/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

Kỳ vỹ San Francisco

“Biển xanh in bóng chiều tà. Nửa chìm bên đảo nửa xa bời bời. Bạc đầu con sóng buông lơi. Câu ca giã bạn bên trời hoàng hôn”.

Kỳ vỹ San Francisco
Bút ký của Ngọc Tô
 

      “Tôi mê Las đến thẫn thờ. Giữa bờ bến thực vẫn ngờ chiêm bao”. Cuộc vui nào rồi cũng phải chia tay. Theo lịch trình cuộc khám phá Las Vegas ba ngày đã kết thúc, sáng ngày thứ bảy của chuyến đi, chúng tôi chuẩn bị hành lý tư trang ra phi trường để tới San Francisco, một trung tâm văn hóa tài chính hàng đầu của Bắc Canifornia và vùng vịnh San Francisco, Hoa Kỳ. Sau gần một giờ bay chiếc phi cơ Boeing đã giảm tốc độ và hạ dần độ cao xuống vùng đất San Francisco. Qua cửa sổ máy bay tôi thấy phi cơ từ mũi phía bắc của vùng vịnh rồi dọc theo bờ biển tới tận San Jose mới vòng lại. Cảnh núi đồi đã phủ một không gian xanh chen lẫn những đô thị nhỏ nằm bên bãi biển thật ấn tượng. Rồi một cây cầu dài thườn thượt vắt ngang vịnh San Francisco và không xa là cây cầu màu cam đỏ nối thành phố San Francisco với hòn đảo khác, mà trên đó từng đoàn xe xuôi ngược nối đuôi nhau tạo nên một bức tranh sống động. Trong chớp nhoáng máy bay đã hạ cánh xuống phi trường San Francisco ngay sát bờ vịnh. Đây là sân bay quốc tế lớn nhất tại khu vực này, cách trung tâm thành phố San Francisco hai mươi mốt ki-lô-mét về phía nam. Sân bay này có các chuyến bay đến khắp châu Mỹ và là cửa ngõ chính đến châu Âu, châu Á và châu Đại Dương. Lượng hành khách trung bình hàng năm qua đây vào khoảng gần bốn mươi triệu lượt người, gấp hơn ba lần sân bay Nội Bài và được xếp hạng thứ hai mươi ba trong các sân bay bận rộn nhất thế giới. Điều đặc biệt ở phi trường này là có nhà ga quốc tế lớn nhất phía bắc châu Mỹ và là tòa nhà lớn nhất thế giới được xây bằng kỹ thuật phân lập nền để chống động đất. Ngay sau khi rời máy bay tôi nói đùa với mọi người là chúng ta tiếp bước các thế hệ đi trước để khám phá thành phố biển San Francisco. Ta về với biển bao la. Thả hồn theo gió sóng xa chập chùng. Nửa đời mê tỉnh mông lung. Muốn đi đến được tận cùng đại dương...”. Cái tên San Francisco theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “thánh Phanxicô”. Còn cái tên Cựu Kim Sơn theo Hán âm có nghĩa là “núi vàng xưa”. Vào giữa thế kỷ XIX, nhiều người Hoa, trong đó có người Việt Nam đầu tiên là ông Lê Kim đã “trôi dạt” tới Hoa Kỳ để gia nhập đội quân tìm vàng và xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa.

    Ra đón đoàn tại lối ra của sân bay là một nam hướng dẫn viên người Mỹ gốc Việt, tay đang giơ cờ vẫy gọi. Chúng tôi vừa mới từ vùng hoang mạc tới đây, gặp khí hậu mát mẻ tuyệt vời thế này, người nào cũng cảm thấy mình như đang khỏe ra. Mấy năm trước tôi được một người bạn sống ở thành phố này hết lời ca ngợi về thời tiết ở San Francisco, nay tới đây mới đích thực thấy đúng là vậy. Về mặt địa lý, San Francisco được biển bao bọc ba phía, nên khí hậu chịu ảnh hưởng mạnh của dòng hải lưu lạnh Thái Bình Dương có xu hướng ít khác biệt về thời tiết giữa các mùa. Nhiệt độ trung bình mùa hè khoảng hai mươi mốt độ C, còn mùa đông không xuống dưới âm độ. Việc kết hợp nước biển lạnh và cái nóng của lục địa tạo nên sương mù nửa phía tây thành phố cả ngày trong mùa hè, ở phía đông ít sương mù hơn. Hôm nay đoàn tới đây thì trời khá quang đãng, nên tôi đùa với mọi người rằng: “Ta mang xác nắng theo mình. Sương mù bạt vía hóa thành hồn thu”. Các công việc chính chúng tôi đã hoàn thành vào tuần đầu ở Los Angeles, còn những ngày cuối là tham quan du lịch, tìm hiểu về mảnh đất và con người bờ Tây Hoa Kỳ.

      Ngay sau rời phi trường, các thành viên lên xe đi tham quan Chinatown (phố Tàu) nằm gần trung tâm San Francisco. Có lẽ hiếm có thành phố màu mỡ nào trên thế giới lại vắng bóng Chinatown, chứ đừng nói gì ở đây. Theo tôi được biết người Hoa Kỳ gốc Hoa có khoảng bốn triệu nhân khẩu và trên các thành phố lớn ở Hoa Kỳ đều có Chinatown. Nhưng Chinatown ở San Francisco là nổi trội nhất, bởi đây là tâm điểm thu hút khách du lịch, còn cao hơn cả cầu Cổng Vàng, một trong mười kỳ quan kiến trúc cầu nổi tiếng nhất thế giới. Khi chúng tôi tới nơi, thấy ở đây người ta bày bán mọi thứ trên đời chẳng khác nào như ta đang ở “đất nước hình con gà trống”, chủ yếu là hàng tiêu dùng và dịch vụ ăn uống. Có cả máy tính, hàng hiệu thời trang, xe sang, rượu hảo hạng... và khá nhiều đồ lưu niệm giá rẻ. Chỉ cần di chuyển qua phố Tàu sang bên một chút ta gặp ngay phố Tây và thấy mình lạc tới khu dịch vụ mang phong cách hoàn toàn Âu châu. Thế mới biết cách dịch vụ ở đây chuyển từ thế giới phương đông sang thế giới phương tây chỉ cách nhau vài bước chân.

Sau đó chúng tôi tới quán ăn Việt để ăn trưa. Đây là khu phố Á Châu, nên phần lớn nhà chỉ có từ hai đến bốn tầng, cái thì mái chóp, cái mái bằng và đường điện cũng nhằng nhịt gần như ở Việt Nam. Tôi nói đùa với mọi người là dân Việt di tới đâu thì phong cách xây dựng theo tới đó. Ở một nước văn minh như Hoa Kỳ mà cũng có đường dây điện ngoài trời thì cũng thật là lạ. Đoàn dừng chân tại quán cơm Sài Gòn, được thưởng thức bữa ăn trưa với các món ẩm thực Việt khá thú vị. Bên cạnh là cửa hàng thực phẩm tổng hợp của người Việt, bán đủ thứ trên đời, nhưng chủ yếu là hàng tiêu dùng. Sau bữa trưa, mọi người lên xe và về khách sạn Doubletree, nằm ngay sát vịnh để nhận phòng...

    Lội ngược lại dòng lịch sử thì San Francisco đã có cư dân sống từ ba ngàn năm trước công nguyên. Đến năm 1769 thì người Tây Ban Nha phát hiện ra vịnh San Fracisco. Tới năm 1776, người Tây Ban Nha thiết lập pháo đài tạiGolden Gateđể bảo vệ vùng đất này. Sau khi độc lập, San Francisco tách khỏi Tây Ban Nha và năm 1821 khu vực này đã trở thành một phần lãnh thổ của Mexico. Rồi sau đó Hoa Kỳ xâm chiếm và tuyên bố chủ quyền vào năm 1846. Như vậy mảnh đất này thuộc Hoa Kỳ mới có hơn một trăm sáu mươi năm.San Franciscovới diện tích một trăm hai mươi mốt ki-lô-mét vuông và hơn tám trăm ngàn nhân khẩu, thuộc tiểu bangCalifornia, nhưng thành phố biển này là một trong những nơi được khách du lịch tới tham quan vào tốp nhiều nhất thế giới.

Sau bữa cơm chiều, tôi và mấy thanh niên rủ nhau đi khám phá đêm tại San Fracisco. Phải nói diện mạo thành phố thật lộng lẫy, được phản chiếu rõ nét khi màn đêm buông xuống. Tôi đã từng qua nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ như New York, Washington DC, Chicago, Los Angeles…, nhưng khi đến đây cũng bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp kiêu sa được toát ra từ các tòa cao ốc, các trung tâm thương mại sầm uất với hệ thống đèn neon lấp lánh. Khi vào tới khu vực trung tâm thành phố thì sự hiện đại, vẻ tráng lệ đã thu phục chúng tôi. Tại đây còn được ví như thiên đường giải trí với các quán bar, sàn nhảy, hộp đêm, cà phê, ẩm thực, những điệu nhạc làm đắm say lòng người... rất sôi động. Sau đó mấy anh em vào trung tâm mua sắmWestfield. Đây là tòa nhà của chuỗi cửa hàng Hoa Kỳ lớn nhất thế giới. Nơi được được mệnh danh là thánh địa cho người nghiện mua sắm với đủ các loại hàng hiệu của các hãng nổi tiếng trên khắp hành tinh. Có lẽ “tiền nào thì của đấy”, nên anh em tôi chỉ dám mua một số quà kỷ niệm và đồ dùng cho gia đình thôi...

    Trời đã khuya, mấy anh em tiếp tục bắt xe đi khám phá phố “những quý bà lộng lẫy”. Đây là một trong những điểm thu hút du khách nhất tại thành phố này, nó được tọa lạc trên đường Steiner, dọc công viên Alamo Squeare. Trước mặt tôi lúc này là dãy biết thự hai tầng mái chóp được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Nữ hoàngVictoriatrị vì với các họa tiết trang trí tinh xảo, bắt mắt. Trước cửa các biệt thự là những lùm cây cao ngang đầu người được tỉa tót công phu bài bản. Và, “những quý bà lộng lẫy” này đã trở thành một trong những biểu tượng củaSan Francisco.
.

         Ngọc Tô trước vịnh San Francisco (Hoa Kỳ) 2010.

      Sáng hôm ngày tiếp theo, tiết thu thật diệu kỳ, mặt trời đang bị lớp mây bao phủ, hương biển phả vào hồn người mênh mang. Tôi cảm thấy dư vị mùa thu nơi đây sao lại trong lành và diệu vợi đến thế. Nếu nhìn ở góc độ cao hơn một chút thì thành phố này được cấu trúc bởi năm mươi quả đồi và thường xuyên có mây mù bao phủ. Chúng tôi tiếp tục khám phá điểm cao nhất thành phố đó là đồi Davidson với chiều cao hai trăm tám mươi hai mét. Chiếc xe vào con đường cua và từ từ lên dốc, rồi chẳng mấy chốc đã tới đỉnh đồi. Trước mặt chúng tôi là những bức tường thành cổ bằng đá cao ngang bụng còn sót lại và bên cạnh có cây thánh giá sừng sững cao ba mươi mốt mét được xây dựng vào năm 1934. Từ đỉnh đồi này có thể quan sát được toàn cảnhSan Francisco. Giờ này sương mù mỗi lúc một dày đặc. Chỉ một chốc thôi, gió từ đâu ùa về mỗi lúc một mạnh thêm, tôi có cảm giác mây sa vào lòng người, mây níu kéo từng bước chân làm cho khách du lịch không rời được đây.

    Vượt sang bên kia dốc không xa lắm là cầu Cổng Vàng, một địa danh du lịch nổi tiếng củaSan Francisco. Cầu này còn có tên theo Hán âm là Kim Môn kiều, nối liền mũi phía bắc thành phố San Francisco với hạt Marin gần thị trấn Sausalito ở phía nam qua vịnh San Francisco, được khánh thành vào năm 1937. Nó còn là biểu tượng quốc tế của vùng đấtSan Francisco. Tất cả các phương tiện chở khách đến tham quan cầu đều để ở ngoài bãi. Chúng tôi phải cuốc bộ một đoạn mới tới căn nhà một tầng là nơi bán đồ lưu niệm, cung cấp thông tin, bản đồ cho khách du lịch. Cách đó không xa là bức tượng đồng toàn thân người kỹ sư trưởng Joseph Baeman Strauss. Theo hướng dẫn viên kể lại thì quá trình tiến hành xây dựng cây cầu này không đơn thuần như mọi người nghĩ về kỹ thuật, về an ninh quốc phòng, về vận tải thủy trên vịnh... Rồi sự tranh chấp thiết kế, đến tháng 5 năm 2007 quận Cầu Cổng Vàng đưa ra báo cáo chính thức về bảy mươi năm cống hiến của chiếc cầu nổi tiếng này và quyết định điều chỉnh sai lầm cũ bằng cách công nhận Ellis mới là người thiết kế cây cầu…

    Các thành viên trong đoàn tập chung chụp tấm ảnh kỷ niệm tại tấm biển cầu Cổng Vàng có một biểu tượng hình cắt ngang sợi cáp đúng bằng kích thước sợi cáp thật với đường kính chín trăm hai mươi tư mi-li-mét và ghi những thông số chính như sau: Nhịp chính cầu dài một ngàn hai trăm tám mươi mét, chiều dài cáp hai ngàn ba trăm ba mươi mốt mét bảy, số sợi kim loại trong cáp là hai mươi bảy ngàn năm trăm bảy mươi hai, chiều dài cấu thành hai dây cáp chính là một trăm hai mươi tám ngàn bảy trăm bốn mươi tám ki-lô-mét, trọng lượng của cáp là hai mươi tư ngàn năm trăm tấn. Sau đó chúng tôi được tự do chọn vị trí thuận lợi với các góc độ khác nhau để chiêm ngưỡng cầu và lưu lại những khoảnh khắc quý hiếm tại nơi này. Tôi cùng với Trần Văn Giang, Nguyễn Hữu Vũ và Phạm Thị Thủy nhanh chóng cuốc bộ theo lối dành cho người đi bộ đến tận giữa cầu để tường tận cảnh nên thơ của vịnh San Francisco, rồi tận tay sờ vào tháp chính của cầu cao hai trăm hai mươi bảy mét này. Trên cầu có sáu làn xe chạy và lúc nào cũng tấp nập các phương tiện giao thông qua lại. Tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp lãng mạn của cây cầu và phong cảnh sông nước nơi đây. Không gì nên thơ hơn, dưới kia là những con tàu du lịch đang lơ đãng thả hồn mình vào làn nước trong xanh và với những làn sương mù di động, cả không gian nơi đây trở lên huyền bí “Ngỡ ngàng giữa thực hay mơ. Biển xanh kỳ vĩ ảo mờ sương giăng”. Các cây cầu khác trên thế giới thì chỉ có màu xám của sắt thép, của bê tông, còn Cổng Vàng lại khoác lên mình một tấm áo cam đỏ thực sự mời gọi, lộng lẫy. Đây còn là điểm nhấn để cảnh báo tàu bè vì thời tiết nơi đây hay bị mù sương. Trên cầu lúc nào cũng có một tốp thợ gần bốn chục người chuyên lo việc quét sơn, họ làm việc quanh năm ngày tháng vì vừa làm xong đến đầu cầu bên này thì đầu bên kia đã hoen rỉ. Cũng như nhiều cây cầu khác ở Hàn Quốc, cầu Cổng Vàng không chỉ là điểm đến của lý tưởng của khách du lịch thập phương, mà nó còn là điểm đến ưa thích của những người muốn kết liễu đời mình. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp, nhưng số người đến tự tử ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là một việc làm đau đầu các nhà chức trách ở San Fracisco. Sau khi lán lại tại quầy bán đồ lưu niệm ít phút, anh em tôi lên xe ra ngoại ô tiếp tục cuộc khám phá Đại học Tổng hợp Stanford.

     Mùa thu ở đây thật tuyệt: Men thu sâu lắng, hương thu nồng nàn, chúng tôi như đang nhặt lại từng mảng ký ức cách đây mấy chục năm để ghép lại thành bức tranh sống động thời tuổi học trò. Chút bâng khuâng, chút nhớ nhung, “Con đường nửa nắng chang chang. Nửa mưa sùi sụt ngỡ ngàng chiều mơ...”, “Dọc đường mòn ký ức: Cảm xúc dâng đầy, hoài bão ước mơ ăm ắp tuổi thơ...” một thời còn là sinh viên hiện lên từng khuôn mặt các thành viên trong đoàn. Và, trong vòng gần một giờ đồng hồ chúng tôi đã có mặt tại thung lũng Silicon, nơi có Đại học Tổng hợp Stanford lừng danh. Câu thơ từ thuở cắp sách tới trường còn đọng mãi trong tôi: “Lá bàng lựng chín sân trường. Nửa vùi trong nhớ nửa vương tơ đời”. Stanford nằm trên một khuôn viên mênh mông với hai ngàn tám trăm héc-ta, cáchSan Francisco sáu mươi ki-lô-mét về phía đông nam và cáchSan Jose ba mươi hai ki-lô-mét. Đây là một trong hai trường uy tín nhất Hoa Kỳ, xếp thứ nhì trong mười trường hàng đầu thế giới và được thành lập vào năm 1891. Xe chúng tôi phải chạy trong khuôn viên của trường hơn chục phút mới tới khu vực trung tâm. Ở phía ngoài là một không gian xanh với các rừng tùng bách trải dài thật thơ mộng. Càng vào sâu phía trung tâm chúng tôi gặp những ký túc xá dành cho sinh viên và những tòa nhà thấp tầng mái chóp màu đỏ tươi, kiến trúc theo kiểu Tây Ban Nha cổ kính. Đến khu vực trung tâm mọi người xuống xe và cuốc bộ vào trong. Hầu như các thành viên trong đoàn lần đầu tiên tới nơi đây nên hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược về sự hình thành và phát triển của Stanford. Đại học tổng hợp này được thành lập bởi Leland Stanford, trùm tư bản về xe lửa và nguyên Thống đốc tiểu bangCalifornia.
.

      Ngọc Tô tại khu trung tâm Đại học Stanford (Hoa Kỳ) 2010

    Rồi hướng dẫn viên cho biết thêm một giai thoại về sự ra đời của đại học tổng hợp này: “Có một cặp vợ chồng trung tuổi bước vào phòng Hiệu trưởng Trường đại học Harvard. Người phụ nữ mặc chiếc váy vải bông kẻ ca rô đã bạc màu, còn người chồng khoác trên mình một bộ đồ veston vải bông thô nhàu nhĩ. Thoáng nhìn qua bộ dạng tầm thường của hai vợ chồng nhà nọ, cô thư ký lầm tưởng hai người quê mùa này hẳn lạc đường vào đây, họ chẳng có liên quan gì đến Đại học Harvard trứ danh này. Cô thư ký cau mày khi nghe người đàn ông kia nói:

- Chúng tôi muốn xin gặp ngài Hiệu trưởng Charles Eliot.

- Ông ta bận cả ngày, cô thư ký đáp.

- Không sao, chúng tôi sẽ chờ, người vợ trả lời.

Suốt mấy giờ đồng hồ tiếp theo, ông Hiệu trưởng mới xuất hiện với vẻ mặt lạnh lùng và lơ đãng nghe người phụ nữ nói:

- Chúng tôi có một đứa con trai duy nhất từng theo học một năm tại trường của ngài. Cháu rất yêu trường và cảm thấy tự hào vì đã được học tập tại đây, nhưng chẳng may con tôi đã mất do một tai nạn. Hai vợ chồng tôi muốn xin ngài cho chúng tôi làm một cái gì đó kỷ niệm cho cháu ngay trong khuôn viên của trường…

Ông chủ tịch vội ngắt lời người phụ nữ:

- Chúng tôi không thể dựng tượng cho tất cả những người đã từng học ở Harvard khi đã mất. Nếu có làm thì chỗ đó phải là nghĩa địa.

- Ồ không!

Người phụ nữ vội vã đáp: Chúng tôi không nói tới việc dựng tượng. Vợ chồng tôi muốn tặng cho trường một tòa nhà.

Vị chủ tịch nọ nhìn chằm chằm vào dáng vẻ của người phụ nữ với bộ đồ kẻ ca rô bạc màu và buột miệng:

- Một tòa nhà! Thế bà có biết tòa nhà trị giá bao nhiêu tiền không? Chúng tôi phải bỏ ra bảy mươi triệu rưỡi đô la mới dựng lên ngôi trường này đấy!

Người phụ nữ với dáng vẻ nghèo nàn im lặng trong giây lát, rồi quay sang nhìn chồng:

- Để xây dựng một trường đại học chỉ cần có bấy nhiêu thôi à? Thế tại sao chúng mình không tự xây lấy một cái nhỉ?

Người chồng gật đầu. Trước thái độ khinh thường của Hiệu trưởng Charles Eliot, thay vì hiến tặng cho Harvard, hai người khách đã đổi ý và nhã nhặn nói rằng họ chỉ muốn biết cần chi phí bao nhiêu để thành lập một trường đại học tại California thôi. Hiệu trưởng Charles Eliot trả lời:

- Theo tôi chỉ cần mười lăm triệu đô la là đủ...

      Sau cuộc nói chuyện trên, cặp vợ chồng nọ tìm tới vùng Palo Alto tiểu bang California, nơi họ bỏ ra bốn mươi triệu đô la (tương đương với số tiền hàng tỷ đô la bây giờ) để xây dựng nên một ngôi trường đại học mới mang tên con mình, chính là Trường đại học Tổng hợp Stanford. Người vợ mặc chiếc váy carô bạc màu cùng người chồng khoác bộ vải bông thô đã cũ mèm không phải ai khác, chính là ông bà Jane và Leland Stanford, một trong bốn gia đình giàu nhất Hoa Kỳ thế kỷ XIX”.

     Còn khá nhiều câu chuyện ly kỳ về trường đại học tổng hợp này, nhưng hiện tại Stanford gồm bảy trường thành viên, trong đó có nhiều trường được xếp hạng cao như Trường Giáo dục, Trường Kỹ thuật, Trường Luật, Trường Y khoa, Viện môi trường Woods… Khi bắt đầu vào hoạt động Stanford chỉ có vẻn vẹn năm trăm năm mươi chín sinh viên và mười lăm giảng viên. Suốt bốn mươi năm đầu từ ngày thành lập, tất cả các sinh viên học tại đây được miễn phí. Đến nay đội ngũ giảng viên của trường đã lên tới một ngàn bảy trăm năm mươi người với hơn sáu ngàn bảy trăm sinh viên, hơn tám ngàn nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Chương trình đào tạo của trường nhằm đào tạo được sự cân bằng về chiều sâu của kiến thức chuyên môn và chiều rộng của sự khám phá, do vậy Stanford lọt vào danh sách “các trường đại học mơ ước” của rất nhiều học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Một trong những sinh viên khóa đầu của trường là Herbert Hoover về sau đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, năm mươi tư người trong số các giáo sư, cán bộ và cựu sinh viên của trường nhận giải Nobel, ba mươi người là tỷ phú hiện còn sống và rất nhiều sản phẩm mà hàng tỷ người trên thế giới đang sử dụng hiện nay được phát minh từ những sinh viên của trường này.

    Chúng tôi qua một vườn tượng của Stanford, mô phỏng lại những nhân vật quan trọng của trường trong quá trình hình thành và phát triển. Vào trong là một không gian khá thoáng đãng, những tòa nhà kiến trúc hình chữ nhật tường màu vàng sáng và được nối với nhau bằng những lối có mái vòm bán nguyệt theo trường phái Richardsonian Romanesque. Bên trong cùng là một nhà thờ Thiên Chúa giáo rất cổ kính. Lúc này các loại máy ảnh, máy camera đang tích cực lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại đây. Khi đứng ở trung tâm một trường đại học tổng hợp nổi tiếng này tôi có tìm hiểu thêm về chương trình giáo dục tại Hoa Kỳ xem sao. Thì ra các tiểu bang tự hoạch định theo nhu cầu và điều kiện phát triển của địa phương mình. Tại Cali trong nhiều thập niên qua, học sinh không phải qua bất kỳ một kỳ thi tốt nghiệp nào. Chỉ cần học đủ khoảng hai trăm tín chỉ trong bốn năm cuối với điểm trung bình hai chấm là được cấp bằng. Các kỳ thi như STAR hay CST chỉ nhằm mục đích thu thập số liệu khảo sát học lực để giúp những nhà làm chính sách, giúp thày cô giáo nâng cao trình độ học sinh. Điểm của những bài thi này không ảnh hưởng gì đến điều kiện tốt nghiệp. Để tốt nghiệp trung học phổ thông tại Hoa Kỳ khá dễ dàng, nhưng để được nhận vào các trường đại học danh tiếng thì không phải đơn giản. Ngoài học giỏi ra, các em còn phải tích cực hoạt động trong các hội đoàn học sinh khác để phát triển khả năng lãnh đạo, giao tiếp và có đầu óc tổ chức. Vì thời gian có hạn chúng tôi phải tập chung ra vị trí ban đầu để vềSan Franciscođể khám phá những địa danh mới.

     Trời đã sang chiều, chiếc xe đưa anh em chúng tôi về Lombard Streetthuộc San Francisco. Đây là con phố nổi tiếng trên đồi Nga (Russian Hill) giữa các phố Hyde và Leavenworthcó đường phố dốc ngoằn ngoèo nhất hành tinh với tám đoạn cua hình sin khi hoa cúc cùng các loài hoa khác thi nhau đua sắc. Trong tôi bật ra dòng cảm xúc: “Có một đồi Nga ở ngoài nước Nga. Giữa bờ Tây ngợp tràn nắng gió. Con đường hoa ngoằn nghoèo trong nhớ. Chầm chậm chiều rơi ngập cả hồn thu”. Chúng tôi phải cuốc bộ từ dưới chân dốc lên đỉnh bằng lối dành cho người đi bộ bên trái, rồi sau đó xuống bằng lối bên phải. Mọi phương tiện giao thông trên đoạn đường dài bốn trăm mét này phải đi từ đỉnh dốc xuống dưới với tốc độ năm ki-lô-mét một giờ trên nền gạch đỏ. Những khúc cua được giải quyết hai mươi bảy phần trăm độ dốc tự nhiên của ngọn đồi, giúp cho việc lưu thông xe cộ được thuận tiện hơn. Hai bên là những dãy nhà cổ kính đắt giá với những hàng cây cảnh được cắt tỉa công phu hay những chùm hoa giấy đang vào mùa bừng lên một màu hồng rạng rỡ. Khi lên trên đỉnh dốc đó là đồi Nga với những tòa lâu đài mái vòm uy nghiêm và dòng người bất tận đổ về đây thưởng lãm. Theo hướng dẫn viên nói lại thì nếu du khách tới vùng đất này vào đầu tháng tư sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa mao lương rực rỡ căng tràn sức sống với mười sáu sắc màu lộng lẫy, không khác gì mùa hoa anh đào cuối tháng ba tại khu vực sông Potomac Washington DC.


     Sau bữa cơm chiều tại quán ăn Việt, người nào về khách sạn thì lên xe. Còn tôi và mấy thanh niên nữa bắt taxi rủ nhau đi khám phá phương tiện giao thông nổi tiếng, có lịch sử lâu đời duy nhất trên thế giới tạiSan Francisco. Vì thành phố này được cấu trúc bởi năm mươi ngọn đồi, nên từ năm 1873 người ta đã nghĩ ra xe cáp (Cable cars) để chuyên chở hành khách tới những đỉnh cao nhất của thành phố. Trước kia hệ thống xe cáp được bố trí dày đặc, nhưng ngày nay chỉ còn ba tuyến là Powell - Mason, Powell Hyde và phốCali. Khi lên xe chúng tôi phải mua vé với giá năm đô la cho một người, còn trẻ em được miễn phí. Có lẽ đây là phương tiện rẻ tiền và tốt nhất để cùng chia sẻ những cảm nhận độc đáo khi đến thămSan Francisco.

Sau bữa ăn sáng ngày cuối cùng tại thành phố biển này, mọi thành viên trong đoàn thu dọn hành lý rời khách sạn Doubletree để viếng thăm tiếp một số địa danh còn lại và chiều tối ra sân bay về nước. Thời tiết hôm nay thật tuyệt. Trời trong xanh, không khí dịu mát với những làn gió heo may tinh khiết, hương biển nồng nàn quyến rũ ở mảnh đất miền duyên hải này. Theo lịch trình chúng tôi tới Exploratorium, một viện bảo tàng khoa học nằm trong vô số các bảo tàng củaSan Francisco. Khi nghe cái tên, tôi cứ ngỡ nơi đây sẽ là những tòa nhà hiện đại dành cho việc công việc nghiên cứu, nhưng khi tới nơi mới thấy đây là một cung điện nghệ thuật nằm cách chân cầu Cổng Vàng không xa. Lối kiến trúc của bảo tàng như thành trì của người La Mã cổ đại với những cây cột lớn mấy người ôm không xuể và các họa tiết hoa văn vô cùng tinh xảo, tỷ mỷ. Ở trụ lớn nhất xung quanh được tạc mười thiếu nữ nâng tấm khăn dài vòng quanh cột, còn ở phần dưới tấm khăn giữa hai thiếu nữ là một đài hứng nước thật tinh tế. Ở trong mái vòm là những hoa giăng với nghệ thuật sắp đặt thật khéo léo. Hàng chục cột lớn dọc theo các lối đi tạo cho ta cảm giác như mình đang lạc vào một không gian của thế giới cổ đại. Còn sát hồ nước là một nhà tròn nom thật ấn tượng với hàng ngàn con thiên nga, diệc trắng đậu rợp bờ. Có những con đang thả mình trên dòng nước trong xanh với giấc ngủ yên bình. Trên hồ là mấy đài phun nước trào dâng những tia nước cao vút tới vài mét trắng xóa thật bắt mắt. Viện bảo tàng Exploratorium là nơi dành cho những người yêu thích tìm hiểu về khoa học, về thế giới khủng long. Ngoài các hiện vật như xương, sừng, hóa thạch cổ xưa, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng những bức tượng bé xíu hình nhân sư hay một con kiến hóa thạch từ châu Phi… Viện bảo tàng này được thành lập năm 1969 bởi khoa học gia nổi tiếng Frank Oppenheimer, là nơi vừa triển lãm khoa học vừa có những phần trưng bày cho người xem thực tập để tự tìm hiểu về các hiện tượng thiên nhiên. Các Exploratorim không chỉ là một bảo tàng, nó còn là nơi thăm dò liên tục của khoa học, nghệ thuật cũng như nhận thức, khám phá của con người. Hiện nay bảo tàng mở cửa đón các em học sinh đến học hỏi về khoa học. Không những thế, khi đến đây khách tham quan còn được thưởng thức trà và bánh miễn phí.

     Ngay sau đó chúng tôi đi tham quan tiếp một công trình trong tám cây cầu đẹp nhất hành tinh đó là Cầu qua vịnhSan Francisco-Oakland(BayBridge). Đây là cây cầu có thu phí bắc qua vịnh San Francisco, nối hai thành phố San Francisco và Oakland với hai trăm tám mươi ngàn lượt xe qua mỗi ngày, được xếp vào tốp dẫn đầu về phương tiện qua lại nhộn nhịp nhất Hoa Kỳ. Cầu có hai nhịp dây văng nối mỗi bờ với đảo Yerba Buena - một hòn đảo nhỏ nằm giữa vịnh. Công trình này được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 12 tháng 11 năm 1936, trước cầu Cổng Vàng sáu tháng. Chi phí xây cầu là bảy mươi chín triệu rưỡi đô (tương đương với số tiền hàng tỷ đô thời nay). Cầu có hai tầng, tầng dưới với năm làn xe dành cho tuyến đi từSan Franciscovà tầng trên dành cho chiều ngược lại. Theo thiết kế thì những phương tiện giao thông thủy dưới sáu mươi bảy mét mới được qua, còn chiều cao tổng thể của cầu là một trăm sáu mươi mét so với mực nước biển và tổng chiều dài gần mười bốn ki-lô-mét. Tôi có hỏi hướng dẫn viên được biết phí xe con qua cầu mất khoảng ba đô la, như vậy cũng quá “bèo” với thu nhập bình quân đầu người ở Hoa Kỳ.

     Để chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của cầu, xe rẽ trái qua đảo Yerba Buena và sang một bến tàu cá bên cạnh căn cứ hải quân thuộc đảo Treasure kế bên. Hôm nay trời trong xanh và xung quanh chúng tôi là biển, phía bên phải là những vô số thuyền bè màu xanh trắng đỗ san sát với những cột giăng buồm cao vút. Đứng ở góc độ này có thể ngắm được toàn cảnh vịnh và cây cầu đẹp đến nhường nào. Trên mặt biển xanh là những chú chim đang giang đôi cánh dạn dĩ chao lượn, nhiều lúc tôi cảm thấy chỉ cần cầm cái vợt là có thể bắt được chúng. Từ đảo Yerba Buena sang bên bờ đông, người ta đang xây dựng lại một cây cầu mới ngay cạnh cây cầu cũ, nghe nói đâu công trình này ngốn sáu tỷ tư đô với thời gian là mười hai năm xây dựng và mấy năm nữa mới hoàn thành.

     Sau đó chúng tôi quay ra cầu và về Fisherman Wharf, thường được gọi là bến Ngư Phủ. Đây là một điểm du lịch quan trọng của thành phố San Francisco và hàng năm thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Bến tàu cá này nằm ở phía đông bắc San Francisco bao gồm vùng bờ nước của thành phố từ quảng trường Ghirardelli, phía đông của phố Van Ness đến bến cảng số 35 và phố Kearny. Vào thế kỷ XIX bến tàu này được hình thành và ngày càng phát triển, nhưng đến nay chỉ còn một số tàu nhỏ phục vụ hải sản các nhà hàng nơi đây. Trải qua nhiều thế hệ, những di dân người Hoa và người Italia đã tiến hành khai thác thủy sản ở vùng Thái Bình Dương giàu tiềm năng này. Rồi sau đó bán lại cho các quầy dọc bến cảng, nhưng bây giờ còn quá ít ỏi sự việc này xảy ra, nhưng truyền thống lễ hội ở bến cảng vẫn được bảo tồn. Chiếc xe chở đoàn đến tấm biển biểu tượng của bến Ngư Phủ và hẹn nhau mười bảy giờ rưỡi tập chung về đây để đi ăn tối và ra phi trường. Lúc đầu mọi thành viên theo hướng dẫn viên để tham quan các điểm chính, những người có sở thích khác thì tự tách đoàn đi mua sắm hay đi du thuyền thăm vịnh. Trước mặt chúng tôi là những trò chơi biểu diễn, ca nhạc của các nghệ sĩ đường phố, các cửa hàng cửa hiệu bán đồ lưu niệm, các tiệm hải sản, rạp chiếu phim 3D, tiệm hoa quả bánh kẹo... đông nghịt du khách.

Chả mấy chốc chúng tôi tới cầu tầu 41, phía trước là biển xanh bao la, tàu bè tấp nập đi lại trong vịnh, đặc biệt là những du thuyền có cột buồm cao vút và những thuyền máy xuôi ngược, tạo lên một điểm nhấn cho không gian nơi đây. Phía xa xa kia là những dãy núi trùng trùng điệp điệp bao phủ một lớp sương mờ đẹp đến mê hồn. Cách bờ không xa là đảoAlcatrazvới diện tích gần năm héc ta nằm chềnh ềnh giữa vịnh. Nhác qua tôi thấy quen quen, hình như mình đã gặp ở đâu đó?

- Chắc ở phim trường? Mấy bạn trẻ nói.

- À đúng như vậy! Tôi trả lời.

Thế rồi hướng dẫn viên trần thuật lại về lịch sử hình thành và sự tồn tại của hòn đảo này.Alcatraztheo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là chim bồ nông, một loại chim có mỏ dài, dưới cổ có túi lủng lẳng để chứa thức ăn. Trước đây trên đảo có rất nhiều bồ nông. Đến thời kỳ chiến tranh Tây Ban Nha - Hoa Kỳ vào những thập niên 1850, thìAlcatrazlà một nơi trú ẩn của quân đội và là nơi nhốt tù binh. Đến năm 1934Alcatrazđược xây dựng vô cùng kiên cố với hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt, những họng súng sẵn sàng nhả đạn khi tù nhân trốn ra ngoài. Đây là nơi giam giữ những tội phạm khét tiếng. Có bốn khu biệt giam A, B, C, D được phân theo hạnh kiểm của tù nhân. Nếu phạm nhân nào ở khu D có nghĩa kẻ đó hết phương cứu chữa. Còn những kẻ tử tù thì bị giam trong một chiếc hố và đó là địa ngục thực sự. Trong quá trình cải tạo phạm nhân nào cải tạo tốt thì được chuyển tới khu tốt hơn, còn nếu cứng đầu cứng cổ thì bốn bức tường đá đang chờ sẵn. Tuy cách bờ có khoảng hơn hai ki-lô-mét nhưng không ai thoát được vì nước biển rất lạnh. Và, đây còn là nhà tù duy nhất của liên bang cho phạm nhân sử dụng nước nóng và các tiện nghi sang trọng, nên khi phạm nhân thoát được ra ngoài xuống biển cũng vội vàng quay lại. Trong bao nhiêu năm giam giữ tù nhân tạiAlcatrazcũng có hàng chục cuộc đào tẩu, nhưng hầu như chưa có tù nhân nào trốn thoát. Năm 1962 có ba tù nhân đã dùng muỗng ăn đào một đường hầm bí mật từ xà lim của mình thoát ra ngoài. Khi ra vịnh chúng đã leo lên những cái phao được kết bằng vải may áo mưa được thực hiện trong hàng năm trời. Chúng còn đánh lừa các viên cai ngục bằng làm các hình nộm làm từ xà phòng, giấy vệ sinh và tóc thật đặt trong xà lim. Lực lượng an ninh Hoa Kỳ đã “lọc từng khối nước” ở vịnh San Francisco và “bới từng mét vuông đất” tại các vùng lân cận, nhưng cũng không có kết quả. Cuộc vượt ngục của ba tên cướp ngân hàng này được coi là một trong những bí ẩn hấp dẫn nhất thời đại chưa thể lý giải được. Đây cũng là đề tài cho nhiều thước phim ngoạn mục đến nghẹt thở như phim “Birdman of Alcatraz” hay phim “The Rock” do các tài tử chuyên đóng vượt ngục là Nicolas Cage, San Connery... Đến năm 1963 nhà tù này đóng cửa và Alcatraz trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nó còn là nơi làm phim trường cho ngành điện ảnh Hoa Kỳ với những bộ phim vượt ngục đắt khách.

     Chúng tôi thả bộ dọc theo bờ vịnh thấy nhiều chú chim mòng dạn dĩ thật đáng yêu, chúng đậu trên các lan can gỗ sát mép vịnh. Trước mặt tôi là cả một vùng nước trong xanh bao la. Phía xa xa là những con tàu khách màu trắng toát đua nhau về bến. Muôn con sóng bạc đầu gối vào nhau tạo nên những âm thanh kỳ lạ. Không gian nơi đây trông như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Nhìn xuống mặt nước tôi không thấy một váng dầu nào vương vất, thế mới biết cách gìn giữ môi trường ở Hoa Kỳ thật tuyệt. Tới cầu tầu 39, đây là nơi neo đậu của đội tàu đánh cá sau những ngày ra khơi nay đang thả hồn trong giấc mộng. Bên cạnh đó là điểm lý tưởng của hàng trăm chú sư tử biển đang phơi mình trên các bè gỗ. Có chỗ một vài con, chỗ vài chục con. Chúng được Trung tâm Hải dương học Hoa Kỳ chuyên bảo tồn và nghiên cứu các loài động vật biển có vú theo dõi, giúp đỡ. Theo hướng dẫn viên thì mọi du khách có thể sớm nhận ra số sư tử biển độc thân cũng như hiểu thêm về sự thông minh và tính tinh nghịch của chúng. Các chú sư tử biển đực có thể phân biệt dễ dàng khi có kích thước to gấp từ hai đến bốn lần con cái và đầu có một chỏm “tóc”. Trung bình sư tử biển trưởng thành dài trên hai mét và nặng từ hai trăm đến ba trăm ki-lô-gam, đa số là màu lông sẫm. Hiện ở cầu tàu 39 có gần hai ngàn cá thể và tuổi thọ trung bình của chúng là hai mươi lăm năm. Thỉnh thoảng lại thấy tiếng kêu réo tỏ tình của một vài con, còn lại đa số chúng đang say sưa phơi mình trong nắng ấm. Nơi đây là “mái nhà” tốt nhất để loài sư tử biển về sinh sống và được luật pháp củaCaliforniabảo vệ.

     Đến lúc này thì chúng tôi không còn tập chung theo cả đoàn được nữa mà từng nhóm một tranh thủ thời gian tiếp tục tìm hiểu thêm những điểm còn lại. Vừa vào trong vài bước chân là các tiết mục văn nghệ ngoài trời đầy vui nhộn. Đây là chương trình biểu diễn đường phố miễn phí cả ngày và người xem lúc nào cũng đông nghịt. Rồi nhóm chúng tôi rủ nhau ra khu vực ẩm thực. Đây là thánh địa cho những ai yêu thích các món ăn hải sản, đặc biệt là cua. Những con to kềnh càng được gọi là cua Hoàng Đế. Tôi nói vui với mấy bạn thành phố Hồ Chí Minh: Ở Viễn Đông nước Nga, loại to nhất nặng trên hai chục ki-lô-gam, nên loại Hoàng Đế ởSan Franciscochỉ là con cháu chít chắt của cua Viễn Đông mà thôi. Nhưng chất lượng và mùi vị ở đây thì không thể chê vào đâu được. Tại bến Ngư Phủ này còn có lễ hội cua và đặc biệt nổi tiếng là cua Dungeness củaSan Francisco…

    Có lẽ bến cảng này là nơi lý tưởng cho khách du lịch bởi rất nhiều sự kiện văn hóa để giữ chân, mời gọi, nhưng chuyến công du của anh em tôi đã được sắp đặt theo lịch trình. Thời gian ở San Francisco có hạn, mọi người chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng đều cảm thấy cách làm du lịch của Hoa Kỳ rất bài bản. Một thành phố chưa tới một triệu dân mà lượng du khách gấp hơn ba lần lượng khách đến ViệtNam. Chính vì dòng người từ nhiều quốc gia đổ về đây tìm vàng từ thời gian trước và cũng chính từ mảnh đất bờ Tây màu mỡ này đã nảy sinh ra nhiều băng đảng tội phạm khét tiếng gốc Phi, gốc Á, gốc Trung Quốc... Ngoài ra tạiSan Franciscocòn khá nhiều người vô gia cư vào tốp nhất nhì Hoa Kỳ, nên trên đường phố gặp không ít người ăn xin ăn mày với đủ các tính cách và ngoại hình khác nhau.San Franciscocòn có một lịch sử thân thiện đối với người đồng tính. Đây là nơi thành lập tổ chức quyền của người đồng tính và là một trong số các điểm đến hấp dẫn nhất cho các du khách đồng tính quốc tế.

    Trời thu đã ngả chiều. Những vạt nắng cuối cùng trong ngày còn trải dài trên vịnh San Francisco. Gió thu nhè nhẹ thổi, mang theo hương biển nồng nàn của mảnh đất bờ Tây Hoa Kỳ. Thật khó nói thành lời phải xa San Francisco, một trong bốn mươi tư điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới, mà chúng tôi chưa có điều kiện khám phá hết. Biển xanh in bóng chiều tà. Nửa chìm bên đảo nửa xa bời bời. Bạc đầu con sóng buông lơi. Câu ca giã bạn bên trời hoàng hôn.

Ngọc Tô