/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

CƯ DÂN HẢI PHÒNG LÀ NGƯỜI BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

Chính họ là những người lính đầu tiên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo phía đông bắc của Tổ quốc, mà lâu nay lịch sử Việt Nam chưa vinh danh, chưa nhắc tới.

CƯ DÂN HẢI PHÒNG LÀ NGƯỜI
BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
(Trích bút ký của Tô Ngọc Thạch) 

 

        Chiếc xe con tiếp tục lăn bánh đưa chúng tôi tới Trà Cổ, một địa danh du lịch khá nổi tiếng, cách trung tâm Móng Cái chừng chục ki-lô-mét. Trước kia từ Móng Cái ra Trà Cổ phải vượt qua một đầm lầy như một eo biển nhỏ, dân địa phương thường gọi là sông Trà Cổ. Rồi những lúc triều cường, phần đất liền nối trung tâm thành phố Móng Cái với Trà Cổ bị chìm trong biển nước, nên có thể nói mảnh đất Trà Cổ là hòn đảo địa đầu của vùng biển Việt Nam. Đảo có hình lưỡi liềm chạy dài theo hướng đông bắc – tây nam với bề rộng khoảng 3 ki-lô-mét và chiều dài 17 ki-lô-mét từ Sa Vĩ đến Mũi Ngọc. Phía đông nam đảo là vịnh Bắc Bộ với bãi cát trắng chạy dọc suốt chiều dài đảo./Thoai thoải bờ cát mịn. Say trong giấc mơ màng. Ru hồn tôi khẽ khàng. Phập phồng nghe biển thở/. Cát ở bãi biển này được nén khá chắc, chả thế mà mấy gã xe ôm đôi khi chở khách ra tận mép nước. Phóng tầm mắt ra xa một chút là muôn giọt nắng vỡ òa trong gió, nắng nhảy nhót trên mặt biển. Rồi bao ngọn sóng bạc đầu nối tiếp nhau xô vào bờ, tạo nên khúc nhạc trầm bổng bất tận. Và, những làn gió thổi ràn rạt trên muôn rặng phi lao, mang lại hương vị mặn mòi của biển cả, tạo cho du khách một cảm xúc sâu lắng, mộng mơ. Cũng vì thế mà bãi biển Trà Cổ được xếp vào bãi tắm dài nhất và trữ tình nhất Việt Nam. Còn hướng tây bắc của đảo trông vào đất liền. Góc đông bắc là mũi Gót nhìn sang Trung Quốc và góc tây nam là mũi Ngọc nhìn ra đảo Vĩnh Thực, Móng Cái. Đến Trà Cổ, ngoài thú tắm biển, chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh tuyệt tác nơi đây, anh em chúng tôi còn được mấy bác lớn tuổi người bản địa giới thiệu khá tỷ mỷ về sự hình thành và phát triển của mảnh đất đầu sóng ngọn gió này.

      Theo gia phả của làng cũng như các thư tịch cổ hay câu cửa miệng “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” thì một nhóm ngư dân tổng Đồ Sơn* đã đến mảnh đất này định cư vào đầu thế kỷ 16, thời Hậu Lê. Ngay cái tên Trà Cổ được ghép từ hai chữ đầu của hai làng Trà Phương và Cổ Trai thuộc tổng Đồ Sơn, phủ Nghi Dương (Trấn Hải Dương xưa, nay là huyện Kiến Thụy – Hải Phòng) vốn là đất phát tích của nhà Mạc (1527 – 1592). Xưa kia Trà Cổ là một hoang đảo, người dân phải đi nhặt ốc, bắt cua cáy để sống qua ngày. Rồi công cuộc khai hoang lập ấp, chống chọi với thời tiết bất thường, bệnh tật và hải tặc... Họ đã dùng các ký tự hình chiếc mỏ neo để nhận diện, thông báo trong việc hợp tác hái lượm, bảo vệ xóm làng. Ngày ngày họ chặt sú, đắp bờ thửa, khau chua rửa mặn để cải tạo những ô đất cằn cỗi thành những ruộng vườn trù phú. Còn việc đánh bắt gần bờ là công việc chính mà cha ông họ đã truyền từ đời này sang đời khác. Con đường dẫn vào làng khá nhỏ nhắn và nối tiếp nhau là những ngôi nhà rêu phong có lối kiến trúc dân dã đặc trưng của làng quê miền biển, nơi hứng chịu nhiều dông bão.
.
 
Tô Ngọc Thạch (trái) và Kim Chuông (phải) tại mũi Sa Vĩ - Trà Cổ 

     
       Đến với Trà Cổ du khách được thưởng thức một không gian thoáng đãng, tĩnh mịch với những “cột mốc” văn hóa cổ kính rêu phong. Nổi tiếng nhất là ngôi đình làng, một công trình kiến trúc nghệ thuật nằm ở đông nam phường Trà Cổ, hoàn toàn mang dấu ấn văn hóa Việt. Công trình này có lịch sử gần 500 năm, được trùng tu nhiều lần trên một diện tích 1078 mét vuông khá thoáng mát và để thờ 6 vị thành hoàng làng có công lập nên Trà Cổ. Đình quay hướng nam, mặt tiền nhìn ra biển đông theo truyền thống phong thủy của người Việt. Trước cửa đình có cổng, nghi môn ở giữa, hai cổng phụ ở hai bên, xung quanh là tường bao quanh cao 1.5 mét. Đình Trà Cổ được kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, gồm 5 gian 2 chái đường và 3 gian hậu cung. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc và đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1974. Trải qua bao sự cố thăng trầm của lịch sử đất nước, ngôi đình vẫn trường tồn nguyên dáng vẻ và phong cách như ngày đầu xây dựng. Đình Trà Cổ không những có sức hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi các giá trị kiến trúc nghệ thuật, bản sắc văn hóa của người Việt, mà còn khảng định vững chắc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ở vùng đông bắc Tổ quốc. Kể từ ngày định cư tới nay, người dân Trà Cổ vẫn thường xuyên giữ mối liên kết sâu đậm với cố hương Đồ Sơn. Và, trong các ngày lễ tết họ còn tổ chức nhiều trò chơi truyền thống như hát ả đào, đánh cờ người, tổ tôm, múa bông… Đây được xem là một trong những cộng đồng dân cư Việt mang bản sắc văn hóa Việt tiêu biểu nhất trên vùng địa đầu Tổ quốc vốn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ nền văn hóa Trung Hoa thâm nhập qua hàng thiên niên kỷ.

      Dọc theo bờ biển là rừng dương dài hàng chục ki-lô-mét vi vu trong gió, tạo nên một cảnh quan hết sức ấn tượng. Đến nay Trà Cổ chưa có tác động nhiều của bàn tay con người, nên mọi thứ ở đây còn hoang sơ mang nhiều nét đẹp tự nhiên của tạo hóa. Trời đã ngả chiều, từng tốp du khách đang thả bộ trên những con đường ven biển để tận hưởng bầu không khí thuần khiết của biển cả mênh mông, lắng nghe tiếng chuông thánh thót ngân nga từ ngôi nhà thờ cổ kính rêu phong đượm dấu ấn thời gian, làm vơi đi nỗi căng thẳng sau ngày lao động mệt nhọc trong nền kinh tế thị trường.

          Đang chu du trên đường ra bãi biển Trà Cổ, thấy quán Cafe-Karaoke “Đôi bờ”, tôi liền bảo mọi người vào uống nước. Chủ quán là Cô gái tóc nâu với đôi mắt xanh đánh thức bản năng dắt chiều vào phố. Nhớ lại vào những năm 80 thế kỷ 20 ở vùng mỏ Kuzbass thuộc Xibia, nơi gần chỗ tôi sinh sống, có một vài thanh niên Quảng Ninh, Hải Phòng lấy vợ Nga. Sau khi kết thúc thời hạn học tập và hợp tác lao động, người thì ở lại nơi giá lạnh ấy, người thì đưa vợ con về nước. Cách đây mấy năm có nhiều tờ báo nổi tiếng đưa tin khá ầm ĩ về chuyện “Có nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than”, nói về thân phận nàng dâu Nga Anna vượt lên số phận, nguyện một đời gắn bó với người chồng tàn tật là Trần Trọng Hải khi họ rời bỏ nước Nga về ở phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh sinh sống. Còn đây cũng là trường hợp của Nguyễn Tử Bình và nàng dâu Nga Natasa. Sau 15 năm sống ở Xibia, năm 1997 vợ chồng Bình quyết định về Móng Cái sinh sống. Cuộc sống của họ lúc đầu gặp khá nhiều khó khăn, nhưng dần dần họ hòa nhập với cộng đồng dân cư nơi đây bởi tình yêu son sắt giữa hai trái tim Việt - Nga và hai vùng mỏ than đã sinh ra họ là Quảng Ninh - Kuzbass. Ngày đầu Bình thuê điểm mở quán cà phê cho vợ là để có việc làm và kiếm thêm đồng ra đồng vào. Đây là quán duy nhất có nàng dâu Nga kinh doanh, nên quán của Natasa khá đắt hàng. Vừa rồi vợ chồng Bình chuyển quán cà phê tới một địa điểm khá đẹp trên đường ra bãi biển Trà Cổ. Qua tìm hiểu tôi được biết vợ chồng Bình có cậu con trai đang học tại Đại học Tổng hợp Saint - Petersburg. Tôi nói đùa với mọi người: “Cậu sinh viên kia mới là tình hữu nghị Việt Nga đời đời bền vững”. Mọi người được trận cười thỏa thích.

          Chiếc xe tiếp tục đưa chúng tôi tới Sa Vĩ, điểm cực đông bắc, một trong những tọa độ thiêng liêng nhất của đất nước hình chữ S. Tôi đã đến đây nhiều lần và mỗi lần tới đều cảm thấy bao nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến trào dâng trước cột mốc chủ quyền quốc gia. Trước mặt chúng tôi là rừng sú, vẹt đang ngâm mình dưới nước để giữ từng tấc đất cho Tổ quốc. Ngước mắt ra xa là biển xanh ngút ngắt và bên trái là những con thuyền sau những giờ đi biển về gác mái nằm trên cát như đang say sưa chìm vào giấc ngủ. Còn bên cạnh là rừng dương xanh thẳm đang hò reo như tiếng phong cầm hòa cùng bài ca đi cùng năm tháng. Rồi chốc chốc từng nhóm du lịch đến bằng ô tô, xe máy dừng lại trước biển hiệu “Vành đai biên giới” và bức phù điêu nổi tiếng hình 3 cây dương liền nhau với câu thơ khá ấn tượng của Tố Hữu “Từ Trà Cổ rừng dương. Đến Cà Mau rừng đước” để chụp ảnh lưu niệm.

      Nhìn lại lịch sử quá trình hình thành của mảnh đất, con người nơi đây và đánh giá công bằng về việc tìm kiếm, khai phá, giữ gìn hòn đảo giáp danh với Trung Quốc đều có công rất lớn của cư dân Đồ Sơn. Trong tôi bật ra dòng cảm xúc: /Có một Đồ Sơn ở ngoài Đồ Sơn. Trôi dạt cõi người từ năm trăm năm trước. Theo tiếng gọi nhà Vua tới vùng giáp danh đông bắc. Hay từ trái tim mình đi bảo vệ non sông/. Chính họ là những người lính đầu tiên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo phía đông bắc của Tổ quốc, mà lâu nay lịch sử Việt Nam chưa vinh danh, chưa nhắc tới.

__________

* Tổng Đồ Sơn cổ gồm các xã phía đông nam của huyện Kiến Thụy và quận  Đồ Sơn ngày nay. Trước năm 1988 thì làng Cổ Trai xã Ngũ Đoan và làng Trà Phương xã Thụy Hương thuộc huyện Đồ Sơn.

 TNT