/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Nữ sĩ cô đơn trên “Đỉnh nhớ”

Nó cần phải xanh tốt để tạo nên những sợi tơ vàng óng từ những con kén cần mẫn, chắt chiu.

Nữ sĩ cô đơn trên “Đỉnh nhớ”

 

Nói đến nhà thơ Lê Thanh My là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Thất Sơn, ai cũng biết. Hoặc kể chị còn là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ An Giang, ắt phải nhiều người hay. Nhưng chuyện nữ sĩ phải đi lại hàng ngày, từ nhà đến cơ quan, vừa đi vừa về hơn 100km, hẳn nhiều người chưa tỏ.

Gia đình chị ở Châu Đốc, nhưng trụ sở Hội và tạp chí Thất Sơn của tỉnh An Giang lại đóng ở Long Xuyên. Hai thành phố cách nhau hơn 50km. Vì hoàn cảnh gia đình, nhà thơ Lê Thanh My phải thường sáng đi, tối về, từ năm 2009 đến nay. Thật như một chuyện khó tin.


Nhà thơ Lê Thanh My

 

Phận em như hạt mưa sa…

Đến An Giang tôi nhắn tin cho My sẽ gặp nhau ở Long Xuyên, nhưng đến chiều My lại vội về Châu Đốc. Sáng hôm sau tôi đi Châu Đốc, cùng bạn bè hành hương lễ miếu bà Chúa Xứ, rồi hẹn gặp nhau, nhưng My đã đi Long Xuyên. Lại nhỡ, tôi dặn sẽ chờ đến tối My quay về, nhưng rồi chuyến xe của tôi bất ngờ đổi chuyến thế là phải đi sớm hơn trước giờ My về khoảng 20 phút. Xe tôi đi quay lại Long Xuyên, còn xe của My đi ngược về Châu Đốc. Thật đúng là… tuổi Ngựa của My và cái tuổi Chó của tôi cứ phải là chạy rông trên đường ngược chiều nhau. Xuống xe, My hổn hển gọi điện, nói một thôi một hồi là tôi quá đáng, là đồ con… Tuất, hẹn rồi mà không chịu đợi. Tôi đành cười trừ. Thật đúng là tuổi Bính Ngọ, nóng giận đùng đùng đấy, nói cho hả giận rồi lại hiện thân lành hiền, cam chịu. Thân phận ngựa mà, làm mọi chuyện hết sức xông pha, nhưng cuối cùng bữa ăn chiều, chỉ là nắm cỏ nhai chậm chạp.

Đúng là thế, nên cái chuyện hàng ngày cứ đi lại, như con thoi giữa hai thành phố, chỉ có My mới chịu thế. Chăm chỉ việc cơ quan, lại còn tận tâm chăm sóc gia đình; nếu cần đi xa hơn, tôi chắc My cũng quyết sáng đi, tối về. Ngồi trên xe, tôi thầm nghĩ có lẽ My muốn gìn giữ vẹn toàn một điều gì đó, và luôn luôn sợ mất nó. Có thể, vì mọi chuyến đi đều có mục đích để dừng chân. Nhưng trong linh cảm, tôi thấy hình như My không muốn hạnh phúc tuột khỏi tay mình, hay chăng…

Có lần My kể với tôi về một cuộc tình của mình thuở sinh viên, khi học ở khoa Văn (Niên khóa 1984-1988), trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Phải nói đó là mối tình thơ theo đúng nghĩa của nó. Chàng yêu nàng và hết sức chăm chút làm thơ tỏ tình. Ai lại viết thơ ngày ngày đưa cho bạn gái, đúng chỉ có một anh chàng này. Không ngờ nàng càng đọc lại càng say và cũng làm thơ đáp lại. Vậy là sự nghiệp thơ của cô sinh viên Lê Thanh My manh nha từ đây. Ngày đó My bắt đầu tìm đọc những thi sĩ nổi tiếng, với mục đích học cách làm thơ để đối lại với người tình.

Mối tình thơ trải dài mấy năm mộng mơ, lãng mạn với bao điều tươi đẹp và hồn nhiên, tưởng như chẳng thể nào rời xa. Vậy mà số trời run rủi sao khi tốt nghiệp năm 1988, My không giữ nổi người tình thơ của mình, mà đi tới một cuộc hôn nhân khác nhanh chóng, có tính quyết định cho số phận. Âu đó cũng là cái mệnh khó cưỡng nổi. Bởi hoàn cảnh gia đình ư? Có thể vì My là một trong năm chị em gái, lại sớm mất mẹ từ khi 10 tuổi. Cha sống vậy nuôi con và chỉ mong những đứa con mình có chỗ dựa vững chắc và yên phận gia đình. Tuổi trẻ chưa kịp bước vào cuộc sống và nhận biết hết sức non nớt về hôn nhân. Cần một việc làm, cần một chỗ dựa, hay cần một cuộc sống thoát khỏi sự nghèo khó? Dường như My chấp nhận và trở về Châu Đốc để có những điều mình muốn. Đơn giản vậy thôi.

Nhưng tất cả lại là từ đây, đã hai mươi lăm trôi qua, My luôn luôn vượt qua những dồn nén âm thầm về những nỗi ân cần sẻ chia, cùng với những đồng cảm trong công việc và mọi rung động trong nỗi cô đơn. My một mình một ngựa đi trong cõi thi ca. My viết cho mình để giải tỏa mọi nỗi niềm mà mình đã đánh mất. Chính vì thế mà ngay những bài thơ đầu tiên cho đến gần đây, với My là mênh mông nỗi niềm mong nhớ và sầu muộn. Tập thơ thứ sáu, “Lặng im lên tiếng” có thể nói đã thể hiện góc cạnh sâu thẳm của Lê Thanh My nhất. Đúng với phong cách nghệ thuật có nhiều tố chất siêu thực đặc sắc khi thể hiện niềm mong nhớ chôn chặt và nỗi khao khát được là chính mình.

Khi leo lên “Đỉnh nhớ”, nữ sĩ trải lòng bày tỏ: “Giấc mơ chập chờn những cánh cò trắng không nhà / Tiếng bìm bịp than giữa mùa nước cạn / Bậu xa rồi ta tìm đâu thấy bạn / Nơi đỉnh nhớ mù sương…” Rồi đó là tiếng lòng than: “Ta biết chờ ai khi đã cuối con đường / Rừng cũng bỏ ta quay về một phía”. Đôi khi nỗi nhớ của My được vẽ lên hình cụ thể: “Em vẽ nụ cười hình trái tim / Có mây chiều nồng ấm / Và một chút gì lạ lẫm / Giống như là men say” (Em vẽ nụ cười của anh). Và, có khi nỗi nhớ thật sự bơ vơ, khi My viết: “ Nỗi nhớ cùng tôi dắt díu nhau về / Tôi biết tìm đâu bóng người trên lối” (Trên cánh đồng nỗi nhớ). Rồi cuối cùng là sự hoang mang: “Dòng mãi trôi qua đôi bờ mắt đỏ / Một nửa đời em / Ngơ ngác / Và trông” (Dòng sông trước mặt).

 

Cái còn ở lại bến sông…

Nhìn lại đời người con gái giữa mười hai bên nước, đôi khi là tiếng thở dài nuối tiếc, nhưng với My sau những quẫy đạp thân phận bùng phát trong thơ ca, thì lại rất đời trong cuộc sống. Đó là sự trở về. Những chuyến đi dằng dặc dặm trường, hàng ngày, My mong lối về cũng tràn ngập ký ức sẽ là động lực để soi roi tâm hồn mình. Bắt đầu từ những ký ức của bến sông quê ở Cồn Tiên, Đa Phước, My đã cất tiếng chào đời…

Không ít lần My kể với tôi về Trịnh Bửu Hoài, một người thày cũng như một người anh dẫn dắt My, từ những câu thơ đầu tiên, tại Châu Đốc. My từng nói thành thực rằng, nếu như không có chuyện, trong một lần say sỉn, ông Trịnh Bửu Hoài, khi đó là Chủ tịch Hội Văn nghệ Châu Đốc, đã “khen đại” một câu, về những bài thơ viết đầu tay của My, thì chắc bây giờ My đã đi tìm nghề khác. Thế mới nói, cái tri âm từ cuộc tình thơ sinh viên, tưởng như đã chết, thì giờ đây cái tri kỷ với một người thầy lại là sự giải thoát. Tôi được biết, hai năm sau âm thầm phấn đấu, My đã được nhà thơ Trịnh Bửu Hoài tập họp bản thảo đầu tiên, cho in thành tập “Mơ hoa”(VNAG-1992). Vậy mà lúc in xong, My chẳng dám đem khoe, hay tặng bạn, mà giấu nhẹm đi chỉ sợ ai đó đọc xong rồi cười. Kỷ niệm đó đã trôi qua 22 năm, nhưng không lúc nào My quên ơn nhà thơ Trịnh Bửu Hoài.

Rồi nhiều khi My lại nhớ cái còn của mình ở bến sông quê, chính là những buổi gặp mặt các sinh viên hay học sinh trường Thủ Khoa Nghĩa ở TP Châu Đốc, nơi My đã từng ngồi học trong suốt tuổi học trò. Ở đó có nhiều cây bút trẻ đọc My và chia sẻ với My nhiều điều về cuộc sồng và tình yêu trong thơ ca. Mỗi lần như vậy, tâm hồn My lại sống dậy những ký ức không thể nào quên dưới mái trường thân yêu. Với bạn,với thày, My được chia sẻ để bù đắp lại những sự dồn nén và đơn độc giữa cuộc sống bề bộn lo toan. Vì ở nơi đó, My không dám thể hiện mình và không bày tỏ được những khát khao trong sáng tạo nghệ thuật thi ca.

Có ngày gần đây, giáp cái tết con ngựa này, My gọi điện nhắn đã gửi tôi tập bản thảo tập thơ mới, với cái tên “Sóng trong mưa”, để đọc cho vui và hiểu thêm về My. Tôi nghĩ là My muốn chốt lại 25 năm sáng tác kể từ ngày về Hội, năm 1989. Quả nhiên, nơi trở về đã hiện lên trong những thi phẩm mới này, nói lên nhiều câu chuyện mà vì sao My vẫn phải hàng ngày trở về với gia đình, cho dù phải đi hơn trăm cây số.

 

Lửa ấm cuối ngày

Giờ đây, sau những ngày miên man trên những chuyến xe trở về quê, My đã nhận ra rằng phải gìn giữ, hay cho là níu kéo cũng được, nói cho cùng là phải bảo vệ những gì mình đã có. Đó là hai con trai đã lớn, học đại học ở TP Hồ Chí Minh, với tương lai đầy hứa hẹn. Và còn đó là một gia đình cần được bù đắp và sẻ chia cùng nhau. Một bữa cơm chiều thường nhật làm ấm ngọn lửa hạnh phúc có những lúc chập chờn trước ngọn gió thị trường khắc nghiệt. Những chuyến trở về là như thế. Nụ cười và niềm vui cần được bù đắp, chăm nom vun xới, như vườn dâu quê My. Nó cần phải xanh tốt để tạo nên những sợi tơ vàng óng từ những con kén cần mẫn, chắt chiu.

Vương Tâm

(Trích tập “Nước mắt thời gian”)