/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

Hái nấm mùa thu

Ngồi trên xe lòng lâng châng hạnh phúc, mong cho thời gian trôi mau để lần sau mình lại tiếp tục có cuộc du ngoạn hái nấm mùa thu.

Hái nấm mùa thu
(Bút ký của Ngọc Tô) 


   
      Vùng đất Xibia có diện tích rừng tai ga lớn nhất thế giới. Đi suốt chiều dài của dải đất này bằng máy bay cũng phải mất gần chục giờ đồng hồ. Chỗ nào cũng rừng, rừng bao trùm thành phố, rừng bao trùm thôn bản và rừng trong trí tưởng tượng của con người. Vả lại dân cư ở đây cực kì thưa thớt, nên những gì tồn tại trên mảnh đất này chưa bị con người tác động mấy, nên Xibia còn có tên là “Vùng đất đang ngủ yên”. Có lẽ khí hậu ở Xibia quá khắc nghiệt. Có những chỗ quanh năm không thấy mặt trời bao giờ. Riêng miền Tây Xibia thông thường một năm chỉ có tháng sáu và tháng bảy là có ánh nắng mặt trời, còn các tháng khác thì hầu như bầu trời lúc nào âm u, lạnh lẽo, mặt đất băng tuyết bao phủ. Khi nhìn những cây thông, bạch dương có đường kính thân khoảng hai mươi lăm hoặc ba mươi phân, chúng tôi đoán tuổi của chúng chắc chỉ 10 đến 15 năm thôi. Nhưng khi hỏi dân bản địa, mới biết những cây này đã có gần 100 năm tuổi. Rừng ở nơi khác thì không biết, chứ rừng ở khu vực gần chỗ chúng tôi ở thì rất hiền hòa, thơ mộng và ít thú dữ, chỉ có các loài động vật nhỏ như chồn, sóc, quạ... Người dân Nga không có thói quen ăn thịt động vật hoang dã, nên các loài thú, chim muông hầu như được bảo tồn và phát triển.
.

 
                                                     Cánh rừng mùa thu ở Xibia


     Sau những ngày lao động mệt nhọc hay học hành căng thẳng được ra ngoại ô chiêm ngưỡng rừng núi, hít thở khí trời đã là một cuộc du ngoạn tuyệt vời. Trong thời gian hè cây cối được thu nhận năng lượng từ ánh sáng mặt trời để tạo ra hợp chất hữu cơ tăng trưởng. Cuối hè hay đầu mùa thu, cái lạnh tràn về, lớp cỏ cây nhỏ bé lụi tàn. Những nhành lá rụng từ bạch dương, thông... trút xuống tạo thành một lớp xốp phủ lên mặt đất. Qua một vài trận mưa nhẹ thì nấm phát triển ghê gớm. Người dân địa phương biết được chu kỳ có nấm và ngày nghỉ là họ rủ nhau đi rừng thu hoạch. “Sau mỗi một trận mưa. Nấm bừng bừng thức giấc. Như chiếc ô lúp xúp. Lốm đốm cả cánh rừng...

     Cuối hè năm 1984 vợ chồng Vera, người quen từ mùa đông năm trước, mời tôi sáng mai đi ngoại ô hái nấm. Tôi vui vẻ nhận lời và tờ mờ sáng quốc bộ sang nhà Vera theo thời gian đã hẹn. Mọi người đã chuẩn bị đầy đủ nào xô, túi, đồ ăn thức uống lỉnh kỉnh. Thật bất ngờ, chuyến đi còn có Natasa, em họ của Vera. Bốn người tay xách nách mang đi bộ ra bến xe và lên xe đi về phía bến xe ngoại thành. Rồi chuyển xe đi hướng tây bắc thành phố. Tôi chưa thạo đường, mọi việc đều do vợ chồng bạn tôi quyết định. Dọc đường đi, nhìn ra thế giới xung quanh đâu đâu cũng ngợp sắc vàng của cỏ cây hoa lá. “Nhớ thu về mặt đất dát vàng au. Lá ngời ngời thắp sáng những mảng màu. Sau khoảng hơn hai giờ đồng hồ, chúng tôi dừng lại tại một cánh rừng nguyên sinh. Thời đó chúng tôi không có phương tiện thông tin liên lạc cá nhân, nên mọi người nhắc nhở nhau phải bám lấy đội hình, không dễ bị lạc. Tôi sững sờ trước khung cảnh mùa thu nước Nga. Cánh rừng rất êm đềm tĩnh mịch, những chiếc lá vàng cháy muộn màng phủ lên lớp cỏ khô còn hơi ẩm, với bao gam màu cũ kỹ làm mê hoặc lòng người. Ngước nhìn lên những vòm cây lá đang thay áo, heo may man mát cùng tiếng khe khẽ lá rơi mơn man chạm vào hồn người, khiến những ai khó tính nhất cũng rung động trước cảnh vật mùa thu. Thiên nhiên nơi đây như một bức tranh tuyệt hảo. Muôn mảng màu không theo một khuôn phép trật tự nào, lúc tự do ngẫu hứng, lúc rời rạc độc lập, lúc đan xen hòa trộn nhau, mà không có ngòi bút nào tả hết được. Nét đẹp ngỡ ngàng của thiên nhiên hoang dã Xibia chẳng khác nào một nàng tiên từ trên trời bay xuống, khiến tâm hồn tôi lắc lư, như lạc vào chốn bồng lai. Theo kinh nghiệm của Valentin chồng Vera thì phải đi vào sâu phía gần con suối mới có nhiều nấm và nấm to, ngon hơn. Nấm có mấy chục loại, nhưng thông thường người dân nơi đây hay hái loại nấm như chiếc ô, màu trắng, chân to, thân, mũ nấm chắc chắn và có giá nhất. Loại nữa cũng màu trắng toát, tai nấm tròn úp như nấm rơm. Còn nhiều loại khác cũng ăn được nhưng hái về phải thử nghiệm. Những loại màu mè sặc sỡ thì không nên động vào vì thường là nấm độc. Vì thế chúng tôi chỉ tập chung vào một hai loại nấm mà chồng Vera đã giới thiệu. Riêng bản thân tôi thì cứ hái loại nào mà mình cảm thấy ngon mắt, sau nhờ chồng Vera chọn hộ. Được một lúc lâu, xô nào xô ấy cũng kha khá nặng, chúng tôi nghỉ giải lao. Ngồi ăn bánh mỳ bơ, giò và dưa chuột muối thật thú vị. Trong lúc nghỉ, Valentin có dặn mọi người là nếu thấy gấu tấn công thì phải nằm sấp xuống, giả vờ chết như thật, gấu đến ngửi thấy người chết thì bỏ đi. Khi nghe đến đây, Natasa sợ quá ôm choàng lấy tôi và nói: “Em sợ lắm, em không dám nằm giả vờ chết đâu”. Tôi được thể võ mồm, cả nhà cứ yên tâm đi, tôi đã có bao nhiêu năm là lính trinh sát khi còn trong quân ngũ nên gấu cũng chẳng có gì mà ngại. Còn có một cách truyền thống chống gấu tấn công nữa là bốn người đi liền nhau hò hát, vui nhộn để gấu thấy không dám tới gần... Nhìn ra không gian xung quanh cánh rừng vẫn ngợp một màu vàng. Lòng xao động theo những chiếc lá rơi đang chao nghiêng la đà xuống đất khi gặp ngọn gió nhẹ ngang qua. Bên cạnh những chú sóc thoăn thoắt leo trên những cây cao, rồi có lúc tụt xuống vào hang dưới đất. Vài chú khác lý lắc chuyền từ cành nọ sang cành kia. Chúng rất dạn dĩ, trông thật dễ thương. Cái tinh nghịch hồn nhiên của mấy chú sóc làm không gian thu ở đây càng thêm sâu lắng hơn.

     Luẩn quẩn mãi ở khu rừng này mà cũng chưa gặp tốp hái nấm nào khác. Sợ bị lạc, tôi hỏi Valentin: “Bạn có thuộc đường ra không?”. “Yên tâm đi, tôi nhiều lần đến đây rồi. Có lạc thì vợ chồng tôi ngủ một chỗ còn anh và Natasa ngủ một chỗ, được chưa?”. Valentin đáp lại. Chúng tôi phá lên cười. Từ lúc ấy tôi và Natasa gần gũi nhau hơn. Tôi kể cho Natasa về cuộc đời người lính mà tôi đã từng qua. Kể về Cộng hòa Uzbekistan mà tôi đã từng sống, về truyện ngắn “Con thuyền không bến”... Còn Natasa kể về cuộc đời của mình với một nét vô tư in trên khuôn mặt trái xoan chín ửng. Chúng tôi lạc vào một góc khuất rừng thông lãng mạn và: “Mùa se lạnh cuộn tròn lời nhắn nhủ. Câu tỏ tình vẫn tươi hồng từng con chữ. Em bối rối...phập phồng.... Căn nhà gỗ giữa rừng ướt đẫm trăng khuya...” Ngoài việc đi thư dãn, chúng tôi cũng thu hoạch được một số nấm để cải thiện bữa ăn. Nấm nấu súp, nấm làm bánh, nấm xào bò... là những món ăn không chê vào đâu được.

     Mặt trời đã ngả về chiều, Vera gọi tôi chuẩn bị về không kẻo muộn. Bốn người vòng vo tam quốc mãi rồi cũng lần ra được bìa rừng. Tôi cứ đùa với vợ chồng Vera. Nếu hôm nay bị lạc lại có đêm thơ mộng biết mấy. Một kỷ niệm đẹp trong đời phải biết? Vera cười và nói: Anh chỉ có mong thế là giỏi thôi. Từ hôm nay tôi đồng ý trao Natasa cho Tolia quản lý nhé. Tôi gật đầu cười và thầm cảm ơn. Chiếc xe buýt từ xa đã tới, bốn người chúng tôi nhanh chóng bước lên xe. Ngồi trên xe lòng lâng châng hạnh phúc, mong cho thời gian trôi mau để lần sau mình lại tiếp tục có cuộc du ngoạn hái nấm mùa thu.

                                                                  Ngọc Tô