/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

TASKENT - THÀNH PHỐ HÒA BÌNH VÀ HỮU NGHỊ

Câu thơ da diết ấy cứ ngân vào kí ức tôi và những người đã từng sống, học tập, công tác, lao động tại thủ phủ vùng đất Trung Á này, với bao hoài niệm không thể nào quên.
 
TASKENT - THÀNH PHỐ HÒA BÌNH VÀ HỮU NGHỊ
Bút kí tư liệu của Thi An
 
I- LẦN THEO KÍ ỨC
 
Người ta đi Mát đi Len
Tôi về thành phố Taskent tìm mình…
 
          Câu thơ da diết ấy cứ ngân vào kí ức tôi và những người đã từng sống, học tập, công tác, lao động tại thủ phủ vùng đất Trung Á này, với bao hoài niệm không thể nào quên.
        Vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, bất cứ người Đông Nam Á nào, dù chỉ một lần đến Liên Xô trước đây, tới các nước Đông Âu hoặc từ đó quay về bằng đường hàng không, chắc không thể không tranzit qua sân bay Taskent, thủ đô Cộng hòa Uzbekistan.
        Ngày ấy tôi thường ra sân bay gửi quà cho người quen ở các thành phố khác, chẳng biết người cầm hộ đó là ai. Khi đưa xong, chỉ dặn: Nếu có người nào ở ngoài cổng sân bay hỏi thì ông (hoặc bà) đưa giùm. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa thời ấy con người thật như đếm, sống với nhau bằng tình, còn luật hàng không thì vô cùng đơn giản. Nghĩ lại ai cũng tiếc một thời quá khứ…
        Từ năm 1977 trở về trước, mọi người đến các nước Trung Á đều bằng tàu liên vận quốc tế. Câu thơ tôi viết, hình ảnh này còn tươi rói trong cảm xúc thuở nào:
Nhớ ngày đầu toa tầu hỏa chở giấc mơ đi xứ
Qua Bằng Tường, Mãn Châu Lý đến thủ phủ Xibia
Bánh tàu lăn chao đảo cả miền quê
Bóng hoàng hôn đổ trên đường ray nằm duỗi dài đườn đượt...
        Lênh đênh hàng chục ngày trời trên đường sắt, tàu tạm dừng tại ga Nôvôxibêc, thủ phủ vùng Xibia. Trong thời gian chờ chuyển tàu, chúng tôi được phát tạm mỗi người một áo bông chống rét. Kích cỡ áo cho người Việt hiếm. Khi mặc vào, nhìn anh em chúng tôi chẳng khác những cây nấm di động. Ngay chiều tối hôm đó, đoàn lên tàu nội địa Liên Xô tiếp tục cuộc hành trình về Uzbekixtan. Năm ấy không hiểu nguyên nhân gì, lưu học sinh Việt Nam sang Liên Xô hơi muộn so với lịch trình. Thời tiết lạnh sớm. Khi đến Nôvôxibêc đã ngợp một màu trắng xóa:
Tuyết trải dài tít tắp trời xa
Bông tuyết ôm nhau đắm đuối la đà
Tuyết khật khưỡng hòa hai thành một
Tuyết giao hoan trong bùa mê se sắt
Tuyết sinh sôi vào tháng giá ngày đông
Tuyết cồn cào sinh lực thập thồng
Tuyết cuồn cuộn ngập ngừng trong sắc nắng...
         Lúc ấy thời tiết đã giá rét. Trực toa là Sasa. Một thanh niên Nga cao, đôi mắt xanh, nhanh nhẹn. Tính hơi nhác. Lười tiếp than, trong toa lúc nào cũng lạnh cóng. Đoàn tàu chạy dọc theo lãnh địa miền Tây Xibia, rồi rẽ trái vào Kazăkixtan. Đây là nước cộng hòa có diện tích 2.717.300 km2, đứng thứ hai Liên bang sau Nga. Con tàu chuyển hướng về phương Nam qua những Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời. Rồi, xuyên qua vùng hoang mạc cằn khô. Lúc này trực toa là Cô gái mắt xanh ai đem lửa ủ hồng đôi má, rất chịu khó tiếp than, trong toa lúc nào cũng thừa hơi nóng. Thời gian dần trôi:
Đêm nhung huyền lụi dần vào góc khuất
Bình minh dày lên tầng tầng kí ức
Những nỗi niềm mùa đông lớn lên trong tấm áo phong phanh
...
 
        

Tượng đài Puskin tại Taskent
.

Con đường Chilandar cuối thu
.
 
        Trước đây thủ phủ Uzbekistan là Xamarcand, một trung tâm buôn bán sầm uất con đường tơ lụa Á- Âu. Sau trận động đất kinh hoàng, thành phố bị phá hủy nặng nề. Năm 1930 Thủ đô Uzbeckixtan được di dời về Taskent. Sau 36 năm, ngày 26 tháng 04 năm 1966, Taskent bị một trận động đất tương đối mạnh. Hầu hết nhà cửa, công trình bị tàn phá. Được sự giúp đỡ của chính quyền Liên bang và 14 nước Cộng hòa anh em cùng các thành phố kết nghĩa. Taskent xây dựng lại gần như hoàn toàn mới. Mỗi khu phố, mỗi con đường đều mang tên một nước Cộng hòa Liên bang hoặc thành phố trực tiếp đỡ đầu xây dựng. Người dân nơi đây không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa đó. Vì vậy Taskent còn có tên khác thành phố hòa bình và hữu nghị....
          
        Theo chương trình, trong thời gian học tiếng nhà trường tổ chức cho lưu học sinh đi thăm quan Thủ đô Taskent, xem biểu diễn nghệ thuật… Thành phố có 11 rạp hát, 22 bảo tàng. Mỗi bảo tàng chứa một kho báu nghệ thuật. Nh­ng có lẽ, nổi tiếng nhất vẫn là Bảo tàng Nghệ thuật Uzbek. Một kiểu kiến trúc đặc biệt có nhiều phù điêu, tượng, bức tranh quý do các nghệ nhân, họa sĩ thiên tài của thế giới sáng tác. Bức tranh “người đàn bà tắm” của họa sĩ Belloli (Italia) rất hút khách. Tôi đứng rất gần mà cảm giác như đây là cô gái bằng xương bằng thịt, chứ không phải tranh vẽ, mặc dù tuổi thọ của tranh đã gần 200 năm. Rồi bức tranh “Săn lùng chim ưng” của N.N Karazin… được nhiều người kính phục.
        Kết hợp với những bài giảng, các thày cô giáo dẫn chúng tôi đến những danh lam thắng cảnh, chiêm ngưỡng, tìm hiểu những công trình văn hóa đặc sắc của Thủ đô Taskent. Anh em chúng tôi bị choáng ngợp hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đặc biệt, các lâu đài lăng mộ như: Lăng Seikhantaur (thế kỷ 15), Kaphan Sasi, Medrexe Barak-Khan và Kukeltasa (thế kỷ 16). Đến với những lăng tẩm, lâu đài cổ tọa lạc nơi đây, ngỡ lạc vào miền cổ tích “ngàn lẻ một đêm”. Những bí mật mà các nhà chuyên môn còn chưa giải thích được hết...

Công viên Navoi tại Taskent
.

Thế giới trẻ con (Dexki mir)
 
II- KHOẢNG TRỐNG VÀ HỘI NHẬP
 
        Thời gian trôi nhanh như giấc mơ. Căn bệnh quái ác, đeo đẳng của tôi  khi còn ở Trường Sơn bỗng dưng lại hành hạ. Tôi phải nhập viện vào Bệnh viện thành phố. Phần thì bệnh tật hành hạ, phần thì ngoại ngữ mới bập bẹ vài câu, phần thì một mình một bóng nơi đất khách quê người, nên Trống vắng ùa theo từng mạch máu trong người…
          Nơi tôi điều trị là bệnh viện lớn của cả vùng Trung Á. Trang thiết bị khá và thầy thuốc về chuyên môn tương đối giỏi. Hàng sáng bệnh nhân được các giáo sư khám và chỉ đạo cho bác sĩ điều trị. Bệnh nhân được phát quần áo bệnh viện màu xanh lá cây. Giường cá nhân có ga đệm sạch sẽ. Người bệnh đến điều trị không phải mất tiền và hầu như không có bệnh nhân nặng, nằm liệt giường liệt chiếu. Người ta chữa bệnh lúc mới có triệu chứng, chứ không phải như ở Việt Nam, gần “thập tử nhất sinh” mới đưa vào bệnh viện....
        
        Từ nhà Ruzbai về, sợ tôi lạc. Anh đưa tôi lên xe buýt, qua một lần chuyển xe nữa mới tới khu vực gần chỗ chúng tôi ở. Trước lúc chia tay Ruzbai dặn: Xe ở đây mang số bao nhiêu thì chỉ chạy trên tuyến đường đó, không chạy tuyến khác. Lần sau có đến chơi thì Tolia (tên tôi bằng tiếng Nga) cứ đi xe số đó là tới. Phải nói giao thông công cộng thời còn Liên bang hầu như do nhà nước bao cấp. Vé xe buýt có 5 côpêc, vé ô tô điện bánh hơi có 4 côpêc, và vé tàu điện có 3 côpêc. Lúc nào trong túi người dân cũng có 3 loại vé trên, khi lên loại phương tiện nào thì dập loại vé loại đó, rất ít gặp cán bộ kiểm soát.
          Sau lần ấy cứ vào ngày nghỉ, lúc rỗi tôi lại về nhà Ruzbai chơi. Bố mẹ anh chừng bằng tuổi bố mẹ tôi. Ông bố nói được tiếng Nga, chứ bà mẹ thì vọ vẹ được vài từ. Nhà anh còn hai chú em học phổ thông trung học và một cô em út đang học phổ thông tiểu học. Mọi người trong gia đình rất hiếu khách. Tục lệ của người U khi khách đến nhà là mời trà. Uống trà ở đây là ăn bánh ngọt, bánh mì leposka, kẹo, trái cây và thưởng thức loại trà đen nổi tiếng của Ấn Độ. Mấy anh em nhà Ruzbai thời ấy đang nghiện nhạc ngoại, nên cái máy quay đĩa Rigonda hoạt động hết công suất. Tại đây tôi làm quen được với nhiều người bản địa, trong đó còn có các gia đình dân tộc Tadgic, Tác ta…
          Khi sang đây nhờ có cầm theo mấy đồ lưu niệm mà tôi đổi được chiếc máy khâu quay tay loại 48 rúp. Sau mua thêm được chiếc mô tô điện, nên không phải dùng tay quay nữa. Ở nhà bố tôi là Người lái dò trên sông chữ, nhưng ông cụ rất khéo léo may cắt. Tôi cũng có được gien di truyền đó mà chẳng mấy chốc đã may được quần áo cho mình và bạn bè. Khi biết may thì kí túc xá cấm, sợ ảnh hưởng đến học tập của người khác. Cũng nhờ mối quan hệ với Ruzobai mà tôi đặt máy khâu ở nhà anh. Lúc nhàn rỗi, lúc nghỉ hè tôi tranh thủ may cho anh em để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Thời ấy chúng tôi chỉ chờ ngày hạ giá hàng hóa để đến cửa hàng mua hoặc chỉ chọn những vải có khổ nhỡ cỡ, giá bèo, vì phụ cấp quá khiêm tốn. Ngay lương Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Xô ngày ấy có 180 rúp/tháng. Vì đam mê với nghề may, sau này nó đã giúp tôi nhiều trên con đường phát triển kinh tế gia đình...
        
        Những người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn. Người ăn thịt lợn tất nhiên bị dân bản địa ghét bỏ, gọi bằng cái tên hơi khó chịu (Okò lò). Từ này có nghĩa, “tai trắng” hiểu nôm na là “mọi”. Nên khi tới những quán ăn của người đạo Hồi, không thể tìm được món thịt lợn.
        Phong tục tập quán của người Uzbec và một số dân tốc lân cận tương đối giống nhau vì đại đa số theo đạo Hồi, nhưng khác với đạo Hồi của các nước ngoài Liên Xô là đàn ông chỉ được lấy một vợ. Khi còn chung mái nhà Liên bang, luật pháp Nhà nước XHCN đôi khi không thắng được các hủ tục của địa phương. Ví như một gia đình người bản địa có cô con gái yêu một chàng trai nào đó mà đôi trai gái này trót dại “ăn cơm trước kẻng”. Chàng trai lại không chịu cưới cô gái làm vợ. Gia đình nhà gái có thể đánh chết chàng trai mà luật pháp không xử nổi. Ở những vùng nông thôn, xưa kia các cô gái trước khi đi lấy chồng, thường bị mẹ chồng kiểm tra sự trinh tiết còn không? Còn tệ thách cưới rất cao. Khi gia nhập Liên bang các hủ tục có phần thông thoáng hơn, nhưng nhìn chung người Uzbek vẫn lấy chữ trinh làm trọng. Phụ nữ vẫn bị đối xử khác, không được bình đẳng hoàn toàn như nam giới. Có nhiều con trai bản địa lấy gái Nga, còn con trai Nga lấy gái bản địa hầu như rất hãn hữu. Tôi quen với nhiều cô gái địa phương, trong tiếp xúc họ rất mãnh liệt, nhưng những hủ tục trong tôn giáo đã ngăn cản tình cảm của họ với các chàng trai dân tộc khác. Còn một hủ tục tôi không hiểu xuất xứ từ đâu mà người Uzbek không cắt móng chân móng tay trong nhà. Con trai khi còn nhỏ 100% bị cắt bao quy đầu. Ngày nay với cơ chế thị trường, các hủ tục về quan hệ nam nữ có phần thông thoáng hơn. Nhiều nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm tại Taskent.
 
 
Phương tiện vận chuyển thời di động vẫn còn
.
 
 
Ga xe lửa Taskent
 
        
        ...Người Uzơbek có tính dân tộc cao và coi trọng người lãnh đạo. Có thể xưa kia tổ tiên họ là những bộ lạc nên hiện nay lối sống đó vẫn được duy trì. Tôi được mấy anh bạn sang những năm trước kể lại: Tại khoa dự bị ở khu Vuzgorodok có mấy sinh viên châu Phi đụng độ với nhóm con trai U tại ô tô buýt. Sau đó dân bản địa kéo cả làng cả bản đến kí túc xá người châu Phi đang sinh sống. Bao vây hàng mấy tiếng đồng hồ, tấn công các cửa kính, cửa ra vào. Khi lực lượng công an thành phố đến giải vây mới thôi. Vì thế không ai muốn gây sự với người bản địa.
        Bộ gõ văn hóa dân gian Uzbekixtan rất phát triển. Người chơi trống hay thanh la chỉ cần dập vài cái đã thành bản nhạc vui nhộn mang màu sắc riêng. Các nghệ sĩ biểu diễn rất điêu luyện, như múa trên các dụng cụ âm nhạc. Cộng với những điệu múa dân gian đơn nam hay nữ, tốp nam hay tốp nữ nhuần nhuyễn, xoáy vào lòng người niềm vui bất tận. Hòa với các nhạc cụ dân tộc khác, làm nên một làn điệu riêng, một phong cách Uzbek không thể lẫn với nền văn hóa nào trên thế giới.
        Năm 2005, có chuyến công du Bắc Kinh, tôi được thưởng thức một số làn điệu múa dân gian đại diện các vùng miền khắp Trung Quốc. Khi đoàn khu tự trị Tân Cương biểu diễn, gợi cho tôi sống lại một thời quá khứ. Lúc giải lao tiếp xúc với các diễn viên, những người phục vụ, tôi mới hiểu ra rằng: Từ con người, ngôn ngữ, trang phục đến văn hóa nghệ thuật của dân tộc Khu tự trị này và cộng hòa Uzbekixtan, Tagikixtan có cùng một nguồn cội...
(Còn tiếp)
Thi An