/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

INDONESIA – QUỐC GIA VẠN ĐẢO

Vào ngày đầu xuân, những vạt nắng còn đang bao trùm lên các chồi non, lộc biếc. Trên khắp đường phố,
INDONESIA – QUỐC GIA VẠN ĐẢO
(Bút kí của TNT)
 
        Vào ngày đầu xuân, những vạt nắng còn đang bao trùm lên các chồi non, lộc biếc. Trên khắp đường phố, bản làng cây cối đều khoe hết mình màu non tơ đầy sức sống. Từng giọt xuân trong veo được chắt ra từ lớp lớp tâm hồn. Vào hạ tuần tháng 2 năm 2006, tôi được VCCI mời theo đoàn tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải sang dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam – Inđônêxia. Trước lúc xuất cảnh hai ngày, Cục Cảnh vệ - Bộ Công an mời tất cả các thành viên trong đoàn đến để phổ biến tỉ mỉ về hành trình chuyến đi, đặc biệt tình hình an ninh lúc này tại Inđônêxia còn một số vấn đề chưa thật an tâm.
        Sáng sớm ngày tập chung (22/02), các thành viên đã có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài. Khi làm các thủ tục xong đoàn tháp tùng và tùy tùng được lên “chuyên cơ” bằng cửa sau, còn các khách VIP và Thủ tướng lên bằng cửa trước. Ta gọi “chuyên cơ” cho oai chứ thực chất đây là máy bay Boing thông thường của Hàng không Việt Nam do cơ trưởng, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thành Chung lái, chứ nguyên thủ nước mình chưa có chuyên cơ riêng. Đúng 7 giờ 10 phút máy bay cất cánh, qua chặng đường bay hơn 4 giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại sân bay quân sự Jakarta. Đón đoàn tại sân bay có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Du lịch, Thống đốc Jakarta Sutiyoso và nhiều quan chức Inđônêxia. Do có các nghi thức cấp Nhà nước nên chúng tôi rời khỏi sân bay chậm hơn một chút, nhưng so với thời gian làm các thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế thì cũng nhanh hơn nhiều.
          Toàn bộ đoàn được về khách sạn 5 sao Gran Melia cùng với Thủ tướng Chính phủ. Đoàn tháp tùng được xếp mỗi người một phòng ở tầng 10. Nếu người nào chưa nghỉ tại khách sạn 5 sao bao giờ thì thấy hơi ngạc nhiên về sự sang trọng, chứ đối với những người đã xuất ngoại nhiều thì thấy bình thường. Thực ra chúng tôi chỉ có mấy tiếng ngủ đêm thôi, còn ban ngày thì hội họp triền miên, chiều tối lại tranh thủ thăm thành phố, tới khuya mới về tới phòng. Thời gian này công tác an ninh tại Jakarta được kiểm tra rất nghiêm ngặt, các vũ trường, dịch vụ massage tại Gran Melia … đều tạm thời đóng cửa, các tầng có khách VIP đều có bảo vệ gác. Còn việc ăn uống thì cũng như các khách sạn khác, có điều gần 90% dân bản địa theo đạo Hồi nên ẩm thực có khác một chút, nhưng tôi đã được tiếp xúc với đồ ăn của người Hồi giáo nhiều năm rồi, nên các món ăn không có gì lạ lẫm.
        Tôi không biết tiền công tác phí của các thành viên đoàn tùy tùng ra sao, chứ kinh phí chi cho các thành viên trong đoàn Văn phòng Chính phủ rất chặt chẽ, tiết kiệm. Nhiều thành viên đi công tác phải xin tiền gia đình để chi tiêu, chứ không như một số báo chí nêu. Thủ tướng Chính phủ được cấp 25 đô la Mỹ một ngày công tác vì ăn uống phía bạn chiêu đãi. Còn các thành viên khác được cấp tiền công tác phí 100 đô/ ngày vì phải tự túc tiền ăn. Nếu ở khách sạn 5 sao, các thành viên ăn uống phải tính toán chi li mới đủ trang trải, còn việc chi tiêu khác tất nhiên phải bỏ tiền túi ra rồi. Sau ăn trưa, đoàn tháp tùng được phía bạn bố trí xe, hướng dẫn viên du lịch đi thăm quan thành phố.
 
 
Đoàn chủ tịch tại Diễn đàn (Thủ tướng Phan Văn Khải thứ 4 từ trái sang)
 
 
 
 
Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại Diễn đàn
 
        Ta có thể thấy Jakarta là Thủ đô của quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới (khoảng 220 triệu dân năm 2005). Đây còn là thành phố lớn nhất Đông Nam Á với gần chục triệu dân, luôn mang trong mình niềm kiêu hãnh về sự hiện đại, hoang sơ và con người thân thiện. Nấp sau sự hiện đại của các tòa cao ốc, công trình văn hóa hoành tráng, Jakarta ẩn chứa niềm kiêu hãnh, cái đẹp lạ kỳ mà hiếm có Thủ đô nào có được. Jakarta được phân bổ bởi nhiều công viên lớn với những dải cây xanh xanh bóng quanh năm và cơ sở hạ tầng khá tốt so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài các khu phố cổ, đường sá rộng, thông thoáng và có khá nhiều cầu vượt trên không. Thu nhập bình quân đầu người của người dân gấp đôi Việt Nam. Nên những gia đình có thu nhập khá ở đây, nhà nào cũng có xe hơi. Tham gia giao thông phần lớn là ô tô, còn xe máy cũng có, nhưng ít hơn và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân chưa được nghiêm, nhưng chắc chắn hơn hẳn Việt Nam. Bên cạnh những phương tiện giao thông hiện đại vẫn tồn tại một số phương tiện giao thông cũ kĩ, thô sơ xả khói mù mịt như những chiếc xe đò, xe lam của nước ta cách đây 15 - 20 năm. Tại các đoạn đường bị kẹt xe, ta thấy những cậu bé choai choai với những cây chổi lông gà phủi bụi xe nhằm xin tiền boa của các tài công.
        Chiếc xe ca dẫn chúng tôi tới ngôi đền Độc lập Istiqlal, đây là một Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á với ngôi đền chính 5 tầng lầu với các hành lang và khoảng sân rất rộng, được bao bọc với khu vực xung quanh rộng gần chục héc ta, nằm ngay khu trung tâm hiện đại Jakarta. Istiqlal có thể chứa được 200.000 tín đồ cùng một lúc, còn 5 tầng lầu xung quanh gian chính thể hiện 5 điều răn của Hồi giáo. Trên trần của mái vòm, màu sắc thay đổi theo ngày. Khi vào đây tôi có cảm giác con người được trở về với một thế giới khác và giải tỏa tâm hồn sau những giờ phút lao động căng thẳng. Tôi đã có thời gian sống ở Trung Á khi còn là lưu học sinh tại Liên Xô, nên phần nào hiểu được đời sống tinh thần của người Hồi giáo. Theo các nhận định của giới y học, người Hồi giáo một ngày mấy lần quỳ cầu nguyện rất lợi cho thể lực, giống như các bài tập Yoga và giúp cho con người thăng bằng trong đời sống tinh thần. Rồi tháng ăn chay Ramadan cũng rất lợi cho sức khỏe…Đối diện với thánh đường Hồi giáo Istiqlal là nhà thờ công giáo Jakarta, nhà thờ Hà Lan Immanuel rất hoành tráng. Đây là những công trình kiến trúc lớn biểu tượng cho sự hòa hợp tôn giáo của quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này. Đôi khi trên cùng một con phố nhỏ du khách có thể bắt gặp cả nhà thờ Hồi giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo và chùa Phật giáo. Thế mới biết Jakarta có nền văn hóa phong phú, hòa đồng đa sắc tộc. Càng có điều kiện thăm quan thành phố du khách càng ấn tượng với những tượng đài, các tác phẩm điêu khắc tinh tế, những bức phù điêu nghệ thuật…
 
 
 
Quang cảnh tại Diễn đàn góc trái (TS. Tô Ngọc Thạch ngồi hàng đầu, bên trái)
.
 
.
 
Quang cảnh tại Diễn đàn góc phải (Ghế đầu khách VIP, sau là đoàn tháp tùng)
.
 
 
Lễ ký kết giữa VCCI và ICCI
.
 
Đoàn tháp tùng tại diễn đàn
 
          Đến với Indonesia du khách không thể bỏ qua thời trang batik. Đây là một loại lụa đặc biệt được in các hoa văn truyền thống. Ba màu đặc trưng của thời trang batik là màu chàm tự nhiên, màu nâu đất và màu trắng, tượng trưng cho ba vị thần trong đạo Hindu (thần Brahma, Visnu và Siva). Tôi còn nhớ cách đây mấy năm tôi có đến sòng bài ở cao nguyên Gien Tinh – Malaisia, nếu mặc com lê thắt calavat hoặc mặc áo batik đi giày, bảo vệ mới cho vào. Nhược bằng không có hai loại trang phục này, bắt buộc du khách phải thuê áo batik mà thôi. Lụa batik xưa kia được sử dụng trong những ngày lễ trọng đại, nhưng ngày nay nó trở thành thời trang bình dân cũng như cao cấp. Bộ Văn hóa Indonesia đang trình UNESCO xếp hạng kỹ thuật vải nhuộm batik là Di sản văn hóa thế giới. Bạn có thể mua những chiếc váy, khăn batik tại các chợ bình dân ở khu Kota, khu phố Tàu với giá chỉ 50-80 Rp (khoảng từ 120.000 đến 200.000 VNĐ) và cũng có thể mua những bộ váy lụa batik vẽ tay thủ công tại các trung tâm thời trang cao cấp có giá hàng ngàn đô la Mỹ…
          Đất nước 17.508 đảo này có ba đảo lớn đó là Java, Sumatra, Kalimantan với diện tích gần 2 triệu km2. Quốc gia này có gần 300 dân tộc khác nhau, nằm giữa lục địa châu Á và châu Đại dương, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Có thể nói Inđônêxia là một nước có diện tích tương đối lớn, có nhiều điều kiện tự nhiên phát triển về biển. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 5 đến hết tháng 9 và mùa mưa từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau. Phần lớn dân cư quốc gia này là người theo đạo Hồi, với 583 thổ ngữ, nhưng tiếng Bahasa là ngôn ngữ chính. Quốc khánh của Inđônêxia trước quốc khánh của Việt Nam đúng tròn nửa tháng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia mấy năm lại đây khoảng từ 3 – 6%/ năm, nhưng thất nghiệp còn cao, nợ nước ngoài còn khoảng 140 tỷ đô la Mỹ. Inđônêxia mở cửa kinh tế thị trường trước Việt Nam, nên về tổng thu nhập quốc dân (GDP), Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2010 bằng năm 2005 của bạn. Là một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, đất đai màu mỡ. Được sự giúp đỡ của các nước phương Tây trong tổ chức liên Chính phủ về Indonesia (CGI), cùng với chính sách kinh tế thị trường mở cửa rộng rãi cho nước ngoài đầu tư, quốc gia này đạt được nhiều tiến bộ to lớn về kinh tế. Nên Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thương mại với bạn và đẩy mạnh xuất khẩu sang đây như các mặt hàng nông lâm thuỷ sản, than đá, điện tử, cơ khí tiêu dùng... Vì thời gian lịch trình thay đổi, chúng tôi chưa được đến thăm Vườn quốc gia Indonesia, đặc biệt trong đó có đảo Rồng Komodo. Đây là nơi duy nhất trên trái đất còn tồn tại loài thằn lằn thuộc họ kỳ đà lớn nhất, sống trên đảo Komodo, Rinca, Flores và Gili Motang. Một số con chiều dài thân tới 3 m và trọng lượng tối đa tới 135 kg, tuổi thọ của rồng tương đương với tuổi thọ con người. Rồng Komodo là loài động vật quý hiếm, từng suýt bị tuyệt chủng, nhưng ngày nay chúng là loài động vật hoang dã được bảo vệ nghiêm ngặt. Chúng tự đào những chiếc hang có độ sâu tới 9 m để ẩn nấp. Nguồn thức ăn chính là xác thối, song chúng luôn sẵn sàng bắt mồi sống như các loài động vật có vú, chim và động vật không xương sống… Mục tiêu hiện nay của Indonesia là đưa rồng Komodo vào danh sách ứng cử viên của chương trình bình chọn bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới…
          Việt Nam và Inđônêxia là hai nước có nhiều mặt tương đồng, có quan hệ hữu nghị từ lâu. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Kim ngạch thương mại hai nước đã đạt mức trên một tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt mức gần 500 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng khai thác của hai nước. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải lần này nhằm thoả thuận, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Indonesia.
        Chính vì thế sáng hôm sau Thủ tướng Chính phủ nước ta tham dự từ đầu đến cuối Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Inđônêxia. Tham dự buổi diễn đàn này về phía bạn có Phó Tổng thống Inđônêxia, nhiều Bộ trưởng, quan chức cao cấp và hơn 200 chuyên gia kinh tế của Inđônexia. Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến cùng 12 thứ trưởng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Inđônêxia Nguyễn Hoàng An, 51 thành viên tùy tùng và 47 thành viên đoàn tháp tùng.
        Mở đầu là phát biểu chào mừng của Chủ tịch ICCI, sau đó đến diễn văn của Thủ tướng Phan Văn Khải, phát biểu của Phó Tổng thống Inđônêxia. Diễn đàn bàn luận rất sôi nổi, được dịch ra tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Anh. Hai bên nêu những câu hỏi rất sát thực và cụ thể hóa từng câu hỏi về các vấn đề về thuế, pháp luật, tính cạnh tranh vào các thị trường châu Âu hoặc Mỹ... Chủ trì phía bạn là Phó Tổng thống Inđônêxia, còn về phía Việt nam là Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhiều câu hỏi rất xoáy của các phóng viên báo chí về sự chuẩn bị Hội nghị APEC lần thứ 14 tại Hà Nội, phía bạn rất quan tâm về vấn đề giao thông của Việt Nam. Tôi thấy Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời trực tiếp rất xúc tích, ngắn gọn và đủ ý.
        Tiếp theo chương trình là ký thoả thuận hợp tác giữa VCCI & ICCI và bài phát biểu cảm ơn của TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI. Cuối cùng là gặp gỡ trực tiếp các thành viên 2 nước và tiệc chiêu đãi diễn ra trong bầu không khí thắm tình đoàn kết và hữu nghị. Thời gian tuy có hạn, nhưng người nào người đó đều hồ hởi phấn khởi, tranh thủ trao đổi, tìm các đối tác để trao đổi, bàn bạc… và kí kết các hợp đồng kinh tế. Nhiều thành viên trong đoàn đã tìm được đối tác, mở rộng thị trường hợp tác kinh doanh…
.
 
 
Chụp ảnh lưu niệm với cơ trưởng Nguyễn Thành Chung (Tô Ngọc Thạch giữa) tại chuyên cơ
 
          Bên cạnh những thành tích mà Indonesia đã đạt được, còn nhiều mặt quốc gia lớn nhất vùng Đông Nam Á này còn gặp phải bao điều phiền toái như sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn. Nhiều mảnh đời bất hạnh, nhiều người ăn mày, ăn xin, nhiều khu ổ chuột còn tồn đọng bên những tòa cao ốc, biệt thự nguy nga tráng lệ. Tuy bạn có chê giao thông Việt Nam, nhưng với sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay, chỉ cần một hai năm nữa thôi thì vấn đề giao thông Jakarta cũng không  kém gì Việt Nam. Jakarta là một thành phố nằm vào tốp đông dân nhất thế giới nhưng đến nay vẫn chưa có tàu điện ngầm, ô tô buýt chạy điện…Rồi động đất núi lửa, sóng thần, vấn đề tôn giáo, khủng bố… cũng là một trở ngại lớn trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống dân sinh của quốc gia vạn đảo này.
          Lịch trình chuyến đi rất sít sao tính từng giờ từng phút, đôi khi vì những lý do an ninh hoặc lý do khác mà lịch trình có thể thay đổi. Thủ tướng Phan Văn Khải có việc phải tiếp khách tại thành phố Hồ Chí Minh, nên đoàn về nước trước một ngày. Ngay sau bữa ăn trưa Thủ tướng còn phải vào Đại sứ quán thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân viên, bà con Việt kiều tại Jakarta. Đoàn tháp tùng và tùy tùng ra sân bay làm các thủ tục bay và chờ Thủ tướng để cùng về nước. Chuyến đi ngắn ngủi nhưng để lại cho tôi những cảm nhận khó quên về đất nước và con người của quốc gia vạn đảo.
 
 
TNT