/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

CÁC NHÀ KHOA BẢNG HỌ TÔ VIỆT NAM

Tô Lê Hiến Tứ (1341- 1390), người quê xã Trí Tri, huyện Đông Triều, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng

CÁC NHÀ KHOA BẢNG HỌ TÔ VIỆT NAM

 

       1- Tô Hiến Thành  蘇憲誠 (1102 – 1179), người trang Phú Lộc, huyện Ô Diên, phủ Ứng Thiên (phía Tây thành Thăng Long), nay là cụm Ba, thôn Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Theo sách “Từ Liêm huyện đăng khoa chí” do Cử nhân Bùi Xuân Nghi biên tập thời Tự Đức thì Tô Hiến Thành từng đỗ khoa thi Minh kinh bác học (Tiến sỹ) khoa Mậu Ngọ (1138) đời vua Lý Thần Tông. Thông tin này cũng được dẫn trong các tài liệu “Bản phủ tiền triều chư danh khoa bi” và bia Văn chỉ huyện Từ Liêm dựng năm Tự Đức thứ 25 (1872).

   Làm quan tới chức Nhập nội Kiểm hiệu Thái phó bình chương quân quốc trọng sự (Tể tướng) và được phong tước Trung tiết vương, mặc dù ông không phải là hoàng thất nhà Lý. Ông là người đề xuất và xin bãi bỏ khoa thi Minh kinh bác học, thay bằng khoa thi văn hóa để tìm người hiền tài, mãi đến đầu thời nhà Trần mới được thực hiện.

       2- Tô Kim Bảng 蘇金榜 (? - ?) người xã Tá Lan, tổng Thủy Đường, huyện Thủy Đường, nay là thôn Tả Quan, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) đời Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Hàn lâm viện hiệu thảo.

       3- Tô Trí Cốc 蘇智穀 (1548 - ?) người xã Trâm Khê, huyện Tiên Minh (nay là thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Năm 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Đoạn Thái 1 (1586) đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

       4- Tô Thế Huy 蘇世輝 (1666 - ?) người xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc (nay là thôn Phong Doanh, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa 18 (1697) đời Lê Hy Tông. Được cử đi sứ sang nhà Thanh. Làm quan đến chức Tả thị lang, tước Cảo Quận công. Ông vốn giỏi về chiêm tinh, khi vào điện Kinh diên thường giảng sách cho vua. Bị triều thần biếm chức. Sau khi mất được truy tặng Công bộ Thượng thư.

       Cuối đời, ông về trí sỹ tại quê và tiếp tục công việc tàng thư mà ông có dịp lưu trữ từ khi làm quan ở bộ Lễ. Ông xây ở sau vườn nhà một ngôi nhà gỗ ba gian lợp ngói, gọi là vân đài để chứa sách. Trong số đó, hầu hết là cất giữ thần phả của các làng xã ở miền đồng bằng và Trung du Bắc bộ. Ông mất ngày 24 tháng 04 (chưa rõ năm).

       Thơ văn của ông còn lại có bài ký Phụng tự La công sinh từ bi ký (bia sinh từ hệ La ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Một bài tựa viết cho sách Quần hiền phú tập vào năm Bảo Thái 10 (1728). Bài trướng mừng Tiến sỹ Nguyễn Bá Lân thi đỗ có tiêu đề Cổ Đô thượng thư quan đăng Tiến sỹ hạ tập, chép trong sách Bách Liêu thi văn tập.

       5- Tô Trân 蘇珍 (1791 - ?) người xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Sinh năm tân Hợi, cử nhân khoa Ất Dậu (1825). Năm 36 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Minh Mạng 7 (1826). Năm 1860 về trí sỹ.

       Sau khi đỗ, được bổ chức Hàn lâm Biên tu, thăng bổ Tuần phủ Định Tường (1833). Do vụ Lê Văn Khôi làm phản, ông bị cách chức, rồi được khởi phục chức Án sát sứ Thái Nguyên (1841), thăng Thái bộc tự khanh (1842) sung Toản tu Sử quán. Đầu đời Tự Đức được thăng Tả tham chi bộ Lễ, sung Kinh diên giảng quan. Năm 70 tuổi xin về hưu, ít lâu sau mất tại quê nhà.

     Tô Trân có tiếng là thanh liêm, nghiêm cẩn. Khi đến lỵ sở trấn Thái Nguyên, lại thuộc có kẻ tham nhũng, bất chính. Ông mới đến đã nghe nhiều dư luận không hay, nên khi kẻ ấy xin vào yết kiến, ông không cho vào, kẻ ấy phải thác bệnh đi trốn. Trong thời gian ở Thái Nguyên, ông biết xứ này văn học kém phát triển, nên thường tụ tập các học trò bình giảng thơ văn để khích lệ sỹ tử.

       Tác phẩm: Minh mệnh chính yếu (biên tập); Sáng tác thơ văn có Nam hành tập và Bắc hành tập. Lúc thành Định Tường (các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp ngày nay) bị vây hãm, Tô Trân làm một bài thơ rồi lẩn đi. Bài thơ đó như sau:

Phiên âm Hán-Việt:

Dục bãi bất năng chử vũ dương,

Phân điền, phân thổ, bất phân vương.

Gia ưng hữu thất hà tu thỉ.

Lễ bất cầu phong chỉ dụng dương.

Đạt đắc chúng nhân suy hạnh xuất

Thao tồn nhất thủ tự vô đương.

Ngư du thảo hạ hòa biên ổn.

Ngọc chẩn di xa tụy nhất đường.

  Bản dịch:

  Muốn thôi, cánh liệng, chẳng cho thôi,

  Xẻ đất, quyền vương chẳng xe đôi.

  Không lợn, đã nhà nề nếp sẵn,

  Có dê chưa hậu, lễ nghi rồi.

  Nhiều người khen đạt mình may thoát,

  Còn một tay thao việc khó trôi!

  Cá tựa lúa êm bơi dưới cỏ,

  Xe về nhà ngọc họp đầy vơi.

   Bài thơ luật Đường bằng chữ Hán trên, theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, thì "ngoài ý từ biệt tỉnh Định Tường về quê nghỉ, tác giả đã có tài xuất sắc là dùng tám câu thơ, mỗi câu tả tự dạng một chữ, có trật tự rõ ràng, thành tám chữ "Thư lý Định Tường Tuần phủ Tô Trân" (nghĩa là tạm quyền chức Tuần phủ tỉnh Định Tường Tô Trân). Mỗi câu về cách tả tự dạng chiết tự của mỗi từ đề trình bày rõ ý nghĩa cả câu. Đây là một bài thơ vừa có nghệ thuật hội họa, vừa có giá trị nghệ thuật thơ”.

       6- Tô Huân 蘇熏 (1826 - 1896) người xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên). Cháu Tô Hiền. Sinh năm Bính Tuất, cử nhân khoa Nhâm Tý (1852).

       Năm 43 tuổi đỗ Phó bảng khoa Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức 21 (1868). Phó quản đạo Hà Tĩnh. Vì quân Pháp chiếm thành, ông bị cách chức. Sau được phục chức Đốc học Hải Dương.

       7- Tô Lê Hiến Phủ (1341- 1390). Theo Đỉnh khiết Đại Việt Lịch triều Đăng khoa lục (LTĐK) bản VHV 650 ghi ông quê xã Trí Tri, huyện Đông Triều, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng (có tài liệu ghi quê gốc ở huyện Đông Kết, phủ Khoái Châu, sau này là tỉnh Hưng Yên, hay quê mẹ ở trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, sau này là tỉnh Nam Định), nay thuộc huyện Kinh Môn HD.

       Theo gia phả họ Tô cũng như Thần tích đền Thượng Lao ở tỉnh Nam Định thì ông vốn là hậu duệ đời thứ 9 của Thái sư Trung Tiết vương Tô Hiến Thành. Cha ông là Tô Hiến Chương và mẹ là Lê Thị Nga. Ông có người em sinh đôi là Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sỹ cùng khoa. Chưa biết chính xác vì lý do gì, mà cả hai anh em đều đổi từ họ cha là Tô Hiến thành họ mẹ là Lê Hiến. Khi đi thi, để tránh phạm huý tên Thượng hoàng (Trần Phủ) Lê Hiến Phủ đổi thành Lê Hiến Giản. Năm 34 tuổi Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn khoa thi Tiến sỹ năm Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông. Sau đó ông từng làm Tri phủ Thiên Trường và được thăng tới chức Thị lang, Ngự sử Đại phu. Tại đền Thượng Lao (Nam Định) ngày nay vẫn còn đôi câu đối:

       Phiên âm:

       Nhất môn khoa hoạn song đăng bảng

       Vạn cổ cương thường biệt lập căn

       Dịch nghĩa:

       Một nhà khoa bảng hai người đỗ

       Muôn thuở cương thường một nếp riêng.

          Đương thời có câu đối viếng hai anh em Lê Hiến Giản và Lê Hiến Tứ như sau:

Phiên âm:

Phù chính đan tâm nguyên bất tử

Tận trung hùng khí lẫm như sinh

Dịch nghĩa:

Phù chính nghĩa lòng son lẫm liệt không bao giờ mất

Hết lòng trung khí mạnh mãi mãi vẫn như còn.

TKBL chép: Lê Hiến Phủ mưu giết Hồ Quý Ly không thành, bị xử trảm. Trước khi chết có làm câu thơ khẩu chiến.

Phiên âm:

Thốn nhẫn trừ tà thiên địa bạch

Nhất tâm báo quốc quỷ thần tri

Dịch nghĩa:

Tấc kiếm trừ gian trời đất biết

Tấm lòng báo nước quỷ thần hay

       Theo “Nam Định tỉnh địa dư chí” thì xã Thượng Lao huyện Nam Chân, nay là huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có đền Lê Bảng nhãn thờ trung thần nhà Trần là Lê Hiến Phủ do dân 4 xã Thượng lao, Xối Tây, Xối Thượng và Xối Tri cùng thờ phụng. Thần tích ghi Lê Hiến Phủ quê ở Hải Dương, làm quan đến chức Đại học sỹ, Tri thẩm Hình sự viện. Giản Định đế nhà Hậu Trần ban cho quan tài đồng và quách đá an táng và phong làm Phúc thần.

Thơ vịnh của Trần Tuấn viết về Bảng nhãn Lê Hiến Phủ.

Phiên âm:

Thiên tải hưu đàm thành bại sự

Mãn khâm sái lệ khấp anh hùng

Dịch nghĩa:

Nghìn năm thôi chớ bàn thua được

Lệ rơi đẫm áo khóc anh hùng

       Vì vào thời Trần thì trang Trí Tri khá rộng lớn và theo Đỉnh khiết Đại Việt Lịch triều Đăng khoa lục (LTĐK) thì quê của Bảng nhãn Lê Hiến Phủ và Thám hoa Trần Đình Thâm đều ở trang Trí Tri, huyện Đông Triều, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng, nên chúng tôi mới viết làng Trí Tri có 3 nhà khoa bảng là vậy. 

       Theo Thần tích đền Thượng Lao, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thì hai nhà khoa bảng Lê Hiến Giản và Lê Hiến Tứ bị Hồ Quý Ly mưu sát vào ngày 12 tháng 12 năm Kỷ Mão (1399), niên hiệu Kiến Tân thứ 2. Vì vậy sau này được nhân dân quanh vùng vinh danh với 4 chữ đồng: Đồng sinh (sinh đôi), đồng khoa (cùng đỗ một khoa), đồng liêu (cùng làm quan một triều) và đồng tử (cùng chết một ngày).

Bao cảm xúc trong tôi trào dâng và mấy vần lục bát “Khát khao chung giấc mơ xanh” được ra đời:

Hai nhà khoa bảng họ Tô

Đổi thành họ mẹ sững sờ nhói đau

Cùng chung năm tháng đục ngàu

Cùng sinh một khắc xa sau bồng bềnh

Khát khao chung giấc mơ xanh

Bảng vàng cùng nhận ngọt lành cùng vui

Cùng ngồi bên chín tầng trời*

Tang thương cùng chịu về nơi tuyền đài**

Nghìn năm có một không hai

Cặp đôi khoa bảng kỳ tài nước Nam?

__________

* Hai ông làm trợ lý (Ngự sử Đại phu) cho vua Lý

** Âm phủ

       8- Tô Lê Hiến Tứ (1341- 1390), người quê xã Trí Tri, huyện Đông Triều, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng (có tài liệu ghi quê gốc ở huyện Đông Kết, phủ Khoái Châu, sau này là tỉnh Hưng Yên, hay quê mẹ trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, sau này là tỉnh Nam Định), nay thuộc huyện Kinh Môn HD. Năm 34 tuổi đỗ Tiến sỹ khoa Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông cùng khóa với anh trai sinh đôi là Bảng nhãn Lê Hiến Phủ, được thăng tới chức Ngự sử hạ Đại phu, Trấn thủ Cao Bằng, Trung lang Tướng quân và Trấn Nam Tướng quân. Khi mất được phong Phúc thần (Nguồn theo thần tích đền Thượng Lao, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nhà khoa bảng này chưa nằm trong danh sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919 do PGS. TS Ngô Đức Thọ chủ biên).

NGỌC TÔ