VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Văn xuôi
TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM VỚI SÔNG KIM
Mấy năm về trước khi viết tập sách “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cội nguồn & Khai sáng”, tôi được tiếp cận với một số tài liệu cổ có nhắc tới sông Kim (金江 - Kim Giang), cửa biển Kim (金海口 - Kim hải khẩu)TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM VỚI SÔNG KIM
.
Mấy năm về trước khi viết tập sách “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cội nguồn & Khai sáng”, tôi được tiếp cận với một số tài liệu cổ có nhắc tới sông Kim (金江 - Kim Giang), cửa biển Kim (金海口 - Kim hải khẩu) và biển Kim (金海 - Kim Hải),… Thực tình, lúc đó tôi chỉ đoán già đoán non rằng: Sông Kim rất có thể là sông Hàn, mà đến thời nhà Mạc được Nguyễn Bỉnh Khiêm cho con sông này vào thơ ca với cái tên Hàn Giang hay Tuyết Giang trên trang viết của mình.
Rồi tới đời vua Tự Đức, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn bộ sách lớn nhất, quan trọng nhất về địa chí Việt Nam thời phong kiến là “Đại Nam nhất thống chí” với 17 quyển, trang 479 tập III có ghi: “Đê cũ Chân Kim. Sử chép năm Thống Nguyên thứ 8 (1529) hạ lệnh cho các phủ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Kinh Môn, Nam Sách, Thái Bình đắp đê Chân Kim, nay không rõ nơi nào”. Như vậy ta có thể hiểu được mấy trăm năm qua sông Kim vẫn còn là một ẩn số?
Lúc dịch bài thơ Qua miếu Trình Tuyền (過程泉廟祠) ra tiếng Việt của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 – 1804) viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi mạnh dạn dịch sông Kim là Hàn Giang, xin trích khổ cuối sau:
Nguyên văn chữ Hán (Vũ Hoàng):
片語全三姓
渾敦未異良
庵空碑亦尽
流洛雪金江
Hán Việt (Vũ Hoàng):
Phiến ngữ toàn tam tính
Hồn đôn vị dị lương
Am không bi diệc tận
Lưu lạc Tuyết Kim Giang
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Dùng vài câu nói ngắn mà bảo toàn cho ba họ
Rất hồn nhiên nào mấy ai đoán được
Nay Am không còn mà bia đá cũng mất
Sông Tuyết Kim vắng vẻ đìu hiu.
Dịch thơ (Thi An):
Lời kín yên ba họ
Ý chung còn miên man
Giờ am, bia đã mất
Đìu hiu Hàn Giang loang?
Trong các tác phẩm của những người cầm bút thời phong kiến viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm có đề cập tới các địa danh trên như: Tiến sỹ Vũ Phương Đề (1698 – 1761), hay Ôn Quận công, Tiến sỹ Vũ Khâm Lân (1702 - ?), hay một số tác giả khác… Hoặc trang 24 trong tập “Bạch Vân quốc ngữ thi tập - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm” do Nhà Xuất bản Sống Mới ấn hành tại Sài Gòn năm 1974 ghi: “Ngoài ra Tiên sinh còn tu bổ chùa chiền. Tiên sinh thường cùng các lão tăng đàm luận và thường khi thả thuyền dạo chơi trên Kim Hải hay Úc Hải để xem người đánh cá. Các chỗ danh sơn thắng cảnh như Yên Tử, Ngọa Vân, Kính Chủ, Đồ Sơn. Nơi nào Tiên sinh cũng chống gậy trèo lên, thừa hứng ngâm vịnh, có khi quên cả sớm chiều. Mỗi khi ngắm cảnh non cao chót vót, rừng rậm xanh rờn, gió động rì rào, chim ca thánh thót, Tiên sinh lại hớn hở tự đắc, phiêu phiêu như một vị lục địa thần tiên”.
Các địa danh nổi tiếng như: Yên (An) Tử, Đồ Sơn chắc ai cũng biết, còn mấy địa danh còn lại, tôi có thể sơ lược vài nét cho độc giả rõ thêm: Ngọa Vân là một tháp ở đỉnh núi Yên Tử (có thuyết nói ở Yên Sinh, thuộc địa phận xã Nam Mẫu, tổng Bí Giang, huyện Đông Triều, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Còn Kính Chủ là một hang động trong sáu động đẹp nhất quốc gia (Nam Thiên đệ lục động) thuộc núi Kính Chủ, tổng Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Còn Úc Hải tức biển Úc, nay là vùng biển phía ngoài cửa Văn Úc thuộc hai huyện Tiên Lãng và Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.
.
Tập sách "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cội nguồn & Khai sáng
.
Và, đặc biệt trên trang viết của mình, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhắc nhiều tới các địa danh như: Sông Kim, cửa biển Kim cùng biển Kim.v.v. Hay khi qua biển Kim, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ “Ghi lại lúc qua biển Kim”, chúng tôi trích đoạn sau:
Nguyên văn chữ Hán (Vũ Hoàng):
過金海門記
洪洲形勝地
金海門得名
輈堅劦荊棘
荊咽喉控太平
東來征派遠
西邑雪江青
岸樹木中現
鸂禽天外鳴…
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
Qúa Kim hải môn ký
Hồng châu hình thắng địa
Kim hải môn đắc danh
Châu kiên hiệp kinh cức
Yết hầu khống thái bình
Đông lai chinh phái viễn
Tây áp Tuyết Giang thanh
Ngạn thụ mộc trung hiện
Khê cẩm thiên ngoại minh…
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Ghi lại khi qua cửa biển Kim
Đất Hồng Châu nổi tiếng
Cửa biển Kim lừng danh
Ngựa xe đi lại như mắc cửi
Nơi yết hầu của thái bình
Phía đông đường xa tít tắp
Phía tây là thôn ấp
Bên dòng Tuyết giang xanh
Trên bờ cây bát ngát
Chim le le kêu ngoài trời xa…
Dịch thơ (Thi An):
Ghi lại khi qua cửa biển Kim*
Đất Hồng Châu** vời vợi
Cửa biển Kim bồng bềnh
Ngựa xe như mời gọi
Miền thanh bình bao quanh
Phía Đông đường xa tắp
Xóm Tây bên Tuyết Giang
Rừng cây xanh bát ngát
Vọng tiếng chim mơ màng...
__________
* Kim Hải môn: Cửa biển Kim, nay là cửa biển Thái Bình
** Hồng Châu: Châu Hạ Hồng, sau là phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương.
Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử hành chính thời phong kiến về sông ngòi nước ta, tôi thấy tên các con sông thường được lấy tên từ các địa danh ở thượng lưu sông như:
Sông Úc (hay Uất, Áo) lấy tên từ làng Dương Úc (còn gọi là Dương Áo), tổng Dương Úc, huyện Tân Minh (sau là Tiên Minh, rồi Tiên Lãng); Sông Ngải Am lấy tên từ làng Ngải Am, tổng Ngải Am, huyện Vĩnh Lại (sau là Vĩnh Bảo); Sông Vũ Yên (An) lấy tên từ làng Vũ Yên, tổng Hạ Đoàn, huyện An Dương; Sông Hàm lấy tên từ làng Hàm Giang, tổng Hàm Giang, huyện Cẩm Giang; Sông Lâu Khê lấy tên từ làng Lâu Khê, tổng La Đôi, huyện Thanh Lâm (sau là Nam Sách); Sông Thủ Chân lấy tên từ làng Thủ Chân, tổng Đông Đôi, huyện Chí Linh; Sông An Điền lấy tên từ làng An Điền, tổng An Điền, huyện Chí Linh; Sông Tranh (từ cuối thế kỷ XIX đổi thành sông Hóa) lấy tên từ làng Tranh Xuyên, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại (nay là Ninh Giang và Vĩnh Bảo); Sông Cấm lấy tên từ làng Cấm, tổng Da Viên, huyện An Dương; Sông Trạm Bạc lấy tên từ làng Trạm Bạc, tổng Kiều Đông, huyện An Dương tới ngã ba Tam Bạc.v.v.
Tương tự như trên, con sông làm ranh giới hai huyện (sau này là Vĩnh Bảo và Tiên Lãng), thời phong kiến được gọi là sông Kim (金江) hay Kim Giang vì sông qua địa phận xã Kim Đới (金帯), tổng Kim Đới, (sau này đổi thành tổng Hà Đới - 河帯), huyện Tân Minh (新明), từ thời vua Lê Duy Tân (1600) đổi thành huyện Tiên Minh (先明), từ thời vua Hàm Nghi (1885 – 1888) đổi là huyện Tiên Lãng (先浪) đổ ra biển. Cửa biển này gọi là Kim hải khẩu (金海口), còn vùng biển nơi đây gọi là biển Kim (金海).
Vì tên tuổi và văn chương của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm quá nổi tiếng, nên từ khi ông mất (1586) sông Kim không mấy khi còn được nhắc đến nữa và dân chúng cũng như chính quyền địa phương gọi con sông nơi đây là Hàn Giang hay Tuyết Giang. Từ thời Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) cách đặt tên sông ngược với truyền thống, tức lấy tên của địa phương vùng hạ lưu sông làm tên cho sông, nên sông này được mang tên Thái Bình, vì nó đi qua địa phận tỉnh Thái Bình dăm cây số. Còn cửa biển Kim xưa, được mang tên cửa biển Thái Bình, nhưng vị trí của nó đã được tịnh tiến về phía Đông Nam gần chục cây số, do vùng đất cửa biển này được trầm tích phù sa bồi đắp.
Lúc đến thăm bến Hàn, làng Trung Am, quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, bao cảm xúc trong tôi vỡ òa và mấy vần lục bát ra đời:
Sông Kim ngỡ tưởng ở đâu
Ai ngờ trước mặt xa sau miết tìm
Mấy trăm năm vẫn lặng im
Bây giờ mới biết nổi chìm Kim Giang?
NGỌC TÔ
Các tin khác
-
NGUỒN GỐC HỌ TÔ NỘI TẠ
-
BẾN QUÊ NỘI TẠ (PHẦN I)
-
“HÀ CẦU, HẠ HỒNG – SƠN ĐỒNG, QUỐC OAI”
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO