/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

MỘT CHỮ “NG” PHẢI TÌM MẤT HƠN 20 NĂM

Và, Ngọc Ngân công chúa là một nhân vật dã sử trong truyền thuyết có từ rất xa xưa…

MỘT CHỮ “NG” PHẢI TÌM MẤT HƠN 20 NĂM

.

       Bằng nỗ những nỗ lực vượt trội, tác giả Nguyễn Kiên Trường và tập thể Hội đồng Chỉ đạo, Hiệu đính, Ban biên tập…với những tên tuổi lớn của quốc gia cùng thành phố và cuốn Từ điển địa danh được ra đời cách đây hơn 20 năm. Cuốn sách này đã giúp ích thiết thực cho rất nhiều các nhà nghiên cứu văn hóa, địa lý, sử học… từ trung ương tới địa phương khi viết về Hải Phòng suốt chiều dài lịch sử. Cũng dựa vào các tư liệu này, mà các cuốn lịch sử của các quận, huyện, làng xã ở Hải Phòng có được sự thống nhất về địa danh, tên gọi, vị trí địa lý, tên thần… cổ xưa.

       Từ khi cuốn từ điển này ra đời, tôi mới tìm hiểu về mảnh đất Nội Tạ, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo. Sách có ghi: “Trước năm 1945 là xã Nội Tạ, tổng Bắc Tạ, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Trước năm 1813 là xã Nội Tạ, tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Đình Nội Tạ thờ hai vị Thành hoàng:

1- Thiện Thông Hưng Sỹ, tên húy là Sỹ

2- Ngọc Hân công chúa, tên húy là Ngọc

Cả hai chưa rõ thần tích qua bản khai của Hương lý xã Nội Tạ. Theo tài liệu khác Ngọc Hân là con gái vua Lê Hiển Tông, lấy Quang Trung. Khi Quang trung mất, Ngọc hân viết bài “Ai tư vãn“ để khóc chồng. Ở Nội Tạ, cả hai vị được thờ bằng bát ngai, bát hương. Trước năm 1938, Nội Tạ còn lưu giữ được 7 sắc phong cho riêng Thiện Thông Hưng Sĩ thuộc các đời: Tự đức 6 (1853) và 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909, 2 đạo), Khải Định 9 (1924, 2 đạo).

       Ngày ấy có được tư liệu này, tôi vô cùng phấn khởi và còn khoe với mấy bạn là giảng viên ở Khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội và GS. Trần Quốc Vượng nữa. Không ngờ tôi bị như một gáo nước lạnh dội, nhà sử học Nguyễn Hải Kế nói:

- Kể cả Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ cũng không bao giờ được nhà Nguyễn phong Thành hoàng làng, chứ đừng nói gì đến công chúa Ngọc Hân?

Thấy vẻ mặt thẫn thờ của tôi, Nguyễn Hải Kế liền giải thích:

- Công chúa Ngọc Hân tên thật là Lê Ngọc Hân (1770 - 1799), còn gọi là Bắc Cung Hoàng hậu, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ XVIII. Bà là công chúa nhà Hậu Lê, sau trở thành Hoàng hậu nhà Tây Sơn với tư cách là vợ thứ ba của Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ. Theo tộc phả Nguyễn Đình: Sau khi Lê Ngọc Hân qua đời vào năm 1799, thì ngày 18/11/Tân Dậu (23/12/1801) hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất khi đó mới 10 tuổi, rồi ngày 17/04 Nhâm Tuất (18/05/1802) công chúa Ngọc Bảo cũng mất theo khi đó mới 12 tuổi. Vào năm 1804 bà Nguyễn Thị Huyền (mẹ đẻ Lê Ngọc Hân) vì thương con gái và hai cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, nên đã thuê người vào Phú Xuân (Huế) lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân đưa về bản dinh (tức dinh Thiết lâm của bà). Ngày 16 tháng 7 năm 1804, bà cho an táng hài cốt của ba mẹ con tại bãi Cây Đại ở đầu làng Nành, xã Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội), sau đó xây mộ dựng đền khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích.

      Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị (1840 – 1847) miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành nhớ công lao của Chiêu nghi họ Lê đối với dân làng đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ, viên phó tổng cùng làng có tư thù với ông tú, đã lên quan tố giác về việc thờ “ngụy Huệ”. Triều đình Nhà Nguyễn liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông. Ông tú kia bị trọng tội, Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Đăng Giai cũng bị giáng chức.

Như vậy ta càng thêm nhiều chứng cứ về cuộc đời song gió của công chúa Ngọc Hân  (tên húy là Hân chứa không phải là Ngọc), còn mâu thuẫn chính trị giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn là “kẻ thù không đợi trời chung”, nên không bao giờ công chúa Ngọc Hân được vua nhà Nguyễn phong Thành hoàng làng. Dẫu sao thì sách đã xuất bản và các sách viết về lịch sử của làng xã ở Vĩnh Bảo đều theo tư liệu này, do vậy một số cuộc tranh luận xảy ra gay gắt giữa những người ở quê và những người am hiểu lịch sử…

Ngày tháng dần trôi, con người mải miết công việc theo thời cơ chế thị trường, những việc liên quan tới văn hóa làng xã cũng chẳng còn được mấy ai quan tâm. Cách đây mấy năm miếu Nội Tạ được khánh thành, trong giấy mời tôi có ghi rõ: Miếu thờ hai vị Thành hoàng làng là Thiện Thông Hưng Sỹ và Ngọc Hân công chúa. Sau ngày khánh thành miếu, tôi quyết tìm cho được vị Thành hoàng làng thứ 2 có phải là Ngọc Hân công chúa không?

Nhân chuyến đi thành phố Hồ Chí Minh, tôi ghé thăm cơ quan quản lý văn hóa của thành phố để xem có những tài liệu gì liên quan tới Thành hoàng làng không? Ngồi lỳ ở các thư viện của thành phố Hồ Chí Minh mấy ngày liền nhưng cũng chẳng có kết quả gì sáng sủa, nhưng cũng khá bổ ích vì tôi tìm được một số tài liệu về nông thôn ở Bắc Kỳ thời nhà Nguyễn và một số tài liệu bổ ích trong Tổng tập Dư địa chí Việt Nam trọn bộ 4 quyển. Ngay sau đó tôi bay ra Huế tới Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để dò hỏi về các sắc phong thời nhà Nguyễn. Nhưng việc “mò kim đáy biển” này chẳng dễ dàng chút nào.

Một thời gian sau, tôi có việc lên gặp người quen là đồng hương, một tiến sỹ, phó giáo sư sử học có tiếng tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhân tiện chúng tôi bàn nhau về chuyện này và cũng may mắn cho tôi hôm đó qua một chuyên gia sử học khác nữa, tôi có được tư liệu Bản kê khai năm 1938 của nhà Nguyễn về các Thành hoàng làng Nội Tạ và Nghĩa Lý, còn thần tích thì chưa có. Trong đó tài liệu ghi rõ: Xã Nội Tạ thờ 2 Thành hoàng làng là Thiện Thông Hưng Sỹ và Ngọc Ngân công chúa. Từ lúc này trong tôi đã có tia hy vọng, “ánh sáng cuối đường hầm” đã được hé mở.

       Vì còn đang phải tập trung ra tập sách thứ 13 của mình nên tôi đành gác việc này lại. “Thời gian tý tách rơi. Giọt sương đọng mái đầu”, tôi cố gắng thu xếp công việc còn tồn đọng để dồn hết tâm trí vào việc cho làng xã. Sang năm 2020, tôi tới Hà Nội tiếp tục “đào xới” ở các viện, thư viện, cục lưu trữ… để tìm cho được những thư tịch cổ của Nội Tạ và Nghĩa Lý. Với cái thẻ nhà văn, tuổi đã lớn, có chút quan hệ và kinh nghiệm tìm các tài liệu cổ, nên tôi gặp không quá nhiều khó khăn. Mừng nhất là khi trong tay tôi có Bản thần tích thần sắc xã Nội Tạ, có cả chữ ký (15/04/1908) của tri huyện Vĩnh Bảo và Hương lý – Kỳ mục xã Nội Tạ cách đây tròn 112 năm..




       “Chúng tôi là Hương lý – Kỳ mục xin kê khai các khoản về việc khảo cứu phong tục và thần tích như sau:

1-    Tên làng (chữ và nôm), tổng, phủ, tỉnh chữ Quốc ngữ và chữ Nho: V. Nội Tạ; C. Bắc Tạ; P. Vĩnh Bảo; T. Hải Dương.

2-    Thần Thành hoàng: Hiệu ngài là gì, tên gọi thường và tên húy:

a- Một vị dương thần là Thiện Thông Hưng Sỹ, tên húy là Sỹ được 5 lần vua triều Nguyễn phong tôn thần: Niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), niên hiệu Tự Đức 33 (1880), niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887), niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924).

b- Một vị âm thần là Ngọc Ngân công chúa, tên húy là Ngọc được vua triều Nguyễn 2 lần phong tôn thần: Niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924).

       Khi có được kết quả này, tôi đã trao đổi khá kỹ với các chuyên gia ở Viện Hán Nôm cũng như một số nhà nghiên cứu Hán Nôm, lịch sử khác. Và, Ngọc Ngân công chúa là một nhân vật dã sử trong truyền thuyết có từ rất xa xưa…

Sau hơn 20 năm bây giờ mới tìm được câu giải đáp.