VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Văn xuôi
THÁP CỔ ĐỒ SƠN
Mảnh đất Đồ Sơn ngày nay, vào thời phong kiến nhà Nguyễn gồm có 3 xã (làng) là Đồ Sơn, Ngọc Tuyền và Đồ Hải thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương.THÁP CỔ ĐỒ SƠN
Mảnh đất Đồ Sơn ngày nay, vào thời phong kiến nhà Nguyễn gồm có 3 xã (làng) là Đồ Sơn, Ngọc Tuyền và Đồ Hải thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương. Còn từ trước năm Minh Mạng thứ 18 (1837), thì huyện Nghi Dương thuộc phủ Kinh Môn, tỉnh rồi trấn Hải Dương. Và vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông, thì phần đất An Lão cổ tách làm hai huyện, phần phía trên vẫn mang tên An Lão, còn phần phía dưới giáp biển mang tên Nghi Dương.
Tất cả phần đồi núi của huyện An Lão cổ (trước năm 1469) gồm 8 núi của huyện An Lão và quận Kiến An ngày nay (Voi, Tiên Hội, Phướn, Yên Ngựa, Đào Lĩnh, Đấu, Dương và Vọ) và 2 núi của huyện Kiến Thụy (Đối, Trà Phương) cùng 10 núi của quận Đồ Sơn đều có liên quan mật thiết với nhau. Phần lớn núi ở khu vực này là núi đất, không cao lắm và diện tích không lớn, nhiều người gọi là đồi cũng chẳng sai.
.
Từ thời đầu Công nguyên trở về trước, thì toàn bộ phần đồng bằng khu vực các quận huyện An Lão, Kiến Thụy, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn ngày nay, phần lớn vẫn còn là biển cả và hầu hết 20 núi trên là núi đất, nên được gọi là đồ sơn (塗山). Ở đây, từ đồ (塗) nghĩa là bùn đất, còn sơn (山) nghĩa là núi, nên ta hiểu nôm na là núi đất, chính vì vậy cái tên Đồ Sơn có thể đã có từ thời rất xa xưa. Theo thời gian, biển dần lùi xa bởi các trầm tích phù sa từ miền ngược đổ về và các núi ở phía Tây Bắc phần đất liền huyện An Lão cổ với các tên gọi khác nhau, còn 10 núi cuối cùng trong số 20 núi kia được mang tên Đồ Sơn, vì có làng chài Đồ Sơn.
Tất cả phần đồng bằng phía Tây Bắc huyện An Lão cổ được hình thành từ thời sau Công nguyên. Còn phần đồng bằng giáp biển mới được hình thành vài trăm năm nay, thậm chí có địa phương mới được hình thành từ nửa cuối thế kỷ XX như một số xã bên hữu ngạn sông Lạch Tray, ven đường 14. Riêng phần đồng bằng của tổng Đồ Sơn được hình thành vào khoảng từ cuối Trần trở lại đây. Thời trước ngư dân Đồ Sơn muốn từ núi nọ sang núi kia phải dùng bè mảng hay thuyền, mủng mới sang nhau được.
Trong tay tôi có tấm bản đồ thời Đồng Khánh (1886) của huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương, thì tại huyện này có một số núi nằm ở phía Đông với tên Hán Việt là Đồ Sơn. Trang 143 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Núi Đồ, tức Đồ Sơn, dãy núi này 3 mặt giáp biển, một mặt giáp sông, gồm 9 núi, núi cao nhất là núi Mẹ (Mẫu Sơn). Các núi khác là núi Tháp (Tháp Sơn), núi Bông (Bông Sơn), núi Ngang (Hoành Sơn), núi Khỉ (Dĩ Sơn hay Khỉ Sơn), núi Lỗi (Lỗi Sơn), núi Mộc (Mộc Sơn), núi Dậu (Dậu Sơn), núi Hương (Hương Sơn). Các núi liền kề này trông giống như 9 con rồng, nên dãy núi này còn có tên khác nữa là Cửu Long. Và có thêm núi thứ 10 đột khởi lên riêng biệt, gọi là núi Độc (Độc Sơn), ngạn ngữ địa phương có câu:
Tám con theo Mẹ dòng dòng
Một con ngoảnh lại ra lòng bất nhân”.
Còn danh thắng đã được xếp hạng thời phong kiến ở huyện Nghi Dương (sau này là huyện Kiến Thụy) là tháp cổ Đồ Sơn, tức tháp Tường Long, được coi là cổ tích danh thắng bậc nhất xứ An Bang xưa. Từ “tháp” (塔) ở đây ta có thể hiểu là phần kiến trúc cao và có đỉnh nhọn, được xây cất trong thực địa của chùa để tàng trữ xá lợi, kinh thánh. Đây cũng có thể là phần “mộ” của vị đại đức tu hành ở chùa nào đó, nên có chùa chỉ có một tháp, nhưng một số chùa có nhiều tháp là vậy.
Trang 224 sách “Đồng Khánh địa dư chí” bản gốc chữ Hán ghi:
Nguyên bản chữ Hán (Vũ Hoàng):
名勝
塗山故塔
山臨大海蜿蜒如長龍吸水, 登臨可供玩賞,陳朝有鞏塔于山上(嘉隆年築塔取石 )
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
Danh thắng!
Đồ Sơn cố tháp
Sơn lâm đại hải, uyển diên như trường long hấp thủy, đăng lâm khả cộng ngoạn thưởng, Trần triều hữu trúc tháp vu sơn thượng, (Gia Long niên hủy tháp thủ thạch).
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Danh thắng!
Tháp cổ Đồ Sơn.
Dãy núi trông xuống biển cả, ngoằn nghoèo như con rồng dài hút nước. Nếu trèo lên núi xem phong cảnh thì thấy thật đẹp mắt. Đời Trần dựng tháp trên núi ấy. Vào thời Gia Long (1802 - 1819) tháp bị phá để lấy đá.
Thời nay sách “Đồng Khánh địa dư chí” được dịch ra quốc ngữ rồi in thành tập và trang 143 “Đồng Khánh địa dư chí” phần danh thắng ghi: “Tháp cổ Đồ Sơn, núi trông xuống biển ngoằn nghoèo như con rồng dài hút nước. Trèo trên núi mà trông thấy phong cảnh thật đẹp mắt. Đời Trần dựng tháp trên núi ấy. Khoảng niên hiệu Gia Long (1802 - 1819), tháp bị phá để lấy đá”. Không hiểu vì lý do gì, mà tại phần chú thích ở cuối trang 143 này lại ghi: “Tháp cổ Đồ Sơn, tức tháp Tường Long, dựng năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) đời Lý Thánh Tông, cao hơn 100 thước ta…”.
Thật đáng tiếc, tác giả đã ghi có chủ ý như vậy, lại còn ghi tháp cao hơn 100 thước ta, ngang với chiều cao của tháp mới xây ngày nay, nhưng phần nội dung sách đều thể hiện là tháp cổ Đồ Sơn được xây dựng vào thời nhà Trần (1225 - 1400). Còn thần tích tháp cổ Đồ Sơn (Tường Long) ngày nay ghi: Tháp được xây dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) đời vua Lý Thánh Tông. Nếu đúng như vậy, thì cần phải có minh chứng như bia đá cổ, hay cổ vật, hay tài liệu cổ... Dẫu sao địa phương nơi đây cũng có một danh thắng nổi tiếng từ xa xưa. Cảm xúc trong tôi trào dâng và mấy vần lục bát được ra đời:
Tháp Tường([1]) dựng thuở nhà Trần
Mấy nhà viết sách chú nhầm Thánh Tông([2])
Ai đem ngòi bút bẻ cong
Để dao băm nát cõi lòng nhân gian?
([1]): Tháp cổ Đồ Sơn, nay là tháp Tường Long.
([2]): Chú thích nhầm thành năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) đời vua Lý Thánh Tông.
Trích trong tập "Hải Phòng những trầm tích thời gian" của Ngọc Tô
Các tin khác
-
NGUỒN GỐC HỌ TÔ NỘI TẠ
-
BẾN QUÊ NỘI TẠ (PHẦN I)
-
“HÀ CẦU, HẠ HỒNG – SƠN ĐỒNG, QUỐC OAI”
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO