/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

CUNG ĐIỆN MÙA HÈ BẮC KINH

Theo chương trình chúng tôi còn tiếp tục khám phá các địa danh khác ở thủ đô Bắc Kinh. Rời Di Hòa Viên, một trong những điểm du lịch nổi tiếng về khu vườn thượng uyển Hoàng gia lớn nhất đất nước hình con gà trống...

CUNG ĐIỆN MÙA HÈ BẮC KINH
Bút kí của Ngọc Tô

 

     Hôm nay đã bước sang ngày thứ hai đoàn chúng tôi tới Bắc Kinh, bầu trời khá âm u, những chiếc lá vàng cuối cùng bay nhè nhẹ như muôn cánh bướm rồi tà tà đậu trên mặt cỏ bởi từng cơn gió bấc tinh nghịch. Nhìn những cánh lá im lìm trải trên mặt đất cho ta cảm giác như lạc vào cõi mông lung. Trời trở mình, thời tiết bắt đầu lạnh. Khi ra đường mọi người phải mang trên mình những bộ quần áo ấm để chống chọi với cái giá rét đầu đông. Nhiệt độ ngoài trời lúc này đang dần xuống không độ C, làm đại đa số thành viên trong đoàn mong mỏi được tận mắt chứng kiến cảnh tuyết rơi. Tôi có nói với mọi người: “Theo kinh nghiệm bản thân, với tiết trời thế này thì lúc nữa là lác đác mưa và ngay sau đó là tuyết rơi, các bạn sẽ thỏa thích chiêm ngưỡng”. Thế rồi chiếc xe hai tư chỗ đưa chúng tôi về phía tây bắc thành phố với quãng đường mười lăm ki-lô-mét và Di Hòa Viên đã hiện ra trước mặt. Nơi đây thường gọi là Vườn May Mắn hay Cung điện Mùa Hè của Vua chúa Trung Hoa. Tôi liền liên tưởng tới Cung điện Mùa Hè của Nga ở phía Tây Xanh Petecbua hay cung điện Versailles của Cộng hòa Pháp ở phía Tây Paris mà những năm trước tôi đã từng qua. Đây là những công trình kiến trúc có một không hai trên thế giới dành cho Sa Hoàng Nga và các Vua Pháp Louis XIII đến Louis XVI.

Lúc xe chở đoàn vừa tới Di Hòa Viên thì tuyết bắt đầu lác đác rơi và mỗi lúc một dày thêm. Những chùm hoa tuyết đầu mùa rơi lả tả từ không trung trắng xóa, rồi là là chạm xuống mặt đất trông thật là tuyệt. Tôi có cảm giác mình như lạc vào một không gian ảo: “Bông tuyết mảnh mai vờn bay thổn thức. Mắt chúm chím cư­­ời quay lượn chao nghiêng. Mỗi cánh nhỏ tròng trành muôn ký ức. Lẫn mơ hồ dịu ngọt mảnh đời riêng”. Bước vào cổng, mọi người gặp ngay một hòn đá sừng sững có hình nhân, mà người Trung Quốc gọi là Thọ Tinh Thạch, tượng trưng cho sự trường tồn và kế bên là tượng kỳ lân, tượng trưng cho chính nghĩa.

Theo hướng dẫn viên giới thiệu thì Di Hòa Viên có lịch sử tồn tại trên tám trăm năm. Vào thời nhà Kim (1115 – 1234) đã cho xây dựng hành cung Kim Sơn nguy nga và những khu giải trí cực kỳ xa xỉ tại đây. Sau này nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh đều cho dựng tại khu vực này nhiều công trình kiến trúc hoành tráng khác. Đến đời Vua Càn Long (1736 – 1796) thì cho tiến hành xây dựng khu công viên với quy mô lớn hơn. Đây là thời kỳ khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc, nên Vua Càn Long phải lấy lý do xây dựng chùa Báo Ân, tháp Thiên Thọ vào năm 1750 để mừng thọ mẹ mình và cái tên Thanh Y Viên ra đời từ đấy. Năm 1860 chiến tranh nha phiến liên quân Anh – Pháp xảy ra, khiến Thanh Y Viên bị hư hại nặng. Năm 1886 Từ Hy Thái Hậu lấy ngân quỹ vốn dùng để hiện đại hóa hải quân ra trùng tu hoa viên trong vòng mười năm và đặt tên là Di Hòa Viên. Năm 1900, trong loạn Quyền Phỉ, liên quân tám nước lại phá hoại hoa viên lần nữa. Từ Hy đã cho đại trùng tu hoa viên khi bà hồi cung về Bắc Kinh năm 1903. Di Hòa Viên mà ta chiêm ngưỡng hôm nay chính là những gì được tạo ra từ lần trùng tu này. Vào những ngày tháng hè Từ Hy Thái Hậu thường tới đây nghỉ ngơi và giải quyết các công việc triều chính. Vì thế mà Di Hòa Viên còn được gọi với cái tên khác là Cung điện Mùa hè. Năm 1998 Di Hòa Viên được công nhận là Di sản văn hóa thế giới với diện tích hai trăm chín mươi tư héc-ta, trong đó có hai trăm hai mươi héc-ta mặt nước. Theo một góc nhìn tổng thể ta thấy Di Hòa Viên được cấu thành bởi hai hình khối là núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh. Nếu xét về quy mô mặt bằng thì ngoài cung điện Mùa Hè ở ngoại ô Sain Peterburg (Nga) và cung điện Versailles ở ngoại ô Paris (Pháp) cũng chưa có cung điện cổ nào trên thế gian này có tổng diện tích lớn hơn Di Hòa Viên. Còn về quy mô xây dựng thì tổng các công trình kiến trúc của Di Hòa Viên gồm hơn ba ngàn gian, phân thành ba khu chức năng chính: Khu hành chính, khu cư trú - sinh hoạt và khu thưởng ngoạn. Nếu một người mỗi đêm ngủ một phòng trong ba tháng hè liên tục, thì sau hơn ba mươi ba năm mới thưởng lãm hết các gian phòng trong cung điện này.

Di Hòa Viên là một kiến trúc vườn với những nét nghệ thuật vô cùng độc đáo, chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử kiến trúc vườn ở Trung Quốc cũng như trên thế giới. Du khách khi tới tham quan sẽ qua cửa chính của Di Hòa viên là Cửa Đông Cung với sáu cánh cửa được sơn màu đỏ với các mũ đinh đều được dát vàng. Gian chính giữa treo bức hoành lớn, sơn son thếp vàng, trên đề ba chữ “Di Hòa Viên”. Đây là bút tích của Hoàng đế Quang Tự. Thành bậc phía trước là đôi rồng vờn ngọc trong mây bằng đá, niên đại Càn Long. Đôi rồng này vốn thuộc di tích vườn Viên Minh (cung An Hựu), sau được di chuyển tới đây và là biểu tượng tôn nghiêm của Hoàng Đế. Khi xưa, cửa này chỉ dành riêng cho Hoàng Đế và Hoàng hậu triều Thanh. Khi anh em chúng tôi qua đây, hướng dẫn viên lại đùa: “Các bác lần thứ hai trở thành Hoàng Đế Trung Hoa rồi đó”.

Qua cửa chính là vào khu vực Điện Nhân Thọ. Đây là nơi Vua Quang Tự làm việc, có một ngàn không trăm linh tám chữ thọ, trở thành trung tâm “Buông rèm nhiếp chính” điều khiển cả Cố Cung, bấy giờ là “Bộ Ngoại giao” và có đôi rồng phượng. Vì rồng tượng trưng cho Vua nên bao giờ người ta cũng đặt rồng trước phượng, tuy nhiên tại nơi này kể từ khi Từ Hy Thái Hậu lên nắm quyền thì phượng được đặt trước rồng. Nếu ta quan sát kỹ thì thấy con rồng trông hiền lành và đứng trên một nền đất bằng phẳng, trái lại con phượng trông rất uy nghi, chân đạp lên đỉnh núi như thể hiện quyền lực tuyệt đối của Từ Hy. Sau điện Nhân Thọ là ba tòa kiến trúc lớn, theo kiểu thức “Tứ hợp viện”, gồm Lạc Thọ đường, Ngọc Lan đường và Nghi Vân quán, là nơi sinh hoạt của Từ Hy, Quang Tự, Hoàng hậu và cung phi. Kế bên Nghi Vân quán là Nhà hát Kịch thuộc “Đức Hòa viên”, một trong ba Nhà hát Kịch lớn nhất Trung Quốc dưới thời nhà Thanh.

Các thành viên trong đoàn tiếp tục thưởng lãm khu tiền cảnh núi Vạn Thọ được bố trí theo hai trục chính. Trục đông tây là trường lang dài nhất thế giới có mái che được làm bằng hàng ngàn cây gỗ quý, hàng chục vạn viên đá hoa cương, cẩm thạch với chiều dài bảy trăm hai mươi tám mét gồm hai trăm bảy mươi ba gian. Mỗi gian có kiến trúc khác nhau với những bức tranh họa phong cảnh, sự tích, danh nhân nổi tiếng toàn quốc gia, trông như một dải lụa nối các công trình kiến trúc tuyệt diệu này với nhau. Còn trục nam bắc được bắt đầu từ khoảng giữa của trường lang, theo thứ tự gồm cửa Bài Vân, cửa Nhị Cung, điện Bài Vân, điện Đức Huy, gác Phật Hương và Trí Tuệ hải ở trên núi Vạn Thọ.

Chúng tôi đang ung dung bước trên hành lang dài hun hút, thì ngay bên cạnh là hồ Côn Minh với diện tích hai trăm hai mươi héc ta, chiếm phần lớn diện tích mặt nước trong Di Hòa Viên và chiếm tới ba phần tư diện tích toàn vườn. Ngoài trời tuyết đang rơi lả tả, nên mặt hồ không còn trong xanh, khói sóng mịt mờ như lần trước tôi đến thăm vào mùa thu nữa. Hướng dẫn viên có nói với mọi thành viên, nếu tuyết rơi mạnh như thế này thì chỉ một hai ngày là nước ở hồ sẽ đông cứng, tạo nên một không gian vô cùng kỳ bí. Thông với hồ là con kênh dẫn nước ở phía tây, du khách mở rộng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh kiến trúc sông nước Giang Nam, các cửa hàng cửa hiệu hai bên bờ rất đa dạng, từ cửa hàng bán đồ chơi, áo quần, vải vóc, đồ trang sức vàng bạc, đá quý đến các quán điểm tâm, nhà hàng. Vì Vua Càn Long muốn mẹ mình được ngắm nhìn phong cảnh phương nam mà không phải về quê, nên đã xây dựng con phố mang đậm phong cách Tô Châu. Các thái giám, người hầu đóng giả người bán hàng và kể cả kẻ cắp vặt... mô phỏng cuộc sống bình dân ở Tô Châu để làm vừa lòng Thái Hậu. Còn ở giữa hồ có ba hòn đảo và nối bờ kè phía đông là cây cầu vồng Thập Thất Khổng Kiều bằng đá gồm bảy mươi bảy nhịp dài một trăm năm mươi mét, rộng tám mét được trang trí năm trăm bốn mươi bốn con sư tử đá bộ điệu tư thế khác nhau với những kiến trúc cổ điển, khá đa dạng về phong cách.

Tiếp theo đoàn đến Gác Phật Hương. Đây là kiến trúc hình bát giác, có ba tầng, dựng trên một nền vuông ở lưng chừng núi cao hai mươi mốt mét, chiếm vị trí trung tâm của núi Vạn Thọ. Phật Hương cao bốn mươi mốt mét, có tám  cột lớn với kết cấu kiến trúc phức hợp và là sản phẩm tiêu biểu của kiến trúc cổ. Đây là công trình có quy mô lớn nhất trong Di Hòa viên với chức năng thờ Phật, phục vụ cho việc lễ bái của các thành viên Hoàng gia.

Một mô hình tiêu biểu nữa mà ít ai đã đến đây lại bỏ qua, đó là Điện Bài Vân. Đây là công trình trung tâm khu vực phía trước núi Vạn Thọ. Lúc đầu công trình này là chùa Đại Báo Ân Diên Thọ, do Càn Long xây dựng để mừng thọ mẹ mình sáu mươi tuổi. Sau đó đến đời Từ Hy Thái Hậu đã trùng tu công trình này thành điện Bài Vân. Đây là nơi Từ Hy Thái Hậu cư ngụ và thiết triều. Hai chữ “Bài Vân” được lấy từ tứ thơ của Quách Phác “Núi Bài Vân thần kỳ. Lầu ngọc cao sừng sững”, với ngụ ý ví điện này như một gác ngọc, ẩn hiện trong khói mây, có thần tiên ngự trị. Nhìn từ xa kiến trúc của điện Bài Vân, cổng Bài Vân, cửa Bài Vân, cầu Kim Thủy, cửa Nhị Cung tạo thành một chuỗi liên kết theo tầng bậc, vươn cao dần. Điện Bài Vân là một quần thể kiến trúc hoành tráng vào bậc nhất trong Di Hòa viên.

Tại Di Hòa Viên tôi thấy có khá nhiều dịch vụ, ngoài các quầy bán đồ lưu niệm truyền thống ra thì các dịch vụ hoá trang cho du khách để một lần được thử cảm giác làm Hoàng Đế, Hoàng hậu và chụp hình lưu niệm bên trong cung điện cũng khá đông người tham gia. Còn dịch vụ xe đạp lôi đưa du khách tham quan một vòng cung điện trên những chiếc xe sặc sỡ màu sắc hay thưởng thức món khoai lang nướng trong thùng thiếc thơm ngọt giữa trời đông cũng khá tấp nập.

Sát bờ hồ giáp với phía tây của trường lang là chiếc thuyền đá với cái tên “thuyền bình yên” khá ấn tượng. Đây là kiến trúc mang phong cách phương Tây duy nhất trong Di Hòa viên. Dưới triều Minh, thuyền đá chính là đài phóng sinh của chùa Viên Tĩnh. Khi Càn Long cho tu sửa vườn Thanh Y, ông đã cho cải tạo công trình này thành “thuyền đá” dài ba mươi sáu mét với nhiều chi tiết điêu khắc tinh xảo. Qua sự gia công khéo léo của không biết bao nhiêu nghệ nhân Trung Hoa mà khối đá vô tri vô giác trở nên sống động, uyển chuyển. Trông công trình này như một lâu đài gồm hai tầng, với sàn lát gạch hoa, cửa sổ bằng pha lê, mái lợp ngói có trang trí. Đường thoát nước của hệ mái thuyền được thiết kế rất kỳ công - khi mưa xuống nóc thuyền, nước được gom về bốn trụ rỗng trên thân thuyền, rồi dồn về bốn miệng ống thoát nước là bốn đầu rồng và chảy xuống hồ.

Cả quần thể Di Hòa Viên được xây dựng theo phong thủy cổ. Ngoài ra các quần thể khác như: Khu Hậu Sơn, Hậu Hồ, Điện Bài Vân, Lạc Thọ đường, Rạp hát, phố Tô Châu, gác Bảo Vân, khu thưởng ngoạn trong tranh (họa trung du), khu Trí Tuệ Hải (biển Trí Tuệ), Ngọc Lan đường, Tượng Trâu, Tứ Đại Bộ châu, Hài Thú viên… là những kiệt tác về kiến trúc và là một trong những công viên đẹp nhất thế giới. Những người xây dựng lên Di Hòa Viên rất khéo léo tận dụng mọi không gian lớn nhỏ, bố trí tinh tế, thâu tóm được những cảnh vật đặc sắc của vạn vật để dựng nên những cảnh quan vừa thiên nhiên vừa nhân tạo. Công trình này được xây dựng theo bố cục rất chặt chẽ về mặt phong thủy thể hiện ý tưởng phúc lộc thọ, theo mật chỉ của Từ Hy Thái Hậu...

Nhìn ra ngoài trời tôi lại nhớ cảnh tuyết rơi ở vùng đất Xibia mà tôi nhiều năm gắn bó: Tuyết trải dài tít tắp trời xa. Bông tuyết ôm nhau đắm đuối la đà. Tuyết khật khưỡng hòa hai thành một. Tuyết giao hoan trong bùa mê se sắt. Tuyết sinh sôi vào tháng giá ngày đông. Tuyết cồn cào trong sinh lực thập thồng.... Theo chương trình chúng tôi còn tiếp tục khám phá các địa danh khác ở thủ đô Bắc Kinh. Rời Di Hòa Viên, một trong những điểm du lịch nổi tiếng về khu vườn thượng uyển Hoàng gia lớn nhất Trung Quốc với lối kiến trúc hoa viên tuyệt hảo, cảnh non nước hữu tình cùng với những công trình kiến trúc cổ kỳ vĩ đã đưa các thành viên trong đoàn từ hết bất ngờ này tới bất ngờ khác.

 Ngọc Tô