/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

VĂN CHỈ & VĂN TỪ Ở LÀNG TỔNG VÀ HUYỆN?

Hầu như toàn bộ những Văn từ (miếu) chúng tôi nêu ở trên, nay không còn nữa, ngoại trừ Văn miếu (từ) Hàng Kênh và Văn miếu Xuân La (Kiến Thụy).

VĂN CHỈ & VĂN TỪ Ở LÀNG TỔNG VÀ HUYỆN?

.

          Trong quá trình nghiên cứu về văn hóa các làng tổng, chúng tôi thấy: Thông thường những tỉnh thành hay các phủ, huyện nào có những người đỗ Đại khoa, thì hầu hết đều có Văn miếu (chữ từ nghĩa Hán là miếu), nên còn cách gọi khác là Văn từ (文廟), tên đầy đủ là Văn Tuyên Vương miếu (文宣王廟), còn được gọi là Khổng miếu (孔廟) hoặc Phu tử miếu (夫子廟), là miếu thờ Khổng Tử và các nhà khoa bảng địa phương mình tại một số nước Đông Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên và Nhật Bản.

          Vì nước ta bị Bắc thuộc thời gian quá lâu, nên Nho giáo du nhập vào nước ta từ rất sớm. Đến thời nhà Hậu Lý được người Việt chấp nhận và nhanh chóng phát triển trở thành hệ tư tưởng chi phố xã hội Đại Việt thời quân chủ.

          Cùng với sự hưng thịnh của Nho giáo, Nho học, thì hệ thống các Văn từ (miếu), Văn chỉ được thiết lập từ quốc gia đến làng xã. Riêng ở các nơi có truyền thống khoa bảng trước kỳ thi Đại khoa năm 1919 như các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tây, Hà Nội, Hưng Yên,…thì phủ, huyện nào cũng lập Văn từ (miếu), cấp xã (làng) cũng lập Văn chỉ, nhưng có những trường hợp cá biệt như tại xã Trà Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh còn lập cả Văn miếu hàng xã để cổ vũ, dẫn dụ đạo học của quê hương.

.

          Có lẽ Văn miếu Quốc Tử Giám tại Thăng Long được xây dựng đầu tiên ở Đại Việt dưới thời Lý Thái Tông (1028 – 1054) sau khi kinh đô dời về Thăng Long. Còn Văn miếu được tu bổ và mở rộng quy mô vào năm Thần Vũ thứ 2 (1070) đời vua Lý Thánh Tông. Còn Văn từ (miếu) ở các phủ, châu, huyện được xây dựng muộn hơn gần 400 năm. Văn thánh miếu Huế lập năm Chính Hòa thứ 13 (1692). Đến năm Gia Long thứ 2 (1803), theo lệnh của nhà Vua, khắp các dinh, trấn đều lập Văn từ (miếu). Những phủ, huyện nào chưa có điều kiện làm cho mình Văn từ (miếu) riêng, thì thường được lập ở trong lỵ sở hay ghép với một tổng nào gần đó. Rồi sự hình thành và phát triển của một mạng lưới dày đặc các Văn từ, Văn chỉ khắp các tổng, làng, xã.

     Chính vì Văn miếu ở Hà Nội xây dựng trước, nên khi nhắc tên Văn miếu thì mọi người đều hiểu ngầm là Văn Miếu – Quốc Tử Giám, còn các Văn miếu khác thì kèm theo tên địa phương như Văn miếu Mao Điền, Văn miếu Thanh Hóa, Văn miếu Vĩnh Phúc,… Hay các Văn miếu ở cấp phủ, huyện thì người ta thường gọi là Văn từ, chứ thực chất chữ từ nghĩa Hán là miếu… Còn ở làng xã, thường được gọi là Văn chỉ.

     Văn từ, Văn chỉ thường được xây dựng tại các vùng đất cổ có truyền thống khoa bảng, chứ không cần ở các trung tâm lỵ sở, song thuận lợi về giao thông để dễ tổ chức tế lễ. Các công trình kiến trúc này được chia ra làm hai loại: Loại thứ nhất bao gồm từ một đến ba tòa nhà, mỗi tòa từ ba đến bảy gian, có nơi thờ phụng gọi là Văn từ. Còn loại thứ hai có quy mô nhỏ hơn, chỉ có đàn thờ lộ thiên ngoài trời với mái che hoặc không có mái che, thường được gọi là Văn chỉ.

     Trên thực tế, Văn từ, Văn chỉ ở nhiều làng quê ở tỉnh Hải Dương cổ, thờ đầy đủ cả Khổng Tử, Tứ phối và các bậc Tiên hiền của làng. Còn ở một số ít nơi khác không thờ Khổng Tử mà thờ Văn Xương Đế quân (vị Thần chủ trì về văn học) hoặc các Danh Nho của quê hương mình.

     Thật đáng tiếc, số lượng các Văn từ, Văn chỉ hiện nay tại Hải Phòng còn lại rất khiêm tốn. Hàng loạt các di tích bị hư hỏng nặng, nhiều công trình văn hóa đã bị xóa sổ, hàng loạt tấm bia Văn chỉ bị đem nung vôi, đắp đê, bắc cầu ao,...Và đặc biệt thời nay đất đai đang lên ngôi, nên nhiều Văn từ, Văn chỉ trở thành khu dân cư hay các công trình, trụ sở khác?

     Theo các tư liệu thời nhà Nguyễn tại tỉnh Hải Dương xưa ghi: Văn miếu huyện Tiên Minh (tức Tiên Lãng) ở xã Ninh Duy, tổng Ninh Duy, nay thuộc xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Văn miếu của phủ Ninh Giang tại xã Kênh Triều, huyện Gia Lộc, nay thuộc xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Văn miếu của huyện Vĩnh Lại ở xã Tranh Xuyên, tổng Bất Bế, nay là xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Còn Văn miếu huyện Gia Lộc ở xã Hội Xuyên, tổng Hội Xuyên, nay thuộc thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Văn miếu huyện An Lão ở xã Nguyệt Áng, tổng Phù Lưu, nay là thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Văn miếu huyện Kim Thành ở xã Hoàng Xá, tổng Phí Gia, nay thuộc khu vực xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

     Hay Văn miếu huyện Nghi Dương và phủ Kiến Thụy tại xã Xuân La, tổng Trà Hương, nay thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Văn miếu phủ Kinh Môn ở xã Hà Trường, tổng Hà Trường, huyện Giáp Sơn, nay thuộc huyện Kinh Môn. Văn miếu huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên) ở xã An Lư, tổng Thủy Đường, nay thuộc xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Văn miếu của huyện Đông Triều ở xã Yên Lâm, tổng Mễ Sơn, nay thuộc phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Hay Văn miếu của huyện Thanh Hà nằm ở xã Du La, tổng Du La. Văn miếu huyện An Dương ở xã Hàng Kênh, tổng Đông Khê, nay thuộc phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.v.v. Hầu như toàn bộ những Văn từ (miếu) chúng tôi nêu ở trên, nay không còn nữa, ngoại trừ Văn miếu (từ) Hàng Kênh và Văn miếu Xuân La (Kiến Thụy).

NGỌC TÔ