/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

Cuộc hội ngộ toàn cầu

Nước Nga đã găm vào kí ức những gì đẹp nhất, yêu quí nhất như dấu ấn trong đời!

Cuộc hội ngộ toàn cầu
(Bút ký của TNT) 

 

       Buổi sáng mùa thu ở Matxcơva thật nhẹ nhàng và êm dịu. Những sợi nắng sớm trong ngày còn đang vắt vẻo trên ngọn cây bên khách sạn Saliut. Bao kỉ niệm xưa lại ùa về. Bên cổng ra vào khách sạn có chiếc xe hơi dài chừng hơn chục thước đỗ nghênh ngang, giống như cô gái chân dài đang phô hết cơ thể mình với các cựu sinh viên quốc tế. Mấy anh chị Việt Nam đang say sưa chụp ảnh với chiếc xe lạ. Gặp vợ chồng một giáo sư thuộc Đại học Tổng hợp Bắc Kinh, nhớ ra hôm nay là quốc khánh Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tôi liền ra chúc mừng các bạn Trung Quốc. Hai vợ chồng nhà giáo và bạn bè người Hoa cảm ơn rối rít. Ngay sau đó đoàn chúng tôi chung với các đoàn quốc tế khác, đủ các màu da, các trang phục, lứa tuổi... cùng lên ô tô về Nhà Công đoàn trung tâm Matxcơva, nơi diễn ra khai mạc hội nghị. Trên xe mọi người nói cười vui vẻ. Nhiều bạn bè quốc tế gửi lời chia buồn với đoàn Việt Nam về vụ sập cầu Cần Thơ. Thế rồi chẳng mấy chốc xe tới nơi.

      Lần đầu tiên tôi được vào tòa nhà này. Nhìn bề ngoài cũng thấy bình thường. Nhưng khi vào trong và đặc biệt ngắm nhìn hội trường lớn, mới thấy kiểu kiến trúc rất hoành tráng. Toàn bộ bề mặt nền, tường được ốp bằng đá, trần nhà được treo những cụm đèn chùm rất cổ kính, sang trọng và quý phái.

       Nhìn nét mặt hồ hởi của từng thành viên đến từ các châu lục, mọi người làm quen với nhau, cho nhau địa chỉ, điện thoại, Email... Cái vui nhất trong hội nghị toàn cầu này là con người của gần 150 quốc gia đều hiểu, giao tiếp với nhau bằng tiếng Nga, thích món ăn Nga và nhanh chóng tìm được tiếng nói chung.

      Mở đầu là phần ca nhạc chào mừng. Đúng mười giờ Hội nghị khai mạc. Tới dự có Tổng thống Nga Dmitri Anatolevich Medvedev, nhiều quan chức Chính phủ Nga và quốc tế. Hội nghị mở đầu bằng thư chúc mừng của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết, cả hội trường đứng dậy vỗ tay kéo dài. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga Andrey Fursenko đọc diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Xecgây Lavrôp phát biểu chào mừng.
.
 
Tổng thống Nga Metvedev trong đoàn chủ tịch (người thứ 2 từ phải sang). Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Lavrov phát biểu

      Theo tài liệu của bạn thì số sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học Nga, trên 25.000 người, đứng thứ hai, sau Bungari (50.000 người). Nhưng theo Hội Hữu nghị Việt Nga thì con số gần 50.000 người mới chính xác, vì bạn chưa tính hết những người học chuyên tu, tại chức, những sinh viên tự túc đi học và nghiên cứu sinh, thực tập sinh.

      Trên diễn đàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội hữu nghị nước ta Vũ Xuân Hồng thay mặt đoàn Việt Nam đọc diễn văn chào mừng, được hội nghị và bạn bè quốc tế tán thưởng. Theo tôi có nhiều phát biểu hay, nhưng gây được tiếng vang là đoàn Việt Nam và đoàn Cu Ba do tiến sĩ Vũ Xuân Hồng và con trai Phiđen Catxtơrô trình bầy. Ngay ngày đầu tiên đoàn Việt Nam đã được nhiều cơ quan thông tin đại chúng Nga, quốc tế đăng tải trên báo viết và báo hình. Đặc biệt, tiến sĩ Hoàng Việt Tâm tuổi đã gần bảy mươi, người có bộ râu đẹp, anh em trong đoàn thường gọi là anh “Như Cương”, được nhiều báo giới phỏng vấn đưa tin và bạn bè quốc tế xin được cùng chụp ảnh lưu niệm.


TNT (Đeo kính) cùng bè bạn quốc tế tại Hội nghị.

      Ngày tiếp theo hội nghị chia làm ba chuyên đề. Vấn đề học tập tại các trường đại học, nâng cao ngành nghề được thảo luận tại Trường Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc (số 6 phố Milukho - Maclaia). Vấn đề hợp tác với những người đã tốt nghiệp đại học tại Liên Xô và Nga thảo luận tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonoxov (МГУ). Vấn đề tiếng Nga trên toàn thế giới được thảo luận tại Trường Đại học quốc gia tiếng Nga mang tên A.X. Puskin (số 6 phố Volgina).

    Tôi được phân công tham gia vào chương trình hai, thảo luận tại hội trường thư viện của МГУ do Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Khoa học Nga và viện sĩ hiệu trưởng МГУ điều hành. Cuộc thảo luận rất sôi nổi, lúc đầu mỗi ý kiến cho phép thời gian mười phút nhưng càng về sau có nhiều bài phát biểu nên ban tổ chức hạn chế thời gian ngắn hơn. Đến giờ nghỉ trưa chúng tôi được đến nhà ăn của trường, xếp hàng lấy thức ăn. Bao kí ức xưa ùa về. Những món ăn Nga không thể nào quên, giây phút đợi chờ đáng nhớ… làm trỗi dậy trong tôi một kỉ niệm đẹp trong chuyến đi lần này. Sau ăn trưa, tôi tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh lưu niệm bên các tượng đài danh nhân văn hóa nổi tiếng như Puskin, Macxim Gorki, Lev Tonstoi…

      Buổi thảo luận lại tiếp tục. Tất cả các tham luận đều hay nhưng thời gian có hạn, nên cuối cùng ban tổ chức chỉ cho không quá năm phút một tham luận. Đoàn Việt Nam được bạn bè quốc tế chú ý trong cả ba chuyên đề, đặc biệt là chuyên đề hợp tác về khoa học kĩ thuật Việt - Nga do viện sĩ Trịnh Quốc Khánh trình bầy.

     Chiều ngày mồng 2 tháng 10 chúng tôi được ban tổ chức hội nghị mời xem biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát lớn Matxcơva. Đoạn đường từ khách sạn tới nơi biểu diễn không xa lắm, nhưng xe phải xuất hành sớm, sợ đến trễ. Thành phố Matxcơva về đêm càng kiêu sa lộng lẫy. Những tòa cao ốc với các loại kiến trúc muôn hình muôn vẻ nối đuôi nhau, muôn gam màu dọc hai bên đường lung linh tráng lệ, những công trình văn hóa càng đài các hào hoa. Chả mấy chốc đoàn xe đã tới nơi. Nhà hát lớn Matxcơva thành lập từ năm 1776, qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được cơ bản hồn kiến trúc ban đầu với tám chiếc cột lớn hùng vĩ tại mặt tiền và vị thần Apolon cưỡi ngựa trên mái. Có thể nói tòa nhà này là ngôi đền thiêng liêng nhất của nền văn hóa Nga. Nhà hát có sân khấu di động điều khiển bằng hệ thống tự động hóa hiện đại. Đây là công trình văn hóa độc tôn của nước Nga và của nhân loại. Những tiết mục biểu diễn đầy sống động, bao bài hát dân ca vui nhộn, muôn điệu múa dân tộc cứ quyện vào lòng người xem.

      Đến ngày mồng 3 tháng 10, Bộ Giáo dục và Khoa học Nga chủ trì hội nghị tại hội trường МГУ. Thời gian vô cùng eo hẹp, những bài phát biểu bắt buộc phải cô đọng hơn, hội nghị làm thẳng một mạch đến chiều. Cuối buổi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga Andrey Fursenko kết thúc hội nghị, mời toàn thể các thành viên dự tiệc đứng thân mật và chia tay các chính khách trên toàn thế giới, hẹn gặp nhau vào hội nghị lần ba năm 2011. Nhìn những gương mặt tham dự, đại đa số mái đầu đã nhuốm bạc, nhưng nét mặt người nào cũng rạng ngời một niềm kiêu hãnh về Liên Xô trước đây, về nước Nga ngày nay. Chúng tôi vẫn thầm cảm ơn tấm lòng đôn hậu Nga, để đại đa số hôm nay các cựu sinh viên đã trưởng thành trong mọi mặt. Cảm ơn nước Nga đã chắp mối cho các cựu sinh viên toàn cầu đến với nhau dưới mái nhà chung đầm ấm và hạnh phúc.

     Ngay sau đó đoàn Việt Nam được Hội Hữu nghị Nga – Việt, do viện sĩ Vladimir Petrovich Buianov làm Chủ tịch mời về trụ sở hội gặp gỡ, tiếp xúc và dự tiệc. Tham dự đoàn còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Bùi Đình Dĩnh, các phóng viên báo chí Việt Nam tại Nga. Với những lời phát biểu ngắn gọn, tiết mục văn nghệ độc đáo đã in sâu vào hồn những thành viên có mặt trong buổi tiếp đón thắm tình hữu nghị này. Tranh thủ thời gian, tôi có trò chuyện với phó giáo sư, tiến sĩ NQT hiện đang công tác tại Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ông là người học cùng trường Đại học Trắc địa, lại sống cùng phòng với ông HMT, mấy tối qua các “bố” đi đâu, tôi tìm mãi chẳng thấy. Lúc này anh bạn mới thật thà kể cho tôi nghe câu chuyện tình Nga -Việt đầy bí ẩn.

    NQT sang nghiên cứu sinh sau HMT một vài năm. Lúc ở Trường Đại học Trắc địa Matxcơva, HMT có yêu một nữ sinh viên Nga, tóc màu hạt dẻ, trông dễ coi. Nhưng thời đó pháp luật Việt Nam chưa cho phép. Thỉnh thoảng HMT lại dẫn bạn gái lên phòng, nếu quá giờ quy định là bị “Thanh niên cờ đỏ”, một tổ chức của Thành đoàn Matxcơva đến “kiếm cớ” gây sự. Nhiều bận HMT giấu người yêu vào khe tủ, “Đội cờ đỏ” không phát hiện được. Một hôm biết chắc chắn có bạn gái của HMT ở trong phòng, “Đội cờ đỏ” của kí túc xá báo cho Thường trực Thành đoàn Mát, xin ý kiến chỉ đạo. Ông bạn vàng VTC lúc ấy đang là sinh viên, kiêm Phó Bí thư Thành đoàn Matxcơva, được cử xuống chỉ đạo trực tiếp. Đoàn chia làm hai tốp, ngồi hai đầu hành lang mai phục. HMT có mật báo, biết có chuyện chẳng lành, dùng ga giường nối vào nhau cho bạn gái xuống tầng dưới, rồi đàng hoàng ra mở cửa. “Đội cờ đỏ” vào phòng lục soát, bới tung tất cả nhưng không phát hiện được gì. Từ đó “Đội cờ đỏ” cam kết chấm dứt kiểm tra phòng đối với HMT. Không biết cuộc tình của họ còn tiếp diễn về sau ra sao? Chỉ biết sau một thời gian, cô sinh viên Nga kia sinh được một cháu trai kháu khỉnh. Cô gái giấu biệt mọi người và cháu bé lớn lên trong tình thương yêu của mẹ. Gần ba mươi năm trôi qua, cháu bé hôm nọ, nay đã thành chàng trai khôi ngô tuấn tú. Khi có gia đình riêng, chàng trai kiên quyết bắt mẹ cho mình biết ai là bố đẻ của cu cậu? Lúc đầu mẹ cậu còn trí trá cho qua chuyện. Nhưng càng ngày chàng trai càng kiên quyết, bắt mẹ cậu phải nói thật. Đến thời điểm đó, mẹ cậu không còn biết gì hết. Chỉ nhớ tên bố cậu là HMT, người Việt Nam, nghiên cứu sinh Trường Đại học Trắc địa Matxcơva. Đến trường hỏi mãi cũng chẳng ai biết, cậu đành đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mát thử vận may một bận xem sao. Rất may hôm đó có một cán bộ sứ quán phụ trách đối ngoại học khóa sau cùng trường với bố cậu. Trong vòng mấy phút cậu đã có địa chỉ, số phôn của tiến sĩ HMT. Qua điện thoại, sợi dây tình cảm của hai bố con được nối với nhau. Hôm đến sân bay Mát, cả nhà cậu ra đón và hôm sau NQT có đi với HMT đến nhà con trai mừng cháu nội tròn tuổi. Qua lời kể của NQT thì con trai HMT là thanh niên tốt, không nghiện rượu và thuốc lá. Tôi hỏi: “Thế ông nhìn có giống HMT không?” NQT trả lời: “Theo ông HMT thì có nhiều điểm thằng con ở Mát và thằng ở Hà Nội giống nhau. Khi bế cháu nội, HMT có sờ tai cháu đích tôn và nói nó giống tai tôi quá…”. Chuyện tình còn dài và không biết ông HMT ngày nào quay trở lại Việt Nam. Thế rồi chúng tôi tạm chia tay nhau. Người có công việc riêng thì tỏa đi các thành phố khác hay ở lại Matxcơva. Hẹn mấy ngày sau có mặt tại sân bay quốc tế Matxcơva cùng về nước.

    Từ thập kỉ 20 của thế kỉ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đến nước Nga và đặt viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ Việt Nga. Qua hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, mối tình thuỷ chung đó được nhiều thế hệ gìn giữ, vun đắp trong thời bình cũng như trong thời chiến. Những cựu sinh viên chúng tôi thuộc lớp thế hệ sau. Tiếp bước cha anh, cố gắng hết sức mình vun đúc cho tình hữu nghị bền chặt ấy.

      Chúng tôi đang ngợp giữa mùa thu vàng Lêvitan, cảm xúc dâng trào bởi không chỉ nước Nga là quê hương thứ hai của mình. Nước Nga đã găm vào kí ức những gì đẹp nhất, yêu quí nhất như dấu ấn trong đời!

 (Trích )