chẳng thu thập được gì. Hỏi thăm các bô lão thì sau cơn binh lửa cũng chẳng còn ai biết, duy có viên hương ấp là Trần Bá Quang biết sơ qua về mấy việc cũ. Ông này ôn lại cho tôi nghe bài Phú Quốc Âm tức bài văn bia quán Trung Tân và đưa cho một bản sao lục ít bài thơ của Tiên sinh. Nhân tiện, tôi hỏi đến những di tích như cầu Trường Xuân, cầu Nghinh Phong rồi đi thăm nơi vườn cũ, tới nơi chỉ còn thấy ba gian nhà lá, ông Thời Đương và con cháu hơn chục người cùng ở căn nhà đó.

       Tôi nhìn quang cảnh đã sinh lòng hoài cảm, lại trông bốn phía càng bồi hồi nữa, này phía bên Tả trước mặt là cái đầm và bốn năm cái vụng tất cả độ vài trăm mẫu, bề sâu chỉ độ hơn trượng, chỗ đứt chỗ nối, chỗ thắt chỗ phình, khi thì yên lặng khi thì nắng vàng tỏa, phải chăng đây chính là chỗ kiểu đất “Nghiễn trì thủy ảnh” (Mặt hồ nghiêng ánh nước long lanh) có khí thiêng chung đúc để sinh ra một đại nhân vậy”…

       Ta có thể thấy đến năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), thì khuôn viên của gia đình Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn, nằm ở phía Đông giáp Bắc của Trung Am bên triền Hữu sông Hàn và phía bên trái của làng (khu vực trước cánh đồng Trung Am và đầm Bái vẫn mênh mông nước. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) thì dân cư giáp Bắc Trung Am chuyển hết vào sâu phía trong và đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm chính thức chuyển về vị trí như ngày nay… 

.

Tập sách mới đầy đủ nhất về thân thế sự nghiệp và gia đình của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với gần 300 trang viết.

       Trong chế độ phong kiến, việc chống lũ lụt ngoài việc đắp đê, thì họ còn lập các đền thờ thần linh. Từ xa xưa đến thời đổi mới thôn dân Mai Am, sau là Xuân Lôi, Bái Khê đã xây dựng cho mình ngôi miếu thờ “Thần Vịt”, giống như dân Trung Am xây miếu thờ bà Bồi, hay dân thôn Lăng Đông, xã An Lạc (nay thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo) xây miếu thờ bà Xộp ngay sát chân đê của địa phương mình để ngự trị hồng thủy, nhưng ba miếu trên đều bị mất trộm tượng thờ, mà ba địa phương này đều nghi cho dân bên triền Tả lấy trộm?

       Tiếp theo tại nơi đất mới ở đầm Bái vừa được các cư dân chuyển đến thì các công trình văn hóa khác cũng dần được khôi phục như miếu thờ Đông Quốc Linh Lang đại vương, đình làng và ngôi chùa mới được mang tên theo tên cũ là Mai, sau đổi thành Ngàn Mai vì bên Trung Am có chùa mang tên Song Mai. Sau này Xuân Lôi phát triển đủ cơ số dân rồi tách khỏi xã Liêm Khê và đổi thành Bái Khê, chữ Bái ở đây có nghĩa là đầm Bái, còn chữ Khê lấy từ Liêm Khê mà ra. Rồi chùa và đình của làng chuyển ra vị trí như ngày nay. Còn miếu thờ Đông Quốc Linh Lang đại vương (Tiến sỹ Nho học Trần Quốc, có công đánh giặc Trịnh Vĩnh ở Hoan Châu, tước Vương) bị dỡ bỏ thời cách mạng văn hóa, đến nay vẫn chưa được khôi phục lại.

       Để tưởng nhớ tới Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Vi Tĩnh phu nhân (bà Minh Nguyệt) cũng như ngôi chùa đã gắn bó phần đời của ông bà, đặc biệt là Nguyễn Bỉnh Khiêm thường đến lễ và đã từng trả lời sứ giả Chúa Trịnh. Vì vậy thôn dân Trung Am đã khởi công xây dựng cho làng mình ngôi chùa tại vị trí như ngày nay và lấy tên là Song Mai.

       Sau này vì sự cạnh tranh giữa hai làng, có bậc cao niên ở Trung Am nói ngôi chùa Song Mai ở vị trí ngày nay là do cụ Trạng bỏ tiền ra xây dựng cho bà Minh Nguyệt tu và Trạng Trình trồng hai cây mai vàng trước cổng, nên gọi tên Song Mai là vậy, nhưng thực tế giống cây này từ miền Nam mới được du nhập vào miền Bắc sau ngày thống nhất đất nước (1975).

       Theo chúng tôi hai chữ Song Mai hay Ngàn Mai đều không liên quan tới cây mai mà chỉ liên quan tới làng Mai vì vùng đất Vĩnh Bảo cũng như các huyện miền Duyên hải Bắc Bộ không phù hợp với khí hậu, cũng như chất đất phát triển loài song mai. Công trình chùa Song Mai được ông Tổ họ Nguyễn Trung Am là Nguyễn Như Tiên cùng nhiều các nhà hảo tâm khác cũng như sự đóng góp của thôn dân Trung Am để làm nên ngôi chùa này và hai tấm bia đá “Thiên đài Song Mai tự” dựng năm Chính Hòa thứ 21 và 22 (năm 1700 và năm 1701) trước cửa chùa, cũng như trong thần phả họ Nguyễn Như thuộc giáp Đình làng Trung Am còn lưu giữ là những minh chứng sống.

       Đứng bên “Thiên đài Song Mai tự” này, hậu duệ thập đại (mười đời) của ông Tổ họ Nguyễn Trung Am là ông Nguyễn Ngọc Phát đã có những vần thơ lục bát tâm đắc:

Người từ vạt đất Mai Am

Nỗi buồn khắc khoải mênh mang dội về

Tay cầm nửa mảnh hồn quê

Liêu xiêu theo gió lời thề nhớ mong

Tiếng chuông xưa thẳm tầng không

Tình đời đồng vọng phím lòng ngân vang

Người cùng với xóm với làng

Hưng công Mai Tự muôn vàn nắng mưa…

Thiên Đài chứng tích xa xưa

Lung linh xanh mãi bên bờ Tuyết Giang?

       Và câu ca “Mười tám Am, sang Nam mất một” cũng như chùa Song Mai, chùa Ngàn Mai đã có lời giải đáp?

NGỌC TÔ