/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

PHỤ NỮ “TIẾT HẠNH KHẢ PHONG”

Thôn dân nơi đây không biết làm thương mại, lại chẳng có nghề phụ gì khác ngoài việc cày cấy, nên ít giao lưu với các nền văn hóa vùng miền khác.

PHỤ NỮ “TIẾT HẠNH KHẢ PHONG”

.

       Từ xa xưa, miền quê lúa nước bên bờ Tả sông Hóa với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn thẳng cánh cò bay, muôn con đường đất đầy cỏ gà và bao rặng tre xanh mướt rủ bóng xuống ao hồ, vào những chiều hè thì những tiếng sáo diều vi vu trong gió gợi lên một cảnh miền quê yen bình trong trẻo.

       Thôn dân nơi đây không biết làm thương mại, lại chẳng có nghề phụ gì khác ngoài việc cày cấy, nên ít giao lưu với các nền văn hóa vùng miền khác. Bà con vùng lúa nước này, đặc biệt là phụ nữ bị ảnh hưởng khá lớn về Nho giáo, nên tam tòng, tứ đức là những quy định mang tính nghĩa vụ đối với phụ nữ. Nôm na nghĩa của tam tòng là không được phép tự chuyên, chưa lấy chồng thì theo cha, khi lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con, nên mới có câu: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

       Còn tứ đức bao gồm: Phụ công, phụ dung, phụ ngôn và phụ hạnh. Công ở đây có nghĩa là nữ công gia chánh phải khéo léo như may vá, thêu thùa, dệt vải, bếp núc… còn người nào tài hoa hơn thì có thêm cầm kỳ thi họa. Dung là vóc dáng phải gọn gàng, hòa nhã, biết tôn trọng bản thân. Ngôn là lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng. Còn hạnh là tính nết thảo hiền, biết kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ hàng nhà chồng. Khi ra ngoài thì nhu mỳ, không hợm hĩnh, cay nghiệt.

       Ở triều đại nhà Nguyễn, các vua thường lấy gương những người phụ nữ tiết hạnh, nghĩa liệt, biểu dương công trạng để dân chúng noi theo. Theo Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vua ban dụ rằng: “Ta nghe trăm tuổi là kỳ, thật là điềm tốt của nước. Vua trọng người già thì dân không dám thờ ơ với cha mẹ, ấy là dạy dân biết hiếu vậy. Tôi trung con hiếu, đàn bà tiết liệt, đàn ông nghĩa khí, rất nên khuyến khích. Từ xưa kính trọng tuổi tác, ưu đãi bậc già, cất nhắc người hiếu, nêu khen người liêm, đều là để rèn luyện phong hoá cho dân, sáng tỏ trị giáo của nước, để dẫn cuộc đời đến chốn nhân thọ. Trẫm kính nối nghiệp lớn, mở rộng đạo trị, phàm là trung thần thì phong tước mà thờ cúng, là liệt nữ thì ban biển mà nêu khen, điển lệ có đủ. Nhưng còn những người thọ đến tuổi kỳ (trăm tuổi) cùng là hiếu tử nghĩa phu thì được nêu thưởng, cái đạo dạy dân gây tục e còn chưa đủ. Từ nay, quan các thành dinh trấn đều phải dụng tâm tìm hỏi dân gian, có ai trăm tuổi trở lên, cùng là con hiếu thờ cha mẹ, có thực trạng rõ rệt, như tối hỏi, sớm thăm, đón trước ý muốn, noi theo chí hướng, sống nuôi thờ, chết chôn cất, hết đạo làm con, mà châu xã đều khen là hiếu, người nghĩa thì thấy lợi không động lòng, như bắt được vàng mà trả lại chủ, của không muốn có vì may, lợi không muốn được hú hoạ, từ hay nhận, lấy hay cho, đều là hợp nghĩa, già trẻ đều tin là liêm, thì đều cho hương lý kết trình quan sở tại, kể đủ thực trạng, làm sách tâu lên, do bộ Lễ đề đạt để chờ ban thưởng, để biểu dương điểm tốt thanh bình, chấn hưng thói tốt hiếu đễ, cho xứng cái ý thiết tha dạy bảo và sửa tục của Trẫm”.

       Phần thưởng cho những phụ nữ “Tiết hạnh khả phong” có khi là ruộng đất để thờ cúng, có khi là vàng bạc, gấm lụa, có khi là bảng vàng. Các đời trước chúng tôi chưa có số liệu cụ thể, nhưng từ cuối thế kỷ XIX đến 1945, được biết có cụ bà Nguyễn Thị Tình, quê ở thôn Tè, xã Trung Tạ (chi phái nhà ông Nguyễn Văn Rong) là vợ của cụ ông Tô Văn Quang, ngành trưởng Tô tộc Nội Tạ. Cụ bà sinh năm 1858 trong một gia đình có truyền thống Nho giáo ở thôn Tè và khi làm dâu ở xã Nội Tạ mới gần hai mươi xuân xanh. Hai cụ sinh được bốn người con và các con dâu, con rể của cụ đều thành đạt: Ông Tô Bá Nhuận (vợ là bà Loan), ông Tô Bá Tân (vợ là bà Nguyễn Thị Cừu), bà Tô Thị Nhâm, lấy chồng ở thôn Giông, ông Tô Văn Côi (vợ là bà Phạm Thị Đĩnh và Nguyễn Thị Khỏe).

Lúc chồng mất sớm, cụ Nguyễn Thị Tình ngày ngày một sương hai nắng

tần tảo với công việc đồng áng, chăm sóc bố mẹ chồng cùng các em chồng, một dạ thờ chồng nuôi dạy bốn người con đều có tri thức và giỏi giang. Cụ còn có người em rể và hai con trai là những người chức sắc trong làng tổng, con trai út làm sỹ quan quân đội. Thời gian dần trôi, cụ lại lần lượt chăm lo, nuôi dưỡng các cháu nội, ngoại, dâu, rể… đều thành đạt.

       Ngoài ra cụ còn là người đỡ đầu nhiều mảnh đời bất hạnh trở thành những người có ích cho xã hội. Cả miền quê nơi đây đều nức tiếng ngợi khen tấm lòng thơm thảo của người phụ nữ chân quê. Nhiều người khuyên cụ đi bước nữa, nhưng cụ nhất quyết ở vậy nuôi em, nuôi con dạy cháu nên người. Cụ bà Nguyễn Thị Tình là tấm gương điển hình về “công dung ngôn hạnh” để con cháu, dân làng noi theo và được vua Bảo Đại triều Nguyễn ban cho bốn chữ vàng “Tiết hạnh khả phong”.

       Không phải dòng họ nào, làng xã nào cũng được vinh dự này, mà đây là một trong những trường hợp đặc biệt của tổng Bắc Tạ, huyện Vĩnh Bảo. Một người cháu nội của cụ bà Nguyễn Thị Tình là bác Tô Bá Tịu đã làm nôm na bốn câu lục bát ghi vào bảng gỗ để tạ ơn bà nội và treo ở chỗ trang trọng nhất trong từ đường:

“Vẻ vang thay bốn chữ vàng

Tiết hạnh khả phúng huy hoàng dài lâu

Đời đời con cháu về sau

Phải nên ghi nhớ ơn sâu chữ vàng”.

PHIÊN ÂM:

Sắc tứ “TIẾT HẠNH KHẢ PHONG” Nguyễn Thị Tình, Hải Dương tỉnh, Vĩnh Bảo huyện, Bắc Tạ tổng, Nội Tạ xã, cố Tô Văn Quang chi thê, hữu tiết hạnh danh văn đặc tứ kỳ thưởng dụng khuyến lai giả.

Bảo Đại thập nhất niên, thập nhất nguyệt tạo.

DỊCH NGHĨA:

Sắc ban cho bà Nguyễn Thị Tình xã Nội Tạ, tổng Bắc Tạ, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương vợ của cố ông Tô Văn Quang là người có tiết hạnh. Nghe danh đã lâu, nay xếp hạng và đặc ban danh hiệu TIẾT HẠNH KHẢ PHONG để làm gương cho người sau.

Bảo Đại năm thứ 11, tháng 11 Bính Tý (1936)

 Ngọc Tô