VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Văn xuôi
MỘT SỐ PHONG TỤC TÍNH CÁCH NGƯỜI DÂN HẢI PHÒNG GHI TRONG QUỐC SỬ THỜI NGUYỄN
Chúng tôi trích phần phong tục trong Quốc sử thời Nguyễn để bạn đọc hiểu thêm về tính cách, con người vùng ven biển tỉnh Hải Dương cũMỘT SỐ PHONG TỤC TÍNH CÁCH NGƯỜI HẢI PHÒNG GHI TRONG QUỐC SỬ THỜI NGUYỄN
.
Chúng tôi trích phần phong tục trong Quốc sử thời Nguyễn để bạn đọc hiểu thêm về tính cách, con người vùng ven biển tỉnh Hải Dương cũ, nay là Hải Phòng để những người làm công tác đoàn thể, tuyên huấn, định hướng chính trị… có những tư vấn cho lãnh đạo thành phố về mặt trận tư tưởng văn hóa. Đặc biệt mong các thần dân trong các làng xã có tính cách dị thường được nêu trong sách này cảm thông để xây dựng Hải Phòng ngày một tốt hơn.
Về huyện An Lão, trang 145 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Huyện này trước thuộc phủ Kinh Môn, dân có tiếng là hung hãn. Ngày nay hai xã (làng) Sái Nghi và Áng Sơn cũng vẫn còn như thế. Ngoài ra các nơi khác như An Luận, Trung Thanh Lang, nhiều người gian xảo. Người các xã Văn Tràng, Hạnh Thị (Chợ Hạnh) thì xấu xí. Riêng các xã Ngọc Chử, Đồng Tử, Xuân Đài, Xuân Úc, Văn Hòa, Hòa Niểu, Phương Lang Thượng thì có phần thuần hậu. Dân chúng cày cấy làm ăn, số người làm thợ, đi buôn cũng có, nhưng không nhiều mấy, ít có truyền thống văn học. Ăn mặc thô lậu (cục mịch), quê mùa, ít sùng chuộng đạo Phật. Theo đạo Thiên chúa giáo có 7 xã là Liễu Doanh, Khúc Giản, Xuân Áng, Côn Lĩnh, Kim Côn, Cốc Tràng và Văn Khê”…
Huyện Nghi Dương (tức Kiến Thụy và Đồ Sơn), trang 142 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Huyện này xưa thuộc phủ Kinh Môn, dân chúng phần lớn hung hãn, nhất là các xã (làng) Quần Mục, Đồ Sơn, Phong Cầu, Đức Phong, Tú Đôi lại càng dữ tợn hơn. Người các xã Phúc Hải, Minh Liễn, Quế Lâm, Trà Hương thì phần lớn xảo trá. Người các xã Hương Lung, Đại Trà, Kim Sơn, Tú Đôi thì phần nhiều hung hăng. Ngoài ra, các nơi khác dân chúng đều chất phác, hủ lậu. Người các xã Phương Đường (tổng Trà Hương), Du Lễ gần với đôn hậu. Còn về truyền thống văn học ít có, dân chuyên cấy cày, chài lưới làm nghề kiếm sống. Người làm thợ, kẻ buôn bán, tuy cũng có nhưng không nhiều. Ăn mặc dè sẻn, tiết kiệm, các việc cưới xin ma chay thường đơn sơ giản dị, nhưng chú trọng vào việc thờ cúng thần linh. Hằng năm vào các tháng mùa xuân thường mở các cuộc hội hè, ăn uống, ca hát. Riêng ở tổng Đồ Sơn có cuộc thi chọi trâu để làm vui cho thần. Dân chúng có theo đạo Phật, nhưng không tỏ lòng thành kính lắm. Còn Thiên chúa giáo, thì toàn huyện không có nơi nào theo”…
Huyện Thủy Đường (sau là Thủy Nguyên), trang 156 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Ba huyện phủ Kinh Môn cùng 4 huyện phủ Kiến Thụy, đời trước 7 huyện này thuộc phủ Kinh Môn, có tiếng là vũ dũng hung hãn. Trong đó 2 tổng Yên Lưu, Dương Nham (h. Giáp Sơn), 2 tổng Phù Lưu, Phục Lễ (h. Thủy Đường), các tổng Đạm Thủy, Bí Giang, Nội Hoàng, Yên Khánh, Yên Lãng (h. Đông Triều) là hung tợn nhất. Còn các nơi khác đều hiền lành, chất phác. Dân chúng cày cấy, đánh cá, than củi, nghề nghiệp không giống nhau. Huyện Giáp Sơn (nay thuộc An Dương và Kinh Môn) trội về truyền thống văn học. Ăn mặc giản dị tiết kiệm. Dân miền núi, đàn ông thường mặc quần áo ngắn vạt, đàn bà trùm khăn vải vuông (bên trong có khăn vải quấn tóc, bên ngoài dùng tấm khăn vải vuông rộng chừng 2 thước ta để trùm đầu, che kín cả hai tai, buộc chéo khăn ở dưới cằm, che cả mồm mũi, chỉ để hở hai mắt). Các việc cưới xin, ma chay, cúng tế thì huyện Giáp Sơn theo gần đúng lễ, còn các huyện khác thì giản lược. Số người làm thợ, đi buôn cũng có, nhưng không nhiều. Dân theo đạo Phật cũng ít. Theo Thiên chúa giáo thì ở huyện Giáp Sơn có 6 xã, huyện Đông Triều 3 xã, huyện Thủy Đường không có xã nào”…
.
.
Huyện An Dương, trang 153 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Kẻ sỹ biết giữ phận, dân chúng chăm chỉ làm ăn. Các tổng khu trên như Điều Yêu, Văn Cú, Đông Khê gần được mức văn nhã. Quần áo ăn mặc đẹp đẽ. Thờ thần cúng Phật rất mực thành kính. Các tổng ở miệt dưới như Lương Xâm, Trực Cát, Hạ Đoàn, thì dân chúng phần lớn quê mùa chất phác, ăn mặc cốt bền chắc. Các việc cưới xin ma chay đều theo nề nếp, tiết kiệm. Theo Thiên chúa giáo gián tòng có 10 xã là Đồng Giới, Tri Yếu, Hàng Kênh, Phụng Pháp, Điều Sơn, Thư Trung, Lang Thâm, Lương Phụ, Trực Cát và Cát Bi”...
Huyện Vĩnh Bảo, trang 128 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Trong huyện, sỹ nông công thương nghề nghiệp không giống nhau, các phong tục cũng đều thuần hậu chất phác cả. Duy có 3 tổng Thượng Am, Ngải Am và Đông Am ở gần biển, dân chúng phần lớn hung tợn. Các việc ăn mặc, cưới xin ma chay, giỗ chạp đều chất phác thô lậu (tức cục mịch, hẹp hòi, nông cạn). Các nhà hào mục thường nuôi nhiều gia nhân giúp việc, thỉnh thoảng lại bày soạn cỗ bàn ăn uống ra oai với dân chúng, cho như thế là danh giá. Dân phần nhiều theo đạo Phật, còn theo Thiên chúa giáo có các xã thôn là Bắc Tạ, Trung Tạ, Hạ Đồng (nay thuộc xã Cộng Hiền), Ngải Am, Tiên Am, Dương Am, Lôi Trạch, Cổ Am, Vạn Hoạch, Hội Am, Lãng Am, Liêm Khê, An Cầu, Thiết Tranh và An Quý, Cống Hiền, Cựu Điện”…
Huyện Tiên Minh (sau là Tiên Lãng), trang 118 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Huyện này giáp biển, ba mặt ven sông, ít có truyền thống văn học. Kẻ sỹ chất phác thật thà, dân chúng phần nhiều bản tính mạnh tợn, các tổng Kinh Khê, Hán Nam, Dương Úc biểu hiện rõ hơn cả. Các tổng Tử Đôi, Kênh Thanh, Hà Đới thì ở mức ít hơn. Các tổng Đại Công, Kỳ Vỹ, Cẩm Khê dân chúng lại e dè nhát sợ. Số người làm nghề nông và nghề buôn suýt soát như nhau. Nhà nông cần cù, tiết kiệm, còn người buôn, thì phần nhiều giả đối, gian trá. Nghề thợ thì có thợ rèn và thợ nhuộm. Dân gần biển làm chài lưới kiếm ăn, nhưng không thành nghề. Các xã Kênh Khê, Trì Hào, An Tử Thượng, dân chúng có kẻ điêu toa, ương ngạnh. Các việc cưới xin, ma chay, giỗ chạp có phần xa xỉ hoang phí. Số người theo đạo Phật ít, còn theo Thiên chúa giáo, toàn tòng ở các xã Đông Côn, Xuân Quang, Thúy Niểu, Đông Xuyên, còn gián toàn tòng ở 8 xã là Xuân Lai, Diên Lão, Tiên Đôi Ngoại, Đốc Hậu, Bình Đông, Mỹ Lộc, Dương Úc, Lao Chử”…
Còn huyện Nghiêu Phong (sau là Cát Hải), trang 423 sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi: “Trong huyện không có đồng ruộng lúa má, dân chúng phần lớn làm nghề buôn bán, đánh cá hoặc làm muối, hoặc làm nghề cá mắm, hoặc đốn củi làm vườn, đều phải chở đi các nơi khác bán để trao đổi các thứ cần thiết cho đời sống. Các tiết trong năm, những lễ chúc tụng, điếu tang.v.v đại khái giống như các huyện đồng bằng. Hằng năm cuối hè thi tế thần, mở hội đua thuyền làm vui”. Hay trang 398 sách này còn nghi: “…Huyện Yên Hưng và Nghiêu Phong dân khá hiếu học. Tổng Hà Bắc huyện Yên Hưng phong tục có phần chất phác cần kiệm. Dân tổng Hà Nam phần nhiều làm nghề buôn bán, thói tục có phần phóng đãng. Dân huyện Nghiêu Phong hung hãn, thích đánh nhau, khó dạy bảo cho thuần tính… Theo Thiên chúa giáo, thì huyện Yên Hưng có 1 xã là Yên (An) Trì, huyện Hải Ninh có 3 xã là Lương Tri, Trà Cổ, Xuân Ninh. Còn huyện Nghiêu Phong có xã Đôn Lương gián tòng”.
NGỌC TÔ chép lại
Các tin khác
-
NGUỒN GỐC HỌ TÔ NỘI TẠ
-
BẾN QUÊ NỘI TẠ (PHẦN I)
-
“HÀ CẦU, HẠ HỒNG – SƠN ĐỒNG, QUỐC OAI”
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO