/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

TRANG VIÊN LANG – THANG MỘC ẤP CỦA THÁI ÚY TÔ HIẾN THÀNH

Thái hậu không dùng lời khuyên của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy

TRANG VIÊN LANG –

THANG MỘC ẤP CỦA THÁI ÚY TÔ HIẾN THÀNH

.

       Có một nhân vật lịch sử đã mất cách nay 841 năm, nhưng các thế hệ sau và lịch sử đều nhớ mãi. Ta không chỉ nhớ tới ông về tài năng đức độ, sự cống hiến hết lòng vì dân vì nước, mà còn nhớ tới ông còn về một bậc trung thần tiêu biểu nhất về sự liêm chính chí công vô tư trong suốt các triều đại, đó là Thái úy Tô Hiến Thành, một công thần dưới thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) và Lý Cao Tông (1276 - 1210).

        Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng 01 năm Ứng Thiên thứ 9 (11/02/1102) đời vua Lê Trung Tông và mất ngày 12 tháng 06 năm Trinh Phù thứ 4 (17/07/1179) đời vua Lý Cao Tông tại quê ngoại trang Phú Lộc, huyện Ô Diên, phủ Ứng Thiên (phía Tây thành Thăng Long), nay là cụm 3, thôn Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội. Phụ thân ông là quan Lệnh doãn phủ tại trại Ái Châu (nay là Thanh Hóa) Tô Trung, mẫu thân là người trang Phú Lộc (Hạ Mỗ) bà Nguyễn Thị Đoan.

       Theo thần tích ở Cẩm Đới chính từ (ngôi đền thờ Đức Thánh Tô tại xã Hà Giang, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) thì Tô Hiến Thành có một bà chánh thất và ba bà trắc thất, sinh được năm người con trai và ba người con gái. Bà chánh thất thì Đại Việt sử ký toàn thư có ghi là Lã thị, húy là Lã Thị Dung, hiệu là Phương Dung, quê nay ở làng Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Còn theo một số gia phả họ Tô tại Thái Bình thì Tô Hiến Thành có thêm một trắc thất (chưa rõ họ tên) ở làng Tè nay là thôn Hương Xá, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà sinh ra tướng công Tô Trung Từ và Tô Thị Hiền lấy Trần Lý, trong sơ đồ phả hệ họ Trần ghi là Tô Phương Lan, hiệu là Tô Phong được phong là Thánh từ Hoàng hậu…

      Cuộc đời và sự nghiệp của Tô Hiến Thành cũng gặp không biết bao ghềnh thác, nhưng với gì ông được dạy dỗ và luyện rèn từ thuở thiếu thời cả về văn lẫn võ, nên khi lớn lên đã hội đủ tài thao lược. Rồi được vua Lý Thần Tông mời vào cung khi ông đỗ cao khoa thi Minh kinh bác học năm Mậu Ngọ (1138).

       Tô Hiến Thành là một nhà quân sự tài ba trong việc chấn chỉnh lực lượng vũ trang, tham gia và chỉ huy dẹp các cuộc nổi loạn trong nước, cùng các cuộc xâm lăng của ngoại bang, giữ vững an ninh, chủ quyền đất nước: Năm 1141 ông được cử lên châu Lạng dẹp loạn Thân Lợi, năm 1159 được cử về phía Đông dẹp quân Ngưu Thống, Ải Lao… và thu được những thắng lợi vô cùng quan trọng. Năm 1160, ông được giao chấn chỉnh tổ chức lại quân đội và năm sau ông cùng tướng Đỗ An Di mang hai vạn quân tới tuần tiễu biên giới Tây Nam. Hay năm 1167 Tô Hiến Thành đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành, làm vua Chiêm phải cử sứ thần sang xin hòa, giữ lễ phiên thần, triều cống như cũ và ông được vua Lý phong chức Thái úy.

          Tô Hiến Thành là một người có tầm nhìn xa trông rộng về phát triển kinh tế và tổ chức việc khai hoang các vùng đất trũng, hoang hóa cũng như lấn biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh. Đặc biệt vùng đất ven biển ở lộ Hải Đông, lộ Hải Thanh (Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình, Nam Định ngày nay). Ngày ấy phần lớn diện tích của khu vực phía Đông Nam của tổng Ngải Am (Vĩnh Bảo ngày nay) vẫn là bãi biển, ông là người có công đầu trị thủy, đắp đê ngăn mặn, lấn biển và khai khẩn vùng đất hoang hóa tại khu vực hạ lưu sông Hóa và sông Thái Bình. Rồi việc khai khẩn vùng đất trũng ven hệ thống sông Thái Bình, sau là sông Luộc thuộc xã Trung Lập và Việt Tiến ngày nay. Ông được vua Lý Anh Tông phong tước Đại liêu ban vào đầu thập niên 60 thế kỷ XII, mà người dân thường gọi hay một số sắc phong của triều đình phong kiến sau này với cái tên Tô Đại Liêu. Trong thần tích ở miếu Lạng Am (xã Lý Học) ghi thờ thần Tô Đại Liêu. Chúng tôi sơ lược về một số tước vị thời nhà Lý để bạn đọc hiểu thêm:

       Triều đình nhà Lý có tham khảo chế độ phong tặng tước vị của các triều đại Trung Hoa, nên quy định khá chặt chẽ một số tước vị cho hoàng tộc cũng như các công thần:

a-      Hoàng thái tử: Dành cho Trữ quân, người kế vị Hoàng đế.

b-      Vương: Dành cho hoàng tử, các anh em và con trai khác của Hoàng đế.

c-      Công chúa: Dành cho hoàng nữ, chị em hoặc con gái của Hoàng đế.

d-      Quốc công (國公)/ Khai quốc công (開國公): Dành tặng công thần.

e-      Liệt hầu (列侯): Dành cho tôn thất và công thần.

f-       Quan nội hầu (關內侯): có phẩm trật bổng lộc, nhưng không thể thừa kế

thế tập. Đến sau thời Lý Thái Tông, nhà Lý bắt đầu có một số tước vị riêng biệt:

a-      Minh Tự (明字): Một dạng tước Bá thời Trung Hoa cổ đại; cận thị Hoàng đế thì thêm chữ Nội (內).

b-      Đại liêu ban (大僚班): Dành tặng công thần; cận thị Hoàng đế thì thêm chữ Nội (內).

c-      Thân vương ban (亲王班): Dành tặng công thần.

d-      Chư vệ (諸衛): Dành tặng công thần; cận thị Hoàng đế thì thêm chữ Nội (內).

e-      Thượng chế (上製): Dành tặng công thần; cận thị Hoàng đế thì thêm chữ Nội (內).

f-       Thấp nữa là Sùng ban (崇班), Cung phụng (供奉), Hầu cấm (侍禁), Nội điện trực (內殿直) và Điện trực (殿直).

       Vì Tô Hiến Thành không phải tôn thất nhà Lý, mà được phong Đại liêu ban đã là một tước vị rất cao quý. Kèm theo với việc phong tước là ban tặng đất đai (phong tước cộng với kiến địa) và ông được vua Lý Anh Tông tặng thang mộc ấp tại quê (hương Ô Diên, phủ Ứng Thiên), nhưng ông không nhận vùng đất tốt đó vì không nỡ để họ hàng, dân làng thành tá điền, nô bộc của mình, mà ông chỉ nhận ở những nơi hoang hóa và đưa con cháu, dân làng đến khai khẩn, phục hóa lập nghiệp với câu nói còn lưu đến nay: “Khứ thị phát, lưu thị mạt” tức “Đi thì phát đạt, ở lại thì nghèo hèn”.

Ngay sau đó vua Lý Anh Tông đã quyết định tặng ông thang mộc ấp ở nơi hoang hóa Viên Lang huyện Tứ Kỳ, lộ Hải Đông, nay là phần đất thuộc xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đây là vùng đất trũng nhất, phần lớn là lau lác, sú vẹt và đầm lầy của huyện Tứ Kỳ, lộ Hải Đông thời bấy giờ. Liền lúc đó Tô Hiến Thành đã mộ dân lập ấp, mở rộng điền trang, trong đó có không ít người từ trấn Sơn Tây và trại Ái Châu về đây sinh sống. Có thể nói ông là thủy tổ của làng Viên Lang, nên sau khi ông mất làng đã lập đền thờ và đến thời nhà Mạc làng xây dựng đình thờ phụng ông nữa.

       Ngôi đình Viên Lang ngày nay nằm ở vị trí cách khu dân cư chừng vài ba trăm mét với một vị trí lý tưởng giữa:

Đồng quê như mảnh hồn làng

Chiêm mùa lúa chín ươm vàng chiêm bao

Cánh diều no gió nghiêng chao

Lưng trâu cõng những ngọt ngào mơ hoa?

       Trước đây diện tích đình rộng đến chục mẫu Bắc Bộ, nhưng từ thời nhà Nguyễn trở lại bị thu hẹp dần và đặc biệt là sau thời kỳ cách mạng văn hóa, nay chỉ còn khoảng 2.000 mét-vuông. Tuy những người thôn dân Viên Lang cuộc sống còn gặp trăm bề khó khăn, nhưng họ quyết tâm cải tạo lại ngôi đình này cũng như ngôi miếu thờ Đức Thánh Tô khang trang hơn. Người thì góp của, người thì góp đất, người thì góp công sức… để tôn tạo khu di tích này trở thành nơi  sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây cũng như khách du lịch muốn khám phá thang mộc ấp của Thái úy Tô Hiến Thành, một trong những vị quan liêm chính nhất và tài mưu lược nhất. Ngôi đền đã được tu tạo nhiều lần và làng còn được lưu giữ tới nay hai tấm bia đá “Hậu thần bi ký”. Bia thứ nhất được làm vào năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) đời vua Lê Duy Phường, vị hoàng đế thứ 12 của nhà Lê trung hưng và bia thứ hai làm vào năm Tự Đức thứ 23 (1871) đời vua Nguyễn Dực Tông...

       Khi nghiên cứu về mảnh đất và con người nơi đây, chúng tôi thấy người dân thuộc tổng Viên Lang (Viên Lang, Cung Chúc, Đông Lôi, An Ninh, Nghiêu Quan, Tầm Thượng, An Cầu, Liễu Kinh, Thiết Tranh) là khu vực duy nhất không nói ngọng, vì họ là những cư dân từ quê Thái úy Tô Hiến Thành (Đan Phượng, Thanh Trì - Hà Nội) về khai hoang lập ấp.

       Ngoài ra còn khá nhiều vùng đất khác ở huyện Vĩnh Bảo ngày nay cũng đều ghi dấu chân Thái úy Tô Hiến Thành, do vậy mà có không ít địa danh được lập ấp vào thời nhà Lý. Để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Tô nhiều địa phương lập nơi thờ phụng như ở miếu Lạng Am (xã Lý Học), hay đình Thượng ở Cổ Am, mà trong thời kỳ cách mạng văn hóa được chuyển về miếu Tràng, còn đình bị phá bỏ. Đến quý III năm 2020, đình Thượng ở Cổ Am đã được khởi công xây lại để lấy lại chỗ thờ phụng thành hoàng Đức Thánh Tô.

       Ngoài việc thờ phụng Tô Hiến Thành thì người dân lục tổng khu trên Vĩnh Bảo và một số nơi khác ở Thái Bình, Hải Dương… đã lấy tên làng mình để tạ ơn công lao to lớn của ông bằng việc đặt tên quê mình có từ “Tạ” như: Tạ Xá (nghĩa là làng Tạ, còn chữ Tạ nghĩa Nôm là Tè), Nội Tạ (phía trong của Tạ Xá) hay Đông Tạ, Bắc Tạ, Nam Tạ… hay làng Kính Chúc (nay là Cung Chúc) ngay sát làng Viên Lang…

       Ngoài ra Tô Hiến Thành còn là một nhà chính trị kiệt xuất, có nhiều công lớn trong việc củng cố triều chính hai đời vua nhà Lý là Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Cuối đời ông làm đến chức Nhập nội Kiểm hiệu Thái phó bình chương quân quốc trọng sự (Tể tướng) và được phong tước Trung tiết vương, mặc dù ông không phải là hoàng thất nhà Lý. Khi vua Lý Anh Tông băng hà vào tháng 7 năm 1175, ông đã vận động các đại thần trong triều đứng về phía mình vì Hoàng tử trưởng là Lý Long Xưởng hư hỏng, vua có di chiếu lập hoàng tử Lý Long Cán ba tuổi lên ngôi (tức vua Lý Cao Tông) và đã giao cho ông làm phụ chính.

       Mặc dù Hoàng hậu Chiêu Linh (mẹ Lý Long Xưởng) có trăm phương ngàn kế, từ dùng quyền lực ép buộc, đến đem mâm vàng đến hối lộ mong ông đổi di chiếu đưa Long Xưởng lên ngôi, nhưng ông kiên quyết chối từ và trả lời: Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ để lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng. Hay một câu khác: Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sỹ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn văng vẳng bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quan hay sao? Thần không dám vâng lệnh”. Hay lúc ông ốm nặng, Đỗ Thái hậu (mẹ của Lý Cao Tông) đến thăm, ông đã tiến cử người hiền tài thay mình, không vì tình riêng với câu nói còn vang vọng đến nay: “Vì Thái hậu hỏi người nào thay tôi, nên tôi mới nói Trần Trung Tá, nếu như hỏi người hầu nuôi thì không phải Võ Tán Đường thì còn ai nữa”.

       Tô Hiến Thành còn là một nhà văn hóa, người có công lớn trong việc lấy đạo Nho làm tư tưởng “đức trị”, góp phần vào việc ổn định an ninh trật tự xã hội cuối triều Lý. Theo sách “Từ Liêm huyện đăng khoa chí” do Cử nhân Bùi Xuân Nghi biên tập thời Tự Đức thì Tô Hiến Thành từng đỗ khoa thi Minh kinh bác học (Tiến sỹ) khoa Mậu Ngọ (1138) đời vua Lý Thần Tông. Thông tin này cũng được dẫn trong các tài liệu “Bản phủ tiền triều chư danh khoa bi” và bia Văn chỉ huyện Từ Liêm dựng năm Tự Đức thứ 25 (1872). Từ đời Lý Anh Tông, nhà Lý đã qua thời thịnh trị vì khi lên ngôi Lý Anh Tông và Lý Cao Tông vào lúc còn quá nhỏ tuổi, lúc lớn lên không chăm lo việc nước mà chỉ say đắm vào tửu sắc, ăn chơi và nghe phỉnh nịnh của một số quan tham trong triều. Kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai liên tiếp hoành hành. Giặc giã trong nước liên tiếp xảy ra như Thân Lợi, Sơn Lão…, bên ngoài thì Chiêm Thành, Ngưu Hống quấy nhiễu… Ông dùng giáo lý để đề cao lòng nhân nghĩa, chặn đứng mọi đạo đức đang bị xuống cấp, suy đồi. Rồi từ năm Đại Định thứ 17 (1156), ông tâu xin vua Lý lập đền thờ Khổng Tử ở phía nam Hoàng thành Thăng Long, đồng thời tâu xin bãi bỏ khoa thi Minh kinh bác học, thay bằng khoa thi văn hóa để tìm người hiền tài, mãi đến đầu thời nhà Trần mới được thực hiện.

       (còn nữa)