/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

GÓC VUI

Thư giãn cuối tuần: CHUYỆN ĐÁM TANG CỤ TỔ

Hôm sau đài báo chính thức đăng tin phát tang cụ tổ. Bọn rỗi hơi thù địch nhà cụ tổ bây giờ mới thấy vô duyên mà lo tắt đài, nếu không bị vả cho méo miệng...

Thư giãn cuối tuần: CHUYỆN ĐÁM TANG CỤ TỔ

 

Chu Mộng Long
23-4-2019

HẬU SỐ ĐỎ HAY CHUYỆN ĐÁM TANG CỤ TỔ

Nguyên tác Chu Mộng Long. 

(Phần tiếp nối hai kỳ trước. Truyện hoàn toàn hư cấu. Không nên đọc thô thiển bằng quy chiếu với hiện thực nhất thời.)

Cụ tổ chết đã hơn một ngày. Cụ chết trong không khí thật oi bức.

Ông Văn Minh thông cáo với báo chí, rằng trước khi chết cụ tổ vẫn hô tiến lên! Tinh thần ấy xứng đáng với huân chương Bắc Đẩu bội tinh mà nhà nước bảo hộ đã trao cho cụ trong chiến tranh.

Nhưng cái không khí oi bức làm cho xác cụ rất nhanh bốc mùi. Dân đọc báo chửi: "Với thằng già ấy tiến về nghĩa địa thì có!"

Ông Văn Minh nói với cụ cố Hồng:

- Ta nên phát tang sớm đi ạ!

Cụ cố Hồng vừa bị đột quỵ, đã qua khỏi cơn tai biến nhưng cái miệng còn méo xệch sang một phía. Tin cụ cố Hồng bị tai biến thuộc diện bí mật, nhưng người ta đã đàm tiếu linh tinh. Nếu phát tang sớm thì lộ hết. Đằng nào cụ cố Hồng cũng phải làm chủ tang lễ, khi xuất hiện trước công chúng với cái miệng méo ấy khác nào thú nhận với thiên hạ rằng thằng con cũng sắp tiến về nghĩa địa? Mà đâu cần thiên hạ, chỉ riêng con cháu trong cái nhà này đã có thể làm loạn cả lên. Chúng sẽ tranh chấp gia tài khi cái chúc thư cụ tổ giao cho cụ cố viết tiếp vẫn chưa viết xong.

Trong lúc mọi người đang bấn loạn vì cái xác của cụ tổ thì cụ cố Hồng vẫn bình chân như vại. Cụ nằm dài bên bàn đèn, cố gắng đưa cái miệng méo vào ống điếu mà hút cho hết phần xái. Cụ bắt đầu phê thuốc, hồn bay vào thiên đường rực rỡ chưa bao giờ được như bây giờ. Ông Văn Minh sốt ruột nhắc lại:

- Ta nên phát tang sớm đi ạ!

- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi...

Cụ cố Hồng cố hết sức để phát ra cái điệp khúc ấy rồi chỉ tay vào cái miệng méo của mình. Bà Phó Doan đứng bên cạnh hiểu cụ cố muốn nói gì. Không phải cụ sợ thiên hạ chê miệng cụ xấu là gì?

- Ôi dào, già gần kề miệng lỗ rồi mà còn sợ thiên hạ chê cười vì nhan sắc?

Nói đoạn bà Phó Doan khoe hồi còn gái trinh bị đại pháo của thằng Tây đen nó hiếp, cái đó méo tới bây giờ có sao đâu?

Ông Văn Minh nổi cơn tức giận, tưởng chừng sắp trút cơn thịnh nộ vào bà Phó vì cách so sánh chẳng chút văn minh. Bà Văn Minh đang thử bộ đồ tang trước chiếc gương to, nhìn qua chiếc gương thấy chồng mình đang vung nắm đấm liền chạy đến can ngăn:

- Đang tang gia bối rối, các người đừng gây sự.

Nói đoạn bà Văn Minh đến bên cụ cố Hồng. Bà nhìn đi nhìn lại cái miệng méo của cụ cố và khuyên:

- Nếu bình thường xuất hiện trước đám đông hay trước ống kính thì xấu thật. Nhưng trong bối cảnh tang gia thì rất đẹp, cụ ạ. Cụ đến đám tang với dáng đi xiêu vẹo, có người dìu như thể cụ thương cụ tổ đến mức không đi nổi. Khi đọc điếu văn trước ống kính, cụ vừa đọc vừa tỏ ra mếu máo, mà không mếu máo được thì cái miệng méo ấy cũng chứng tỏ cụ đang mếu máo để bày tỏ sự tiếc thương vô hạn về sự ra đi của cụ tổ. Cứ phát tang nhanh đi mà đưa cụ tổ về giời sớm chừng nào phúc cho con cháu chừng nấy. 

Ông Văn Minh không ngờ vợ mình thông minh đến vậy, bèn vỗ đùi đánh đét:

- Hay, hay lắm! Cái miệng méo của cụ cố như vậy là có duyên, phù hợp với tang cảnh chứ không vô duyên như cái miệng của dì Doan nhé!

Bà Phó Doan bị ông Văn Minh chơi xỏ đến tận đáy nên nổi cơn tam bành. Bà quên đang đứng trước linh sàng của cụ tổ, cứ tốc váy lên mà chửi:

- Này, miệng tao méo nhưng tao từng có hai đời chồng đấy!

Chửi xong bà Phó ngoáy mông ra về. Ông Văn Minh hỏi cụ cố Hồng:

- Mai phát tang nhé cụ. Con mà khóc bố đến méo miệng thì ai hiếu nghĩa cho bằng?

Cụ cố Hồng quay người về phía chiếc gương. Cụ tưởng tượng đang đọc điếu văn và khóc. Thấy ổn, cụ gật đầu và nói: "Được rồi, khổ lắm, nói mãi..."

       Hôm sau đài báo chính thức đăng tin phát tang cụ tổ. Bọn rỗi hơi thù địch nhà cụ tổ bây giờ mới thấy vô duyên mà lo tắt đài, nếu không bị vả cho méo miệng...

Chu Mộng Long

Theoteublog