/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

XANH PETECBUA – NGÀY TRỞ LẠI!

Trời se lạnh, từng đợt heo may nối tiếp nhau mỗi lúc một dày hơn. Nhìn những cánh rừng phía Bắc nước Nga bao la trùng điệp
 
XANH PETECBUA – NGÀY TRỞ LẠI!
(Bút kí của TNT)
 
        Trời se lạnh, từng đợt heo may nối tiếp nhau mỗi lúc một dày hơn. Nhìn những cánh rừng phía Bắc nước Nga bao la trùng điệp, ngắm muôn chiếc lá bay là là chạm đất như lời tình tự nhẹ thầm và sâu thẳm. Không gian nhuốm màu vàng au tuyệt diệu.
Lần trở lại “xứ sở Bạch dương” này, đúng vào dịp may mắn đó. Cánh rừng như muôn nghìn gam màu, nhấn vào hồn tôi nét phác thảo của bức tranh thiên nhiên bộn bề, sau hơn hai thập niên biền biệt trôi qua. Ký ức từ xa xưa vọng về, ước mơ lại trào dâng, niềm kiêu hãnh về nước Nga một thời trỗi dậy…
        Chuyến tàu đêm từ Matxcơva về Xanh Petecbua vẫn yên ả như ngày nào. Ngồi trong ga Lêningrat, thành phố Matxcơva với khoảnh khắc phấp phỏng đợi chờ, bồn chồn khó tả. Gần nửa đêm, chuyến tàu khách đi Xanh Petecbua mới từ từ vào đường ray số 5. Khấp khởi được nhà ga thông báo, mời lần lượt hành khách lên tàu. Những kỷ niệm xưa tái hiện. Với tôi, có lẽ thời gian quá lâu, nay lại được khởi hành trên phương tiện này. Vẫn con tàu như ngày nào, vẫn đường ray quen thuộc ấy. Chúng tôi làm cuộc du hành về cố đô nước Nga, một trong mười thành phố đẹp nhất thế giới.
        Trong khoang tàu (cupe) có 2 tầng, 4 giường: Tôi với Tô Hồng Hải, Bí thư Thành ủy Vinh, người cùng đoàn sang dự hội nghị toàn thế giới lần II những người tốt nghiệp đại học và cao học tại Nga và Liên Xô cũ. Một anh bạn người miền Nam sang chơi với con gái ở Maxcơva. Đặc biệt, còn một thanh niên Latvia, tóc vàng, dáng cao lớn. Chúng tôi làm quen với nhau và trò chuyện về tình hình kinh tế, chính trị xã hội thế giới và Liên bang Nga. Chuyện gia đình anh bạn người Latvia, khi quốc gia này gia nhập Liên minh châu Âu (EU)…Rồi bao nhiêu chuyện khác nữa… Bốn anh em trong cupe nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Con tàu bồng bềnh đưa chúng tôi chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không biết. Tang tảng sáng hôm sau, chợt mở mắt và thấy mình đã tới ga xe lửa Matxcơva, thành phố Xanh Petecbua.
        Tại nhà ga, anh em Việt Nam chúng tôi được Công ty Dịch vụ - Du lịch người Việt đón và dẫn về nhà nghỉ. Tuy không bằng khách sạn, nhưng nhà nghỉ nơi đây cũng đủ những tiện nghi tối thiểu cho khách. Đến nhà nghỉ, Hải được người nhà đến đón về kí túc xá trường rừng (lâm nghiệp). Tôi nói đùa với Hải: Trường rừng chuyên đào tạo bí thư cho Việt Nam đấy. Hải mỉm cười và chia tay anh em chúng tôi. Còn lại 2 chúng tôi nhập với hai bạn trẻ đến từ thành phố Hồ Chí Minh thành một nhóm 4 người đi thăm quan Xanh Petecbua.
 Là thành viên của đoàn tham gia hội nghị toàn thế giới những người đã tốt nghiệp đại học, cao học tại Nga và Liên Xô cũ, do Bộ Giáo dục Nga mời. Song vốn mang trong mình cái “máu thi sĩ”. Tôi ham mê có được một trực giác giàu có. Để tự phút nào đó, trong lắng thấm, kết tinh, có được trang viết thật tâm huyết với mình.  Bởi vậy, giữa khoảng trống của thời gian thật eo hẹp, se sít lịch trình. Tôi nhanh chóng “chộp” được khoảnh khắc rung động từ thế giới bên ngoài những hình ảnh của nước Nga thân yêu, nơi tôi hằng gắn bó.
 Thả hồn theo các con phố gần đó, tới nhà hàng Việt Nam “Sàigòn Restauran” của Công ty Dịch vụ Du lịch do cô Vinh làm chủ. Không gian ở đây tuy nhỏ nhưng ấm cúng. Cách trang trí rất Việt Nam. Hàng ngày chúng tôi ăn sáng và ăn tối tại đây. Lượng khách Nga đến đây tương đối đông. Họ tới để được thưởng thức ẩm thực và âm nhạc Việt.
        Xanh Petecbua là cố đô của Nga, cách Matxcơva khoảng 600km. Thành phố với những công trình xây dựng nổi tiếng thế giới, nằm cạnh vịnh Phần Lan thuộc biển Ban Tích. Xanh Petecbua có diện tích tổng thể 1439km2 và 5 triệu rưỡi dân (2005). Cái tên Xanh Petecbua có nghĩa là thành phố của Thánh Phero. Năm 1914, Xanh Petecbua được đổi là Petrograd. Năm 1924 sau khi Lê nin mất, Xanh Petecbua đổi thành Leningrat. Vào đầu thập niên 90 thế kỷ 20, khi Liên Xô tan rã, một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành. Thành phố trở về với tên cũ Xanh Petecbua.
Xanh Petebua có 41 trường Đại học, 170 viện nghiên cứu, trên 2000 thư viện và nhiều công trình văn hóa khác. Trong đó phải kể đến nhà hát Marina có phòng hoà nhạc nổi tiếng thế giới được thành lập từ 1862… Là thành phố hấp dẫn du lịch thứ 8 thế giới, được tổ chức UNESCO công nhận. Với hệ thống kênh đào chằng chịt cùng những cây cầu cổ kính bắc qua. Năm 2004 thành phố đã đón 3.4 triệu du khách đến từ các quốc gia trên thế giới. Bất kì du khách nào đến với Xanh Petecbua, cũng đều ấn tượng bởi các danh lam thắng cảnh đầy chất thơ này.
        Hành trình đầu tiên, bốn anh em chúng tôi được Vinh dẫn vào thăm pháo đài Peter & Paul. Công trình được xây năm 1703 với bề dày tường thành trên 20 mét và Thánh đường cùng tên, được thiết kế cầu kì, nhưng rất trang nghiêm mang đặc phong cách Nga. Vào trong Thánh đường, thấy tòa nhà được trang trí từ những trụ cột, hoa văn đều mang cốt cách Nga. Du khách có thể tưởng tượng, đây là một bảo tàng nghệ thuật về nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Vua chúa Nga. Mỗi ngôi mộ được khắc tên, xung quanh là hàng lan can thấp, trang trí rất bắt mắt hoặc những tấm bia đá treo xung quanh tường hài hòa, tao nhã. Qua cách bố trí, có thể phân biệt được sự phân ngôi thứ hạng trong Thánh đường. Các ngôi mộ hầu hết được ghép bằng đá quý, biểu tượng cho nền văn hóa một thời. Trong đó, một số lăng mộ mới được đưa về sau khi Liên Xô tan rã… Bên trong khu vực pháo đài là tượng Pie Đại Đế ngồi, bằng đồng với kích thước bằng kích thước thật của Người (Pie Đại Đế cao trên 2m). Toàn bộ công trình được đặt trên khuôn viên bên bờ sông Neva thơ mộng, bờ bên kia là Cung điện Mùa Đông nguy nga tráng lệ…
        Phần lớn người Nga theo đạo giáo chính thống. Cha đạo rất có uy tín và quyền lực trong đời sống chính trị xã hội của đất nước. Ở Xanh - Petecbua có rất nhiều nhà thờ và mỗi nhà thờ đều mang một dáng vẻ khác nhau. Mỗi tòa nhà là một lâu đài kiến trúc độc đáo mang phong cách Nga. Không chỉ với dáng vẻ bên ngoài mà kiến trúc bên trong cũng thật đặc biệt. Hơn thế nữa phần nội thất còn là những tác phẩm hội họa, những bức tượng, bức tranh tuyệt mỹ của các danh họa tài ba trên thế giới. Điển hình là nhà thờ Thánh Isaac, một bảo tàng kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng của Xanh Petecbua. Đây là nhà thờ cao thứ 4 thế giới (101m). Với 3000 bức tranh được ghép từng mảng đá vào nhau. Mái vòm dát bằng vàng thật (khoảng 100kg) ở độ cao 100 mét với 112 cột lớn mang dáng dấp kiến trúc châu Âu thế kỷ 18, 19.
        Đến Xanh Petecbua, du khách không thể không tới cung điện Mùa Đông. Đây là một cung điện có một không hai trên trái đất với nối kiến trúc dựa theo cung điện Versein của Pháp, được cải tiến theo phong cách Nga. Sau nhiều năm xây dựng đến năm 1762 công trình hoàn thành. Từ đó trở đi được trùng tu, mở rộng nhiều lần. Đây là nơi trị vì của các triều đại Sa Hoàng. Cung điện Mùa Đông tọa lạc trên một địa thế tuyệt vời cạnh sông Neva. Điều đặc biệt là trải qua bao cuộc chiến tranh, nhưng chính quyền và nhân dân nơi đây hết sức bảo vệ, giữ gìn những giá trị nghệ thuật có một không hai này. Qua đây, du khách hiểu biết thêm về đời sống văn hóa, tinh thần của Vua chúa Nga ngày xưa.
         Đặc biệt tại Cung điện mùa đông, nổi tiếng với bảo tàng tranh Hermitage. Có lẽ không đâu trên thế gian này, có một khối lượng tranh đồ sộ và quý hiếm đến vậy. Tại đây có tất cả trường phái tranh của các danh họa nổi tiếng trên thế giới. Đặc biệt có những bức giá trị hàng trăm triệu đô la Mỹ. Cung điện Mùa Đông còn nổi tiếng về tầm vóc với tổng quãng đường dài tới 22km. Gần 3 triệu hiện vật là những bức tượng điêu khắc, các bức hội họa của các họa sĩ nổi tiếng trên thế giới. Nếu xem tỷ mỉ, chi tiết theo tính toán phải mất 16 năm ròng mới hết.
 
 
Nhà văn Tô Ngọc Thạch tại Xanh Petebua  10/2007
 
        Tiếp tục cuộc hành trình, xe đưa chúng tôi về ngoại ô thành phố. Đoàn đi qua nhiều công trình nổi tiếng như Viện quân sự hải quân, khu biệt thự Tổng thống… Rồi đến một công trình tuyệt diệu đó là Cung điện Mùa hè. Công trình này nằm ẩn mình bên Vịnh Phần Lan mềm mại duyên dáng, cách xa thành phố khoảng 50 km. Cung được xây dựng từ năm 1714 theo ý tưởng của Pie Đại Đế. Quần thể này chia làm 3 phần: Cung Pie, hạ viên và thượng viên. Phần hạ viên có khoảng 150 đài phun nước với hơn 2000 vòi phun mạ vàng và thác nước. Người ta thiết kế theo quy tắc bình thông nhau, không cần máy bơm nước mà vòi phun vẫn hoạt động suốt ngày đêm. Nối liền Cung Pie và vịnh Phần Lan, một kênh dẫn nước thẳng tắp, được bố trí những đài phun nước, phủ vào lòng kênh tựa như bức màn rủ thật thơ mộng. Hai bên là những cánh rừng bạch dương đang mùa thay áo, gợi cho du khách những cảm xúc tuyệt vời.
 

Quảng trường cung điện Mùa Đông
 
        Trước cửa lâu đài, giữa lòng kênh oai phong là bức tượng thần Samson đang giao chiến với sư tử theo điển tích của thần thoại Hi Lạp. Đây là bức tượng đẹp, mỗi bức tượng ở đây đều gắn với những điển tích cổ. Với những nét điêu khắc tinh vi, cách tạo hình hoàn hảo, được bố trí hài hoà khắp cung điện. Tạo không gian nơi đây huyền ảo. Trong thời gian chiến tranh thế giới lần II, Cung điện Mùa Hè, Cung điện Katerina bị tàn phá nặng nề. Nhưng sau chiến tranh và những năm đầu thế kỷ 21 được chính quyền và nhân dân Nga, ra sức tôn tạo, khôi phục lại những giá trị văn hóa nghệ thuật bị tàn phá, mất cắp…
          Khi đến cố đô, du khách không thể quên tới thị trấn Puskin, cách xa trung tâm Xanh Petecbua 29 km về phía Nam. Trước kia là Hoàng Thôn, nơi dạy dỗ, đào tạo con cháu Sa Hoàng và bên cạnh là cung điện Katerina lộng lẫy. Vào năm 1937 kỷ niệm 100 năm ngày mất của đại thi hào Puskin. Mảnh đất gắn liền với thời niên thiếu và những thăng trầm về cuộc đời và sự nghiệp của “Mặt trời thi ca” Nga. Nhà nước Liên Xô đã đặt tên nơi đây là quận Puskin. Nay là thành phố Puskin.
Chúng tôi đến đây trời đã vào thu, cả Xanh Petecbua chìm đắm trong sắc vàng Lêvitan. Trong khoảnh khắc thi vị đó, những câu thơ bất chợt nảy ra:
Chiều miên man ngấn vào ký ức xa sâu
Không gian thu kiêu sa lá bay bịn rịn
Mơ hồ lãng mạn
Mặt đất từ tranh Lêvitan tái hiện gam vàng
Sừng sờ tôi ngợp sắc thu sang…
        Một mùa thu nồng nàn và lãng mạn. Nếu phóng tầm mắt ra xa, du khách cảm thấy nơi đây là một miền quê yên ả, nhưng kiêu sa, lộng lẫy bởi muôn phố nhỏ bao quanh. Như những câu chuyện cổ tích trong mơ với những hàng cây, thảm cỏ hai bên đường trải dài hun hút. Mảnh đất nơi đây được dát một màu vàng đẹp đến nao lòng, chỉ ở Nga mới có. Thi thoảng lại bắt gặp những chiếc lá khô hoặc nâu sẫm, tô thêm vẻ đẹp của những gam màu đột phá. Trên con đường ngoằn nghèo, du khách không thể quên đến thăm công trình văn hoá nổi tiếng, cung điện Katerina. Một công trình kiến trúc độc đáo vào bậc nhất châu Âu thế kỷ 18. Với diện tích tổng thể gần 1000ha, gấp đôi diện tích nội đô Huế, ta thấy quy mô và tầm cỡ của công trình này thế nào. Bao bức tượng nghệ thuật bằng đá cẩm thạch nằm phân bổ khắp công viên. Những sắc hoa muôn màu, bao cây cầu trữ tình, lãng mạn nối các hồ nước với nhau… tạo nên một không gian đẹp như mơ. Đưa du khách lạc vào những câu chuyện cổ tích.
          Chúng tôi được hướng dẫn viên du lịch dẫn vào thăm cung điện Katerina. Mọi người phải gửi áo khoác ở ngoài và giày dép được xỏ thêm bao giấy nhằm chống bẩn, xước nền gỗ. Cung điện gồm ba tầng nổi. Tầng 2 và tầng 3 là nơi hành khách được chiêm ngưỡng kỹ những công trình nghệ thuật. Từng chi tiết cầu thang, hành lang của cung đều được bố trí hài hoà với những hoa văn độc đáo. Khi vào phòng khách lớn, thấy mình đang lạc vào một cung điện ảo huyền với những nét kiến trúc kiểu Marốc. Toàn bộ đường nét, cột trụ được mạ vàng. Trông rất nghiêm trang, lộng lẫy và đài các. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Du khách lần lượt thăm các phòng còn lại của cung điện. Nhìn chung kiểu kiến trúc, cách bố trí trong các phòng đều khác nhau. Các lò sưởi trong phòng, bố trí rất bắt mắt và đều được ghép bằng sứ hảo hạng Hà Lan hoặc Trung Hoa thời đó. Các bức tranh đều của những danh hoạ nổi tiếng, tài ba nhất thế giới.
        Phòng hổ phách là phòng có sức thu hút, hấp dẫn nhất đối với du khách. Nó là tài sản vô giá. Năm 1716 trên đường công du sang Pháp, Pie Đại Đế có cuộc gặp lịch sử với Hoàng Đế Phổ Fridrich Villgelm Đệ Nhất tại Gabelbeg. Hoàng Đế nước Phổ đã trao tặng cho Pie Đại Đế phòng hổ phách. Biểu hiện quan hệ lịch sử và đánh dấu mối quan hệ đặc biệt Nga - Phổ. Đầu tiên được trang trí tại cung điện Mùa Đông, sau được chuyển về đây. Nhưng trong chiến tranh thế giới lần 2, cung điện Katerina bị tàn phá, đặc biệt là phòng hổ phách. Đến năm 2003 người ta làm lại theo nguyên trạng ban đầu và mở cửa cho du khách vào chiêm ngưỡng. Nếu thăm kỹ lưỡng toàn bộ cung điện này có lẽ phải mất rất nhiều thời gian. Sau đó chúng tôi tiếp tục thăm một số điểm bên ngoài cung. Đặt hoa tại tượng đài Puskin “Mặt trời thi ca Nga”. Khi trưng cầu dân ý về người có công lớn nhất với nước Nga, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Xanh Petecbua. Puskin đứng thứ 2 sau Pie Đại Đế. Tên tuổi của hai người gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Xanh Petecbua, cố đô Nga.
          Xanh Petecbua lúc này bạt ngàn lá thích, phong, sồi và bạch dương đã vàng rục trên các lối mòn, trong công viên, tạo nên một không gian kì ảo. Chúng tôi quay về thăm một số danh lam thắng cảnh trong nội thành Xanh Petecbua. Mỗi công trình mang một phong thái kiến trúc khác nhau, nhưng đều hòa cùng tổng thể của một cố đô hào hoa tráng lệ. Tạo hưng phấn cho du khách khi đến vùng đất này.
          Về đêm thành phố Xanh - Petecbua càng lộng lẫy, xinh đẹp. Hai bên sông Neva, các tòa nhà đều lung linh bởi các sắc màu. Trên đường phố xe cộ qua lại như mắc cửi. Mấy anh em rủ nhau qua cầu sang bên kia sông, chiêm ngưỡng đài phun nước nổi lớn nhất thế giới trên đảo Vasilievsky trước Cung điện Mùa Đông. Đây là một ý tưởng khoa học tuyệt vời, với tổng giá trị công trình lên đến 20 triệu euro. Hệ thống đài phun nước cách bờ khoảng 100 mét với gần 700 vòi phun và 2652 đèn chiếu. Một giờ hoạt động, hệ thống đài phun nước cho qua các vòi phun 30.000 m3 nước sông Neva. Chiều cao tối đa cột nước vào khoảng 60 mét, tương đương với chiều cao tòa nhà 20 tầng. Du khách bị cuốn hút bởi các dòng nước tạo thành một màn ảnh, trên đó người ta trình diễn các show ánh sáng laze. Kết hợp với hệ thống âm thanh tuyệt hảo. Du khách không thể bỏ qua những giây phút thơ mộng đẹp đến mê hồn trên dòng sông lịch sử và lãng mạn này. Tôi đã được xem đài phun nước hiện đại nhất của Trung Quốc, Singapore... nhưng đến đây bị cuốn hút, không thể về được.
        Đến quá nửa đêm, 22 cây cầu bắc qua sông Neva, đồng loạt cất lên cho tàu bè qua lại, cắt đứt giao thông của bờ bên đảo Vasilievsky và bên này thành phố cho tới sáng. Trên sông Neva, tấp nập tàu bè, phương tiện giao thông thuỷ qua lại. Đứng ở bờ bên thành phố, chúng tôi ghi lại những giây phút thật ấn tượng có một không hai này bằng camera và máy ảnh. Cách đây hơn 20 năm tôi đã có dịp đến đây vào những ngày cuối tháng 6, được chiêm ngưỡng khoảnh khắc mộng mơ này. Đặc biệt tham gia vào lễ hội đêm trắng và những khổ thơ 5 chữ viết về đêm trắng ra đời:
Mỏng mảnh chùm hoa nắng
Tan vào hồn thinh không
Ấp iu cánh buồm thắm
"Ước mơ" duềnh trên sông
 
Dòng Neva huyền ảo
Líu ríu màu ngọc lam
Điệu dân ca trong trẻo
Ru hồn tôi khẽ khàng…
 
Tôi chìm vào cõi mộng
Huyền thoại giấc mơ màng
Tháng sáu mùa xao động
Trắng trời mơ thênh thang.
          Vào dịp lễ hội, hàng vạn người Nga và hàng nghìn khách du lịch dồn về hai bên bờ sông Neva, tận hưởng những khoảnh khắc kì diệu mà thiên nhiên ban tặng cho quốc gia rộng nhất hành tinh này. Con tàu „ước mơ“ với cánh buồm đỏ thắm đang bồng bềnh trên sông Neva như đang dẫn du khách vào câu chuyện cổ tích của một thế giới khác. Đêm trắng tại Xanh Petecbua bắt đầu từ 11 tháng 06 đến hết ngày 02 tháng 07. Còn giai đoạn đêm sáng kéo dài từ cuối tháng 05 đến giữa tháng 07. Ánh sáng của bầu trời lúc nửa đêm, tương tự như lúc chập tối. Để tiết kiệm điện, vào những thời gian này thành phố không bật hệ thống chiếu sáng đường phố…
        Khi đến đây, ai cũng biết về chiến hạm Rạng Đông lịch sử. Suốt hơn 100 năm tồn tại của mình. Rạng Đông đã có mặt ở nhiều nơi trên đất nước Nga và thế giới, đem lại nhiều chiến công oanh liệt. Đặc biệt, chiến hạm đã hai lần cập cảng Việt Nam. Lần thứ nhất vào ngày 31 tháng 03 năm 1905 cập cảng Cam Ranh. Lần thứ 2 vào tháng 10 năm đó, cùng với các tàu Nga khác cập cảng Sài Gòn, đến ngày 20 tháng 10 năm 1905 rời bến ra Thái Bình Dương, lên đường về nước... Chiến hạm Rạng Đông đã làm tàu giảng dạy cho hạm đội Ban Tích, tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước suốt từ đó đến chiến tranh thế giới lần II và ngày 30 tháng 09 năm 1941 kết thúc hoạt động, nằm lại dưới cảng nước sâu... Từ 17 tháng 11 năm 1948, chiến hạm Rạng Đông vĩnh viễn neo tại bên bờ sông Neva. Trở thành „bảo tàng sống“ phục vụ khách thăm quan. Trung bình một ngày hơn 1500 lượt khách tới thăm. Không có một con tàu nào trên thế giới lại được nhắc nhiều như con tàu này. Vì thế, ai đến Xanh Petecbua cũng muốn đến thăm Chiến hạm Rạng Đông, một biểu tượng của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại...
 
Một góc trun tâm thành phố
 
        Chị Vinh hướng dẫn viên đoàn chúng tôi, đồng thời là chủ doanh nghiệp. Hai vợ chồng Vinh đã từng học và làm việc ở Nga nhiều năm. Chồng phụ trách văn phòng tại Matxcơva, vợ và các con ở Xanh Petecbua. Vinh từng nhiều lần làm phiên dịch cho các đoàn Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sang thăm Xanh Petebua. Ngày cuối đi thăm quan, tôi được làm quen với con gái út của Vinh mới 7 - 8 tuổi. Cháu chỉ nói tiếng Nga, đọc thơ Puskin… còn tiếng Việt hầu còn đang tập tọe. Vinh đang thuê gia sư dạy tiếng Việt cho các con. Tôi có hỏi, sao Vinh nhiều con thế? Vinh trả lời: Bên này đang thiếu lao động, mỗi cháu ra đời được Nhà nước hỗ trợ 10.000 đô la Mỹ, tội gì không đẻ. Các cháu ngoài đi học văn hóa ở trường, còn học thêm các môn yêu thích như nhạc, họa, văn chương. Bốn đứa con đều biết vài ngoại ngữ: Anh, Đức và Việt Nam. Còn tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ của chúng rồi…
          Về giao thông đường bộ ở Xanh Petecbua bây giờ ngoài xe hơi ra còn mấy loại phương tiện khác nữa như: Xe buýt, xe lửa, tàu điện, xe buýt chạy điện và đặc biệt là tàu điện ngầm. Riêng metro ở Xanh Petecbua được làm sâu hơn các thành phố khác. Người ta xếp ga tàu điện ngầm ở Nga vào loại đẹp nhất thế giới. Mỗi nhà ga là một công trình nghệ thuật đặc sắc, một lâu đài kiến trúc khác nhau...
        Thời gian đến đây không có nhiều, chúng tôi mới chỉ phác thảo về một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Xanh Petecbua. Chứ con người ở đây mới tuyệt diệu làm sao. Còn nhớ cách đây hơn 20 năm, lần đầu tiên tôi đến đây. Không biết đường về kí túc xá anh bạn. Tôi ngập ngừng hỏi một phụ nữ luống tuổi, có khuôn mặt đôn hậu. Tưởng bà ta chỉ cho thôi, không ngờ bà dẫn chúng tôi lên xe buýt và đến đúng chỗ bạn tôi ở, bà mới quay lại nhà mình. Khi đến kí túc xá, tôi mới kể lại. Bạn bè phá lên cười và nói: Người dân Lêningrat là như vậy. Bây giờ chuyển sang cơ chế thị trường, người dân nơi đây không còn tận tụy được như xưa nữa, nhưng họ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống...
        Xanh Petecbua, thành phố của vẻ đẹp mê hồn, thấm đậm trong ký ức tôi những ngày thu vàng nước Nga trong thời kì hội nhập.
                                 
TNT