/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

BIA ĐÁ VĂN MIẾU CÒN SAI?

Khi tìm hiểu về các nhà khoa bảng huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Tình cờ chúng tôi được biết Bia đá của Văn miếu huyện Nghi Dương ghi 14 Tiến sỹ Nho học.
BIA ĐÁ VĂN MIẾU CÒN SAI?
.

     Khi tìm hiểu về các nhà khoa bảng huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Tình cờ chúng tôi được biết Bia đá của Văn miếu huyện Nghi Dương ghi 14 Tiến sỹ Nho học. Thực tình mà nói, chúng tôi chỉ tìm được 13 vị, nên phải mất khá nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân sai sót này.

     Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành phải dò từng khoa thi một và cuối cùng cũng tìm ra nhà khoa bảng Hoàng Ngạn Chương, sinh năm 1461, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan nhà Lê tới chức Thừa chính sứ.

     Theo Bia đá Văn miếu Xuân La – Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy) ghi Hoàng Ngạn Chương, quê xã Xuân Dương, tổng Nghi Dương, huyện Nghi Dương. Còn rất nhiều các tài liệu khác của Trung ương đều ghi ông quê xã Mỹ Dương, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An, nay thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi đành rà lại thêm các tài liệu của tỉnh Hải Dương cổ và Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng, nhưng cũng không thấy tên nhà khoa bảng này. Chả lẽ bia đá Văn miếu huyện đã có hơn hai trăm năm nay lại ghi sai?

     Chẳng còn cách nào khác, đành phải lên Văn miếu – Quốc Tử Giám để xem lại một lần nữa cho rành rọt. Tại Văn miếu - Hà Nội chỉ có 82 bia đá và nhiều chữ ở bia không dễ đọc chút nào. Nhiều người nghĩ toàn bộ các Tiến sỹ Nho học của cả nước đều mỗi người có một bia riêng và tất cả các Tiến sỹ đều được ghi ở bia đá? Thực tình mỗi bia đá chỉ ghi toàn bộ một khoa thi và ghi người quê huyện, phủ nào mà thôi.

     Khoa thi khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), đời vua Lê Thánh Tông, được triều đình nhà Lê sơ chọn lấy 60 vị đỗ Đại khoa, Trạng nguyên là Trần Sùng Dĩnh, sinh năm 1465, người xã Đông Khê, huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách, Hải Dương), làm quan nhà Lê sơ tới Thượng thư bộ Hộ, khi mất được dân bản xã vinh danh là Phúc thần.

     Còn xếp thứ 53 là Hoàng Ngạn Chương, người huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang (彥璋德光府宜春縣). Đến đây ta có thể khảng định nhà khoa bảng này là người huyện Nghi Xuân, chứ không phải huyện Nghi Dương, bởi bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám được làm từ thời Lê sơ, còn bia đá Văn miếu Xuân La sao chép lại, làm từ đầu nhà Nguyễn. Do trình độ hay sự bất cẩn của người sao chép, nên hơn 200 năm nay, huyện Nghi Dương (sau 1945 là Kiến Thụy) lúc nào cũng ghi trong lịch sử huyện nhà 14 nhà khoa bảng và xã Ngũ Phúc lúc nào cũng tự hào xã mình có nhà khoa bảng Hoàng Ngạn Chương.

     Ngoài ra chúng tôi còn tìm quê cho nhà khoa bảng Nguyễn Duy Minh, sinh năm 1462, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ cùng khóa với Hoàng Ngạn Chương niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), mà Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng ghi ông quê tại làng Hà Dương, tổng Hạ Am, huyện Vĩnh Lại (nay thuộc xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo). Từ lâu nay, xã Cộng Hiền và huyện Vĩnh Bảo đều vinh danh ông tại quê hương. Thực tế bia đá tại Văn miếu Hà Nội ghi (阮惟明荊門府炭山縣), tạm dịch là Nguyễn Duy Minh người huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Trong tất cả các tài liệu của quốc gia cũng như tỉnh Hải Dương đều dịch là huyện Giáp Sơn, còn duy nhất tại Hải Phòng dịch là huyện Hiệp Sơn?

“Một khi từ điển còn sai

Rồi đến bia đá kêu ai bây giờ

Loanh quanh trôi dạt bến Mơ

Muốn sang bến Thực vướng bờ trần gian?”
__________

 

* Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng và nhiều sách xuất bản tại Hải Phòng ghi Nguyễn Duy Minh sinh năm 1462, còn các sách ở trung ương ghi ông sinh năm 1468.

 

NGỌC TÔ

Chú thích:
1- Văn miếu Xuân La (Kiến Thụy)
2- Bản đồ thời Nguyễn ghi bằng chữ Nho và đầu đề ghi bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh đều ghi huyện Giáp Sơn