/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

NÊN BỎ TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ TẾT Ở XỨ SỞ PHÙ TANG

Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Những năm gần đây có rất nhiều ý kiến về việc “Nên bỏ Tết nguyên đán”,
NÊN BỎ TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ TẾT Ở XỨ SỞ PHÙ TANG
Tản văn của Ngọc Tô
 
 
        Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Những năm gần đây có rất nhiều ý kiến về việc “Nên bỏ Tết nguyên đán”, đặc biệt là bài viết gây nhiều tranh cãi vào dịp xuân Nhâm Thìn của nhà khoa học nông nghiệp tài ba, Giáo sư Tiến sỹ Võ Tòng Xuân. Ông nêu 5 điểm bất lợi khi thế giới ngày nay chỉ còn ba nước Việt - Trung - Triều vẫn giữ những tập tục cổ: Mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài. Mất thì giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm. Gượng ép thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của học sinh, sinh viên, làm  họ mất hai tuần lễ đến lớp. Dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian, tổn hại sức khỏe và tính mạng. Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết dương lịch”. Đến nay rất nhiều quốc gia đã chuyển Tết theo lịch mặt trời, điển hình nhất là Nhật Bản, quốc gia châu Á giàu nhất. Một trong những lý do chính, khiến nước Nhật trở nên hùng cường là nhờ sớm biết giao thương với các nước Âu Mỹ, hòa nhập vào “Ngôi nhà chung” của thế giới sớm. Năm 1868 với cuộc cải cách Duy Tân mang tên Thiên Hoàng Minh Trị và từ đó người dân xứ sở Phù Tang không đón Tết Nguyên đán (O.Shôgatsu) theo lịch mặt trăng như Việt Nam hay Trung Quốc nữa. Tết cũng như các lễ hội khác được điều chỉnh theo lịch mặt trời, nhưng không phải vì thế mà họ mất đi phong tục tập quán từ bao đời xưa để lại.
        Thông thường người dân Phù Tang làm việc đến ngày 30 cuối năm. Cũng giống như Việt Nam, vào những ngày đầu của tuần cuối cùng giáp Tết các công sở, nhà máy thường tổ chức tất niên (Bounenkai). Vào dịp này người lao động được thưởng tiền cả năm lao động và chuẩn bị những món quà nhỏ (O.seibo) để tặng cho người thân, bạn bè nhân dịp bước sang năm mới. Sau bữa tất niên, người nào trở về nhà người ấy. Ai có điều kiện thì đi du lịch nước ngoài, còn không cùng với vợ con về quê thăm cha mẹ, người thân. Chính vì thế mà phố xá trở nên yên ả hơn…
Cũng giống như phong tục của nhiều quốc gia châu Á khác, trước khi bước sang năm mới, người dân thường dọn dẹp, trang trí nhà cửa, công sở, trường học, nơi công cộng: Sạch sẽ, đẹp đẽ và phong quang. Sau khi thu dọn xong, người ta trang trí ở hai bên cửa nhà 3 ống tre tươi vát chéo cùng một vài cành thông (Kadomatsu). Số đoạn trên cành thông thường là số lẻ chứ không được chẵn, bởi theo quan niệm xưa thì hạnh phúc không thể chia hết được. Lý do dùng cành thông để trang trí là vì ở Nhật mùa đông rất giá lạnh, nhưng thông vẫn “tươi xanh màu lá”, nó được tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và sự thanh khiết. Đồng thời thông thuộc họ lá kim có thể diệt trừ ma quỷ. Kadomatsu có hình giống cái thang để vị thần Toshigami của năm mới xuống hạ giới đem may mắn đến từng nhà. Dưới vòm cửa hay trên bàn thờ, người Nhật treo một loại trang trí để ngăn không cho quỷ dữ lai vãng tới (Shimekazari), tương tự như tập tục cắm cây nêu ngày Tết ở nước ta. Nay người Nhật không chỉ treo Shimekazari trước nhà mà còn treo trước các phương tiện vận tải với hy vọng nó sẽ giúp cho các phương tiện đỡ gặp các rủi ro . Kadomatsu và Shimekazari được trang trí cho đến hết ngày mùng 7 Tết và sau đó, theo tục lệ mang đến chùa để hóa vàng.
 
 
Kadomatsu
.
 
Thẻ may mắn tại chùa Thanh Thủy - Kyoto
.
 
        Một trong những nghi lễ không thể bỏ qua là vào dịp cuối năm, mặc dù khá bận rộn, nhưng người Nhật cũng không quên tặng nhau những tấm thiếp chúc mừng năm mới (Nengajo), với hy vọng gặp nhiều điều may mắn. Niềm vui đó được tăng gấp bội khi những tấm thiếp được trao tận tay người nhận vào ngày đầu năm mới.
Đúng thời khắc giao thừa, các ngôi chùa trên khắp đất nước Phù Tang cùng gióng lên 108 tiếng chuông với khái niệm rửa sạch 108 tội lỗi mà con người mắc phải, đánh dấu một năm cũ đã qua và đón chào một năm mới bình yên. Sau khoảnh khắc thiêng liêng này mọi người thường đi chùa, cầu mong thần thánh phù hộ cho năm mới an khang, hạnh phúc. Ở các chùa chiền người ta thường rút sớ (Omikuji). Sớ được chia thành nhiều loại: Đại cát, trung cát, tiểu cát và đại hung, trung hung, tiểu hung. Nếu rút được quẻ lành thì mang về, nếu rút phải quẻ dữ thì buộc lên cây như một lời hứa với thần thánh rằng sẽ cố gắng hành động theo lời khuyên của ngài.
          Cũng giống như Việt Nam, sáng ngày mồng 1, người Nhật ra đường với trang phục đẹp nhất, phụ nữ lộng lẫy trong bộ Kimono truyền thống, trẻ em thì rực rỡ trong bộ cánh mới. Trong những ngày này, người Nhật cũng có phong tục mừng tiền cho các cháu nhỏ và con cái mừng tuổi cho ông bà, bố mẹ. Họ cũng không quên mua những chiếc diều cho con trai và những chiếc vợt đánh cầu cho con gái để chơi trong những ngày Tết.
Ngoài ra người Nhật còn tổ chức lễ khai bút đầu năm (Kakizome). Trẻ em nắn nót viết những nét chữ đẹp nhất để dâng lên cha mẹ, người lớn cùng nhau viết một vài câu đối Tết, văn nghệ sỹ thì làm thơ, viết văn, ký họa…với lòng mong muốn năm mới sẽ thành công trong học tập và công tác.
          Ngày Tết, người Nhật còn có phong tục uống trà đầu năm “Hatsugama”, cùng ăn bánh Mochi, thưởng thức món súp O-Zoni và nhâm nhi hương vị của rượu Sake. Rồi cùng nhau chơi bài Utagaruta (Loại bài ở trên đó có in những câu thơ). Trò chơi này đòi hỏi khá công phu, người chơi phải thuộc thơ trong Hyakunin-isshu (Bách nhân nhất thủ), đây là tập thơ được biên soạn vào năm 1235 gồm 100 bài thơ cổ của 100 nhà thơ sống từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII. Tất cả thơ này đều được làm theo thể tanka (đoản ca), dài 5 câu với 35 âm tiết. Trí tuệ trong trò chơi Utagaruta đã được người dân Nhật chọn làm môn thi giành chức vô địch hàng năm và được tổ chức vào ngày mồng 2 Tết.
 
 
Bộ bài thơ
 
        Ở xứ sở Phù Tang còn có một tập tục khá hay là sau ngày đầu tiên của năm, rất nhiều các cửa hàng, cửa hiệu trên khắp đất nước mở hàng để phục vụ quý khách. Họ cho hàng hóa mà mình kinh doanh vào trong một túi to, bên ngoài in chữ Fukubukuro (Túi phúc) và bán với giá “bèo” bất ngờ, nên rất nhiều người đến xếp hàng từ sớm. Đến mồng 7, người Nhật có tục lệ ăn cháo chay Nanakusagayu được nấu từ 7 loại rau củ quả. Đến ngày 11 thì có tục lệ làm vỡ bánh dày (Kagamibikari) để nấu thành chè với đậu đỏ, có hàm ý mang lại nhiều điều tốt đẹp.
        Còn một tập tục nữa là ngày Lễ thành nhân (Seijin-no-hi) diễn ra vào ngày thứ hai tuần thứ hai của năm mới, đây là thời gian làm các nghi lễ trang trọng để công nhận và chúc mừng nam nữ thanh niên tròn 20 tuổi trong năm đó. Lễ này thường được tổ chức tại các ngôi chùa nổi tiếng ở từng địa phương, nơi các thanh niên nam nữ đó cư trú. Thế mới biết, mặc dù Tết được chuyển sang lịch dương, nhưng những phong tục tập quán truyền thống mà cha ông của người dân xứ sở Phù Tang để lại vẫn được lưu giữ và phát triển.
Thi An
@@@