/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TÔ NGỌC THẠCH

BẢN KÊ THẦN TÍCH CỦA LÀNG AN BIÊN – TP. HẢI PHÒNG

Từ đó ta có thể khảng định hai sắc phong đầu chỉ là tương truyền mà thôi. Còn các sắc phong thời nhà Nguyễn (1889 – 1924) là có cơ sở

BẢN KÊ THẦN TÍCH CỦA LÀNG AN BIÊN – TP. HẢI PHÒNG

                                            (Trích)

.

       Vào thời vua Bảo Đại thì toàn bộ các làng xã tại Việt Nam phải làm Bản kê Thần tích – Thần sắc, Hương ước… để nộp cho triều đình. Tại thời điểm đó có tới ba làng An Biên (nên Nôm là Vẻn) ở ba địa danh khác nhau tại Hải Dương và Hải Phòng: Một ở tổng Đạm Thủy, huyện Đông Triều, một ở tổng Kê Sơn, huyện Vĩnh Bảo và một tại nội đô Hải Phòng (trước đó thuộc tổng Đông Khê). Chúng tôi viết xã (làng) An Biên có kèm theo huyện hay Hải Phòng để độc giả phân biệt được ba địa danh trên. Bản kê Thần tích của hương Lý – Kỳ mục nguyên xã An Biên (Hải Phòng) được lập vào năm Bính Tý (1936) rất dài, chúng tôi chỉ tóm tắt ba trang cuối với nội dung sau:


PHIÊN ÂM (VŨ HOÀNG):

- Nhất sinh hóa cập khánh hạ các tiết dữ thường nhật biệt kê vu hậu.

- Nhất sinh thời nhị nguyệt sơ bát nhật lễ dụng khiết sinh, viên bánh
- Nhất hóa thời thập nhị nguyệt, nhị thập ngũ nhật lễ dụng xôi, tửu
- Khánh hạ bát nguyệt thập ngũ nhật lễ dụng kính tế khiết sinh tư thịnh

Lịch triều phong tặng:
- Trưng Vương  phong vi Thánh Chân Công chúa đại vương
- Trần Anh Tông gia phong Thánh Chân công chúa tái gia Nam Hải uy linh
- Thành Thái nguyên niên thập nhất nguyệt nhật sắc phong Dực Bảo Trung Hưng
- Thành Thái thập tứ niên bát nguyệt nhật, hựu gia Trai Thục linh phù

- Duy Tân tam niên bát nguyệt nhật sắc phong Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng
- Duy Tân Ngũ niên nhuận lục nguyệt nhật hựu gia phong Dực Bảo Trung hưng, Trai Thục linh phù

- Khải Định cửu niên cửu nguyệt nhật, gia phong Trang Huy Thượng đẳng thần

- Bảo Đại thập nhất niên Bính Tý nhuận tam nguyệt nhật. Sùng giám thánh  tượng tiền nhật phụng sự long bài. (Bản chữ Hán thiếu chữ nhất)


DỊCH NGHĨA (VŨ HOÀNG):

       Ngày sinh, ngày mất (hóa), ngày mừng công được ghi lại như sau:
- Bà sinh mùng 8 tháng 2, sắp lễ gồm thịt lợn, bánh tròn (bánh dày)

- Bà mất ngày 25 tháng chạp, sắp lễ cúng gồm xôi, rượu

- Ngày 15 tháng 08 là mừng công (Khánh hạ) sắp lễ cúng gồm thịt lợn, xôi nếp, thịt gà.

       Các lần triều đình phong tặng:

- Trưng Vương (40 - 43) phong là Công chúa Thánh Chân đại vương.

- Vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) gia phong là Công chúa Thánh Chân Nam Hải Uy linh.      

- Sắc phong tháng 11 năm Thành Thái thứ nhất (1889) được gia tặng là Dực Bảo Trung Hưng

- Sắc phong năm Thánh Thái thứ 14 (1902) được gia tặng là Trai Thục Linh Phù

- Sắc phong tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) được gia tặng là Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng

- Sắc phong tháng 6 nhuận năm Duy Tân thứ 5 (1911) được gia tặng là Dực Bảo Trung Hưng Trai Thục Linh Phù.

- Sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924) được gia tặng Trang Huy Thượng đẳng thần.

- Tháng 3 nhuận năm Bính Tý (1936), niên hiệu Bảo Đại thứ 11 sùng kính dâng biển hiệu của vua ban trước tượng của Công chúa Thánh Chân.

       Theo bản kê Thần tích của làng An Biên thì thời Trưng Vương (40 – 43) Lê Chân được Trưng Vương phong là Công chúa Thánh Chân. Đây chỉ là tương truyền mà thôi vì tuổi đời của Lê Chân và Trưng Nhị ngang nhau, còn Trưng Vương hơn Lê Chân có 6 tuổi, nên việc Lê Chân không thể làm công chúa cho Hai Bà được và một điều không bao giờ xảy ra là người đang sống lại được phong Thánh.

       Theo Thần tích của làng An Biên (Hải Phòng) thì có một Tiên nữ phạm lỗi trên Thiên đình, được Ngọc Hoàng sai đày xuống trần gian hai mươi ba năm, đó chính là Lê Chân, nên theo cách hiểu của chúng tôi thì hai từ “công chúa” ở đây có nghĩa là con Trời. Tương tự như trường hợp này tại xã Nội Tạ, tổng Bắc Tạ (Vĩnh Bảo) có Thành hoàng làng là Công chúa Ngọc Ngân thời Hùng Vương, mà Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng ghi nhầm là Công chúa Ngọc Hân vợ Quang Trung, cũng được gia phong với mỹ tự Trinh Uyển (貞婉) tôn thần (Âm thần).

       Còn vua Trần Anh Tông gia phong cho Lê Chân với mỹ tự Công chúa Thánh Chân Nam Hải Uy linh là chưa có cơ sở vì thời nhà Trần thì xã An Biên, tổng Đông Khê chưa có, phần đất nơi đây vẫn còn là biển cả. Ngoài ra Lê Chân không là Thành hoàng làng của bất kỳ làng xã nào tại Việt Nam, kể cả nơi bà sinh ra tại huyện Đông Triều, hay làng An Biên tại Vĩnh Bảo, hay ở ở Căn cứ An Biên tại xã Khúc Giản, huyện An Lão (chân Núi Voi), hay theo tương truyền nơi Bà mất tại xã Lạt Sơn, tổng Quyển Sơn, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân,…

          Giả sử Bà được gia vua Trần phong tặng cụm mỹ tự Công chúa Thánh Chân Nam Hải Uy Linh thì tại sao sắc phong năm Thành Thái nguyên niên (1889) chỉ có cụm mỹ tự Phu nhân Thánh Chân, mà tới năm Thành Thái thứ 14 (1902) mới có cụm tự Công chúa Thánh Chân Nam Hải Uy Linh này. Điều đó chứng tỏ vua Thành Thái là người gia phong cho Bà là Công chúa Thánh Chân Nam Hải Uy Linh vào năm 1902.

       Từ đó ta có thể khảng định hai sắc phong đầu chỉ là tương truyền mà thôi. Còn các sắc phong thời nhà Nguyễn (1889 – 1924) là có cơ sở, nhưng đều thể hiện bà là Âm thần (không phải là Nhân thần hay Dương thần).

NGỌC TÔ

.

.

.

.