/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tin trong Nước

Người có duyên với các giải thưởng

Phải chăng đó cũng là tự bạch của chính nhà văn Phạm Quang Đẩu?

Người có duyên với các giải thưởng


Không chỉ vui tính mà Phạm Quang Đẩu còn là người tình nghĩa. Có lần tôi kể anh nghe một chuyện cách nay đã hơn 50 năm, hồi tôi mới nhập ngũ, viết một bài ngắn gửi Báo Quân đội nhân dân. Ít lâu sau nhận được thư trả lời của người biên tập kí tên là Vũ Hồ, ông cẩn thận còn gửi lại cả bản thảo của tôi sau khi đã sửa chữa để tôi đọc lại. Xem ra phần sửa còn nhiều hơn bản thảo bài viết...

Nhà văn Phạm Quang Đẩu thoạt gặp tưởng lạnh lùng, khó tính nhưng thật ra anh là người cởi mở, dễ gần. Thậm chí chỉ sau vài lần tiếp xúc, hợp là thành thân. Tôi quen biết anh cũng tình cờ. Cách đây chừng vài năm, một lần đến Báo Công an nhân dân thấy anh đang lĩnh nhuận bút, nhìn quen quen nhưng không nhớ đã gặp ở đâu. Hỏi, anh cười, trả lời rất hồn nhiên, "Tôi là Đẩu, Phạm Quang Đẩu". Nhưng ngay sau đó thì tôi nhớ đã gặp anh tại gia đình nhà thơ Phạm Đình Ân cùng khu tập thể nơi tôi ở, ngày anh mới ra cuốn tiểu thuyết "Đánh đu cùng số phận" mang đến tặng bạn. Tôi nhắc lại làm anh thêm vui vẻ, nhân đấy bảo cùng ra quán làm vại bia.

 

Nhà văn Phạm Quang Đẩu.

Tôi và Phạm Quang Đẩu thân nhau từ đó. Cứ vài tuần, hoặc Đẩu hoặc tôi lại đến với nhau nhưng chủ yếu anh đến vì nghĩ tôi đã cao tuổi. Tiếp xúc với Đẩu, thấy anh là người vui tính, hóm hỉnh. Hôm ở quán cà phê Núi Trúc, cô chủ quán rất ưa nhìn nên tôi thật thà hỏi: "Cháu xinh thế có khi nào đăng kí thi hoa hậu?". Cô bé chưa kịp trả lời thì Đẩu đã chêm vào: "Cháu mà đi thi thì ít nhất phải đến vòng gửi xe mới bị loại(!)". Cô bé hẳn tự ý thức nhan sắc của mình, chỉ cười: "Các bố có tuổi mà vui tính quá, bọn con còn phải theo mệt”.

Không chỉ vui tính mà Phạm Quang Đẩu còn là người tình nghĩa. Có lần tôi kể anh nghe một chuyện cách nay đã hơn 50 năm, hồi tôi mới nhập ngũ, viết một bài ngắn gửi Báo Quân đội nhân dân. Ít lâu sau nhận được thư trả lời của người biên tập kí tên là Vũ Hồ, ông cẩn thận còn gửi lại cả bản thảo của tôi sau khi đã sửa chữa để tôi đọc lại. Xem ra phần sửa còn nhiều hơn bản thảo bài viết.

Nghe chuyện, Đẩu cho biết: "Bác Vũ Hồ giờ tuổi đã ngoài 80, sức yếu, đi lại khó khăn". Anh chủ động lên lịch hẹn rồi dẫn tôi đến thăm ông Vũ Hồ. Nghe Đẩu giới thiệu và nhắc lại chuyện cũ, không biết còn nhớ hay đã quên, chỉ thấy nhà báo già nhìn tôi cười cười, nụ cười rất hiền. Tôi cảm động vì nhờ sự nhiệt tình của Đẩu mà tôi đã được gặp người biên tập để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Đến lúc ấy tôi mới biết khi Phạm Quang Đẩu về báo vào năm 1979 thì bác Vũ Hồ đã chuẩn bị nghỉ hưu, và hai người cũng không cùng phòng biên tập. Vậy mà nhiều năm qua, anh vẫn thường qua lại, thăm hỏi.

Tôi nhận ra Phạm Quang Đẩu không phải típ người mềm mỏng, khôn khéo, mà ngược lại, đôi khi là người hơi… cứng tính. Thấy điều gì hay, dở anh thường tỏ rõ chính kiến ngay, cảm giác chất lính thô ráp trong nhà văn vẫn còn nhiều. Tính cách vậy hẳn nhiều người yêu nhưng cũng không ít kẻ ghét. Anh biết nhưng cũng không thể thay đổi. Mỗi khi gặp nhau, thấy Đẩu ít nhắc đến chuyện văn chương mà thường nói về thể thao. Anh mê bóng đá, không bỏ buổi nào, kể cả đang lúc nửa đêm mỗi khi trên tivi có tường thuật trực tiếp bóng đá quốc tế. Còn khi ai đó nói về bóng bàn thì cảm giác lúc ấy khuôn mặt căng tròn, hồng hào của anh như bừng sáng hẳn.

Hoá ra anh là cây bóng bàn đã giành nhiều giải trong các cuộc thi đấu của Hội Nhà báo hay toàn quân. Anh tự hào rằng mình hiện có gần 40 huy chương các loại trong suốt mấy chục năm là vận động viên bóng bàn nghiệp dư. Tận năm 2014 vừa rồi, anh còn đoạt Huy chương Bạc lão tướng toàn thành phố Hà Nội. Bây giờ, các buổi chiều hằng ngày anh dành trọn thời gian bên bàn bóng. Những tưởng sau bao nhiêu năm công tác đến khi nghỉ hưu thì anh gác mọi chuyện, vui khoẻ là chính. Nhưng anh vẫn là người của công việc, đam mê con chữ. Hằng ngày 3-4h sáng, anh đã trở dậy đọc sách hoặc ngồi sáng tác ngay trên máy tính đến 8-9h.

Không như nhiều người thường rất ngại, khôn khéo tìm lí do thoái thác khi được ai đó nhờ đọc bản thảo hay tác phẩm mới. Bận rộn nhưng Phạm Quang Đẩu lại không nề hà, không ngại mất công sức trong những trường hợp như vậy. Chị Hạnh vốn là giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng mê văn chương, lúc về hưu hay ghi chép chuyện đời, chuyện mình. Một lần chị đưa bản thảo nhờ anh góp ý, anh vui vẻ đọc.

Nhận thấy có chất tiểu thuyết, anh khuyến khích chị viết tiếp và đã dành khá nhiều thì giờ trực tiếp giúp sửa bản thảo. Khi cuốn tiểu thuyết "Ngày ấy chưa xa" của Đào Phương Hạnh được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, thì người đầu tiên chị đem sách đến tặng là Phạm Quang Đẩu. Nhưng trường hợp một người bạn cũ cùng cơ quan với anh hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh lại khác.

Thấy người bạn này bỗng dưng "dở chứng", cứ chừng vài tháng lại gửi ra một cuốn sách mới in của anh ta, khi thì tập thơ, trường ca khi thì tiểu thuyết, truyện ký… mà hoàn toàn đều phải tự bỏ tiền túi rất tốn kém, Phạm Quang Đẩu viết một thư dài phân tích tác phẩm cụ thể, cũng không ngần ngại thẳng thắn nêu ra những chỗ yếu kém để cuối cùng đưa ra một lời khuyên khá gay gắt "Cậu không nên tiếp tục ném tiền qua cửa sổ nữa…". Người bạn hiểu ý, từ đấy không thấy in ấn thêm cuốn nào.

Lại mới đây, một bạn viết ở Lào Cai, tình cờ gặp Phạm Quang Đẩu trong ngày bế mạc trại sáng tác của Bộ Công an ở Cửa Lò, sau khi về, anh gửi theo đường Internet tiểu thuyết mới nhất của mình và đề nghị góp ý. Phạm Quang Đẩu đọc rất nghiêm túc và không ngần ngại nêu ra nhiều chỗ phải sửa. Nghĩ tác giả sẽ giận nhưng ngược lại, anh đã nhận được thư trả lời: "… em vừa đọc thư của anh. Cảm giác đầu tiên của em là sự bộc trực thẳng thắn của anh làm em rất cảm động. Thú thực với anh, em cũng đã nhờ một vài người đã thành danh trong văn chương đọc bản thảo của em rồi, nhưng nhận xét như anh thì chưa. Em sẽ làm theo lời chỉ dẫn của anh".

Phạm Quang Đẩu không phải là người viết sớm. Mãi đến năm 1983, khi vào tuổi 35, anh mới được xuất bản tập truyện ngắn đầu tay và gần 10 năm sau đó anh mới có cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Anh tự nhận, "tạng tôi có lẽ về già mới viết được". Quả vậy, năm 2007, sau khi về hưu anh viết khoẻ, có những tác phẩm được dư luận chú ý. Hoàn thành bốn tiểu thuyết trong vòng bảy năm, thì có 2 cuốn đoạt giải. Năm 2010 anh nhận giải Văn học sông Mê Kông của Hội Nhà văn 3 nước Đông Dương với tiểu thuyết "Một ngày là mười năm". Mới đây, anh được trao giải A trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống nhân kỉ niệm 70 năm truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2015) do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức, với tiểu thuyết "Đơn tuyến". Cuốn sách viết về cuộc đời và hoạt động của nhà tình báo kiêm nhà khoa học, Thiếu tướng, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, điệp viên của Công an liên khu IV, sau được cử vào miền Nam trong dòng người di cư năm 1954. Ông đã có gần 10 năm tu nghiệp tại Pháp, 3 bằng kỹ sư, 2 bằng tiến sĩ, trong đó có bằng tiến sĩ cao cấp về toán học. Từ năm 1966 ông về nước hoạt động trong vỏ bọc giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn cho đến ngày đất nước thống nhất. Ông đã lập được nhiều chiến công, cung cấp cho bộ chỉ huy cao nhất nhiều thông tin tình báo chiến lược.

Tác phẩm "Đơn tuyến" thuộc dòng tiểu thuyết tư liệu nên sớm được đông đảo bạn đọc đón nhận. Điều đáng nói, nhân vật Nguyễn Đình Ngọc lúc sinh thời rất kín tiếng, không hé lộ với ai, ngay cả với người thân trong gia đình về hoạt động của mình. Hoàn toàn sử dụng các tư liệu gián tiếp và với trí tưởng tượng phong phú, tác giả Phạm Quang Đẩu đã tái hiện một cách sinh động, có sức thuyết phục cao về người điệp viên kiêm nhà khoa học tài ba này.

Nhà văn Ma Văn Kháng đã đánh giá cao cuốn tiểu thuyết "Đơn tuyến:" "Từ chất liệu có thực đến một chế phẩm văn chương, đó là tài nghệ và công phu sáng tạo của nhà văn Phạm Quang Đẩu. Lịch sử thì bề bộn một dòng chảy sôi sục. Còn con người thì nhỏ bé nhưng đã neo vào lịch sử và tác động vào lịch sử bằng một sức mạnh giản dị mà tầm vóc thì thật lớn lao. Đó là chân dung một nhà tình báo đặc sắc ít thấy mà tôi đã được thấy".

Những năm 90 của thế kỷ trước, Phạm Quang Đẩu từng hai lần giành giải cao trong các cuộc thi truyện ngắn của Hội Nhà văn. Rồi tiếp đến những cuộc thi khác, như tôn vinh các nhà khoa học công nghệ của Báo Thế Giới mới; về chống tệ nạn xã hội của Đài Tiếng nói Việt Nam… anh đều có tác phẩm đoạt giải. Những năm gần đây, cuộc thi về đề tài "Sự hi sinh thầm lặng của Báo Sức khoẻ và đời sống”, anh là tác giả duy nhất liên tiếp 3 lần liền được nhận giải thưởng. Phải chăng vì thế nên như nhiều người nhận xét, Phạm Quang Đẩu là "người có duyên với các giải thưởng!".

Đọc Phạm Quang Đẩu, dù ở lĩnh vực văn chương hay báo chí, thấy rõ sự nhanh nhạy, mạch lạc, chặt chẽ của một người viết nhiều kinh nghiệm trong khai thác tư liệu, sự kiện cùng một vốn sống phong phú và tư duy sắc sảo. Anh vốn là kỹ sư cơ khí (Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật năm 1970), nhưng theo nghề được gần 10 năm thì một lòng đi theo tiếng gọi của văn chương.

Phạm Quang Đẩu luôn tâm đắc với tâm sự của nhà văn Nga nổi tiếng K. Pauxtopsxki: "Tôi sống và làm việc, yêu, đau khổ, hy vọng, mơ ước, chỉ biết chắc một điều rằng, sớm hay muộn, trong tuổi trưởng thành hoặc thậm chí trong tuổi già, tôi sẽ viết. Tôi viết không phải vì đặt ra cho mình nhiệm vụ ấy, mà bản chất tôi đòi hỏi phải như vậy. Và bởi vì văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất thế giới!".

Phải chăng đó cũng là tự bạch của chính nhà văn Phạm Quang Đẩu?

Huy Thắng
Theo CAND