/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

TRANG AN BIÊN NÀO CÓ TRƯỚC?

Chưa có một sử sách nào từ cách mạng tháng 8 năm 1945 trở về trước viết về Đức Thánh Lê Chân.

TRANG AN BIÊN NÀO CÓ TRƯỚC?

.

       Chưa có một sử sách nào từ thời trước cách mạng tháng 8 (1945) viết về Nữ Thánh Lê Chân. Để có thể tìm được bất kỳ một tư liệu gì về vị Nữ Thánh này, buộc chúng tôi phải tìm tới các địa danh có liên quan dính líu. Theo tương truyền, thì quê của vị Nữ Thánh này ở trang An Biên (), tên Nôm là Vẻn, huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ, đến thời Lê sơ là xã (làng) An Biên, tổng Vĩnh Đại, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nằm bên triền Tả sông Kinh Thầy. Từ thuở sơ khai, Kinh Tây chỉ là con kênh ở phía Tây, sau này trở thành sông Kinh Tây và người ta đọc chệch đi thành Kinh Thầy. Ngay tấm bản đồ huyện Đông Triều được in bằng tiếng Pháp vào thời Pháp thuộc cũng ghi s. Kinh Tay, nay là ranh giới giữa tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh. Và, theo một tương truyền khác thì địa danh An Biên bên triền Tả sông Hóa, huyện Vĩnh Bảo và địa danh An Biên bên triền Hữu sông Tam Bạc, nội đô Hải Phòng đều do Nữ Thánh đặt tên cho.

      Vì thời gian lùi quá xa, nên lịch sử hành chính của các địa phương của nước ta có nhiều thay đổi. Theo các sách Dư địa chí cổ, chúng tôi tìm được 5 làng mang tên An Biên của Đại Việt. Riêng tại thành phố Hải Phòng vinh dự có hai, đó là làng An Biên, tổng Kê Sơn, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo), nằm bên triền Tả sông Hóa và làng An Biên, tổng Đông Khê, huyện An Dương, phủ Kinh Môn cùng trấn Hải Dương, nằm ở bên triền Hữu hạ lưu sông Tam Bạc (nay thuộc quận Hồng Bàng và quận Lê Chân).

      Ngoài ra chúng tôi tìm được làng An Biên Thượng, tổng An Biên Thượng, châu Định Hóa, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên, nay thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và thôn An Biên, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hóa, nay thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tất cả các làng mang tên An Biên trên có trong danh sách dư địa chí cổ mới có khoảng vài trăm năm nay. Lúc xem xét về lịch sử hành chính và Thần tích – Thần sắc của làng An Biên tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và làng An Biên tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi thấy không có liên quan gì tới Nữ Thánh Lê Chân.

      Còn làng An Biên tại huyện Vĩnh Bảo thì “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” trang 14 ghi: “Vào thế kỷ XV – XVIII một nhóm chi họ Nguyễn ở làng An Biên nội thành Hải Phòng đã di cư tới vùng đất này (nay là xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo) lập làng An Biên, lấy tên Nôm là Cấm, Vẻn”. Theo chúng tôi từ Biên (), nghĩa Hán là bờ, rịa, viền, cạnh, mép, ven… nên tên Nôm là Vẻn. Tất cả các làng Vẻn đều ở cạnh sông hồ, hay cửa biển và đều nằm ở những vị trí trũng, thấp. Còn từ Cấm là tên Hán, bắt nguồn từ giáp (xóm) chính mang tên Cấm thuộc xã Da Viên, tổng Da Viên (nay thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng) chứ không phải tên Nôm.  

      Theo “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” trang 14 ghi: Thành hoàng làng “Lý Quốc Sư Viên Quang Phổ Độ Đại Vương, sinh ngày 11 tháng 3, hóa ngày 4 tháng 2, được vua Lý Thần Tông (1116 – 1138) sai đi xem cát địa, đến trang An Biên, chiêu dân cho lập đền thờ”. Còn theo Thần tích và lịch sử hành chính làng An Biên, tổng Kê Sơn, thì cộng đồng dân cư làng này được hình thành từ cuối thời nhà Lý (1010 – 1225) đến đầu thời nhà Trần (1225 – 1400). Tương truyền, cách nay chừng 800 năm có một nhóm ngư dân từ trang An Biên, huyện Đông Triều về khu vực cửa biển huyện Đồng Lợi, lộ Hồng (nay là khu vực xã Hưng Nhân, Vĩnh Bảo) làm nghề đánh cá, sau đó biển mỗi ngày một lùi xa và việc đánh bắt thủy hải sản ngày một khó khăn, buộc họ phải lên bờ khai hoang lập ấp. Cư dân nơi đây không quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình và lấy tên An Biên đặt cho trang mới của mình. Còn một minh chứng nữa là tất cả các làng xã thuộc tổng Kê Sơn này đều hình thành cộng đồng dân cư từ thời Trần trở về trước. Và, trang An Biên, huyện Đồng Lợi (sau là Đồng Lại, rồi Vĩnh Lại) này còn là quê hương của nhà khoa bảng Nguyễn Mỹ, đỗ Đệ tam đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) đời vua Lê Thái Tông.

      Rồi theo một tương truyền khác nữa, thì vào cuối thời Lê – Mạc (đầu thế kỷ XVI), một nhóm ngư dân làng An Biên, tổng Nội Hoàng, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương di cư về vùng cửa biển huyện An Dương cùng phủ Kinh Môn làm nghề chài lưới để sinh nhai. Sau đó biển mỗi ngày một lùi xa và việc đánh bắt thủy hải sản ngày một khó khăn, buộc họ phải lên bờ tại khu vực bên triền Hữu sông Trạm Bạc (gọi chệch là Tam Bạc) khai hoang lập ấp.

       Người dân nơi đây không quên chốn cũ của mình và đã lấy tên An Biên đặt cho ấp mới, mà trước đó là nhóm ngư dân từ trang An Dương, tổng Nội Hoàng và nhóm ngư dân từ trang Đông Khê, tổng Đạm Thủy cùng huyện Đông Triều đã di cư tới mảnh đất ven biển huyện Cổ Phí này (từ năm 1469 là huyện An Dương) khai hoang lập ấp vào cuối thời nhà Trần (1225 – 1400) và thời Lê sơ (1428 – 1527). Khi thành lập ấp, họ cũng không quên quê cũ của mình và cái tên An Dương, cũng như Đông Khê được đặt cho ấp mới. 

      Còn một trường phái nữa nói là vào thời Lê – Mạc (đầu thế kỷ XVI) một nhóm ngư dân làng An Biên, tổng Kê Sơn, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương đã di cư tới vùng đất hạ lưu triền Hữu sông Tam Bạc, huyện An Dương và lập ra ấp An Biên, tổng Đông Khê, huyện An Dương, phủ Kinh Môn cùng trấn Hải Dương?

       Thấy mảnh đất ven sông Tam Bạc này trù phú dễ sinh sống, cư dân từ nhiều nơi khác đổ về và dần dần ấp An Biên thành hương An Biên, rồi đến thời nhà Nguyễn thì thôn An Biên mới đủ cơ số dân và trở thành đơn vị hành chính cấp xã (làng). Lúc này xã An Biên là một trong 5 xã (An Biên, Đông Khê, Hàng Kinh, Dư Hàng và Phụng Pháp) thuộc tổng Đông Khê, huyện An Dương. Thực địa xã An Biên, tổng Đông Khê này có vị trí từ khu vực ngõ Hàng Gà ngày nay kéo theo hướng Tây đến qua chợ làng An Biên và chùa Vẻn, tức khu vực phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng ngày nay, còn phía Bắc từ giáp bờ Hữu sông Tam Bạc kéo về phía Nam đến hết phường Trại Cau, quận Lê Chân ngày nay.

 

Bản đồ huyện Vĩnh Lại thời nhà Nguyễn

          Sau khi thành phố Hải Phòng được thành lập (1888), chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành đào mới nhiều sông ngòi, kênh rạch như: Sông Đào Hạ Lý (đoạn nối từ sông Tam Bạc ra sông Cấm), kênh Bonnal (sau là sông Lấp), kênh Lạch Tray (đoạn nối từ sông Lạch Tray với sông Tam Bạc) và chỉnh trang, đào mới lại đoạn hạ lưu sông Tam Bạc, sông Cấm. Ngoài việc tạo ra cảnh quan môi trường cho thành phố, phát triển giao thông đường thủy, cũng như xây dựng thương cảng… thì một việc quan trọng khác là lấy đất để bồi đắp những thùng vũng, sình lầy, hồ ao… xây dựng nội đô Hải Phòng. Còn bên triền Tả sông Tam Bạc là làng Hạ Lý, tổng Da Viên (nay là phường Hạ Lý, phường Thượng Lý và phường Trại Chuối) có lịch sử hành chính tương đương với làng An Biên, tổng Đông Khê.

       Giáp (xóm) chính của làng Hạ Lý là khu vực phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng ngày nay. Đình làng Hạ Lý trước đây được đặt tại chính đền Hạ, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng ngày nay. Đến thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) thì thôn Hạ Lý mới đủ cơ số dân để trở thành đơn vị hành chính cấp xã (làng) và đình làng Hạ Lý còn thờ Thành hoàng làng là Hiệp trấn Hải Dương thời nhà Nguyễn, Thọ Như hầu Nguyễn Trí Hòa, quê xã Phúc Thọ, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa Nội. Người có công lớn trong việc đào sông, đắp đê lấn biển, ngăn lũ, ngăn mặn, mở mang diện tích cho huyện Kim Thành và huyện An Dương. Hay trong tay chúng tôi có bản đồ nội đô Hải Phòng do Pháp in vào năm 1920, thì “đảo Hạ Lý” có tới một phần ba diện tích là hồ nước lớn nối từ sông Tam Bạc ra sông Cấm. Hay khu vực phường Trại Chuối ngày nay mới hình thành cộng đồng dân cư cách nay gần nửa thế kỷ…

       Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải nước ta, mỗi năm Cảng Hải Phòng (vùng hạ lưu sông Cấm) phải đón nhận từ một triệu rưỡi đến ba triệu mét khối trầm tích phù sa lấp đầy, nên biển dần lùi xa. Và, theo các sách sử cổ, thời nhà Trần đánh quân Nguyên Mông thì cửa sông Bạch Đằng còn ở khu vực phà Rừng ngày nay. Hay theo “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” thì Tuần Kiểm ty Liễu (Da) Viên, huyện Giáp Sơn do nhà Minh đặt vào tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 8 (1410) tại khu Vật Cách Thượng. Ta có thể hiểu cách nay hơn 600 năm thì cửa biển ở khu vực Vật Cách, phường Quán Toan ngày nay.

      Theo bản đồ cổ thời nhà Nguyễn và Thần tích của xã An Biên, tổng Đông Khê, huyện An Dương, thì chùa làng An Biên được xây dựng tại khu vực nhà hát Lớn thành phố ngày nay. Trước cửa chùa có “Thiên đài trụ” (Mã hiệu số 1169 đăng ký tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) hay “Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng” trang 15 có ghi: “Chùa An Biên (còn gọi là chùa Vẻn, tên chữ là Linh Quang tự) thuộc địa phận làng An Biên xưa. Theo Thiên đài trụ, chùa Linh Quang được xây dựng năm Chính Hòa thứ 16 (1695) đời vua Lê Hy Tông. Chùa Linh Quang, xã An Biên, huyện An Dương ở vị trí rất đẹp. Trước chùa là biển, ngày ngày nước triều lên xuống. Cảnh trí thật nên thơ”.

      Còn đình An Biên được xây dựng tại phía Đông của chùa (khu vực góc phố Phan Bội Châu và phố Hoàng Văn Thụ ngày nay) vào thời gian muộn hơn. Và, miếu cổ An Biên lúc đầu ở cánh đồng Soi của làng, đến năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1798) đời vua Nguyễn Quang Toản chuyển về xứ Đồng Mạ, được ghi ở Thiên đài trụ để ngoài trời tại đền Nghè. Sau đó miếu được trùng tu, xây dựng thêm và được ghi ở các Bia đá công đức để ngoài trời cùng Bia đá Thần tích của miếu vào các năm: Minh Mạng thứ 10 (1829), Tự Đức nguyên niên (1848), Tự Đức thứ 19 (1866) và Khải Định thứ 9 (1924).

      Đến thời kỳ Hải Phòng bắt đầu quy hoạch xây dựng khu trung tâm thành phố (1900), thì chùa Vẻn được di dời về khu vực Trại Cau, nay thuộc số 244 phố Tô Hiệu, phường Trại Cau, quận Lê Chân, Hải Phòng. Chùa được trùng tu lớn vào năm Bảo Đại thứ 9 (1934) theo Bia đá công đức đặt ở sau chùa chính.

       Còn đình An Biên được di dời về ngõ 170 phố Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân và tới năm Bảo Đại thứ 4 (1929) thì đình cũng được trùng tu. Trải qua thời gian gần 100 năm, tới năm 2021 đình An Biên mới được trùng tu lớn, nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng, lối kiến trúc xưa. Ngôi đình này còn tên gọi khác là Đông An vì nằm ở giáp Đông An do nhóm cư dân làng Đông An, tổng Trung Hành về làng Vẻn sinh sống. Đình An Biên, phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2009...

      Qua những dữ liệu trên ta thấy cách nay 326 năm (1695) thì trước cửa chùa làng An Biên, tổng Đông Khê, huyện An Dương còn là biển cả. Trong khi đó làng An Biên, tổng Kê Sơn, huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo) vào cuối thế kỷ XVII thì biển đã lùi xa tới khu vực tổng Ngải Am, cách địa phận làng An Biên, tổng Kê Sơn hơn chục cây số. Như vậy ta có thể khảng định làng An Biên ở huyện Vĩnh Bảo có sớm hơn làng An Biên nội thành Hải Phòng ít nhất khoảng ba thế kỷ. Khi viết về hai làng An Biên cùng thành phố Hải Phòng, cảm xúc trong tôi dâng trào và mấy vần lục bát ra đời:

Nếu không ngẫm trước ngó sau

Một lời phán xét làm đau cả làng

Lê – Mạc: Cô Vẻn* vênh vang

Lý - Trần: Cụ Cố** xuống hàng cháu con

Tay nghề viết sách còn non

Hay nghe thiên hạ lời đồn trăm voi?

__________

* Làng An Biên nội thành có từ đầu thế kỷ XVI

** Làng An Biên Vĩnh Bảo có từ đầu thế kỷ XIII

NGỌC TÔ