/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

ĐỌC THƠ LÊ THÀNH NGHỊ

Bởi Lê Thành Nghị hướng về tìm kiếm và thể hiện cái đẹp của đời sống mà không bận tâm “phản ánh hiện thực”.

ĐỌC THƠ LÊ THÀNH NGHỊ

(Tập thơ Mùa không gió & Mưa trong thành phố. Nxb HNV 2014)-BÙI CÔNG THUẤN

                                                                 Nhà thơ Lê Thành Nghị

Cảm nhận được cái hay của thơ thường khi phụ thuộc vào tâm trạng người đọc. Một câu thơ hay, một bài thơ hay mang đến cho ta cảm giác hạnh phúc. Và tôi đã gặp được những câu thơ đầy ắp hạnh phúc này trong tập thơ Mùa không gió và Mưa trong thành phố của Lê Thành Nghị:

Bát ngát con đường quê cuối chạp

Lòng theo vạt nước chuyển ra giêng

Bốn bề thơm thảo giàn gấc chín

Hoa cải vàng theo đến bến sông

                                                 (Chợ huyện)

Tập thơ được Giải thưởng Nhà Nước. Trong tập có in bài viết của Nguyễn Sỹ Đại, Lưu Khánh Thơ và Chu Thị Thơm. Bấy nhiêu đã quá đủ khẳng định giá trị các tập thơ. Hơn nữa nhà thơ Lê Thành Nghị còn là nhà phê bình văn chương, thơ anh thể hiện quan điểm sâu sắc của anh về thơ, vì thế, thật khó có thể chia sẻ được điều gì đó với tác giả và bạn đọc về tập thơ này.

1.Những bài thơ hay và phẩm chất “tài hoa bẩm sinh

Đánh giá tập thơ, Lưu Khánh Thơ nói đến “tâm hồn đa cảm và điềm tĩnh” của nhà thơ Lê Thành Nghị (tr.209). Còn nhà phê bình Chu Thị Thơm thì nhận ra “Lê Thành Nghị là người lữ hành cô đơn, trầm tĩnh, sâu lắng và luôn trăn trở, lo âu” (tr.112). Nguyễn Sỹ Đại cũng nhận xét tập thơ là của “một tâm hồn đã được thanh lọc và theo thời gian ngày càng đằm thắm”(tr 16).

Tôi tự hỏi, phải chăng những phẩm chất “trầm tĩnh, đa cảm, đằm thắm” của Lê Thành Nghị chính là “cái hay” của thơ ông? Là giá trị của thơ ông không? Và là cá tính sáng tạo của nhà thơ? Câu trả lời là không. Bởi ở ngoài đời, con người xã hội của Lê Thành Nghị vốn đã là người đằm thắm, sâu sắc. Vậy điều gì giúp Lê Thành Nghị viết nên những bài thơ hay, và điều gì làm nên phẩm chất thi sĩ của Lê Thành Nghị?

Tập thơ Mùa không gió và Mưa trong thành phố có nhiều bài hay.

Thử khám phá:

Lá rụng ngày đi như gió cuốn

Dế kêu tê dại cỏ trong vườn

Ai về tát cạn ao phiền muộn

Để mẹ thôi buồn, thôi ngóng trông

               (Nhớ mẹ)

Tứ thơ có sức gây ấn tượng mạnh mẽ, chuyển tải được cả tâm tình của nhà thơ và tấm lòng người mẹ. So với nhiều bài thơ viết về Mẹ trong chiến tranh của thơ ca Việt Nam đương đại, bài Nhớ mẹ là bài có những tứ thơ độc đáo.

Núi còn lại một vệt mờ xa thẳm

Tháng ngày đi rách nát cả cây buồm

Hình như chim vẫy cánh ngoài vô tận

Còn ta: bờ lau bạc suốt trăm năm.

                                       (Người đi)

Ai đã quen đọc thơ Đường, đặc biệt là Lý Bạch, thích thú với tứ thơ mới lạ phóng khoáng, khí thơ mạnh mẽ, hẳn phải ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của bài thơ Người đi.

Xin hãy cùng nhà thơ quan sát Hồ Tây về đêm:

“Có vạt nắng pha lê chiều rớt xuống

Vỡ tan trên thềm đá, hóa thành trăng.

 

Hoàng hôn hồ, pha lê sóng, mỏng tang

Giấu một cặp mắt huyền trong lá biếc.

 

Chừng như gió kéo tiếng chim đi hết

Để làm cây rơi mấy chiếc lá buồn”

                                                           (Tây Hồ đêm)

Bài thơ này có thể xếp vào những bài thơ lãng mạn hay của thi ca Việt Nam, bởi không chỉ ở sự khám phá tứ thơ đẹp mà còn ở sự tinh tế tài hoa rất mực của hồn thơ.

Bài thơ Một mình là tâm trạng tác giả về thăm thị xã. Những khổ thơ mở đầu thuật lại sự việc một cách tự nhiên, dung dị. Nhưng khổ thơ kết, tứ thơ bỗng bùng nổ, vừa quen thuộc gần gũi, vừa mới lạ, độc đáo không ngờ.

“Lâu lắm lại về thị xã

Chiều không uống rượu mà say

Chân trần buông trên dặm cỏ

Tên mình ai khắc thân cây

.    .    .    .    .    .    .    .    .    .    .    .

Sông như sông rượu đong đầy

Chén nâng một mình sao cạn?

Thương nhớ người đi muôn dặm

Ta với mây bàng hoàng bay”

                                                (Một mình)

Có thể kể ra nhiều bài thơ hay khác như: Không đề IHồng Lĩnh, Bến đò Thuận Chân,, Trong suốt sông Kỳ Cùng, Ký ức mùa thu Hà Nội ..

Lướt qua một vài bài thơ như vậy, người đọc cũng có thể nhận ra ngay điều làm nên đặc sắc thơ Lê Thành Nghị là ở tứ thơ. Thơ Lê Thành Nghị không mới lạ về lời về nhạc hay nội dung. Giọng điệu thơ Lê Thành Nghị cũng không gây được ấn tượng riêng. Cả về thể loại, bút pháp, thơ Lê Thành Nghị cũng không có sự cách tân nào, vẫn là thơ “truyền thống”. Nhưng Lê Thành Nghị khám phá được nhiều tứ thơ đẹp và lạ. Ở nhiều bài, cấu tứ cũng tạo nên hiệu quả nghệ thuật và tư tưởng. Tứ thơ của Lê Thành Nghị là kiểu tứ thơ Đường, thiên về cái đẹp trí tuệ và tư tưởng, dù rằng Lê Thành Nghị chưa vươn tới thơ tư tưởng. Tứ thơ của Lê Thành Nghị có sự pha trộn phẩm chất của nhiều thể loại thơ, vừa là trí tuệ vừa là suy tưởng lãng mạn, vừa là tự tình hướng nội vừa vươn xa vào vô tận, vừa thoát lên thực tại vừa trải nghiệm hiện sinh, vừa dung dị dân dã, vừa sang trọng thanh cao. Nó có thể đóng đinh vào tâm tưởng người. Xét ở góc độ này, không phải nhà thơ đương đại nào cũng thành công.

Hồng Lĩnh

 

Dưới xa suối đổ ầm ào

Gió gào vách đá

Dưới xa ràn rạt cát bay trắng xóa

Xôn xao chân trời hoa lau

 

Hình như càng lên cao

Bốn bề càng yên lặng

Ngôn ngữ của mây là trắng

Ngôn ngữ của trời là xanh

 

Có chàng trai về đến Sóc Sơn

Hóa thân thành im lặng

Có miền đất im lìm đứng lên

Tự mình xây núi lớn

Bài thơ Hồng Lĩnh mang được những đặc điểm thi pháp thơ Lê Thành Nghị cùng với cốt cách thi nhân của ông. Khổ thơ đầu chỉ là tả cảnh, phác những nét dung dị. Khổ thứ hai là nhận thức hướng nội, một cảm nhận ai cũng có khi lên cao. Và khổ thứ ba, tứ thơ thật mới lạ, phóng khoáng mạnh mẽ và đằm thắm thâm trầm. Không còn là hình ảnh mà là tư tưởng. Đó là kiểu tứ thơ Đường, tứ thơ thẩm mỹ-tư tưởng. Đọc bài thơ thật chậm, lắng tâm hồn vào cảnh và để cho tư tưởng tan chảy trong mọi góc nẻo nghĩ suy, người đọc sẽ cảm nhận được cái đẹp, cái hay của cảnh, của thơ và của hồn thơ.

2.Thử định vị tiếng thơ Lê Thành Nghị

Thơ Lê Thành Nghị là thơ nhận thức-trữ tình- hướng nội. Bài Hồng Lĩnh là một thí dụ. Xin đọc tiếp bài thơ Dưới chân cầu

Dưới chân cầu mây trắng từ cổ tích

Chiếc cá buồn búng chạm phải hư vô

Vòng sóng đến vô cùng bắt đầu từ một chấm

Ta thực ngàn lần nhìn ta trong mơ

 

Ta thực: đứng trên cầu tóc bạc, gió qua vai

Năm tháng xếp sau lưng, đường dài bày trước mặt

Bóng gầy guộc đổ về bên ấy dốc

Lòng lặng yên như một mặt hồ đầy

 

Ta mơ: dưới chân cầu cả bóng mây, bóng cây

Cả bóng hoa, bóng ta và bóng nước

Nước cứ chảy giữa hai bờ hư thực

Nối âm với dương, nối đêm với ngày!

 

Biển thời gian-nước chảy bao giờ đầy?

Mỗi con người: một tích tắc, tích tắc

Ngày đi như nước xiết

Định đưa ta về đâu đây?

Bài thơ không có chút bóng dáng nào của hiện thực ngoài dòng tâm trạng-tư tưởng của chủ thể Ta khi đứng nhìn chân cầu mà tự nhận thức về Ta. Ta thực và ta mơ. Ta và tất cả chỉ là cái bóng và thời gian không biết sẽ đưa ta về đâu? Câu hỏi gần chạm đến vấn đề triết lý. Gọi bài thơ này là thơ Lãng mạn cũng hoàn toàn đúng, bởi tiếng thơ là tiếng nói nội tâm của chủ thể, trước một khách thể (dưới chân cầu), thoát ra khỏi mọi vấn đề của hiện thực chính trị xã hội. Đứng dưới chân cầu, “Ta thực ngàn lần nhìn ta trong mơ” chứ không nhận thức cuộc sống đang diễn ra dưới chân cầu. Người đọc cũng không rõ là cầu nào, ở đâu, thời gian tác giả đến đó là lúc nào. Nói cách khác, ngoại cảnh đã bị bỏ qua, chỉ còn lại nhận thức và tâm trạng và chủ yếu là nhận thức về Ta.

Những bài thơ có đề tài về đời sống thực trong tập thơ khá nhiều, song nhận thức của cái Ta xóa nhòa mọi đường nét của hiện thực. Xin đọc: Người bán hương trầm năm ngoái, Những người chết trẻ, Bến đò Thuận Châu, Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh, Đêm ngoại thành, Trong rạp xiếc, Miền đất quê hương, Tạm biệt Nha Trang, Mùa lá xanh, Bất tử, Sông Nghèn gặp lại,…Nhan đề những bài thơ trên gợi ra chỗ đông người, có thể nơi ấy dồn tụ vấn đề của hiện thực, có thể nơi ấy lộ ra những đợt sóng, và có thể nơi ấy là một mặt cắt khuôn mặt thời đại. Nhưng đọc những bài thơ ấy, người đọc vẫn chỉ bắt gặp nhân vật trữ tình Tôi nhận thức suy nghiệm và nhìn vào lòng mình.

Tại bến đò Thuận Châu, Ta đứng trong xa lắc mịt mù:

Bờ vắng vẻ, chỉ mình ta đứng đợi

Vai mang lời hẹn cũ, sáng nay về

Buồm nhỏ xíu - người đi đâu mãi mãi

Xa lắc bờ, thăm thẳm nước, mịt mù mưa

                                                 (Bến đò Thuận Châu)

Ngay ở chỗ đông người là quán rượu, Ta vẫn cô đơn:

Ta lạc giữa đám người đơn độc

Ngoài kia trăng như một gã vô hồn

Nghiêng cạn chén: Thi trung càn khôn đại

Cô đơn thay khi Lý Bạch không còn!

                                                (Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh)

Ở ngoại thành: “Chỉ còn tôi một mình/ Ra ngoại thành với gió nội/ Với hương đồng/ Xa dần phố bụi…/ Lâu lắm rổi lại ngồi ngắm mây cao/ Tôi thầm lặng và hình như đã khóc/ Có thể chẳng bao giờ còn ai hiểu được/ Nỗi cô đơn ngay giữa phố ồn ào”. Ở trong rạp xiếc với rất nhiều trò diễn, nhưng Tôi chỉ nghĩ suy về những trò diễn đó. Miền đất quê hương là bài thơ kể chuyện về quê, nhưng tuyệt nhiên không có bóng người nhà quê, làng quê, đời sống dân quê, với những vấn đề của “Tam nông”, mà chỉ có tự nhận thức tâm trạng của thi nhân: “Trở về làm cơn mưa sạch, Trở về miền thương nhớ, Miền đất lửa, Miền cỏ biếc, Trở về làm cơn gió mát”…Rượu quê là bài thơ có tứ rất hay, cảm xúc dạt dào chếnh choáng, nhưng vẫn vắng bóng đời sống hôm nay, chỉ có cái nhìn và cảm xúc của thi nhân, một mình, lãng mạn: “Núi cao say đứng, núi thấp say nằm/ sỏi đá và mặt trời cùng nhòe dưới suối/ vạt lau mùa không gió thổi/ ngả nghiêng trong trăng!”

Tập thơ có nhiều bài viết về hoa, cỏ, về chùa chiền, về biển, về đêm, nhưng tất cả chỉ là cớ để nhà thơ nhận thức và suy tư. Và đôi khi tìm ra được một chân lý nào đó của cuộc sống. Xin đọc các bài:  Triết lý của hoa, Hoa rừng Cúc Phương, Hoa Ngọc Hà, Bốn bông hồng bất hạnh, Hoa thuở ban đầu, Hoa đại, Hoa loa kèn, Hoa xương rồng, Mùa hoa xoan, Mùa Hoàng Lan, Hoa gạo, Gửi biển, Cỏ, Trúc, Vô thức tiếng chim đêm, Trong cỏ, Yên Tử, Vãng chùa Trấn Quốc, Chiều Hồ Tây, Chùa Hương, Ở chùa Quang Tự,…

Đây là tự nhận thức của nhà thơ về Hoa ở rừng Cúc Phương: “Trong bóng tối/ Một nhánh lan vàng/ Hương ngập tràn mặt suối!/ Ừ nhỉ/ Hoa đâu chỉ đẹp và thơm/ Chỗ đông bàn chân tới”. Đây là sự khám phá tư tưởng của nhà thơ về cỏ: “Vô hạn những triền sông, ngút ngát những chân đê/ Một nền xanh dưới chân mây…là cỏ/ Em nhớ không dưới nền xanh lặng đó/ Nhân loại ngủ im lìm”(Trong cỏ). Biển gợi ra sự tương quan vũ trụ và con người, để từ đó con người cần có thái độ đúng:“Biển có thể làm tiêu tan những con tàu, nhận chìm những đỉnh núi/ Làm gió cuồng phong, làm mặt trăng mờ/ Biển có thể lấp nghìn mặt trời đang cháy/ Khi chàng Thủy Tinh đến muộn giờ./ Nhưng so với giải Ngân hà/ Trái đất không đáng là hạt bụi/ Biển là gì trong lòng hạt bụi ấy/ mà giận dữ, kiêu sa!”(Gửi biển). Đến chùa Quang Tự, nhà thơ chỉ là kẻ lữ hành lãng mạn, tuyệt nhiên không đến chùa để tìm kiếm Phật: “Nắng loang trên sân chùa/ Trên vòm xanh cổ thụ/ Mùa thu về từ đó/ Mùa thu từ mái cong…/ Ta là kẻ tha hương/ Mỏi chân bên chùa cổ”. Chùa Yên Tử là nơi linh thiêng, nơi “nến cháy thôi miên cùng kinh kệ/ Lung linh mờ tỏ những nhang đèn”, nhưng lòng trần của nhà thơ lại chưa dễ tắt, thành ra nhà thơ vãn cảnh chùa không phải để tìm sự thanh tịnh siêu thoát, viếng chùa chỉ là sự vô tình của khách lãng du: “Lòng trải vô biên cùng dương thế/ Bóng chiều chưa dễ tắt ngoài hiên/ Ta về ngẩn ngơ cùng tre trúc/ Kìa lối vào mây đến cửa Thiền”(Yên Tử)

Vì là thơ hướng nội, Lê Thành Nghị viết về chiến tranh cũng khác với các nhà thơ thời chống Mỹ. Thơ hướng nội của Lê Thành Nghị không kể lại đời chiến đấu gian khổ hào hùng, không tụng ca sử thi hay tô đậm sự hy sinh trở thành bất tử. Ngay cả sự bất tử cũng là lặng im.Viếng nghĩa trang Đồng Lộc, nhà thơ nhận thức: “Bốn bề lặng im lặng im lặng im/ Hình như những gì hóa thành bất tử/ Đều lặng im!”. Chiến tranh được thể hiện qua tấm lòng người mẹ với những đứa con đi xa: “Ôi để hiểu giá của một ngày hòa bìnhHãy sinh những đứa con trai/ Và như mẹ/ Đêm đêm ngồi chờ từ mặt trận”. Chiến tranh đọng lại những gì sâu sắc nhất, nặng lòng nhất, dù là hùng tráng hay bi thương, dù là hy vọng hay tuyệt vọng, tất cả đều chất đầy nỗi ưu tư trong lòng mẹ; và dù không nghe tiếng súng thì những vết thương trong tim mẹ vẫn không thôi máu chảy.

Lê Thành Nghị nói chuyện với Chế Lan Viên bằng chính loại thơ suy tưởng chính luận của Chế, nhưng là thơ hướng nội, Lê Thành Nghị suy nghiệm về đời thơ và thân phận thi sỹ cho mình. Những suy nghĩ được ẩn dụ hóa trở thành ngôn ngữ ẩn mật để nói những vấn đề của hiện thực. Xin đọc:

Thi sỹ (tưởng nhớ Chế Lan Viên)

 

Người ta đẩy quan tài anh về gần ngọn lửa

Càng lúc Chế càng xa nước-mắt-cuộc-đời

Anh đến: đột ngột… như một niềm kinh dị

Anh đi: bàng hoàng như trái đất đang rơi!

 

Người vẫn nói về lửa và tro đã nhẹ cánh bay

Hạt bụi bay một vòng trước khi là mãi mãi

Có những câu thơ dù thiêu cũng không thể cháy

Như thể lửa càng to, thảm cỏ mọc càng dầy.

 

Sống cạnh trăng sao chết hóa trăng sao

Cảm ơn cuộc đời đã dâng ta đôi cánh

Đôi khi ngước nhìn trời: một nền lấp lánh

Thi nhân vẫn sáng đèn giữa đêm thâu”

3. Còn ta: bờ lau bạc suốt trăm năm”.

Cái tôi trữ tình trong thơ (Ta, Tôi) có thể là một yếu tố giúp ta nhận diện thơ. Sự khác biệt giữa thơ cũ và Thơ Mới (1930-145) được Hoài Thanh phân biệt: "Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa - hay thơ cũ - và thời nay - hay thơ mới - có thể gom lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi”; “Đời chứng ta đã nằm trong vòng chữ tôi..” “Ta” trong thơ cũ dù có cái khí phách tung hoành nhưng là “cái Ta” đầu đội Thiên Mệnh vai gánh đạo trung hiếu (Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ) và nhuốm màu Lão-Trang. “Cái Tôi” trong Thơ Mới là cái Tôi cá nhân chủ nghĩa phương Tây: “Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”(Xuân-Chế Lan Viên). Thơ Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trở lại với “cái Ta”, nhưng là “cái Ta” quần chúng, cái Ta công dân. Điều này khởi đi từ Tuyên Ngôn Độc Lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nhân dân ta, đồng bào ta, nòi giống ta, dân tộc ta, nước ta, cuộc khởi nghĩa của ta. Trần Mai Ninh viết Nhớ máu: “Còn mấy bước tới Nha Trang /- A, gần lắm!/ Ta gần máu,/ Ta gần người / Ta gần quyết liệt.” Nguyễn Đình Thi viết: “Nước chúng ta/ Nước của những người chưa bao giờ khuất…”Đất Nước ). Và Tố Hữu: “Khi ta đứng lên cầm khẩu súng / Ta vì ta, ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời!”(Miền Nam ).

Và đọc những bài thơ Một mình, Người đi, Vô thức triếng chim, Dưới chân cầu, Đêm ngoại thành, Mẹ trên cao…người đọc sẽ nhận ra cái riêng của nhân vật trữ tình Tôi/ Ta trong thơ Lê Thành Nghị.

Sông như sông rượu đong đầy

Chén nâng một mình sao cạn?

Thương nhớ người đi muôn dặm

Ta với mây bàng hoàng bay

                                      (Một mình)

 

Núi còn lại một vệt mờ xa thẳm

Tháng ngày đi rách nát cả cây buồm

Hình như chim vẫy cánh ngoài vô tận

Còn ta: bờ lau bạc suốt trăm năm

                                                (Người đi)

Nhân vật Tôi (Ta) đi nhiều nơi: Ngồi trong Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh mà nhớ Lý Bạch hay ở Tử Cấm Thành Bắc Kinh để thấy rõ lẽ hưng phế của lịch sử; trên Hồng trường Matxcơva mùa đông tuyết đang tan, và biết rằng Matxcova không tin những giọt nước mắt, ở rừng Cúc Phương, một nhánh Lan vàng tỏa hương đủ nhận ra một giá trị, lên Yên Tử mà ngẩn ngơ vì cảnh sắc, vãng chùa Trấn Quốc để đắm mình trong cõi sắc không, lá rụng, rêu phong, hồ Tây chiều và đêm làm say lòng thi nhân với một hồ sương, hoa sữa, “hoàng hôn hồ, pha lê sóng, mỏng tang” và nghe mấy chiếc lá buồn rơi. Nhưng khi thăm Quảng Trị, một thoáng mùa hè, nhà thơ cùng với các liệt sĩ, sống những ngày lửa đạn ác liệt hy sinh, nơi Thành cổ ”mỗi lá cỏ một cây buồm, một lời thề, một ngọn nến, một linh hồn từ đất nhô lên…”để cùng với nhà thơ “nhận ra thông điệp của hòa bình”. Ai đã đến Nha Trang thì có thể chia sẻ những tiếc nuối của nhà thơ khi từ biệt Nha Trang không biết bao giờ về, bao giờ về với biển, dù biết chắc sẽ có ngày trở lại. Phong Châu, đền Hùng là nơi linh thiêng của dân tộc, nhà thơ đã đến đây thắp nén hương trải lòng mình cùng non nước. Cái cảm thức lịch sử của mỗi người dân Việt khi qua ải Chi Lăng là niềm tự hào vô biên khi đứng ngay tại nơi kẻ thù bị đánh bại. Nhà thơ thể hiện niềm tự hào ấy khi hình tượng hóa cô hồn Liễu Thăng chỉ còn là cánh dơi bay trong chiều vì đã quên đường về phương bắc. Trở về vùng đất quê hương, thi nhân để lòng mình cháy lên niềm thương nhớ với một miền đất lửa. Gặp lại Sông Nghèn người thơ khẳng định đất nước này trường tồn mãi, dù nghìn năm trước hay nghìn năm tới “sông vẫn thì thầm điềm tĩnh chảy giữa bờ ngô”. Thi nhân có khi đứng đợi ở bến đò, ở dưới chân cầu để tự chiêm ngắm mình, hoặc trở về bờ sông nghe tiếng chim đêm, hoặc nghe tiếng dế đêm hòa nhạc; Có khi ngồi ở ngoại ô, “Tôi thầm lặng và hình như đã khóc/ Có thể chẳng bao giờ còn ai hiểu được/ Nỗi cô đơn ngay giữa phố ồn ào”. Lại có khi người thơ ngắm hoa mà suy ngẫm về triết lý của hoa, hoặc ngắm mưa mà nhớ bạn ngã xuống ở Tây Nguyên năm nào ”Giữa mịt mù miên man mưa rừng. Bom dội trong mưa, rừng cháy trong mưa”. Nói chuyện với thi sỹ, với Nam Cao, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, với thi đàn là tiếng nói tri kỷ; nói chuyện với biển, với cát, với mùa thu…là để lòng mình bay lên.

Theo chân nhà thơ trên mọi miền của hiện thực hẳn người đọc đã nhận ra những phẩm chất thẩm mỹ riêng của nhân vật trữ tình Ta/ Tôi trong thơ Lê Thành Nghị. Đó là một “cái Tôi” gắn bó sâu nặng với lịch sử (Qua Chi Lăng gặp Liễu Thăng), với dân tộc (Về Phong Châu), với quê hương (Miền đất quê hương, Rượu quê, Bãi đá quê hương, Chợ huyện), với gia đình, đồng đội (Bất tử, Mưa trong thành phố, Quảng Trị, Bên đài liệt sĩ vô danh), và với cuộc sống xung quanh (Đêm gió lớn, Người bán hương trầm năm ngoái, Những người chết trẻ). Cái Tôi luôn nhận thức, suy tư và không ít trăn trở về nhiều vấn đề. “Bao nhiêu câu hỏi/ Ai trả lời tôi/ Gió thì mải thổi/ Nước thì bận trôi!”(Những câu hỏi thường ngày). Cánh buồm đỏ thắm là một loạt câu hỏi nặng lòng trước sự thật “không thể khóc thêm được nữa, không thể mềm hơn được nữa, không thể xót xa hơn được nữa, bao giờ…bao giờ?. Bài thơ Triết lý của hoa là nghĩ suy về thói hư danh. Bài Hoa xương rồng, Hoa gạo, Trước đài hóa thân hoàn vũ có những tứ thơ nói về lý tưởng sống: “Đã hóa thân làm lửaCháy hết mình mới thôi/ Dù trong mưa trong gió”, “Xin được cháy cùng một nghìn ngọn nến/ Hóa tro tàn với bạn để lên mây”.. Bài Thi Đàn, Thi sĩ là sự bày tỏ quan điểm về thi ca về người làm thơ:“Nhưng bạn ạ đừng mang theo cái ác/ Sợ đêm dài bóng tối sẽ dài thêm/ Những ồn ào, những hỏa mù phù vân/ Và cái ác sẽ hóa thành tro bụi”, dù vậy,“Cái ác bao giờ cũng ngụy trang rất kỹ/ Và hết sức đê hèn, rút cục: ác chỉ vì ăn”(Discovery). Cũng có những câu hỏi không có câu trả lời: “Biển thời gian-nước chảy bao giờ đầy?/ Mỗi con người: một tích tắc, tích tắc/ Ngày đi như nước xiết/ định đưa ta về đâu đây?”(Dưới chân cầu), “Có phải cõi người hữu hạn/ Ta là một chớp mắt không? (Nắng của ngày đã mất). “Bước chân năm tháng chừng thêm mỏi/ Ta biết về đâu giữa gió mưa?”(Mưa qua Truông Vùn). “Ta sẽ mắc vào đâu/ Những mắt lưới muộn phiền” (Vô thức tiếng chim đêm), và nỗi buồn thì vô hạn: ”Khuất sau cành hoa tím/ Trong bình rượu Làng Vân pha lê/ Những câu thơ đầu đời/ Những chùm cúc biển/ Những đồng xu cuối cùng/ Những giọt nước mắt/ Trong vắt buồn”(Không đề I). Trong nỗi cô đơn, nhà thơ tự nhận ra: “Ta một mình hóa đá giữa sân mưa”  (Mưa trong thành phố), “Tôi là hòn đá bị quên/ Giữa trong ngần suối” (Nhớ suối tận nguồn).

Những suy tư trăn trở ấy ẩn rất sâu dưới một tâm hồn yêu đời (Nắng cùa ngày đã mất), một sự tĩnh lặng đạt tới cõi an nhiên. “Ta thực: đứng trên cầu tóc bạc gió qua vai/ Năm tháng xếp sau lưng, đường dài bày trước mặt/ Bóng gầy guộc đổ về bên ấy dốc/ Lòng lặng yên như một mặt hồ đầy”(Dưới chân cầu). Trong tư tưởng của Lê Thành Nghị, không có bóng dáng của Thiên Mệnh, không có bóng dáng của Phật hay Lão, cũng không có ảnh hưởng nào của những tư tưởng triết học phương Tây, vậy điều gì làm nên nền tảng tư tưởng cho thơ Lê Thành Nghị? Ông suy tư về cuộc đời, về lẽ đời, về nhân sinh vũ trụ, về sống và chết, về hữu hạn và vô biên…nhưng không bước vào suy tư triết học. Đó chỉ là suy tư của người nặng lòng với cuộc đời. Điều căn cốt trong tư tưởng-thẩm mỹ của Lê Thành Nghị là Cái Đẹp, là sự trân trọng và nâng niu cái đẹp, hay nói cách khác, đó là tư tưởng nhân văn, thể hiện cả trong thi ca và trong ứng nhân xử thế của ông.

Bài thơ Hoa Ngọc Hà là sự thương tiếc cái đẹp bị tan nát: Làng Ngọc Hà năm nay không còn hoa/ Chỗ máy bay rơi thành khu du lịch/ Sắt thép tan nát trong hồ như một lời giải thích/ Tan nát vì nhằm bắn vào hoa. Bài Bốn bông hồng bất hạnh cũng là nhận thức và xót thương cho cái đẹp bị lãng quên, bị chôn vùi. Những bông hoa đại rụng lại gợi ra bóng dáng của tư tưởng, của sự thăng hoa: “Thanh thản và lặng lẽ/ Cuộc ra đi quá đỗi êm đềm/ Của những bông hoa trắng nhỏ”. Nhưng sự ra đi cái đẹp làm cho cuộc sống trở nên thiếu vắng một giá trị (Người bán hương trầm năm ngoái). Tình tri âm tri kỷ cũng là cái đẹp hiếm có ở đời, thiếu nó, trăng dù là nguồn thơ cũng trở nên vô nghĩa: “Ta lạc giữa đám người đơn độc/ Ngoài kia trăng như một gã vô hồn/ Nghiêng cạn chén: Thi trung càn khôn đại/ Cô đơn thay khi Lý Bạch không còn” (Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh). Cái đẹp, tự nó đã là toàn bích: “Nếu bạn định làm một hạt mưa lành qua cơn khát/ Không cần phải màu sắc gì thêm” (Hạt mưa lành không màu). Và cái đẹp không chỉ là cái đẹp khách thể, cần phải là một cái đẹp thấm đẫm ý nghĩa nhân sinh. Tôi thích nét đẹp nhân văn này:

Chiều xúi quẩy sà xuống đám chơi trò chọi dế

Thương quá những chú mèn nâu chuẩn bị thượng đài

Thôi hãy xa đám người đang hò reo ầm ĩ

Kịp về với cỏ tím bờ sông buổi hòa nhạc đêm nay

                                                (Bờ sông tiếng dế)

Nét đẹp nhân văn trong hình tượng Vọng Phu (Cánh buồm đỏ thắm), sự tiếc thương cái đẹp bị tàn phá (Hoa Ngọc Hà) và nét đẹp giàu phẩm chất dân tộc trong hình ảnh mẹ đợi con về (Nhớ mẹ) khẳng định cốt cách tư tưởng thơ Lê Thành Nghị.

4. Cốt cách thơ Lê Thành Nghị

Tư tưởng nhân văn trong thơ Lê Thành Nghị còn tạo nên chất tài hoa trong nhiều bài thơ của ông. Đồng thời tư tưởng nhân văn làm thơ ông thăng hoa, nhiều bài trở thành thơ lãng mạn. Bởi Lê Thành Nghị hướng về tìm kiếm và thể hiện cái đẹp của đời sống mà không bận tâm “phản ánh hiện thực”.

Những bài thơ hay trong tập là những bài thơ khám phá sâu sắc hiện thực, sáng tạo được những tứ thơ độc đáo kiểu thơ Đường, và tỏa sáng được tư tưởng nhân văn. Khi thơ chỉ là nhận thức duy lý, tứ thơ quen thuộc, thơ Lê Thành Nghị mất đi vẻ đẹp và sự hấp dẫn (Thi đàn, Dự định, Những câu hỏ thường ngày, Trong rạp xiếc, Chuyện nhân thế, Que diêm vi mô cánh rừng vĩ mô và hư vô tro bụi, hoặc những bài thơ tình thiếu nhịp đập trái tim và hơi thở cảm xúc)

Tôi rất thích cốt cách này của thơ Lê Thành Nghị

Có chàng trai về đến Sóc Sơn

Hóa thân thành im lặng

Có miền đất im lìm đứng lên

Tự mình xây núi lớn.

 

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)