/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

CÁI TÊN HẢI PHÒNG CÓ TỪ BAO GIỜ

Hải Phòng là thành phố ven biển thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí địa lý giáp tỉnh Quảng Ninh về phía Bắc

CÁI TÊN HẢI PHÒNG CÓ TỪ BAO GIỜ

 (Phần I)

       Hải Phòng là thành phố ven biển thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí địa lý giáp tỉnh Quảng Ninh về phía Bắc, tỉnh Hải Dương về phía Tây, tỉnh Thái Bình về phía Nam, còn vịnh Bắc Bộ về phía Đông. Hải Phòng cùng một số tỉnh thành khác như Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Đà Nẵng, Bến Tre, Phú Yên, Cần Thơ… được thành lập vào cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt, tỉnh Hải Phòng được thành lập vào ngày 11 tháng 9 năm 1887, tức ngày 24 tháng 07 năm Đinh Hợi, niên hiệu Đồng Khánh thứ 2. Còn việc thành lập “Ủy ban thành phố Hải Phòng” do Toàn quyền Đông Dương Richaud ký vào ngày 19 tháng 07 năm 1888, tức ngày 11 tháng 6 năm Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh thứ 3, mà lâu nay thường gọi là ngày thành lập thành phố Hải Phòng nằm trong tỉnh Hải Phòng mà thôi.  

     Chính vì vậy mà lịch sử hành chính của Hải Phòng cũng như một số tỉnh thành trên, phụ thuộc vào lịch sử hành chính của các tỉnh đã tách phần đất đai cho Hải Phòng hay cho các tỉnh thành khác. Nếu Hải Phòng hay các tỉnh thành khác được tách ra từ vùng đất của hai tỉnh thành trở lên, thì lịch sử hành chính của Hải Phòng hay của các tỉnh thành kia phụ thuộc vào tỉnh thành nào có vùng đất được đặt lỵ sở cho tỉnh thành mới.

     Toàn bộ thực địa của tỉnh Hải Phòng khi thành lập và sau này là thành phố Hải Phòng đều do phần đất được tách ra từ tỉnh Hải Dương cổ. Tiếp đến năm 1956 thành phố Hải Phòng được bổ sung thêm huyện đảo Cát Hải, thị xã Cát Bà của khu Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh). Rồi năm tiếp theo (1957) được trung ương bổ sung thêm đảo Bạch Long Vỹ, nay là huyện đảo Bạch Long Vỹ.

     Vì lỵ sở của tỉnh hay thành phố Hải Phòng nằm ở trung tâm làng chài (đình) Da Viên (tên gọi tắt là Cấm), tổng Da Viên, huyện An Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương (nay thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng), nên lịch sử hành chính của Hải Phòng từ năm 1887 trở về trước phụ thuộc vào lịch sử hành chính huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, mặc dù trước đây huyện An Dương có 71 năm (1731 – 1802) thuộc trấn Yên Quảng, nay là tỉnh Quảng Ninh.

     Nếu nhìn một cách tổng thể, thì Hải Phòng là phần tách ra từ phần đất của tỉnh Hải Dương gồm các huyện sau: An Dương, An Lão, Nghi Dương, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và một phần của huyện Giáp Sơn cũng như Kim Thành (trước đây là 2 tổng Hà Nội và Ngọ Dương. Còn sau này thêm 2 tổng là Đâu Kiên và Du Viên). Trong đó, các huyện đồng bằng ven biển có lịch sử hành chính tương đối giống nhau là vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469), thì huyện An Dương được tách ra từ huyện Cổ Phí, mà trước đó là đất Trà Bái, sau là Phí Gia thuộc Trà Hương (gồm phần lớn thực địa các huyện Kim Thành, phần phía Bắc của huyện An Dương và một phần huyện Giáp Sơn). Huyện Nghi Dương (từ 1948 là huyện Kiến Thụy) được tách ra từ huyện An Lão cổ. Huyện Tiên Lãng được tách ra từ huyện Bàng Hà (gồm phần lớn thực địa huyện Tiên Lãng và huyện Thanh Hà của tỉnh Hải Dương ngày nay). Còn huyện Vĩnh Bảo được tách ra từ 5 tổng huyện Tứ Kỳ và 3 tổng của huyện Vĩnh Lại vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838), đến năm Thành Thái thứ 2 (1890) được bổ sung thêm 3 tổng nữa là Kê Sơn, An Lạc, Hạ Am của huyện Vĩnh Lại và vào cuối thế kỷ XIX được bổ sung thêm xã Tranh Chử, tổng Bất Bế bên hữu ngạn sông Luộc; Và huyện Thủy Đường (từ thời Đồng Khánh đổi thành Thủy Nguyên) thời đầu Nguyễn trở về trước gồm 12 tổng, rồi đến năm 1927 mới cắt 2 tổng Trúc Động và Dưỡng Động bên tả ngạn sông Giá cho huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên. Đến năm 1958 thì 2 tổng trên và toàn bộ huyện Thủy Nguyên được cắt về thành phố Hải Phòng. Còn phần đồng bằng (sa bồi) của quần đảo Cát Bà cũng như toàn bộ diện tích đảo Cát Hải được hình thành từ thời Hậu Lê (1428 – 1788) trở lại nay.

     Trừ phần đồi núi ra, còn lại phần lớn thực địa của Hải Phòng từ trước Công nguyên còn là biển cả. Do biến động của tự nhiên và dần được hình thành gắn liền với các giai đoạn phát triển của đồng bằng Bắc Bộ, cũng như chịu ảnh hưởng những tác động của biển Đông. Vùng đất nơi đây được ngưng tụ bởi các lớp trầm tích và dần dà được phù sa bồi đắp, bởi hệ thống sông ngòi dày đặc từ miền ngược đổ ra biển Đông, nên địa hình của Hải Phòng xuôi thấp dần từ hướng Tây Bắc xuống Đông Nam và trũng ở khu vực ven sông, hồ. Đất đai hình thành đến đâu thì con người tiến dần tới khai phá, sinh cơ lập nghiệp, mở mang làng xã ra đến đó. Có một điều không thể phủ nhận là hầu hết gia phả các dòng tộc trong các quận huyện thuộc thành phố ven biển này đều ghi tổ tiên của họ từ các vùng đất phía trên hay từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… di cư tới… Điều này càng chứng tỏ thực địa nơi đây được ra đời sau hơn và cộng đồng dân cư cũng xuất hiện muộn hơn các vùng đất phía trên.

     Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải nước ta, mỗi năm cảng Hải Phòng (vùng hạ lưu sông Cấm) phải đón nhận từ 1.5 triệu đến 3 triệu mét khối trầm tích phù sa lấp đầy. Hay trang 75 “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” ghi: “Hằng năm, sông Cấm đổ ra biển từ 10 đến 15 triệu mét khối nước và 2 triệu tấn phù sa bồi cho 3 xã Đông Hải, Nam Hải, Tràng Cát (huyện Hải An) ở phía Nam. Ở phía Đông cùng với sông Bạch Đằng bồi lên đảo Đình Vũ. Cùng với các sông Bạch Đằng, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Trạm Bạc.v.v.”. Hay trang 58 “Lịch sử Hải Phòng” tập I, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật năm 2021 ghi: “Hằng năm các sông qua Hải Phòng tải ra biển khoảng trên 30 ki-lô-mét khối nước và khoảng 18 triệu tấn bùn cát”. Do vậy vùng đồng bằng thuộc các quận huyện ven biển Hải Phòng là vùng đất sa bồi.

     Từ thời trước Công nguyên, thì toàn bộ thực địa của Hải Phòng còn là biển cả, trừ các đồi núi của huyện An Lão, quận Kiến An, huyện Kiến Thụy, quận Đồ Sơn, huyện Thủy Nguyên và huyện Cát Hải ngày nay. Qua những di chỉ về khảo cổ học, thì tại vùng đồi núi ngoại ô Hải Phòng từ trước Công nguyên đã có một số ngư dân Văn Lang tới sinh sống như tại núi Voi (An Lão), núi Tràng Kênh (Thủy Nguyên) và khu vực Cái Bèo (Cát Bà).

      Hầu hết phần đồng bằng của thành phố Hải Phòng ngày nay được hình thành sau Công nguyên, do các trầm tích phù sa bồi đắp từ miền ngược đổ về. Do vậy sự hình thành cộng đồng dân cư tại vùng đất ven biển này đều có từ sau Công nguyên. Chúng tôi cũng chưa tìm thấy bất cứ một di chỉ khảo cổ nào, một tài liệu cổ nào để chứng minh cho mảnh đất đồng bằng sa bồi nơi đây đã có người tới sinh sống từ thời trước Công nguyên.

      Ngay tại khu vực vùng núi trung tâm quận Kiến An, từ thời Trần (1225 – 1400) vẫn là vùng đất còn hoang hóa. Đến khi An Đức hầu Cao Toàn về trí sỹ vào cuối thế kỷ XIII, ông cùng phu nhân là Công chúa Chiêu Hoa mới bắt đầu mộ dân khai khẩn đất hoang và lập ra ấp Phù Liễn tại khu vực chân núi Đào Lĩnh, nay là trung tâm quận Kiến An.v.v.

       Hay văn bia quán Trung Tân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có đoạn ghi: “Mùa thu năm Nhâm Dần (1542) ta cáo quan về nghỉ ở làng, mời các kỳ lão ra chơi quán Trung Tân, phía Đông nhìn ra là biển Đông, phía Tây liếc vào Tây Kênh, phía Nam trông sang Liêm Khê, thấy Trung Am, Bích Động, bên này, bên kia sát nhau. Phía Bắc nhìn xuôi Tuyết Giang, thấy chợ Hàn, bến Nguyệt quây quần hai bên. Con đường cái quan chạy ở giữa, từng in dấu, nào chân ngựa, nào vết xe, cộng lại không biết bao nhiêu nghìn dặm”. Ta có thể khảng định rằng vào thời điểm đó biển ở rất gần khu vực làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo ngày nay.

      Hay cách nay khoảng nửa thế kỷ, thì phần cuối phía Đông Nam huyện Vĩnh Bảo còn bạt ngàn là cói, lau lác bên hữu ngạn sông Thái Bình và bên tả ngạn sông Hóa. Khu vực này là vùng đất trũng hoang hóa do Nông trường Cói Trấn Dương quản lý.

     Hay phần thực địa phía Đông giáp biển của huyện Tiên Lãng, trước năm 1975 thì chỉ có một xã Chấn Hưng và Nông trường Vinh Quang. Tới đầu thế kỷ XXI thì đã có tới 4 xã mới (Nam Hưng, Tây Hưng, Đông Hưng và Tiên Hưng) với 26 thôn được thành lập thêm, còn Nông trường Vinh Quang thành xã Vinh Quang thuộc huyện Tiên Lãng. Biển mỗi ngày một lùi xa, thực địa của huyện Tiên Lãng còn tiếp tục được mở rộng thêm.

     Hay từ đầu thế kỷ XX tới thời cách mạng (1945) thì thực địa huyện Nghi Dương (từ 1948 là huyện Kiến Thụy) đã được nới rộng thêm về diện tích 2 tổng là Tư Sinh gồm xã Hợp Đức (các thôn Đức Hậu, Nghĩa Phương, Tư Sinh), một phần xã Tân Phong (thôn Kính Trực). Và tổng Tư Thủy với thực địa thời nay là xã Hòa Nghĩa (các thôn Hòa Nghĩa, Hợp Lễ, Tĩnh Hải, Tư Thủy) bên hữu ngạn sông Lạch Tray… Hay vào những năm 80 thế kỷ XX lãnh đạo thành phố Hải Phòng chỉ đạo đắp đê lấn biển khu vực đường 14 và ngay sau đó thành lập được thêm 2 xã là Hải Thành và Tân Thành. Theo tục truyền, để nhớ tới công lao của Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành, nên 2 địa danh trên được mang tên như vậy.

     Hay trong tay tôi có tấm bản đồ hành chính huyện An Dương trước thời Đồng Khánh (1886), thì phần phía Đông (giáp biển Đông) của huyện này có 4 bãi đất bồi, tính từ phía Đông Nam tới phía Đông Bắc, tức từ cửa Lạch Hải tới cửa Bạch Đằng, thì bãi số B1, số B2, số B3 được mang tên Tiên Sa (nghĩa là bãi cát cạn), bãi số B4 mang tên Định Vũ (xem phần Nguồn gốc đảo Đình Vũ), mà tới cuối thế kỷ XX đã trở thành vùng đất rộng lớn tới cả ngàn héc-ta bổ sung cho diện tích thành phố Hải Phòng.

     Hay như địa danh phía Đông của huyện Thủy Đường (sau là Thủy Nguyên) là tổng Phục Lễ, vào thời Đồng Khánh (1886 – 1888) gồm 5 làng là Phục Lễ, Đoan Lễ, Do Nghi, Phố Lễ và Do Lễ. Đến cuối thế kỷ XIX thì làng Lập Lễ (nay là xã Lập Lễ) được thành lập và thực địa của địa danh này ngày nay với diện tích gần 1.200 héc-ta.v.v.

     Quay lại bánh xe thời gian!

      Vào thời trước Công nguyên, phần lớn thực địa các huyện ven biển của Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình còn là biển cả. Vì thế tất cả các huyện ven biển như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão cổ (gồm An Lão và Nghi Dương), An Dương và phần đồng bằng của huyện Thủy Nguyên vào thời trước công nguyên cũng chưa biết chắc thuộc huyện nào của quận Giao Chỉ là vậy?

     Theo Sơ đồ tổng hợp biến đổi đường bờ châu thổ sông Hồng (tên cổ là Nhị Hà) và các tài liệu địa sử ghi, thì từ trước Công nguyên vùng đất duyên hải Bắc Bộ như các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương và phần đồng bằng của huyện Thủy Nguyên, hay các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình), Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định) hay Kim Sơn (Ninh Bình)… chưa xuất hiện. Thời đó miền Bắc Việt Nam thuộc quận Giao Chỉ (thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất). Quận này gồm mười huyện sau:

  1. Luy Lâu: Tương đương phần lớn tỉnh Bắc Ninh. Địa danh

này hay bị dịch lầm là “Liên Lâu”.

2- An Định: Tương đương miền Hải Dương và Hưng Yên, ở giữa sông Hồng và sông Thái Bình  

3- Câu Lậu: Tương đương tỉnh Nam Định và Ninh Bình (không kể vùng Đông Nam Nam Định và phía Nam Ninh Bình vẫn còn là biển).

4- Mê Linh gồm: Khu vực Tây Bắc tỉnh Vĩnh Phúc, Tây Bắc Hà Tây cũ và tỉnh Yên Bái.

5- Khúc Dương: Tương đương với huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương, huyện Đông Triều, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trải dài tới phía Bắc là vùng Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay.

6- Bắc Đới: Tương đương huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang và huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.

7- Kê Từ: Tương đương huyện Lạng Giang và huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.

8- Tây Vu: Tương đương tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, phía Bắc Hà Tây cũ và Hòa Bình.

9- Long Uyên: Tức Long Biên về sau, tới thời thuộc Đường vì phải kiêng tên húy (tên khai sinh) là Đường Cao Tổ và Lý Uyên mới đổi là Long Biên. Tương đương với nội thành Hà Nội và các huyện Hoài Đức, Thường Tín (Hà Nội), Khoái Châu (Hưng Yên), Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong (Bắc Ninh) trở lên phía Bắc, bao gồm các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và một phần phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc ngày nay. Đây là huyện có diện tích lớn nhất mà các đời sau còn chia tách để lập ra các quận, huyện khác.

       10- Chu Diên: Tương đương phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và tỉnh Hà Nam.

(Còn nữa)