/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

Kỳ vọng xuất hiện một thế hệ nhà văn mới

Mỗi tuần tôi vẫn mua một tờ Văn nghệ Trẻ để đọc. Giờ thói quen này sẽ không còn nữa.

Kỳ vọng xuất hiện một thế hệ nhà văn mới



 
 Những số báo giấy cuối cùng của Văn nghệ Trẻ đang được hoàn tất, xen lẫn tâm trạng bâng khuâng, nuối tiếc nhưng nhà văn Khuất Quang Thuỵ - Tổng Biên tập, vẫn “kỳ vọng xuất hiện một thế hệ mới, họ hoàn toàn tự tin khi công bố tác phẩm của mình trên mạng mà không hề có băn khoăn mình có là nhà văn mạng hay không” khi nói về Văn nghệ Trẻ điện tử tương lai.

 PV: Văn nghệ Trẻ là một phụ trương của tuần báo Văn nghệ tồn tại đã lâu và có một vị trí nhất định trong đời sống văn chương cũng như với người cầm bút trẻ, vậy xin hỏi nhà văn Khuất Quang Thuỵ, lý do nào khiến toà soạn quyết định chuyển hình thức xuất bản từ báo giấy truyền thống thành báo điện tử?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Cho đến nay thì Văn nghệ Trẻ đã là năm thứ 20 rồi. Mặc dù chỉ là phụ trương của tuần báo Văn nghệ nhưng 20 năm qua Văn nghệ Trẻ đã tạo được bản sắc riêng và cống hiến rất quan trọng trong việc xây dựng nền văn học Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt phục vụ đối tượng là bạn đọc, bạn viết trẻ.

Việc duy trì một tờ báo như vậy nhằm hỗ trợ cho tờ báo chính - báo Văn nghệ trong việc tiếp cận với giới trẻ, kể cả bạn đọc và bạn viết là hết sức quan trọng. Đây là chủ trương xuyên suốt của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Có hai lý do khiến ban biên tập quyết định chuyển Văn nghệ Trẻ báo giấy thành phiên bản điện tử.

Thứ nhất là cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, internet xuất hiện thì thói quen đọc, giao lưu… đã khác rất nhiều. Nếu cần một kênh tiếp cận với các bạn trẻ bây giờ thì mạnh nhất vẫn là internet. Ngay cả đối tượng phục vụ của Văn nghệ Trẻ là các bạn trẻ cũng khác, họ đọc trên mạng là chính. Vì thế, họ cũng rất khát khao có một sân riêng của họ. Trong khi tờ báo Văn nghệ Trẻ chỉ có bản in, không có bản điện tử nên số bạn đọc có trong tay bản in để đọc rất ít. Hơn nữa, để mua cho mình một tờ báo văn nghệ đọc thì dường như độc giả chỉ mua tờ Văn nghệ thôi, ít người mua cả hai tờ để đọc. Nguyên nhân không phải do Văn nghệ Trẻ kém hơn trước đây. Thậm chí, theo tôi nhìn lại thì trừ một số bài bút ký phóng sự trước đây “nóng”, có những phát hiện đặc biệt về đời sống chính trị xã hội, còn lại, nhất là mảng sáng tác thì Văn nghệ Trẻ gần đây càng ngày càng đa dạng và hay hơn. Nhưng thực tế là lượng độc giả tiếp xúc với bản báo in ngày một ít đi. Chính điều này đã dẫn đến lý do thứ hai.

Vì độc giả tiếp xúc với bản in ngày một ít nên lượng xuất bản ít và kéo theo vấn đề kinh tế. Lượng xuất bản sụt giảm dần dần sẽ đến lúc nó không đảm bảo hoạt động.

Trước nay, nhiều bạn đọc, thậm chí cả Hội viên Hội Nhà văn không biết, ngay cả báo Văn nghệ là tờ báo tự hạch toán mà cứ nghĩ là tờ báo được bao cấp. Thực tế, không có một khoản bao cấp nào trừ một khoản là mỗi tháng Hội Nhà văn mua khoảng 1.000 tờ để cung cấp cho Hội viên thôi.

Không thể chọn báo Văn nghệ thành báo điện tử. Vì Báo Văn nghệ vẫn được coi là “tiếng nói” của Hội Nhà văn nên phải tập trung nhiệm vụ chính.

Để hài hoà cả hai nhiệm vụ thì buộc phải chọn “cách” khác cho Văn nghệ Trẻ, đó là chuyển từ phiên bản giấy sang phiên bản điện tử.


Văn nghệ Trẻ báo giấy


PV: Theo dõi hoạt động văn chương trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam có thể thấy, dường như việc tồn tại tờ báo Văn nghệ Trẻ là một trong những hoạt động mang tính nghề nghiệp chuyên môn đều đặn nhất. Bởi Sân thơ trẻ thì một năm mới có một lần. Giải thưởng văn học trẻ không có. Các cuộc toạ đàm văn chương thì ngày một thưa thớt. Các chuyến đi thực tế thì dường như còn hạn hẹp… Xin được hỏi thật nhà văn, khi quyết định “khai tử” Văn nghệ Trẻ báo giấy, về phía ban Nhà văn trẻ hay Hội Nhà văn Việt Nam có ‘ý kiến’ gì với việc này?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Ban Nhà văn trẻ chỉ là bộ phận tư vấn cho Ban chấp hành về công tác văn học trẻ chứ không phải là một cơ quan hành chính có được tư cách pháp nhân để “cầm” một tờ báo.

Ngay cả trường hợp Ban Nhà văn trẻ có được cấp phép ra một tờ báo thì vẫn phải đặt ra một câu hỏi là cơ sở về vật chất cho tờ báo tồn tại. Chứ không thể chuyển sự bất lợi từ bên này sang bên kia.

Còn báo Văn nghệ Trẻ và Văn nghệ là cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam nên nhất cử nhất động phải được Ban chấp hành thông qua. Việc Văn nghệ Trẻ chuyển thành báo điện tử cũng thế.

Thực ra phiên bản điện tử dành cho Văn nghệ Trẻ không phải là sáng kiến của Ban biên tập chúng tôi mà là “tính toán” của Ban chấp hành. Vì nói cho cùng, cho đến ngày hôm nay, trên không gian mạng, ngoài trang web của Hội, mà cũng chỉ là website chứ không phải báo điện tử, thì Hội Nhà văn hầu như không có “trận địa”. Trong khi đó, bất cứ một đoàn thể nào, họ đều có vài ba tờ báo mạng rồi. Hội Nhà văn bây giờ mới nghĩ đến việc xây cho mình một căn nhà trên mạng là quá muộn. Báo Văn nghệ là tờ báo chính, vì lý do truyền thống, vừa là “mặt tiền” của Hội Nhà văn. Vì thế, hợp lý nhất là chuyển tờ Văn nghệ Trẻ thành báo điện tử. Nó không những hợp với đối tượng phục vụ lại hợp với cả đối tượng đang tác nghiệp.

Nói cho cùng thì “số phận” của Văn nghệ Trẻ được đặt ra lâu rồi, vì khó khăn quá. Lại phải giữ tôn chỉ mục đích được Hội Nhà văn đặt ra, chứ không thể chạy theo xu hướng rẻ tiền, câu khách… Nhưng vì chưa tìm ra được “lối thoát”, lại không ai muốn bỏ tờ báo có bề dầy 20 năm nên bây giờ Văn nghệ Trẻ mới có sự thay đổi.

Văn nghệ Trẻ thành báo điện tử vừa giữ được thương hiệu, chúng tôi lại vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, mặc dù còn nhiều chông gai nhưng vẫn nhìn thấy tương lai.

Theo tôi biết thì ngay cả ở nước Mỹ, nhiều bang không có một tờ báo giấy nào. Vừa rồi có mấy đoàn khách nước ngoài sang thăm Hội Nhà văn Việt Nam, họ cũng nói là giờ chủ yếu phát triển báo điện tử. Khi mà chúng tôi có tặng các bạn Myanma mấy ấn phẩm của Hội Nhà văn như báo Văn nghệ, tạp chí Thơ… họ rất ngạc nhiên vì nước họ giờ đây chỉ còn tồn tại một tờ tạp chí thôi và số lượng in cũng rất ít, chỉ khoảng 1000 - 2000 bản, còn hoàn toàn là báo điện tử. Có Hội Nhà văn trên thế giới có đến 5,6 tờ báo điện tử.

PV: Qua một cuộc phỏng vấn cũng như thăm dò nho nhỏ một số cây bút từng cộng tác với Văn nghệ Trẻ thì thấy phần nhiều họ tỏ ra nuối tiếc. Vậy Ban biên tập có lường trước được những tình cảm và cả sự hẫng hụt của độc giả, tác giả dành cho Văn nghệ Trẻ không?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Chúng tôi có lường trước điều đó. Thậm chí không chỉ với các cây bút trẻ, ngay cả chúng tôi đang làm những số báo cuối cùng cũng rất bâng khuâng. Đến lúc bản in của báo Văn nghệ Trẻ không còn trên bàn nữa cũng rất là tiếc.

PV: Từ một thói quen làm báo tuần chuyển sang báo mạng, ông đánh giá sự chuyển đổi này là khó khăn hay dễ dàng?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Tôi nghĩ không phải dễ. Không chỉ với chuyện tác nghiệp mà ngay cả bài toán kinh tế cũng không đơn giản. Nhưng chúng tôi vẫn sử dụng được lợi thế tối đa đội ngũ hiện có ở đây.

PV: Vậy giữa Văn nghệ Trẻ báo giấy và Văn nghệ Trẻ điện tử sẽ có điểm gì giống và khác nhau ạ?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Về hình hài của Văn nghệ Trẻ điện tử không khác gì so với Văn nghệ Trẻ báo giấy ở logo như một sự nhận dạng thương hiệu quen thuộc. Các bạn trẻ khi mở báo Văn nghệ Trẻ điện tử ra sẽ thấy không khác với báo trước đây. Chúng tôi cũng tính đến yếu tố tâm lý các bạn trẻ nên khi làm giao diện đã giữ lại tối đa những nét ưu việt, quen thuộc của mình.

Về phong cách làm báo thì báo điện tử sẽ có những cái khác, như tốc độc cập nhật thông tin về thế giới văn học trẻ. Phần tương tác thì báo giấy trước kia không làm được thì giờ đây báo điện tử sẽ phát huy. Cùng với “phong cách trẻ” những diễn đàn, bình luận, trao đổi… sẽ rất sinh động. Tuy nhiên, cách thể hiện vẫn phải chững chạc, hàm lượng văn hoá phải cao.

Tóm lại là Văn nghệ Trẻ điện tử vẫn giữ tôn chỉ mục đích chung và phong cách của báo trẻ.


Và Văn nghệ Trẻ điện tử (giao diện bản thử nghiệm)
 

PV: Ban biên tập Văn nghệ Trẻ điện tử sẽ nhấn mạnh, hay làm nổi bật cái gì để khi độc giả vào đọc Văn nghệ Trẻ điện tử sẽ nhận ra ngay đây là một tờ báo văn chương điện tử dành cho các cây bút trẻ?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Vì đây là tờ báo văn học nên yếu tố nổi bật nhất là “tinh thần sáng tạo”, tinh thần sáng tạo trong cả sáng tác, trong cả cách trao đổi thông tin, giao lưu, thể hiện… Chúng tôi sẽ làm theo cách riêng, độc đáo, không giống với các tờ báo đã và đang tồn tại. Hiện nay chúng tôi mới bắt đầu hình dung ra, nhưng thực thi được hay không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn đọc và nhiều yếu tố.

Độc đáo nữa là trong chính cách tổ chức của toà soạn, của ban biên tập với đội ngũ các phóng viên tình nguyện ở các tỉnh thành, trong và ngoài nước.

PV: Đến giờ phút này, nhà văn có thể tiết lộ Văn nghệ Trẻ điện tử sẽ có những mục gì?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Đầu tiên là phải nói đến sáng tác. Sáng tác sẽ vừa là thế mạnh, vừa là đặc sắc của tờ báo. Các sáng tác mới sẽ được giới thiệu, độc giả được tham gia vào thẩm bình, đánh giá một cách mới mẻ.

Mục nữa là Diễn đàn. Diễn đàn dành cho người yêu thơ chẳng hạn, diễn đàn về sáng tác đầu tay.

Nhịp sống trẻ: bao gồm tất cả những chuyện các bạn được biết nhưng được nhìn dưới góc độ tư duy văn học. Ví dụ như chuyện về “phượt” sẽ có những trang tản văn viết về phượt. Hay như vấn đề thời trang cũng sẽ được viết theo cách của văn học… Tất cả những cái này là nền tảng của sáng tác.

Trực tuyến: sẽ là các cuộc trao đổi, bàn tròn nghệ thuật được thể hiện theo phong cách trẻ.

Đối thoại: sẽ là những cuộc đối thoại thế hệ, tranh luận giữa 7x, 8x hoặc với các thế hệ trước về cùng một vấn đề.

Giới thiệu chân dung các cây bút văn chương trẻ.

Và mảng nữa là Văn học trong nhà trường, đây là mục lớn, thậm chí chúng tôi còn có dự định làm hẳn một chuyên trang riêng.

PV: Thế còn vấn đề khá nhiều tác giả muốn quan tâm là nhuận bút sẽ thế nào ạ?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Sẽ có chế độ nhuận bút cho báo điện tử Văn nghệ Trẻ, tuy nhiên sẽ thấp hơn so với báo giấy.

PV: Trong suốt 20 năm hoạt động, đã có nhiều cây bút trưởng thành từ Văn nghệ Trẻ. Tương lai, Văn nghệ Trẻ điện tử cũng xuất hiện lớp tác giả trưởng thành mới. Vậy liệu những tác giả này có nằm trong khái niệm “Nhà văn mạng” không thưa ông?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Đây là một khái niệm mà Hội Nhà văn đã tranh luận rất nhiều. Trước đây, còn có ý kiến này nọ nhưng giờ đây phải thừa nhận một điều có một dòng văn học trên mạng. Và không có lý gì những sáng tác trên mạng không được coi là văn học, vì nó chỉ khác về hình thức công bố.

Xưa nay, do thói quen đọc, độc giả vẫn trọng cái gì in ra, được sờ thấy hơn là những gì còn ảo. Hay nói cách khác cái gì được in ra thì “có giá” hơn so với cái gì chưa được in ra. Điều này một phần là do thói quen, cách suy nghĩ của thế hệ khác. Đây chính là nhiệm vụ, mục tiêu của những người làm Văn nghệ Trẻ điện tử; phải xây dựng một thế hệ hiểu rằng những giá trị văn học nghệ thuật, văn hoá… được công bố ở trên mạng là những giá trị thật. Và phải tạo được một thế hệ quen với điều đó.

Trước kia, đã có nhiều cây bút trưởng thành từ Văn nghệ Trẻ thì tới đây tờ báo chuyển thành báo điện tử chắc chắn cũng sẽ tạo được một đội ngũ như thế. Có thể họ vẫn là những tác giả đã và đang cộng tác với Văn nghệ Trẻ báo giấy nhưng chúng tôi cũng kỳ vọng xuất hiện một thế hệ nhà văn mới, họ hoàn toàn tự tin khi công bố tác phẩm của mình trên mạng mà không hề có băn khoăn mình có là nhà văn mạng hay không.

Một phần nữa, chính là do “chất lượng thương hiệu” của Văn nghệ Trẻ điện tử. Nếu các tác giả công bố tác phẩm trên mạng nhưng mạng đó có độ tin cậy không cao về mặt thẩm định, lại rất dễ dàng thì đương nhiên độc giả không đánh giá cao. Còn ngược lại, nếu in trên mạng uy tín thì sẽ khác.

Dù là in giấy hay mạng thì cái “chuẩn nghệ thuật” ở mỗi nơi sẽ quyết định chất lượng và vị thế của tác giả. Nói cách khác, gọi là nhà văn mạng hay không, quan niệm nhà văn mạng như thế nào là phụ thuộc vào uy tín của tờ báo. Và đây chính là đòi hỏi khó khăn cho những người làm Văn nghệ Trẻ điện tử tới đây.

Để thẩm định chất lượng bài vở gửi đến báo, toà soạn chúng tôi sẽ có một phòng nội dung chung của báo Văn nghệ và Văn nghệ Trẻ điện tử. Tất cả bài vở gửi đến đều phải qua thẩm định ở phòng nội dung đó.

PV: Vâng, hi vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cộng với kinh nghiệm của các nhà văn làm văn nghệ, lại có nhiều năm tiếp xúc với không gian văn hoá văn nghệ trên mạng, xin chúc cho Văn nghệ Trẻ điện tử thực sự khởi sắc và là địa chỉ uy tín cho các nhà văn trẻ. Xin hỏi ông câu cuối, nếu điều chúc này thành sự thật và các nhà văn trẻ vẫn tha thiết với bản báo in thì toà soạn có tồn tại song song hai phiên bản báo in và báo điện tử không?

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Cũng có thể, nếu có điều kiện kinh tế, chúng tôi sẽ tồn tại hai phiên bản cả báo giấy và báo điện tử. Lúc đó, có khi bản in chỉ với số lượng rất ít và có ý nghĩa như bản lưu, bản sưu tầm. Nhưng nhiệm vụ trước mắt chúng tôi đặt ra là phải làm tốt phiên bản điện tử để khai thác những lợi thế của báo mạng đã.

* Cảm ơn nhà văn!

 

 

Cảm nhận của các nhà văn khi Văn nghệ Trẻ chuyển thành báo điện tử

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Trưởng ban Nhà văn trẻ): Tôi rất tiếc khi Văn nghệ Trẻ báo giấy không phát hành nữa. Ngay từ đầu nhiệm kỳ khoá 8 Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi và một số nhà văn khác trong Ban chấp hành cũng đã bàn đến số phận tờ báo Văn nghệ Trẻ, rằng nếu có biến động gì có thể giao cho Ban Nhà văn trẻ đảm nhiệm. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc nhiều cái, trong đó có điều kiện tài chính, bạn đọc… và cuối cùng không thực hiện được.

Nhà thơ Trần Quang Quý: Một tờ báo có bề dày như Văn nghệ Trẻ mà không còn ra báo giấy nữa tôi rất nuối tiếc. Tôi từng có thời gian công tác ở Văn nghệ Trẻ, dù không dài, nhưng đó là khoảng thời gian tôi cho là hoàng kim nhất, rực rỡ nhất của Văn nghệ Trẻ. Dù sau này tôi chuyển công tác nhưng vẫn để ý, theo dõi các bước đi của Văn nghệ Trẻ. Việc chuyển từ báo giấy sang báo điện tử nói chung là một xu thế không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra trên thế giới. Ngay ở Việt Nam, báo điện tử cũng đang phát triển mạnh. Tất nhiên, lượng bạn đọc báo giấy đang ngày càng ít đi, số lượng phát hành báo giấy cũng ít đi. Tuy nhiên, các toà soạn họ vẫn có một lượng báo giấy nhất định tồn tại song song với báo điện tử. Việc báo Văn nghệ Trẻ chấm dứt hoạt động của báo giấy mà chuyển hẳn sang báo điện tử khiến tôi và chắc chắn nhiều người khác nữa không tránh khỏi cảm giác nuối tiếc và hẫng hụt.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Tôi thấy tiếc quá đi chứ. Ở Kon Tum, theo tôi biết, số người đọc văn học trên internet còn chưa nhiều, đọc trên sách báo in cũng còn ít. Mỗi tuần tôi vẫn mua một tờ Văn nghệ Trẻ để đọc. Giờ thói quen này sẽ không còn nữa. Tới đây, với Văn nghệ trẻ điện tử tôi cũng sẽ vẫn cộng tác như trước và chúc tờ báo với diện mạo mới sẽ khởi sắc.

Hiền Nguyễn (thực hiện)
Nguon theo vanhocquenha