/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

Trên chuyến tàu liên vận

Con tàu lao vun vút về phía Tây Xibia tới Cộng hòa Kazakhstan, rồi rẽ xuống phía nam đi Uzbekistan...

Trên chuyến tàu liên vận

 

          Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học và bước vào đại học, những tháng năm “Đất nước cam go nhói buốt chiến tranh/ Lớp lớp lên đường vượt Trường Sơn đi vào tuyến lửa. Anh chị em tham gia cuộc kháng chiến chúng tôi, mỗi người một phận. Người mãi mãi nằm lại với mảnh đất ở chiến trường. Người bị thương về với quê, bám vào đất đai kiếm sống. Người thương tật nặng về các trại thương binh. Người chuyển ngành ra các cơ quan Nhà nước. Người may mắn hơn, được đơn vị gửi đi đào tạo tại Liên Xô. Tôi là một trong số những người may mắn đó.

Còn nhớ, thời đang ngồi trên ghế nhà trường, cứ vào dịp khai giảng năm học, thầy giáo Nguyễn Như Cách, trưởng bộ môn sử Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng lại đọc những lá thư của các anh chị khóa trước từ nước ngoài gửi về để khích lệ, động viên chúng tôi, gắng được như các anh các chị ấy. Có được lần xuất cảnh ra nước ngoài là ước mơ cháy bỏng của đám học sinh ham học thời đó. Vậy là ước mơ ấy, với chúng tôi giờ đã thành sự thật...và ngày lên đường đã đến.

        Bây giờ đã cuối thu, trời se se lạnh. Cây cối bắt đầu lá rụng, báo hiệu mùa thay áo mới. Heo may tràn về xao xác một nỗi niềm khó tả. Ngày cuối cùng tạm xa quê hương, được đắm mình trong không gian tĩnh lặng. Thật thanh thản khi nghe tiếng chuông chùa đâu đây vang vọng. Tất cả hơi thở nồng nàn của mảnh đất thân yêu như ùa về, như đọng lại trong giờ phút chia li. Đêm Bắc Ninh ấm áp lạ thường khi ngọn gió đùa trên mái tóc người thiếu nữ, chút ngập ngừng bâng khuâng làm say đắm hồn người...

         Trời càng về khuya, màn đêm càng đen kịt. Tôi có cảm giác quờ tay là bắt được bóng tối. Chúng tôi mỗi người được phát một va li, trong đó có quần áo, giầy, tất, cả bộ com lê nữa và lần lượt lên tàu. Rồi “Bánh tàu lăn chao đảo cả miền quê ngược lên biên giới phía bắc. Sau nhiều giờ đồng hồ, cuối cùng con tàu già nua cũ kĩ cũng đưa chúng tôi tới Đồng Đăng - Lạng Sơn. Khi làm xong thủ tục xuất cảnh “Bánh xe tháng năm lừ đừ nhích trên ray tàu hoả” lại kéo chúng tôi qua biên giới Việt Trung đến ga Bằng Tường để chuyển sang tàu liên vận quốc tế Trung Quốc. So với tàu khách Việt Nam thì “Những toa tàu nhành chiêm bao vương chặt” rộng rãi, bề thế, sang trọng hơn. Hạ tầng cơ sở đường sắt Việt Nam già cỗi, khổ đường ray có một mét và một làn đường duy nhất. Trong khi đó, đường sắt Trung Quốc theo tiêu chuẩn quốc tế, khổ 1,435 mét, hai làn đường ray, một cho tàu đi và một cho tàu về, rất ít khi bị tai nạn.
.
 
                    Tàu hỏa Liên Xô

        Trước khi lên đường, chúng tôi đã qua lớp học chính trị. Được dặn dò cặn kẽ, từ việc chào hỏi, đến việc tiếp cận các phong tục tập quán của bạn để thích ứng với cuộc sống mới... Và rất nhiều việc khác nữa. Thị xã Bằng Tường thời ấy còn nghèo, cũng úi xùi như các đô thị Việt Nam. Nhưng nhà ga quốc tế rất lịch lãm, sang trọng. Từ chiến tranh ra, chúng tôi không khỏi bị choáng ngợp. Mọi vật dụng, trang thiết bị như ghế ngồi, gương soi, bồn rửa mặt, đến bồn cầu... đều sạch sẽ, văn minh. Lạ lẫm hơn, khi nhìn thấy các anh chị, các bạn Việt Nam đi du học từ Ba Lan về, người nào cũng tóc dài, quần loe, rất model. Thế rồi sau một thời gian ngắn các thủ tục nhập cảnh cũng làm xong, con tàu chuyển bánh dẫn chúng tôi dọc lên phía Bắc Trung Quốc. 

        Tất thảy hệ thống đường sắt và nhà ga quốc tế mà chúng tôi qua đều được xây dựng rất bài bản, hoành tráng. Mặc dù kinh tế Trung Quốc lúc ấy còn gặp nhiều khó khăn. Bạn đang tiến hành công nghiệp hóa, nhìn đâu cũng thấy ống khói của các lò luyện thép, luyện gang. Qua mỗi triền núi, cánh đồng, xóm làng, đâu đâu cũng thấy đỏ rực khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền về cuộc đại cách mạng văn hóa. Đồ dùng nào cũng in hình Mao Chủ tịch. Mỗi lúc tàu dừng lại, các thành viên trong đoàn đều được tặng huy hiệu, trước tác, tạp chí về Mao Trạch Đông.

           Trên tàu, mỗi một cupe được bố trí sáu giường nằm (ba tầng, mỗi tầng hai giường), có chăn đệm và cả phích nước sôi, ấm chén pha trà mới coóng. Trực toa là một nam giới người Hoa khá luống tuổi, cần mẫn, thông thạo tiếng Việt. Tàu có toa riêng làm nhà ăn. Thức ăn rất ngon, đúng như câu ca “Ăn cơm Tàu...”, rất hợp khẩu vị người Việt. Con tàu cứ lao vút với tốc độ chóng mặt, trên một trăm cây số trên giờ. Ngày nối ngày “Bóng hoàng hôn đổ trên đường ray nằm duỗi dài đườn đượt ”. Qua vòm cửa số nhìn ra xung quanh, chúng tôi dễ dàng nhận biết cuộc sống của nông dân Trung Quốc còn khá vất vả, họ phải lao động cực nhọc. Hầu như người nào cũng mặc áo tứ thân màu xanh công nhân. Con trai thì đầu cắt húi cua. Con gái tóc chấm vai, nhưng lao động miệt mài chăm chỉ... Cái cảnh người nông dân kéo cày bừa thay trâu cứ găm vào kí ức tôi mãi tới bây giờ. Tôi lại nhớ tới câu thơ của Trần Ngọc Thụ “Ông lão dưới ruộng đi bừa. Là con ông lão ngày xưa đi cày. Rồi lộ trình lại tiếp tục “Con tàu đưa ước mơ tôi dọc dài suốt Trung Hoa”. Chúng tôi được chiêm ngưỡng nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều công trình vĩ đại của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

         Trung Quốc thời ấy còn nghèo. Người dân cơm ăn không đủ no, áo mặc chưa đủ ấm, nhưng nhân dân bạn đã hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Việt Nam. Là những người từng qua chiến tranh, chúng tôi rất thấu điều ấy... Bốn ngày đêm lênh đênh trên tàu liên vận qua Trung Quốc, mỗi người được phát 2 nhân dân tệ. Số tiền nhỏ nhoi ấy chỉ đủ để chúng tôi mua khăn mùi xoa, khóa, cắt móng tay và thuốc lá. Đối với những người lần đầu xa xứ, lại trong hoàn cảnh như Việt Nam lúc đó, những đồ vật ấy rất quý giá và trở thành kỉ niệm khó quên.

Tàu càng về gần phía bắc, thời tiết càng lạnh. Hai bên đường, rất nhiều tổ chim trên những cành cây trụi lá... Không mấy nữa, tàu sẽ đi hết địa phận Trung Quốc để đến với Liên Xô. Có lẽ để chúng tôi quen dần với văn hóa  phương Tây. Đến bữa, các bạn Trung Quốc phục vụ trên tàu cho dọn các món ăn châu Âu và thay đồ dùng như đũa bằng dĩa, thìa..

        Tàu chạy chậm dần rồi dừng lại Mãn Châu Lí, nhà ga quốc tế Trung - Xô. Sau vài giờ làm thủ tục chúng tôi được chuyển sang tàu liên vận của Liên Xô. Khổ đường sắt Liên Xô rộng hơn khổ đường quốc tế 89 milimét. Như vậy từ Việt Nam tới đây, chúng tôi phải đổi ba lần tàu, chạy theo ba khổ đường, Việt Nam 1 mét, Trung Quốc 1,435 mét, Liên Xô 1,524 mét.

Thế là chúng tôi đã ở quốc gia có diện tích rộng nhất thế giới. Lần đầu làm quen với những “Cô gái tóc nâu như mật chảy ngọt vào cõi nhớ”, với “Em gái mắt xanh ai đem lửa ủ hồng đôi má. Người Nga phục vụ trên tàu không giống người Trung Quốc. Họ ít xởi lởi, không khách sáo. Tính thẳng thắn, bộc trực, đúng như phong cách ứng xử người Âu. Các món ăn Nga như bánh mì, bơ, súp, thịt muối, sữa... không mấy hợp với khẩu vị người Việt. Hay bữa đầu tiên, mọi người bị đói hoa cả mắt vì múi giờ hai nước lệch nhau quá nhiều. Rồi mọi việc cũng quen dần.

          Chúng tôi bắt đầu đi vào xứ sở lạ.“Tiếng xình xịch con tàu buồn rứt da rứt thịt. Trôi vào lòng Xibia như đem hiện thực cất vào huyền ảo xa xưa. Cạn ngày rồi lại sang đêm, con tàu chuồi qua những cánh rừng tai ga rộng lớn. Thi thoảng lắm mới bắt gặp một thị trấn nhỏ, đắm chìm trong phong cảnh hoang sơ của núi rừng. Rừng ở đây rất trù phú, chủ yếu là rừng lá nhọn với “Thông trầm tư xúc cảm bồi hồi và “Rừng bạch dương phơi mình trong gió. Ngoài rừng ra, hình như đây còn là Vương quốc của các loài quạ. “Quạ cất cánh tuổi ấu thơ nhấc bổng. Quạ đen ngòm trên các ngọn cây. Nhìn lũ quạ ken dày hai bên rừng, tôi không hiểu nguồn thức ăn của chúng là gì. Quạ từ đâu mà sinh sôi lắm thế... Khi con tàu tới biển hồ Bai Can, thì trời vừa sáng. Tôi hứng cảm khẽ thốt lên “Kia Bai Can tít chân trời lãng đãng. Từng đám mây xa in bóng dưới đáy hồ. Bí ẩn xa xưa, bí ẩn bây giờ. Bí ẩn mai sau loài người chưa biết hết...

Tôi từng biết về Bai Can từ thủa còn mài đũng quần trên ghế nhà trường qua bài học địa lí, nhưng bây giờ tôi mới tận mắt chứng kiến. Nước hồ trong vắt, có thể nhìn thấu đáy. Cỏ cây và cảnh vật ven hồ thật thơ mộng. Gọi là hồ, nhưng chiều dài những 636 ki-lô-mét, rộng 80 ki-lô-mét, và dung tích nước ngọt 23.000 ki-lô-mét khối, được 336 nhánh sông cung cấp, chiếm 20% nước ngọt dự trữ của trái đất. Nhiều hơn số nước ngọt của Ngũ Đại hồ cộng lại. Hồ Bai Can vốn là một chỗ lõm sâu 7000 mét và bị lớp trầm tích lấp trong 25 triệu năm. Phía trên lớp trầm tích là nước. Ngày nay người ta đo được chỗ sâu nhất là 1637 mét. Hồ có chu vi dài 2100 ki-lô-mét và cao 456 mét so với mực nước biển.

          Trong lịch sử xa dài, Xibia biết đến như nơi đầy ải các tù nhân thời Sa Hoàng cũng như các chế độ sau này. Nhà tù đặt sâu trong rừng, cách li hoàn toàn với đời sống xã hội. Vô tình, trong chuyến xuyên qua khu vực này, chúng tôi gặp một trung niên Nga chừng 40 tuổi, luôn bám cửa tàu. Sau này mới hay đó là một phạm nhân trốn trại...

         Sau mấy ngày xuyên rừng, “Con tàu nhọc nhằn thậm thịch đầy vơi” về đến Novosibirsk, thủ phủ của Xibia. Đoàn chúng tôi tách làm hai nhóm. Những thành viên đi Maxcơva ở lại tàu, tiếp tục hành trình. Nhóm chúng tôi ở lại chờ tàu đi Trung Á. Hồi ở phổ thông cơ sở, tôi có học tiếng Nga 2 năm, nên cũng võ vẽ được vài ba câu chào hỏi, làm quen… Vốn ngoại ngữ ít ỏi ấy bắt đầu phát huy tác dụng khi đoàn dừng lại ở Novosibirsk, thủ phủ của mảnh đất xa lạ, đầy giá lạnh này...

           Sau mấy tiếng chờ đợi, anh em chúng tôi lại lên tàu, tiếp tục cuộc hành trình về Trung Á. Bây giờ không phải là tàu liên vận quốc tế nữa, mà là tàu nội địa Liên Xô chạy bằng than. Hai bên đường vẫn trùng trùng điệp điệp “Cánh rừng nguyên sinh, phát ngôn suối hay tuyên ngôn sông. Thành bản nhạc bổng trầm sâu lắng. Con tàu lao vun vút về phía Tây Xibia tới Cộng hòa Kazakhstan, rồi rẽ xuống phía nam đi Uzbekistan... kết thúc hành trình xuyên suốt từ đông sang tây vùng đất Xibia huyền thoại!

Ngọc Tô