/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

LÀNG VẺN CỦA NỮ TƯỚNG LÊ CHÂN

Qua một số dữ liệu trên, ta có thể khảng định làng Vẻn thời Nữ tướng Lê Chân nằm ở phía thượng nguồn sông Cấm chứ không phải khu vực nội thành ngày nay.

LÀNG VẺN CỦA NỮ TƯỚNG LÊ CHÂN?

.

     Đường thời gian đã quá dài, hai thiên niên kỷ trôi qua. Những minh chứng về người nữ tướng này không còn bất kỳ gì, tất cả đều do tương truyền. Thời ấy nước ta là quận Giao Chỉ thuộc nhà Hán, dân số chưa tới một triệu nhân khẩu. Những cuộc khởi nghĩa của các tướng quân đều xuất phát từ những gia đình có của ăn của để vì họ phải nuôi lính. Còn vũ khí thì ngoài cung tên, gậy gộc… ra chắc chẳng có gì hơn. Hơn 200 năm sau, thời Gia Cát Lượng (181 - 234) mới chế tạo được xe cút kít bánh gỗ, mà đã được coi là một phát minh vô cùng quan trọng. Còn di chuyển của nghĩa quân chủ yếu bằng cuốc bộ, chỉ huy mới được cưỡi ngựa, voi… và hải quân thì dùng thuyền là chủ yếu.  

     Khi nghiên cứu về các danh nhân cổ xưa, tôi thấy phần nhiều do những nhà sử học thời Nguyễn viết. Đặc biệt những người không sinh ra ở những vùng đất mới, họ cứ nghĩ giống như ở quê họ mảnh đất đã tồn tại hàng ngàn năm. Thế rồi người đời sau tin rằng gì thì gì, những nhà sử học xưa vẫn chính xác hơn thời mình đang sống.

         Khi nghiên cứu về mảnh đất và con người tại vùng đất Hải Dương cổ, tức Hải Phòng ngày nay. Tôi thấy có khá nhiều sự tích, nhân vật lịch sử lệch nhau hàng ngàn tuổi. Ví dụ một thành hoàng làng Liễu Kinh (Vĩnh Bảo) là Chính Tín có từ thời Hùng Vương thứ 6 đánh giặc Ân (cách nay khoảng 3500 năm), thì lịch sử huyện Vĩnh Bảo lại ghi là nhân vật này là Nguyễn Chính làm quan Chính tín triều chương chính sự thời nhà Trần (cách nay khoảng hơn 700 năm),…

     Hay trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 44) Vĩnh Bảo có Tri quốc Đạo Duyên, Thanh Tịnh Long, người làng Trung Am (Lý Học) và Phạm Đàm, người làng Lễ Hợp (Tam Đa) tham gia kháng chiến thời đó… Rồi chuyện người làng An Biên (âm Nôm là Vẻn tại xã Hưng Nhân ngày nay) nói Nữ tướng Lê Chân qua đây đóng quân và sau này hương lý kỳ mục làng tưởng nhớ công ơn của bà đã đặt tên là trang An Biên…mà thực tế trang An Biên và trang Úm Mạt (Trung Am) mới có người đến từ thời nhà Trần, còn trước đó vẫn là biển.

     Khi nghiên cứu về cuộc đời ngắn ngủi của Nữ tướng Lê Chân (20 – 43), tôi mới thấy còn rất nhiều điểm chưa chính xác. Bà sinh ra tại giáp Vẻn xã Đạm Thủy, tổng Đạm Thủy, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Từ giáp (xóm) Vẻn có nghĩa là bìa, rìa, mép nước vì xóm quê bà Lê Chân ngay tại triền Tả bìa sông Kinh Thầy và sông Đạm Thủy. Nếu xuôi theo đường sông, từ ấp Vẻn tới biên giới huyện Thủy Nguyên (đội 11 Trại Sơn) thì khoảng trên 20 cây số mà thôi.

     Thế rồi theo tương truyền thì giả thuyết thứ nhất bà mất tại sông Kinh Thầy. Giả thuyết thứ hai là bà mất tại chân núi Giát Dâu xã Lạt Sơn, tổng Quyển Sơn, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam Thượng. Giả thuyết thứ ba là bà mất tại sông Hát cùng với Hai Bà Trưng? Theo chúng tôi bà mất tại Hà Nam có lý hơn.

     Chỉ có một ngày mất của Bà thôi, thì ngay tại Hải Phòng cũng có hai ngày ở hai tháng khác nhau. Tại Nghè bà Lê Chân do Sở Văn hóa Thông tin quản lý, thì giỗ vào ngày 25 tháng chạp âm, còn Đình Vẻn do làng An Biên quản lý thì giỗ vào 13 tháng 7 âm. Hay tại xã Thủy An, Đông Triều quê bà cũng giỗ vào ngày 25 tháng chạp, còn ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam, nơi bà mất thì giỗ vào ngày 13 tháng 7 âm. Hỏi kỹ ra thì ngày 25 tháng chạp là ngày chạp thần (tức những vị thần nào mất không rõ ngày mất thì đều lấy ngày này giỗ, như một số liệt sỹ hy sinh thời chống Mỹ lấy ngày 27/7 dương lịch làm ngày giỗ), còn theo tương truyền ngày 13 tháng 7 âm là ngày bà mất tại chân núi Giát Dâu thôn Lạt Sơn, tổng Quyển Sơn, huyện Kim Bảng, trấn Sơn Nam Thượng. Theo trưởng ban khánh tiết đền bà Lê Chân tại Nam Hà thì ở khu vực Thung Bể còn lưu giữ một bia Hậu thần năm Cảnh Lịch thứ 5 (1552), thường gọi là bia Ma Nhai về việc xây đền thờ bà Lê Chân. Từ trước đó tới nay nhân dân nơi đây đều lấy ngày 13/7 âm là ngày giỗ bà. Tại Hải Phòng và Đông Triều thì chưa thấy một sắc phong nào cho bà, có lẽ nữ tướng Lê Chân không được xếp vào thành hoàng làng. Còn ở tại đền thờ Lê Chân tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam là sắc phong cho Thánh tổ Bồ Tát chứ không phải tên thần của nữ tướng Lê Chân. Đây là câu hỏi lớn giành cho hậu duệ của làng An Biên, huyện An dương xưa? Vì họ luôn tự hào, bà là người sáng lập ra làng mình?

     Chỉ nói có ngày mất của bà thôi mà còn chưa thống nhất được nói gì đến các việc khác, vì thời gian từ lúc Bà mất tới nay đã ngót nghét 2.000 năm. Từ thời nhà Đinh trở về trước, thời kỳ Bắc thuộc kéo dài quá lâu, bao sự kiện lịch sử… đều bị Bắc quốc bưng bít, thậm chí chúng còn cho rằng các cuộc khởi nghĩa của các tướng lĩnh là nổi loạn, chống lại chính quyền… còn bị nguyền rủa chứ đâu được vinh danh.
.
Có thể là hình ảnh về ngoài trời và tường gạch

  Thiên đài trụ tại nghè Lê Chân (Hải Phòng)

     Làng Vẻn thời ấy nằm ở vị trí phía trên thượng lưu sông Cấm, chứ không phải nằm ở vị trí quận Lê Chân bây giờ, bởi một số sách sử xuất bản tại Hải Phòng có ghi: “Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 44) Vĩnh Bảo có Tri quốc Đạo Duyên, Thanh Tịnh Long, người làng Trung Am (Lý Học) và Phạm Đàm, người làng Lễ Hợp (Tam Đa) tham gia kháng chiến…”. Rồi theo tương truyền, mảnh đất làng An Biên (xã Hưng Nhân) là nơi Nữ tướng Lê Chân qua đây đóng quân và sau này hương lý kỳ mục làng đặt tên là trang An Biên. Còn làng An Biên, tổng Đông Khê, huyện An Dương xưa, nay thuộc ở quận Lê Chân, cũng được các sử sách ghi là do Nữ tướng Lê Chân tới đây khai hoang lập ấp…

Qua nhiều năm khảo cứu chúng tôi thấy:

- Bản đồ thời Hùng Vương (hơn hai ngàn năm trước) thì một số huyện đồng bằng ven biển Bắc Bộ ngày nay chưa xuất hiện như: An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) hay Thụy Anh, Tiền Hải (Thái Bình), Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định)…

- Cách nay hai ngàn năm tại địa giới Hải Phòng ngày nay chỉ có ba nơi có những di chỉ khảo cổ học chứng minh vùng đất có người đã từng sinh sống là khu Tràng Kênh (Thủy Nguyên), khu Núi Voi (An Lão), khu Cái Bèo (Cát Bà).

- Theo lịch sử tỉnh Hải Dương, vào những năm đầu công nguyên thì phía trên của ba huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và An Dương ngày nay là phần đất của các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Hà và Kim Thành có một số làng xã còn chưa có trên bản đồ.

- Chưa có một di chỉ khảo cổ học nào như trống đồng, mộ thuyền, bia đá, dụng cụ đá… của ba huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và An Dương để minh chứng rằng đã có người tới ở từ những năm đầu công nguyên trở về trước.

- Toàn bộ địa giới nội thành Hải Phòng ngày nay đều thuộc huyện An Dương và huyện An Dương được thành lập vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) thời vua Lê Thánh Tông và cũng vào thời kỳ này thì huyện Vĩnh Lại được đổi từ huyện Đồng Lại mà ra.

- Vùng đất của ba huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và An Dương có người đến ở và lập ấp đại đa số từ thời Tiền Lý trở lại đây. Còn cách nay hai ngàn năm phần lớn địa giới của ba huyện trên vẫn còn là biển.

      Hay như theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, mỗi năm cảng Hải Phòng phải đón nhận từ một triệu rưỡi đến ba triệu mét khối trầm tích (phù sa) lấp đầy, nên biển dần lùi xa. Rồi dựa theo tài liệu tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam và Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng thì Tuần kiểm ty Liễu Viên, huyện Giáp Sơn do nhà Minh đặt vào tháng bẩy năm Vĩnh Lạc thứ 8 (1410), điều này cho ta thấy lúc đó làng Liễu (Da) Viên thuộc huyện Giáp Sơn là khu Vật Cách Thượng (nay thuộc phường Quán Toan, thành phố Hải Phòng, cách nội thành gần chục cây số).

     Hay tại chùa An Biên (tên chữ là Linh Quang tự) thuộc địa phận làng An Biên xưa. Theo “Thiên đài trụ” (Mã hiệu số 1169 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng xuất bản năm 1998, chùa Linh Quang xây dựng năm Chính Hòa thứ 16 (1695) “Chùa Linh Quang, xã An Biên, huyện An Dương ở vị trí rất đẹp. Trước chùa là biển, ngày ngày nước triều lên xuống. Cảnh trí thật nên thơ”. Chùa này tọa lạc trên nền đất của Nhà hát trung tâm thành phố Hải Phòng (nhà hát Lớn), là một trong bốn thánh tích của trang An Biên. Quần thể di tích này bao gồm chùa An Biên (Vẻn), đình An Biên (Vẻn), đền (nghè) Lê Chân.

     Để phát triển khu trung tâm, cũng như xây dựng nhà hát Lớn thành phố, vào năm Thành Thái thứ 2 (1900) chùa Vẻn được di dời về khu vực Trại Cau, nay thuộc phố Tô Hiệu, phường Trại Cau, quận Lê Chân. Còn đình Vẻn nằm ở gần đó, phải di dời về giáp Đông An của làng, nay là ngõ một trăm bảy mươi phố Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân. Vì thế ngôi đình này còn mang tên Đông An là vậy. Hay nghè Lê Chân trước đây ở đồng Soi của làng An Biên, sau chuyển về vị trí như ngày nay.

     Tất cả các công trình nghè, chùa, đình tới nay còn lưu giữ được sáu bia đá hầu thần gồm: Bia đặt tại chùa Vẻn lập vào năm Bảo Đại thứ 9 (1934); Tại nghè Lê Chân có bia trong đền lưu công đức lập vào năm Khải Định 7 (1923) và ba bia đá để ngoài trời lập vào các năm: Minh Mạng thứ 10 (1829), Tự Đức nguyên niên (1849), Tự Đức thứ 19 (1866) cùng một Thiên đài trụ lập vào tháng chín năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thịnh 6 thời Tây Sơn (1798). Ngoài ra chúng tôi còn tìm hiểu thêm ở tất cả các nơi thờ nữ tướng Lê Chân tại nội thành Hải Phòng, tại xã Hưng Nhân - Vĩnh Bảo, tại xã Thủy An - Đông Triều, nhưng chưa phát hiện ra một sắc phong nào cho bà. Riêng ở đền Lê Chân xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam, lãnh đạo ban khánh tiết nói còn giữ được một số sắc phong thần cho bà, nhưng thực tế là của Thánh Tổ Bồ Tát, không phải tên thần của Nữ tướng Lê Chân.

     Qua tấm bản đồ ghi bằng Hán tự (do Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam cung cấp) của huyện An Dương thời nhà Nguyễn trước khi tỉnh Hải Phòng được thành lập. Phía Đông của huyện An Dương là các tổng Hạ Đoạn, Lương Sâm và Trực Cát. Lúc ấy mới có ba bãi đất nhỏ mang tên Tiên Sa và một bãi đất nhỏ khác mang tên Định Vũ, mà khoảng một trăm năm mươi năm qua lượng phù sa qua hệ thống sông ngòi đổ ra biển, nay đã trở thành một vùng đất rộng lớn hàng trăm héc ta ở cửa sông Cấm và cửa sông Lạch Tray. 

Có thể là hình ảnh về bản đồ    

     Qua một số dữ liệu trên, ta có thể khảng định làng An Biên (Vẻn) thời Nữ tướng Lê Chân nằm ở phía thượng nguồn sông Cấm, chứ không phải khu vực nội thành ngày nay. Theo tương truyền thì từ cuối thời nhà Trần (cuối thế kỷ XIV) một nhóm cư dân trang Yên (An) Biên, tổng Vĩnh Đại, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương đã di cư về tổng Kê Sơn, huyện Vĩnh Lại khai hoang lập ấp. Họ không quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình đã lấy tên là ấp An Biên. Còn một nhóm cư dân khác đã về bên bờ Hữu sông Tam Bạc (quận Lê Chân ngày nay) muộn hơn vào thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) để khai hoang lập ấp, họ cũng không quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình lấy tên là ấp An Biên. Đến thời Pháp thuộc và đặc biệt là khi tỉnh Hải Phòng được thành lập (1887) dân làng An Biên mới đầu tư xây dựng lại đình, đền, chùa hoành tráng hơn. Rồi khi Vĩnh Bảo gia nhập vào “ngôi nhà chung Hải Phòng” (cuối năm 1962), những người viết sử Hải Phòng mới nghĩ rằng nhóm cư dân từ làng An Biên, tổng Đông Khê, huyện An Dương này có từ đầu công nguyên đã về huyện Vĩnh Lại khai phá vùng đất mới và lấy tên là An Biên, nay thuộc xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo. Thực tế thì từ năm Chính Hòa thứ 16 (1695) chùa, đình làng An Biên, huyện An Dương nằm ngay sát mép biển, còn làng An Biên, huyện Vĩnh Lại thời ấy biển đã lùi xa làng hơn chục cây số…    

      Qua tấm bản đồ cổ huyện An Dương trên, chúng tôi khảng định cái tên Hải Phòng được ra đời từ thời nhà Nguyễn và được lấy từ cái tên đồn Hải Phòng. Sách lịch sử Hải Dương ghi là từ "Hải Dương thương chính quan phòng", nhưng thức tế chỉ có nha Thương Chính, còn "Hải Dương thương chính quan phòng" chưa có. Hay "Hải Phòng tần thủ" là một chức hay tước của nữ tướng Lê Chân, nhưng đây chỉ là tương truyền chứ chưa có chứng cứ gì thuyết phục?

                                                                      NGỌC TÔ