VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Tin trong Nước
Chữ và nghĩa: 'Tháng Giêng ăn Tết ở nhà'
Tháng giêng ăn Tết ở nhà - một câu nói hàm chứa bao điều sâu xa liên quan tới phong tục, tập quán và văn hoá của người Việt.Chữ và nghĩa: 'Tháng Giêng ăn Tết ở nhà'
.
Năm 2023 (Quý Mão) đã hết, Tết Giáp Thìn đã đến. Mở cửa ra ta gặp Tháng Giêng. Tháng Giêng đâu chỉ là "tháng ăn chơi" hay "ăn nghiêng bồ thóc". Là 1 trong 12 tháng của năm, cũng chỉ khoảng 30 ngày, nhưng Tháng Giêng là một tháng rất đặc biệt.
Tháng Giêng gắn liền với một cái Tết cũng rất đặc biệt mà chỉ người Việt Nam thực thụ mới cảm nhận hết những ý nghĩa vừa gần gũi vừa sâu xa của nó. "Ở nhà" để thưởng thức và để thực hiện bổn phận của một người Việt Nam đúng nghĩa.
Một cái Tết trong nhiều cái Tết
Trong một năm, người Việt Nam của chúng ta có rất nhiều cái tết: Tết Dương lịch (Tết Tây), Tết Âm lịch (Tết Ta - Tết Nguyên Đán), Tết Nguyên Tiêu, Tết Hàn Thực, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Tết Hạ Nguyên, Tết Táo Quân… Nhiều tết quá! Nhưng chỉ nói một từ tết thôi là bất kể, ai cũng nghĩ đó là Tết Nguyên Đán.
Nếu tra Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020), ta thấy từ tết được giải nghĩa thật ngắn gọn, chỉ "ngày lễ lớn trong năm, thường có cúng lễ, vui chơi, hội hè, theo truyền thống dân tộc". Cách giải nghĩa như vậy là đúng, là đủ chứ còn gì? Nhưng trong tâm khảm sâu thẳm mỗi người con đất Việt, từ tết có một nội hàm rộng lớn hơn nhiều.
Con cháu chúc Tết cha, ông. Ảnh: Tư liệu
.
Cũng bởi Tết Nguyên Đán là cái tết duy nhất, đặc biệt nhất, hội đủ mọi yếu tố làm nên một sự kiện trọng đại nhất của mỗi người. Nó là điểm mốc thời gian mỗi năm. Nó liên quan tới đời sống vật chất, đời sống tinh thần, đời sống tâm linh và văn hoá ngàn đời của dân tộc ta.
Tết nào (dù Tết Ta hay Tết Tây) cũng bắt đầu từ ngày đầu tiên, tháng đầu tiên của năm mới. Mỗi năm có 12 tháng. Ca dao xưa đã có một "bản tổng kết" về 12 tháng này:
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè
Tháng Tư đong đậu nấu chè
Bước vào mùa vụ làm nghề tháng Năm
Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
Tháng Tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng Chín chung nhân buôn hồng
Tháng Mười buôn thóc bán bông
Tháng Một, tháng Chạp nên công hoàn toàn.
Tết và Tháng Giêng trong tâm thức người Việt
Mỗi tháng đều có một đặc thù riêng, phản ánh đời sống, công việc, phong tục, văn hoá… của người Việt Nam. Vậy câu "Tháng Giêng ăn Tết ở nhà" có nghĩa như thế nào?
"Ăn Tết ở nhà" có nghĩa là ăn Tết ở quê hương, ở gia đình mình. Đó chính là tổ tiên, nguồn cội, là nơi chôn rau cắt rốn. Dù ai đi đâu làm đâu thì khi năm hết Tết đến, cũng mau mau thu xếp, khó khăn, xa xôi cách trở đến mấy cũng tìm đủ cách để về quê. "Con người ta có nhiều ngả để ra đi nhưng chỉ có một con đường để trở về nhà". "Quê hương mỗi người chỉ một". "Về quê ăn Tết" chính là về với bố mẹ, anh em chòm xóm, về nhà. Nhà là mái ấm, là nơi yên ổn chở che ta.
Không khí Tết xưa. Ảnh: Tư liệu
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, bàn thờ tổ tiên ở gia đình nào cũng có. Đó là nơi trang trọng nhất trong nhà, để con cháu chiêm bái, thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa. "Không gian thiêng" này đặc biệt thiêng liêng trong những ngày kị, nhất là ba ngày Tết Nguyên Đán. Mọi việc diễn ra trong gia đình lúc này đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt: nhà cửa phải được tu sửa khang trang, sạch đẹp, bàn thờ ông bà ông vải sắp xếp, trang hoàng lại, tất nhiên mọi vật dụng, đồ ăn (bánh chưng, giò, hoa quả…) phải đủ đầy (Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà).
Theo quan niệm, mọi thứ đều "khởi đầu từ năm mới". Nếu ngay từ những ngày đầu năm mà tốt đẹp, đầy đủ thì cả năm sẽ hanh thông và thuận lợi.
Mồng Một thì đi Tết cha
Mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy.
Lời chúc sớm mai, ngày mồng Một Tết sẽ bắt đầu một năm mới trên khắp mọi miền. Trong câu ca dao trên, có ba đối tượng được nhắc đến để ta chúc: "Cha" là "người đàn ông sinh ra ta" và anh em bên nội. "Mẹ" là "người phụ nữ sinh ra ta" và anh em bên ngoại. "Thầy" là "người dạy dỗ ta nên người". Họ là những người "sống Tết chết giỗ".
Chúc Tết là một nghi thức, một hành động, một nghĩa cử mà mọi người hướng tới. Không chỉ là người dưới chúc người trên mà người trên cũng chúc người dưới, bạn bè, anh em, đồng nghiệp cùng hân hoan chúc tụng lẫn nhau. Lời chúc chính là lời cầu mong cho mọi việc tốt lành, thuận lợi. Qua đó cũng là lời động viên, gián tiếp nhắc nhở chúng ta phải hành động sao cho nguyện ước đó mau thành hiện thực.
Lời chúc Tết, cũng giống như mọi lời khẩn cầu trước Thượng Đế, thần linh, dù có nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần, nhưng không phải vì thế mà bớt thiêng. Nó mới mẻ, trong lành và đẹp như mỗi buổi sớm mai.
Tết báo cho ta biết, đã bước sang năm mới, tuổi mới. Và nhắc ta nhìn lại mình đã làm được gì, chưa làm được gì trong 365 ngày tuần hoàn vũ trụ (Ôn cố tri tân). Ngạn ngữ Đức có câu: "Thời gian thay đổi và chúng ta cũng thay đổi theo thời gian". Chúng ta không thể làm trái quy luật của cuộc sống. Tiếng tích tắc của đồng hồ nhắc ta, chỉ một giây thôi, thời gian đã qua ta sẽ không bao giờ lấy lại được.
Tết nhắc nhở cho chúng ta công việc cần làm để hướng về năm mới. Bao nhiêu là "deadline": sắp xếp mọi thứ để hoàn thành mọi dự định. Người lo kết thúc việc học hành. Người lo chuyện riêng tư (dựng vợ, gả chồng). Người lo tu sửa, chỉnh trang nhà cửa… Rất nhiều cái lo. Nhưng đừng ngại. Cuộc sống là thế. Nó là một chuỗi dài những nỗi lo thường nhật đòi hỏi ta phải có quyết tâm vượt lên, khuất phục mọi trở ngại để đưa mọi thứ trở lại bình thường.
Thời gian là "ông thầy" vĩ đại. Thời gian giúp ta sắp xếp mọi công việc. Thời gian đưa chúng ta vượt qua nỗi lo để có niềm vui. Hãy bình tĩnh để thực thi mọi dự định. Đừng hoài công ngồi thương tiếc hôm qua và đừng mỏi mắt đợi ngày mai. Hãy sống với hiện tại. Hiện tại là hiện thân của ngày hôm qua và của cả ngày mai. "Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay". Tháng Giêng là tháng bắt đầu cho một cuộc hành trình.
"Tháng giêng ăn Tết ở nhà" - một câu nói hàm chứa bao điều sâu xa liên quan tới phong tục, tập quán và văn hoá của người Việt. Tết mãi mãi mang ý nghĩa trường tồn. Sau phút giao thừa thiêng liêng là bước sang năm mới - một "cái mốc thời gian" hoàn toàn khác. Và qua mỗi năm, mỗi Tết, mỗi giai đoạn lịch sử, ta lại thấy ý nghĩa của từ Tết thêm đầy, thêm giá trị.
Dù cho nước cạn đá mòn
Thời gian vẫn chảy như con sông dài
Giật mình tờ lịch sớm mai
Ngày ba mươi Tết ngỡ ai đang chờ.
PGS TS PHẠM VĂN TÌNH - TTVH XUÂN GIÁP THÌN
Theo TTVH
Các tin khác
-
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH QUẢNG YÊN NĂM 1909
-
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: "Sách là người thầy toàn diện nhất"
-
"Người viết tiểu thuyết lịch sử như đi trên dây"
-
Ở Việt Nam có 1 tỉnh sở hữu đường bờ biển dài 72 km
-
5 DANH TƯỚNG VIỆT NAM ĐƯỢC THẾ GIỚI GHI NHÂN
-
TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm vừa viết gì trên mạng khiến cộng đồng xôn xao? .
-
THƯ NGỎ GỬI NHÀ BÁO LINH CHI
-
Đề nghị thu hồi 2 cuốn sách của NXB Khoa học xã hội
-
NHÀ VĂN MINH CHUYÊN ĐƯỢC PHONG ANH HÙNG LAO ĐỘNG
-
BÁO ĐỘNG ĐỎ VỀ NẠN LỪA ĐẢO QUA ĐIỆN THOẠI