/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

ĐỀN TRẦN HOÀNG TÔN LẠI THÀNH ĐỀN TƯỚNG TRẦN QUỐC BẢO?

Còn dãy núi chiếm hầu hết làng Tràng Kinh xưa là núi Hoàng Tôn, nơi đây đã được công nhận là “Di tích cấp quốc gia đặc biệt”...

ĐỀN TRẦN HOÀNG TÔN LẠI

THÀNH ĐỀN TƯỚNG QUÂN TRẦN QUỐC BẢO?

.

        Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 đại thắng vào năm 1288, đã làm nên trang sử chói lọi của dân tộc ta trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Chiến công này càng khảng định lòng yêu nước thiết tha, cũng như ý chí quyết tâm của quân dân nhà Trần với lòng tự hào dân tộc và góp phần làm phong phú thêm truyền thống quân sự của quân dân Đại Việt, đặc biệt là sự đóng góp vô cùng quan trọng của Hoàng thân quốc thích nhà Trần ở nửa cuối thế kỷ XIII.  

     Chắc không người Việt trưởng thành nào, mà không biết tới Bạch Đằng Giang, con sông huyền thoại đã đi vào lịch sử trong các lần chống quân xâm lược phương Bắc. Nếu ai đã từng một lần đến dòng sông lịch sử này, thì đừng quên ghé thăm các di tích lịch sử cổ thời đó.

     Trong tay tôi có tấm bản đồ huyện Thủy Đường, tỉnh Hải Dương trước thời Đồng Khánh (1886 - 1888) thì dãy Hoàng Tôn Sơn () bao trùm từ phía Đông của xã Tràng Kinh hắt về phía Bắc, tức từ phía triền tả hạ lưu Mỹ Giang (nay là sông Giá) và triền hữu sông Bạch Đằng từ ngã 3 Mỹ Giang và Bạch Đằng Giang ngược lên phía trên, tức từ khu vực Công ty Xi măng Chinh Phong ngày nay ngược lên phía trên.

     Theo sách “Đồng Khánh địa dư chí” và bản đồ trước thời Đồng Khánh (1886) của huyện Thủy Đường, tỉnh Hải Dương đều ghi: “Đền thờ Hoàng Tôn nhà Trần ở xã Tràng Kinh nằm ở chân núi Hoàng Tôn thuộc tổng Dưỡng Động. Và, tại xã Thụ Khê, tổng Trúc Động có đền thờ Trần Hưng Đạo, cũng như đền thờ Lê Trạng nguyên ở xã Thanh Lãng, tổng Phù Lưu và miếu thờ Thiên Hộ thần (con trai thứ 4 của Trần Hưng Đạo, thần tự là Hưng Trí, húy là Trần Quốc Hiện) ở xã Chung Mỹ, tổng Thủy Đường”. Còn 2 huyện bên triền tả sông Bạch Đằng là Yên Hưng và Đông Triều không thấy ghi bất kỳ một di tích lịch sử nào có liên quan tới nhà Trần. Rồi, không biết dựa vào nguồn tài liệu nào, mà sách “Đồng Khánh địa dư chí” có đoạn văn ghi:

Nguyên văn Hán Việt (Vũ Hoàng):
       陳皇孫祠
       長溼涇社奉祀, 陳英尊子,字國寶討范伯齡賊于白藤江.大勝,還至伊社卒. 葬于伊社山麓, 土人于山上立祀, 名其山曰皇孫山.

Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
       Trần Hoàng Tôn từ
       Tràng Kinh xã phụng tự. Trần Anh Tôn tử, tự Quốc Bảo. Thảo Phạm Bá Linh tặc vu Bạch Đằng giang. Đại thắng, hoàn chí y xã tốt táng vu y xã sơn lộc. Thổ nhân vu sơn thượng lập tự, chi danh kỳ sơn viết: Hoàng Tôn sơn.
       Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
       Đền thờ Hoàng Tôn nhà Trần
       Ở xã Tràng Kinh thờ phụng con trai của vua Trần Anh Tông, tên chữ là Quốc Bảo, chỉ huy đánh quân Nguyên là Phạm Bá Linh tại sông Bạch Đằng, giành thắng lớn. Sau đó về đến xã Tràng Kinh thì mất. Dân làng mai táng ngài ở chân núi, lập đền thờ bên núi và đặt tên núi là Hoàng Tôn Sơn (tức núi Hoàng Tôn).
 

        Hay sách “Đại Nam nhất thống chí” tập III, xuất bản đầu thế kỷ XX cũng ghi tương tự như sách“Đồng Khánh địa dư chí”, nhưng nội dung có chút đôi khác là “tên thần là Quốc Bảo, cháu vua Trần”. Còn theo Thần tích – Thần sắc xã Tràng Kinh (Kênh), tổng Dưỡng Động, huyện Thủy Đường và “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng”ghi: “Xã Tràng Kênh thờ 2 vị Thành hoàng là Trần Quốc Bảo và Trần Huệ. Cả hai vị đều chưa rõ sự tích, được thờ ở đền bằng tượng và ỷ, bài vị, ở đình làng có thờ một cỗ ỷ và bài vị. Trước năm 1938, xã này còn giữ được 8 sắc phong thuộc các đời: Cảnh Hưng thứ 28 (1767), Cảnh Hưng thứ 40 (1779), Quang Trung thứ 5 (1792), Cảnh Thịnh thứ 4 (1794), Gia Long thứ 9 (1810), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Thành Thái nguyên niên (1889) và Duy Tân thứ 3 (1909)”.

     Qua các dữ liệu trên, ta thấy vào thời Đồng Khánh (1886 – 1888), thì cái tên Trần Quốc Bảo mới xuất hiện. Còn các tư liệu khác trước thời Đồng Khánh chỉ ghi đền Hoàng Tôn nhà Trần mà thôi. Hai từ Hoàng Tôn () có nghĩa là hậu duệ nam đời thứ 3 (cháu nội) của vua Trần ngôi thứ nhất, tức vua Trần Thái Tông, sinh năm 1218 mất năm 1277, ở ngôi từ năm 1226 đến năm 1258, rồi làm Thái Thượng hoàng đến khi mất.

     Sau này người đời vinh danh cho Hoàng thân quốc thích hậu duệ đời thứ 3 của nhà Trần với cái tên “Trần Quốc Bảo”, có nghĩa là “báu vật quốc gia thời Trần”, chứ không phải tên một cá nhân nào cả. Vì thế, thần tích “Tướng quân Trần Quốc Bảo” thì chẳng có ai rõ là vậy. Còn phần mộ của các Tướng quân nhà Trần được xây dựng ở đây chỉ là tượng trưng vì nếu họ còn xác, mà lại là Hoàng thân quốc thích nhà Trần thì sẽ được đưa về chôn cất tại lăng miếu nhà Trần. 

     Rồi, thời gian gần đây nhiều người dân ở thị trấn Minh Đức, cũng như ở huyện Thủy Nguyên nhờ chúng tôi xem hộ “Tướng quân Trần Quốc Bảo” có phải là con trai vua Trần Anh Tông như sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi không?

        Tôi có thể trả lời ngay là không. Vì vua Trần Anh Tông sinh năm 1276, còn con trai ông là Trần Mạnh (tức vua Trần Minh Tông) sinh năm 1300, nên cả 2 cha con vị vua này không thể tham gia chống quân Nguyên Mông vào năm 1288 được?

Thứ ngôi gia phả nhà Trần

Đời sau lẫn lộn ghi nhầm cháu con

“Bút sa gà chết” tủi hờn

Để người đời khóc oan hồn thần linh?

       Ít lâu sau, tôi liên hệ với Ban quản lý “Khu Di tích đền thờ Trần Quốc Bảo” ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và lúc tới nơi mới biết đến nay địa phương còn giữ được hai sắc phong thời Nguyễn. Chúng tôi đã trực tiếp xem và dịch nguyên bản như sau:   

  1. Sắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)

Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):

Sắc chỉ Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi thần, hướng lai hộ quốc tý dân, nhẫm trứ linh ứng tiết mông, ban cấp sắc tặng sắc, lưu tự tứ kim phi ưng. Cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng: Dực Bảo Trung Hưng Chi thần. Nhưng chuẩn hứa: Hải Dương tỉnh, Thủy Nguyên huyện, Tràng Kinh xã y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

        Khâm tai!

        Đồng Khánh nhị niên, thất nguyệt, nhị thập nhất nhật.

        Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):

       Sắc cho Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi thần bấy lâu giúp nước an dân linh ứng đã rõ. Thần được ban cấp sắc phong thờ tự. Nay Trẫm trên vâng mệnh trời, xa nhớ tới công lao che chở của thần, gia tặng cho thần Dực Bảo Trung Hưng Chi thần, chuẩn cho xã Tràng Kinh, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Dương được tiếp tục thờ phụng như trước. Mong thần hãy phù hộ che chở cho dân lành của Trẫm.

        Hãy tuân theo!

Ngày 21 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).

  1. Sắc năm Duy Tân thứ 3 (1909).

Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):

Sắc chỉ Quảng Yên tỉnh, Yên Hưng huyện, Tràng Kinh xã, tòng tiền phụng sự, Dự Bảo Trung Hưng Linh Phù Minh Hiển Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Duy Tân tam niên, bát nguyệt, thập nhất nhật.

Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):

Sắc cho xã Tràng Kinh, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên từ trước vẫn thờ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Minh Hiển Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần đã được ban cấp tặng sắc. Nay đổi hiệu Duy Tân năm thứ nhất, Trẫm đăng quang mở đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, gia tặng phẩm trật. Đặc chuẩn cho dân làng được thờ phụng thần như trước, nhân dịp quốc khánh ghi tại điển lễ.

Hãy tuân theo!

Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).

        Qua nội dung 2 đạo (sắc) trên, chúng tôi khảng định đây là sắc phong cho Thành hoàng làng Tràng Kinh, tổng Dưỡng Động. Và đến năm Duy Tân thứ 3 (1909) vẫn chỉ được gia tặng Bản Cảnh Thành Hoàng Chi thần thôi. Ta có thể hiểu đây là vị thần chưa có “độ linh ứng” lớn và đây không phải sắc phong cho đền Hoàng Tôn.

     Cho tới nay, tất cả những tư liệu cổ có liên quan tới đền Hoàng Tôn chỉ còn 2 bia đá được lập vào năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626) đời vua Lê Thần Tông, mà đền còn giữ gìn nguyên vẹn và được biết tại địa điểm này đền Hoàng Tôn đã được dựng từ rất xa xưa.

        Lúc xem chi tiết bia đá, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới Lệnh chỉ của Thanh Đô vương Trịnh Tráng thời Lê trung hưng, lệnh cho quan viên huyện Thủy Đường và xã Tràng Kinh tu tạo lại đền Hoàng Tôn. Trong đó có ghi: “Thượng Đẳng thần từ, minh hiển Thiên tử Hoàng Tôn”(上等神祠明顯天子皇孫), có nghĩa là “Làm rạng rỡ công đức các cháu của vua, cấp Thượng Đẳng thần cho đền”.  Và 4 từ “Thiên tử Hoàng Tôn” chẳng phải là “các cháu của nhà vua” đó sao. Đây là sắc lệnh cho đền thờ các cháu vua Trần, chứ không phải cho cá nhân Tướng quân nào cả. Lệnh này nó giống như “Bằng di tích cấp quốc gia đặc biệt” ngày nay cho đền Hoàng Tôn, chứ không phải sắc phong thần...   

       Tương tự như sắc năm Tự Đức thứ 6 (1853) cho 17 xã thuộc huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, mà các Nhà Nghiên cứu Lịch sử Văn hóa và “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” trang 582 ở mục “Các vị Thành hoàng được thờ ở Hải Phòng”, trang 596 và 597 ghi: Thành hoàng Ngô Quyền được thờ ở 17 làng xã sau:

        Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):

        Sắc chỉ Hải Dương tỉnh, An Dương huyện, Đông Khê, Phụng Pháp, Hàng Kênh, Dư Hàng, An Biên, Vĩnh Lưu, Hạ Đoàn, Đoàn Xá, Vạn Mỹ, Trực Cát, Đồng Xá, Cát Bi, Da Viên, Lạc Viên, Thượng Lý, Hạ Lý, An Chân đẳng xã. Tòng tiền phụng sự Tiền Ngô Vương miếu, tứ kim phi ưng cảnh mệnh, chỉ thiệu tiền du, đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng thân kính ý.

       Khâm tai!

       Tự Đức lục niên, thập nhất nguyệt, sơ thập nhật.

     Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):

     Sắc cho các xã Đông Khê, Phụng Pháp, Hàng Kênh, Dư Hàng, An Biên, Vĩnh Lưu, Hạ Đoàn, Đoàn Xá, Vạn Mỹ, Trực Cát, Đồng Xá, Cát Bi, Da Viên, Lạc Viên, Thượng Lý, Hạ Lý, An Chân, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, đã từng lập miếu thờ Tiền Ngô Vương, đến nay linh ứng đã rõ. Nay nối thừa mệnh lớn tiếp phê chuẩn cho các xã thờ phụng như cũ để tỏ lòng tôn kính Đức Ngài.

     Hãy tuân theo!

     Ngày 10 tháng 11 năm Tự Đức thứ 6 (1853). 

     Qua nội dung sắc này, người dân bình thường cũng hiểu được đây không phải là sắc phong thần. Trong sắc này, ta không thấy tên thần của Tiền Ngô Vương (tức Ngô Quyền) và các mỹ tự kèm theo được gia tặng. Đây chỉ là sắc “nối thừa mệnh lớn tiếp phê chuẩn cho các xã thờ phụng như cũ để tỏ lòng tôn kính Đức Ngài”, giống như “Bằng di tích cấp quốc gia” ngày nay cho đền thờ Ngô Quyền mà thôi.

        Quay lại bánh xe thời gian!

     Một Tướng quân tài ba, vị Tổng chỉ huy quân đội thời Trần, người đời sau tôn vinh là Đức Thánh Trần, được cả thế giới biết đến, mà cũng không được đặt tên cho dãy núi nào tại khu vực sông Bạch Đằng này. Còn theo quốc sử thời Nguyễn thì “Trần Quốc Bảo” là một Tướng quân lại được đặt tên cho cả dãy núi ở làng Tràng Kinh, giang Nam Triệu (nay là huyện Thủy Nguyên) hay sao? Vì vậy, ta càng có căn cứ để khảng định đền Hoàng Tôn là đền thờ các cháu vua Trần Thái Tông, tức các hậu duệ ngang hàng với vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308), ở ngôi (1278 - 1293).

        Căn cứ vào các dữ liệu trên, ta có thể khảng định đền thờ Hoàng Tôn nhà Trần ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là đền thờ các cháu của vua Trần Thái Tông, những “bậc thiên tài” này cùng với quân dân Đại Việt làm nên chiến thắng oai hùng trong công cuộc chống ngoại xâm Nguyên Mông lần thứ 3.

       Còn dãy núi chiếm hầu hết làng Tràng Kinh xưa là núi Hoàng Tôn, nơi đây đã được công nhận là “Di tích cấp quốc gia đặc biệt” từ thời Lê trung hưng. Và từ thời cơ chế thị trường ngày nay, các ngọn núi nơi đây đều đã có chủ: Một số núi đã khai thác, một số đang khai thác, một số chuẩn bị khai thác… để làm xi măng, các công trình giao thông, vật liệu xây dựng, san lấp công trình, đê biển.v.v. Mong rằng các cấp chính quyền từ địa phương tới Trung ương hãy quan tâm hơn nữa, hãy giữ gìn và bảo tồn toàn bộ khu di tích cổ này.

Ảnh:

IMG_0041_1.jpg

Bia đá đền Hoàng Tôn lập năm 1626 

.

IMG_0062_1.jpg

Ngọc Tô (áo xanh) cùng các cộng sự tại đền Hoàng Tôn

.

IMG_0074_1.jpg

Tác giả (trái) và Nhà Hán Nôm Vũ Hoàng trước đền Hoàng Tôn

NGỌC TÔ