/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

QUỐC GIA ĐẠO HỒI VỚI NHIỀU CÔNG TRÌNH NỔI TIẾNG

Mấy anh em cuốc bộ về khách sạn và vừa đi vừa so sánh những khu vui chơi giải trí của Việt Nam

QUỐC GIA ĐẠO HỒI  VỚI NHIỀU CÔNG TRÌNH NỔI TIẾNG

 Bút ký của Thi An

 

 

 

      Chúng tôi ở Quốc đảo Sư tử biển đã bốn hôm và đêm nay là đêm cuối cùng được thưởng thức chương trình nhạc nước laser màu độc đáo, kết thúc cuộc chu du tại đất nướcSingaporetươi đẹp và mến khách. Sáng sớm hôm sau, ngày 24 tháng 05 năm 2001, các thành viên nào còn tiếp tục tham gia hội thảo thì ở lại, còn các thành viên khác thu dọn hành lý ra ô tô để tiếp tục cuộc hành trình đi tham quanMalaysia. VìSingaporelà quốc gia có vị trí địa lý ở nam bán cầu, nên khí hậu trái ngược với miền nam nước ta và thời tiết lúc này ở đây còn đang là cuối mùa khô. Chiếc ô tô ca tăng dần tốc độ và hướng ra cửa khẩu Johor Bahru. Muôn làn hương từ các vườn hoa lan tỏa vào từng góc phố như sợi âm thanh của cây vĩ cầm vô hình hòa quyện với chút hanh hao của đất trời nơi đây tạo ra một không gian huyền ảo, làm mê đắm hồn người.

 

      Từ tháng 9 năm 1963 đến tháng 8 năm 1965, Singapore và Malaysia là một quốc gia, được nối với nhau qua eo biển Jonhor bằng một đường đắp cao. Rồi từ ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore tuyên bố tách ra độc lập, đường đắp cao này là biên giới của hai nước cho tới nay. Do mối quan hệ hữu hảo của hai quốc gia mà ngày nay nhiều người dân Mã Lai sáng đến Sing làm việc chiều về, hoặc những người Sing túi tiền không được rủng rỉnh phải sang Mã Lai mua nhà, họ cũng qua lại hàng ngày nơi đây, nên thủ tục qua biên khá thông thoáng.

 

Sau gần nửa tiếng đồng hồ làm thủ tục qua biên, đoàn chúng tôi đã có mặt đầy đủ trên xe và tiến về thủ đô Kualar Lumpur. Con đường cao tốc thẳng tắp dài hun hút với sáu làn xe, mặt đường gần như phẳng ngạt. Các ngã tư, ngã năm đều có cầu vượt, rất ít đèn tín hiệu giao thông ở những đoạn giao nhau. Nhìn ra hai bên đường là những cánh đồng cọ bạt ngàn xanh ngắt. Theo hướng dẫn viên của đoàn, thì đây là một loại cọ dầu trồng để lấy quả. Sau khi thu hoạch, toàn bộ quả (Cùi thịt, hạt) đều để sản xuất xà phòng và dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm. Mỗi héc ta cọ dầu, hàng năm có thể cho thu hoạch được 10 tấn quả, từ đó người ta chế biến được 3 tấn dầu cọ từ vỏ quả, 750 ki-lô-gam hạt, sản xuất ra được 250 ki-lô-gam dầu với chất lượng cao và 500 ki-lô-gam bã hạt cho gia súc, gia cầm. Cũng từ ý tưởng này người dân nơi đây còn nghiên cứu cho việc sản xuất dầu điezel sinh học. Chính vì thế mà Malaysia là nơi sản xuất ra lượng dầu cọ đứng vào hàng nhất nhì thế giới và đây cũng là một thế mạnh phát triển nông nghiệp của vùng đất này.

 

Nếu tinh ý một chút, quan sát hai bên quốc lộ ta thấy những rặng râm bụt thật thẳng hàng đang trổ bông. Ta cứ ngỡ những chiếc đèn lồng đỏ chói treo lủng lẳng, trông thật lãng mạn nên thơ. Tôi liền ứng khẩu câu lục bát trong bài “Trăm hoa”: “Hoa dâm bụt thực nực cười. Đã dâm lại bụt hổ ngươi chăng là. Thế là cuộc tranh luận nảy lửa xảy ra về tên gọi của loài hoa này là dâm bụt hay râm bụt. Lúc này hướng dẫn viên của đoàn ôn tồn giảng giải và bắt đầu kể về sự tích của loài hoa: “Ngày xửa ngày xưa có hai chị em gái là Nađi và Naban, sống với nhau trong một ngôi làng hẻo lánh ở một vùng nông thôn Ấn Độ xa xôi. Không may cô em Naban bị liệt cả hai chân. Vì bố mẹ mất sớm nên hai chị em rất thương nhau. Ngày ngày Nađi bày trò chơi với em để quên đi nỗi bất hạnh mà em mình hứng chịu. Naban ước ao có đôi chân khỏe mạnh như chị để được chạy nhảy vui đùa. Rồi một ngày kia, người chị Nađi quyết định rời làng tới “Miền đất của những ước mơ” để xin thánh thần ban cho Naban đôi chân. Em đi mãi, đi mãi. Đôi bàn chân bé bỏng bị phồng rộp, nhưng nghĩ tới đôi chân bại liệt của em mình, Nađi lại cố nén nỗi đau đi tiếp. Đói khát đã làm em kiệt sức, rồi thiếp đi dưới một gốc cây ven đường. Lúc tỉnh dậy, em thấy một cụ già râu tóc bạc phơ ngồi cạnh. Cụ mặc một chiếc áo đỏ rực như mặt trời lúc chiều chạng vạng. Nađi kể câu chuyện về số phận của em mình cho cụ nghe. Nghe xong, ông cụ đặt bàn tay lên đầu Nađi và nói: “Ông có thể chữa lành chân cho em cháu. Nhưng khi chân Naban khỏi bệnh thì chính đôi chân của cháu sẽ không còn đi lại được nữa”. Vì thương em, Nađi đành lòng đòng ý. Chiếc áo đỏ đã biến thành chiếc dù thần đưa hai ông cháu về nhà. Ông cụ chữa lành chân cho Naban, xúc động trước tình cảm của hai chị em, ông không nỡ lấy mất đôi chân khỏe mạnh của Nađi. Quá vui sướng, hai chị em ôm chầm lấy nhau và nhảy múa. Ông lão mỉm cười rồi biến mất chỉ để lại chỗ mình đứng một hàng cây xanh mát. Từ những kẽ lá mướt mát đó nở ra những bông hoa 5 cánh đỏ thắm. Mỗi bông hoa giống như một chiếc lọng Phật. Hàng cây xòe cành che bóng cho hai em nô đùa. Các em đặt cho cây là râm bụt (ví như bóng râm của bụt che chở cho hai em) vì tin rằng Bụt đã hiện lên cứu giúp các em”. Và, cũng từ đó trở đi tất cả các thành viên trong đoàn thống nhất tên gọi là hoa râm bụt.

 

Cũng như ở Quảng Tây - Trung Quốc, người dân Malaysia đã chọn cho mình râm bụt là loài hoa đại diện cho quốc gia. Loại thực vật này là loài cây cảnh tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hoa lớn có 5 cánh, màu đỏ sậm, ít hương thơm, nhưng ngày nay người ta lai tạo ra nhiều giống với nhiều màu sắc khác nhau từ trắng tới cam, hồng, đỏ tươi loại cánh đơn hay cánh đôi. Tên quốc tế của loại hoa này là Hibiscus rosa-sinensis và tiếng Malaysia gọi là Bunga Raya. Nó không cao sang như hoa quỳnh, quyến rũ như hoa sen, đài các như hoa hồng... nhưng nó có nét đẹp độc đáo dân dã và có vị trí riêng của mình trong thiên hạ. Năm 1958 Bộ Nông nghiệp Malaysia đã đề cử hoa râm bụt, hoa sen, hoa hồng cùng một số hoa khác để chọn lựa và cuối cùng ngày 28 tháng 07 năm 1960 Chính phủ Malaysia đã chính thức công bố hoa râm bụt là quốc hoa và được in trên tiền giấy quốc gia.

 

Tôi đã qua một số nước thuộc khu vực châu Á, thấy râm bụt được trọng dụng vào nhiều công việc khác nhau. Ngoài việc làm cảnh vì hoa khá bắt mắt, tại Ấn Độ râm bụt dùng để đánh giầy, cũng như được dùng thờ thần Devi. Tại Việt Nam, lá và hoa râm bụt được giã nhỏ trộn với muối đắp chữa mụt nhọt. Theo Đông y, lá râm bụt vị nhạt, nhớt, tính bình, có tác dụng an thần, chữa nhuận tràng, viêm niêm mạc dạ dày, ruột, đại tiện ra máu, kiết lỵ, ghẻ lở, mộng tinh, đới hạ. Hoa râm bụt vị ngọt, tính bình có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, sát trùng, khó ngủ, hồi hộp. Vỏ rễ râm bụt vị ngọt, có tác dụng điều kinh, chống ho, tiêu viêm, chữa viêm tuyến mang tai, viêm kết mạc, viêm khí quản, viêm đường tiết niệu, viêm cổ tử cung, bạch đới...  Gần đây Giáo sư Chau Jong Wang trường Đại học Y Chung San (Đài Loan) phát hiện hoa râm bụt có tác dụng hạn chế lượng cholesterol, lipid trong máu và giảm nguy cơ bệnh tim. Tại Trung Quốc, vỏ rễ cây được dùng làm thuốc điều kinh, tẩy máu. Tại Malaysia, cây được pha nước uống để thông tiểu tiện và chữa mẩn ngứa...

 

Quãng đường từ cửa khẩu Johor Bahru - Singapore đến thủ đô Kualar Lumpur cũng khá xa, phải mất trên 5 giờ đồng hồ chạy xe. Theo luật lệ giao thông Malaysia, cứ 100 ki-lô-mét đường cao tốc lại có trạm dừng chân, để hành khách nghỉ ngơi và “Trút bầu tâm sự”. Qua góc nhìn của mình, tôi thấy cơ sở hạ tầng của bạn thật tuyệt vời, có thể sánh với các nước tiên tiến khác. Hầu như chỉ có ô tô hoạt động trên đường, còn xe máy hy hữu lắm mới thấy một đôi chiếc, nhưng một điều đặc biệt là khoảng 90% xe hơi lưu thông trên quốc lộ là xe được sản xuất tại Malaysia với giá khá “bèo”... Thời gian dần trôi, cái nắng vùng nhiệt đới đang dội xuống mảnh đất này cũng phải nể nang trước những tán rừng cọ để nhường cho con người những khoảnh khắc tươi tắn, dịu êm. Nhưng càng đến gần Kualar Lumpur thì khí hậu càng mát mẻ yên bình, ta có cảm giác mùa khô ở đây như một thứ men ngọt ngào cho ta nhấp từng giọt, từng giọt để rồi say mê lúc nào không biết.

 

Thành phố Kualar Lumpur được thành lập năm 1857 tại hợp lưu giữa sông Gombak và sông Klang. Sau đó khu định cư bắt đầu được mở mang khi một gia đình của Hoàng gia Selangor là Raja Abdullah mở cửa khu thung lũng Klang Valley cho những người khai thác thiếc. Họ cũng không thể tưởng tượng được, trong vòng hơn một thế kỷ, Kuala Lumpur đã trở thành một trong những thành phố lớn, sôi động và hấp dẫn nhất châu Á.

 

Theo lịch trình, chúng tôi đến thẳng cao nguyên Gien Tinh, hoặc theo cách gọi dân dã khác là “Thành phố trong mây” hay “Thành phố giải trí”, cách thủ đô Kuala Lumpur gần một giờ đi xe (51 ki-lô-mét). Đây là một khu nghỉ mát nổi tiếng với độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, thời tiết ở đây quanh năm mát mẻ. Muốn tới cao nguyên này, du khách có thể lên theo đường bộ bằng ô tô, nhưng đoàn chúng tôi lên bằng cáp treo. Thông thường du khách đến đây phải đợi một hai tiếng mới mua được vé, nhưng đoàn đã đặt vé từ trước, nên chỉ chờ khoảng 20 phút là các thành viên trong đoàn đã được vào nhà ga ngay. Cách đây mấy ngày lúc còn ở Singapore tôi thấy cáp treo ra đảo Sentosa khá lý tưởng, nhưng khi đến đây thì càng khâm phục cáp treo của Malaysia hơn. Đây không chỉ là một phương tiện đưa con người lên xuống một cách nhanh chóng, tiện lợi mà nó còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tới thời điểm hiện tại thì cáp treo Gienting Skyway dài 3.38 ki-lô-mét, chiếm kỷ lục Đông Nam Á về tốc độ và chiều dài, được hoạt động tất cả các ngày trong tuần từ 7 rưỡi sáng đến 23 giờ, riêng thứ bảy đến nửa đêm.

 

Sau khi xếp hàng vòng qua những lối đi thước thợ, du khách cứ mười người một vào từng ca bin và được di chuyển lên trên cao khá nhanh. Nhìn xuống phía dưới là cảnh núi rừng, thác nước rất ngoạn mục, một không gian xanh lý tưởng. Trong khu rừng nguyên sinh này người ta còn xếp đặt những bức tượng nghệ thuật tiêu biểu của nền văn hóa Malaysia cho du khách thưởng thức. Hơn chục phút trôi qua, đang mải mê với phong cảnh tuyệt mỹ nơi đây, nhà ga trên cao nguyên Gien Tinh đã hiện ra trước mặt. Bước ra khỏi cáp treo chúng tôi cuốc bộ ra khu vực đỗ xe. Cảm giác đầu tiên với không gian nơi đây là hệ thống vui chơi, giải trí bề thế, hoành tráng và cực kỳ hấp dẫn. Khí hậu khá mát mẻ, giống như Sa Pa hay Đà Lạt của Việt Nam, nhiệt độ dao động từ 14 đến 250 C, quanh năm là mùa xuân với muôn loài hoa khoe sắc. Điều này lý giải vì sao mỗi năm cao nguyên Genting thu hút hơn chục triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi đổ về và đem lại nguồn thu lớn cho du lịch Malaysia. Trước mặt chúng tôi là hướng dẫn viên của bạn và ô tô đã chờ sẵn. Đoàn về First World Hotel để nhận phòng. Đây là khách sạn lớn nhất thế giới với 6.118 phòng. Nếu trung bình du khách ngủ mỗi đêm một phòng thì sau gần 17 năm mới ra khỏi được khách sạn này. Để cho mọi người khỏi bị lạc, hướng dẫn viên hướng dẫn khá tỷ mỷ theo sơ đồ cho từng thành viên trong đoàn cách nhận biết cửa chính của khách sạn và từ phòng lễ tân đi qua ba thang máy, nhiều lần rẽ phải rẽ trái nữa mới tới được phòng ở. Các thành viên được bố trí 2 người một phòng, rộng chừng 16 mét vuông. Có một điều lý tưởng là khách sạn ở đây không phải lắp điều hòa, còn chiều cao của từng tầng nhà chừng trên 3 mét thôi. Trước kia khi còn công tác tại Nga tôi đã từng ở khách sạn Rossia, nằm ngay trung tâm Matxcơva với 3.000 phòng. Tôi nghĩ sẽ không có khách sạn nào lớn hơn, nhưng nay tới First World Hotel, càng ngỡ ngàng về nhiều kỷ lục thế giới mà Malaysia đang chiếm. Ở khu lễ tân khách sạn này, người ta bố trí mấy cổ thụ giả trông y như thật, trên các vòm lá xanh là tiếng chim hót líu lo, khi hành khách vào đây tưởng như mình đang lạc vào một góc rừng nguyên sinh nào vậy.

 

Qua tìm hiểu tôi được biết, tổ hợp cao nguyên Gien Tinh là của ông chủ người Hoa gốc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã mua lại mảnh đất hoang vu nơi đây của Chính phủ Malaysia với một giá khá “bèo” vào đầu những năm 60 thế kỷ trước. Qua từng thời gian công trình này được phát triển và nay trở thành điểm du lịch lý tưởng với nhiều cái nhất: Khách sạn nhiều phòng nhất, cáp treo dài nhất mỗi giờ vận chuyển tới 2.000 du khách, thiên đường của cờ bạc, mua sắm... và được mệnh danh là “Thành phố không có đêm”.

 

Ngày đầu tiên khi đặt chân đến “Las Vegas của châu Á” này, hôm nay chúng tôi ăn tối sớm hơn mọi ngày để dành thời gian đi sòng bạc. Malaysia là quốc gia đạo Hồi, nên bữa ăn tuyệt nhiên không có rượu. Còn đa số người Việt thì nghiện rượu bia, nên đến đâu cũng đòi hỏi. Có một bạn mang được chai rượu trắng từ Sing sang, nhưng cũng phải đổ vào chai Laves và khi uống mọi người không dám “khà” gì hết. Nếu bạn phát hiện được thì sẽ bị rắc rối to. Ăn uống xong chúng tôi tập trung cuốc bộ tới sòng bạc. Lúc này trời mới vừa chạng vạng, nhưng toàn bộ cao nguyên Gien Tinh bừng sáng như một nàng công chúa rực rỡ bởi các sắc màu. Trước khi vào trong casino mọi người phải đi giầy, mặc com lê và gửi các loại máy quay, máy chụp ảnh ở ngoài. Người nào quên không mặc com lê thì phải thuê váy áo batik (Một loại trang phục may từ vải truyền thống, được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn bằng phương pháp thủ công) của sòng bạc thì mới được vào trong.

 

Tôi chưa qua các casino lớn ở Las Vegas hay ở Ma Cao, nhưng so với những địa điểm tôi đã từng đến thì ở đây có một số lượng máy đánh bạc khổng lồ, khá hiện đại. Sòng bạc tại Gien Tinh được mở cửa 24/24 giờ với đủ các trò chơi và vào tất cả các ngày trong tuần. Những sòng bài này hầu như chỉ dành cho du khách ngoại quốc vì phần lớn người Malaysia theo đạo Hồi, họ không được phép đánh bạc. Trước khi vào đây, tôi đã nói đùa với các thành viên: “Mỗi người bỏ ra một vài trăm đô để làm từ thiện thôi, chứ mình không thể thắng được đâu, vì kiểu gì sòng bạc cũng vét đến từng đồng lẻ của anh em chúng ta”. Khi qua cửa vào trong, tôi đổi 100 đô la Mỹ để lấy đồng kim loại chơi máy. Tới đây ta thấy tại sòng bạc có vô vàn các loại trò giải trí: Chơi máy có, chơi bài có như Slot Machine, Poker Video, Poker, Baccarat, Black Jack, Keno...

 

Cứ như ma thuật, mọi người nhanh chóng bị hút vào ngay các bàn bạc. Quay đi ngoảnh lại, từng tốp đã tản đi khắp nơi. Tôi không phải là tay máu mê cờ bạc, nên chỉ chơi thử bằng máy là chính. Còn đại đa số các con bạc khác đến từ nhiều quốc gia, họ khá say bởi các món chơi đầy ma mị này. Dù thắng hay thua, nhưng Những con thiêu thân đốt cháy cuộc đời đến từng đồng xu lẻ còm nhom. Vẫn vui cười hớn hở, bông lơn...”. Thời gian trôi khá nhanh, liếc nhìn đồng hồ đã gần nửa đêm, tôi rủ mấy thành viên trong đoàn cùng về. Sang gian kế bên gặp một thành viên trẻ trong đoàn thắng bạc đang cười đắc chí, nhưng đến lúc đổi tiền bị trừ thuế, nên chẳng được là bao. Mấy anh em cuốc bộ về khách sạn và vừa đi vừa suy ngẫm những khu vui chơi giải trí lớn của Việt Nam như Đầm Sen, Suối Tiên… tại thành phố Hồ Chí Minh đều làm theo phiên bản của bạn nhưng hình thức, nội dung còn nghèo nàn và quy mô nhỏ hơn.


(Còn nữa)