/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

TƯỚNG QUÂN LƯƠNG TOÀN

Mảnh đất Dậu Xuyên được trải dài từ thôn Râu (Giang Biên, Vĩnh Bảo) đến hết thôn An Phú (xã Nguyên Giáp, Tứ Kỳ)

TƯỚNG QUÂN LƯƠNG TOÀN

 

      Vào thời vua Trần Thái Tông tại trang Dậu Xuyên*, lộ Hồng, nước Đại Việt có phú ông tên là Lương Quốc Bảo, thường gọi là Bảo Công. Từ lúc còn trai trẻ, ông có sức khỏe hơn người và có đầu óc làm kinh tế. Từ chỗ hai bàn tay trắng ông đã có ruộng hàng chục mẫu và hơn chục gia nô trong nhà. Không biết ông tơ bà nguyệt xe kết thế nào, mà nên duyên với người thiếu nữ họ Trần, tên Huyền, quê tận mãi trang Yên Định, huyện Yên Định, lộ Thanh Hóa. Tuy đã lấy nhau khá lâu, cầu trời khấn phật nhiều nơi, nhưng hai người vẫn chưa có được mụn con.

      Thế rồi dường như trời xui đất khiến thế nào, một hôm gặp một bé trai mồ côi bố mẹ từ sớm, bơ vơ một mình, vợ chồng phú ông kia liền đưa về nhà nuôi dưỡng, dạy bảo và đặt tên là Phú. Từ lúc cậu bé xuất hiện, cuộc sống gia đình phú ông thấy có ý nghĩa và thi vị hẳn lên:

“Đời vui thêm thắp ước mơ

Tình xuân nồng thắm xanh bờ thời gian”

      Công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, phát đạt, vợ chồng phú ông xuất nhiều tiền của giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong trang ấp và nhiều vùng đất khác. Rồi vào một đêm đang say sưa trong mộng, phú ông thấy ông tiên râu tóc bạc phơ, thần thái quách thước, tay cầm cuốn ngọc tê đưa cho mình và ông mở ra xem, trong đó có bốn câu thơ:

玉栖天鳳許陳家
萬古名芳對海河
惟有福兮天積福
億年享祿沐恩波

Phiên âm:

Ngọc tê thiên phượng hứa trần gia

Vạn cổ danh phương đối hải hà

Duy hữu phúc hề thiên tích phúc

Ức niên hưởng lộc mộc ân ba

Dịch thơ:

Phượng trời nay tới giúp Trần gia

Mãi mãi danh thơm với nước nhà

Có phúc nên trời cho phúc lớn

Vạn năm phúc lộc đẳng hà sa

      Vừa xem xong, Lương Quốc Bảo thấy trong lòng thức tỉnh, biết là thần mộng báo ứng. Đến giờ Dậu ngày 12 tháng 8 Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 (1246) thì bà vợ sinh đôi gồm một trai, một gái. Cháu trai được đặt tên là Toàn. Chẳng mấy chốc đã lớn nhanh như thổi với thân thể cường tráng, khôi ngô tuấn tú. Còn người con gái được đặt tên là Hồng Nương, nết na yểu điệu, nhan sắc tuyệt trần. Lương Toàn và Hồng Nương được vợ chồng phú ông hết mực chăm lo, yêu quý. Khi đến tuổi đi học, bố mẹ mời thày về dạy cho cả hai anh em. Càng lớn hai anh em càng tinh thông, văn chương sáng suốt, “bách giá chư tử” đều thuộc hết.

      Một bận bà Trần Thị Huyền cùng với con gái Hồng Nương xin phép bên nội về quê ngoại thăm họ hàng và lễ tạ gia tiên. Không may bà Huyền lâm bệnh, mất và được họ hàng an táng tại cánh đồng trang Yên Định, huyện Yên Định, lộ Thanh Hóa…

      Từ khi mẹ mất, chàng thanh niên Toàn Công trở lên buồn rầu, bỏ nhà đi chu du khắp nơi, lúc ở dưới biển, lúc ở trên núi, lúc ở trong rừng… Ngày tháng trôi nhanh, giặc Nguyên Mông không từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Việt. Lúc ấy đích thân vua Trần ngự giá tới chiến trận. Trên đường qua trang Kim Tuyền, huyện Kim Sơn nhìn thấy đoàn tráng sỹ khoảng chục người trên núi Yên Phụ, nhà vua vời lại hỏi:

-         Nay nước nhà có nhiều biến cố, các ngươi ở chốn nào mà ngao du tới đây?

-         Tôi là người họ Lương, không may mẫu thân mất sớm, trong lòng phiền lão, nên đi giải khuây, chờ thời. Chàng thanh niên Toàn Công trả lời?

          Nghe vậy vua nghĩ trời đã giúp mình người tài giỏi và hỏi căn cơ rành mạch về toán tráng sỹ này. Nhà vua đồng ý thu nạp toán quân và phong cho Lương Toàn là Hữu Doanh trưởng, chu cấp binh lương, sẵn sàng đợi lệnh triều đình cất quân. Thời ấy quân đội nhà Trần được cơ cấu tổ chức như sau:  

          Từ năm Thiệu Long thứ 10 (1267) các cấp đơn vị quân đội thời Trần lấy cơ số năm (hệ ngũ) làm số lượng binh lính của đơn vị với cấp chỉ huy là Ngũ trưởng hay Đội trưởng. Bậc đơn vị cao hơn là Đô gồm tám mươi binh lính với cấp chỉ huy là Doanh trưởng hay Quân trưởng, còn bậc đơn vị cao hơn nữa là Quân gồm hai ngàn bốn trăm binh lính với cấp chỉ huy là Tướng quân. Trong đó, Ngũ trưởng hay Đội trưởng là quan quân cấp thấp nhất, Doanh trưởng hay Quân trưởng là quan quân cấp trung. Các Quân trưởng được chỉ huy bởi Tướng quân, đây là quan quân cao cấp (tướng lĩnh) của quân đội, nắm quyền chỉ huy cấp quân đoàn. Thông thường, mỗi quân đoàn sẽ đóng giữ một vùng, nên lấy tên vùng đó đặt cho tên quân đoàn. Ví dụ như quân đoàn trấn thủ ở lộ Hồng (Hồng Lộ) sẽ lấy tên là quân đoàn Hồng Lộ, gọi tắt là quân Hồng Lộ.

     Theo chiếu định của nhà vua Trần Thánh Tông (1240 – 1290) thì dân thường nhập ngũ phải bắt đầu từ binh lính cấp thấp nhất, còn tôn thất vương hầu giỏi võ nghệ, tinh binh pháp sẽ được chọn khởi nghiệp từ sỹ quan cấp trung. Trên cấp tướng là cấp bậc thượng tướng quân và trên nữa là các chức quan võ do các trọng thần đầu triều nắm giữ, như Thái úy hoặc các chức vụ tương đương. Cuối cùng, nguyên soái là cấp bậc tối cao, thay mặt nhà vua thống suất toàn quân đội, trực tiếp chỉ đạo cả các tướng quân lẫn thượng tướng quân. Tuy nhiên, nguyên soái chỉ mang tính chất thời vụ trong chiến tranh, được lập ra khi triều đình tập kết một đội quân quy mô lớn từ nhiều quân đoàn khác nhau. Khi kết thúc chiến tranh, nguyên soái sẽ trở về thực hiện nghi thức "giao lệnh" với hoàng đế và triều đình.

       Liền sau đó Hữu Doanh trưởng Lương Toàn còn tự bỏ vàng bạc, tiền của để phục vụ cho quân sỹ chi dùng và thu nạp thêm mười lăm binh sỹ là những gia thần gồm: Phạm Công Khí, Phạm Công Liêm, Đào Công Trí, Nguyễn Công Uy, Nguyễn Công Xuân, Bùi Công Độ, Đặng Công Trình, Lê Công Dụng, Đỗ Công Cán, Đặng Công Nhân, Trần Công Hợp, Lê Công An, Hoàng Công Đạt, Hoàng Công Thế và Nguyễn Công Phú. Và gia nhập thủy quân Hồng Lộ thuộc quân đội nhà Trần, bảo vệ dọc khu vực cửa biển từ Thái Bình tới Quảng Ninh ngày nay. Từ một Hữu Doanh trưởng lãnh đạo hơn chục binh lính ông đã trở thành một Doanh trưởng chỉ huy một Đô với trên trăm quân sỹ. Có lẽ với chức danh này người dân gọi ông với tên thân mật là Đô trưởng và gọi tắt là Đô.

      (còn nữa)