/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

KHÁI QUÁT VỀ CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ CÁCH MẠNG NGUYỄN VĂN NGỌ

Từ một đốm lửa nhỏ cách mạng được nhen nhóm ban đầu đã mau chóng lan tỏa ra toàn vùng và được Đảng phát động đã bùng lên hòa cùng cả dân tộc...

 

KHÁI QUÁT VỀ CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ CÁCH MẠNG  NGUYỄN VĂN NGỌ

I – QUÊ HƯƠNG

      Nguyễn Văn Ngọ (bí danh là Ba Ngọ do Tổng Bí thư Trần Phú đặt cho), người con ưu tú của quê hương Hải Phòng, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và yêu nước. Ông sinh ngày 20 tháng 06 năm 1906 (Bính Ngọ) trong một gia đình nhà Nho tại thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng), một vùng quê thuần nông được bồi đắp bởi những giọt “Phù sa nồng thơm tuổi học trò” từ dòng sông Hóa. Hạ Đồng là một làng quê nằm ở vị trí tương đối trũng so với các vùng xung quanh, nên đất đai chỉ phù hợp với nghề trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản...

      Mảnh đất Cộng Hiền đã có từ xa xưa. Cách đây hàng ngàn năm, nơi đây là vùng bãi bồi hoang sơ, phần lớn là sú, vẹt, lau, sậy... Dần dần con người tới đây khai hoang lập ấp, dựng làng. Từ lúc chỉ có một vài dòng họ, nay đã có 35 dòng tộc với diện tích 616 héc-ta và hơn 7000 nhân khẩu.

      Thời tiền cổ trại Đồng (Hạ Đồng ngày nay) thuộc sở Tây Tạ huyện Vĩnh Lại (gồm Phụ Dực, Vĩnh Bảo và Ninh Giang ngày nay), phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Theo lịch sử của làng thì vào mùa thu năm Giáp Tuất, niên hiệu Chính Hòa thứ XV (1694), quan tri phủ cho lập địa giới hành chính làng, tổng. Lúc này tổng Hạ Am gồm 4 làng: Hạ Am, Cống Hiền, Hà Dương, An Quý. Còn trại Đồng thuộc sở Tây Tạ. Mọi đóng góp, hội hè... đều thuộc về Thượng Đồng (xã An Hòa ngày nay). Đến mùa hè Mậu Dần (năm 1698) cụ Nguyễn Phú Thuận bàn với các dòng tộc trong làng đổi trại Đồng thành thôn Hạ Đồng và được quan tri phủ chấp nhận địa giới hành chính này. Từ đó thôn Hạ Đồng ra đời và trưởng thôn (lý trưởng) đầu tiên là cụ Nguyễn Phú Thuận.

      Đến thời Khải Định năm thứ 9 (1925) nhà Vua phong sắc “Tự bảo quốc cung phi Thánh phu nhân”, tức là Thượng đẳng thần của làng Thượng Đồng, tổng Bắc Tạ (xã An Hòa ngày nay) có miếu thờ Bà thuộc dòng dõi họ Nguyễn Phú. Được biết cụ tổ Nguyễn Phú Thuận thuộc chi nhất ở Thượng Đồng (xã An Hòa ngày nay).

     Ngày 23 tháng 03 năm 1946 tại đình An Quý diễn ra hội nghị hợp nhất ba thôn là Hà Dương, Hạ Đồng, An Quý thành xã Cộng Hòa. Rồi ngày 24 tháng 03 năm 1946 tại đình Công – Hạ Am diễn ra hội nghị hợp nhất hai thôn Cống Hiền và Hạ Am thành xã Hiền Am. Đến ngày 28 tháng 03 năm 1947 tại đình làng An Quý đã diễn ra hội nghị đại biểu hợp nhất xã Cộng Hòa và Hiền Am thành xã Cộng Hiền, thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Đến cuối năm 1952 huyện Vĩnh Bảo được cắt về tỉnh Kiến An và từ ngày 27 tháng 10 năm 1962 Kiến An sát nhập vào thành phố Hải Phòng.

     Cộng Hiền còn biết đến bởi câu ca: “Quan làng Đồng, chuông làng Cống, trống làng Hạ, khoa bảng làng Dương, đình làng An Quý”. Mảnh đất nơi đây còn nổi tiếng bởi sự hiếu học: Từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI đã xuất hiện những hiền tài, học hành đỗ đạt cao như cụ Dương Đức Nhan danh thần đời Lê Thánh Tông khoa thi Quý Mùi năm 1463, đỗ Tam giáp đồng tiến sỹ, làm quan đến chức Hữu thị lang bộ hình tước dương xuyên hầu. Cụ là người đầu tiên của Việt Nam biên soạn cuốn “Cô kim thi gia tinh tuyển” gồm 5 tập 472 bài sưu tập thơ của 13 thi sỹ cuối đời Trần, Hồ, Lê. Cụ còn là nhạc phụ của danh nhân văn hóa nổi tiếng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài ra ở Cộng Hiền còn có cụ Nguyễn Duy Minh (1462) đỗ Đệ tam đồng tiến sỹ, xuất thân khoa thi năm Đinh Mùi (1487) làm quan đến chức Tả thị lang, v.v.

            Bố đẻ của ông Nguyễn Văn Ngọ là cụ Nguyễn Phú Huynh sinh năm 1881 mất ngày 16 tháng 3 năm Ất Mùi (năm 1955) tại quê nhà. Xuất thân trong một gia đình nông dân, từ nhỏ đã siêng làm và ham học. Sau này cụ có thời gian ngắn làm “trưởng thôn”, rồi chuyển sang làm nghề dạy chữ Nho. Đối với con cháu, cụ rèn giũa ý thức lao động, học tập và đạo lý làm người. Cụ là người có uy tín lớn đối với xã hội và giáo hội, đặc biệt là đối với công giáo. Cụ còn là Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công giáo đầu tiên của tỉnh Kiến An (nay là Hải Phòng) từ năm 1950. Thấy cảnh “Đất nước bao năm bị ngoại xâm giày xéo”, đời sống của người dân vô cùng cực khổ, cụ luôn có chí hướng giúp dân được an bình, xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, giáo dục cháu con theo nề nếp gia phong, sống có ích cho quê hương và xã hội.

     Mẹ đẻ ông Nguyễn Văn Ngọ là cụ Nguyễn Thị Hóa, một nông dân hiền lành, chất phác, hết lòng vì cháu con. Cụ sinh năm 1883 và mất ngày 07 tháng 04 năm Bính Thân (1956). Hai cụ sinh được 8 người con. Người con cả là ông Nguyễn Phú Thọ, sinh năm 1900 mất 02 tháng 08 năm Mậu Thân (1968), nguyên đại biểu HĐND xã Cộng Hiền khóa I. Người con thứ hai là ông Nguyễn Văn Chúc, sinh năm  1902 mất ngày 29 tháng 12 năm Ất Tỵ (1965), nguyên Chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã, nguyên Chủ tịch UB Hành chính Kháng chiến xã Cộng Hiền năm 1947. Người thứ ba là ông Nguyễn Văn Ngọ, nên thường gọi là Ba Ngọ, sinh năm 1906 hy sinh ngày 04 tháng 05 năm Giáp Ngọ (1954) tại Trung Quốc. Người con thứ tư là bà Nguyễn Thị Nghị, sinh năm 1909 mất ngày 08 tháng 10 năm Nhâm Thân (1992). Người con thứ năm là Liệt sỹ Nguyễn Văn Huống, sinh năm 1913 hy sinh ngày 13 tháng 07 năm Canh Dần (1950), Đảng viên năm 1944, nguyên Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Bảo. Người con thứ sáu là ông Nguyễn Văn Phì, sinh năm 1916 mất ngày 17 tháng 03 năm Tân Tỵ (2001), cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, nguyên Ủy viên Thường trực UBHC xã Cộng Hiền. Người con thứ bảy là bà Nguyễn Thị Định, sinh năm 1918 mất ngày 29 tháng 06 năm Quý Hợi (1983) và người con út là bà Nguyễn Thị Rựa, sinh năm 1920 mất ngày 29 tháng 05 năm Canh Dần (2010). Tất cả con trai cụ đều tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945.

    Truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương và gia đình đã nuôi dưỡng tâm hồn và tác động mạnh mẽ đến sự hình thành chí hướng vì nước, vì dân của nhà cách mạng Nguyễn Văn Ngọ.

 

II- THỜI NIÊN THIẾU

 

            Nguyễn Văn Ngọ (Ba Ngọ) là con trai thứ ba trong gia đình, hiếu học, tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, nhạy cảm với thời cuộc. Còn nhỏ học tại nhà do gia đình thuê thày đồ về dạy, nổi tiếng là một học sinh thông minh, lanh lợi. Thời ấy Vĩnh Bảo thuộc Hải Dương nên vào những năm 1920 – 1924, chàng thanh niên Nguyễn Văn Ngọ học ở Trường Khuyến học Hải Dương (Trường Tư thục do Linh mục Hạnh, người Tây Ban Nha mở). Nguyễn Văn Ngọ được gia đình cho đi học để sau này làm linh mục, hoặc làm trưởng thôn (lý trưởng). Nhưng không hiểu sao Nguyễn Văn Ngọ lại bỏ học và sang học ở Trường Pháp Việt của tỉnh Hải Dương. Sau đó ông thi đỗ và học tại Trường Trung học Bảo Hộ (Bưởi) Hà Nội (nay là Trường Phổ thông Trung học Quốc gia Chu Văn An). 

     Lúc ấy phong trào của trí thức đòi ân xá cho Phan Bội Châu bùng nổ, đặc biệt là giới học sinh sinh viên. Nếu có thời gian rảnh rỗi là chàng thanh niên Nguyễn Văn Ngọ lại nghiên cứu tập sách “Đạo đức và luân lý Đông Tây” của Phan Châu Chinh hay tác phẩm “Pháp Việt đuề huề” và bản án của Phan Bội Châu cùng các sách báo khác. Những trang sách này thật bổ ích, đã khơi gợi lòng yêu nước trong anh.

    Khi nhà yêu nước Phan Chu Trinh mất ngày 24 tháng 03 năm 1926, Nguyễn Văn Ngọ đã đứng ra tổ chức toàn trường làm lễ truy điệu cụ Phan và ngay sau đó bị đuổi học. Trong những năm ấy, số thanh niên ở Vĩnh Bảo thoát ly gia đình ra thành phố làm việc, học tập là những thanh niên yêu nước, căm ghét chế độ thực dân phong kiến tàn ác. Do có nhận thức, họ tiếp cận với phong trào đấu tranh mãnh liệt của giai cấp công nhân và học sinh, sinh viên, nên họ đã nhanh chóng đi theo con đường cách mạng vô sản và Nguyễn Văn Ngọ là người tiêu biểu của lớp thanh niên Hải Dương thời bấy giờ. Trong thời niên thiếu này Nguyễn Văn Ngọ có một người bạn tri kỷ, cùng học trường Pháp Việt - Hải Dương, rồi trường Bưởi Hà Nội đó là Đỗ Ngọc Du, tức Phiếm Chu, quê gốc ở Thanh Trì – Hà Nội.

 

III- QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

1- TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 (1926 – 1945)

            Theo cuốn Lịch sử Đảng Bộ Hải Phòng xuất bản năm 1991 (tr. 1 và tr. 70) thì từ năm 1926, đồng chí Đỗ Ngọc Du (sau là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội) và đồng chí Nguyễn Văn Ngọ đã về Hải Phòng tuyên truyền cách mạng lập nhóm Việt Nam cách mạng thanh niên của địa phương. Cuối năm 1926, Nguyễn Tường Loan tiếp tục xây dựng phong trào, kết nạp Lê Ngọc Dư, Lê Mạnh Hiến, Nguyễn Hới vào Việt Nam cách mạng thanh niên, tạo ra nhiều ảnh hưởng đối với giai cấp công nhân, học sinh, sinh viên và thủy thủ. Đến đầu năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Hải Phòng được thành lập do Nguyễn Tường Loan làm Bí thư, Lê Ngọc Dư, Lê Mạnh Hiến là ủy viên. Trụ sở đặt tại số 7 ngõ Quảng Lạc (ngõ Mạc Đĩnh Chi ngày nay), Cầu Đất, Hải Phòng. Như vậy ta có thể khảng định rằng: Nguyễn Văn Ngọ bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1926.

   Đầu năm 1927 Nguyễn Văn Ngọ gia nhập Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và làm Đảng đoàn trong Quốc dân Đảng do Tổ chức của ta bố trí. Đến giữa năm 1929 thì Quốc dân Đảng thất bại lần thứ nhất. Họ có chủ trương bạo động và cũng có chủ trương cải tổ. Nguyễn Văn Ngọ không tán thành phái bạo động mà đứng về phía cải tổ. Lúc đó Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội giải tán để thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Nguyễn Văn Ngọ không làm việc trong Việt Nam Quốc dân Đảng nữa và vận động anh em cùng xin đi vô sản hóa để gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương.

   Tháng 3 năm 1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, 7 thành viên trong Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Bắc Kỳ quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên (gồm Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân). Chi bộ này chủ trương tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Trên cơ sở đó, Chi bộ tích cực chuẩn bị để đi đến thành lập một Đảng Cộng sản thay thế cho Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Lúc này chủ nghĩa Mác – Lê nin đang được truyền bá rộng khắp cả nước làm cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có Tổ chức chính trị lãnh đạo. Các Tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập.

       Ngày 17 tháng 06 năm 1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội. Hội nghị các đại biểu tiên tiến trong Tổ chức Thanh niên Bắc Kỳ đã họp, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, ra Chính cương, Tuyên ngôn, nêu rõ đường lối của Đảng là phải làm cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp vô sản lãnh đạo, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hành liên hiệp công – nông. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã thúc đẩy phong trào cộng sản trong nước phát triển mạnh mẽ. Đến tháng 8 năm 1929 được đồng chí Ngô Gia Tự giới thiệu, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Ngọ gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương. Đây cũng là mốc son lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sỹ cộng sản quê Vĩnh Bảo, Hải Dương (nay là Hải Phòng).

  Vào thời gian đồng chí Nguyễn Văn Ngọ vừa đứng trong hàng ngũ của Đảng (08/1929) thì cũng là sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng tại Nam Kỳ. Đến tháng 10 năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng họp tại Sài Gòn, rồi cử ra Ban Chấp hành lâm thời và ra Điều lệ...

  Trong quá trình chuyển hóa dưới tác động của luồng gió cách mạng, phong trào công nhân, nhất là Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, Việt Nam nghĩa đoàn – Một tổ chức yêu nước tiến bộ theo khuynh hướng quốc gia, đã trải qua nhiều biến thiên và cải tổ, thay đổi tên nhiều lần: Việt Nam nghĩa đoàn đổi thành Hội Phục Việt, rồi đến Hưng Nam và Việt Nam Cách mạng Đảng, đến tháng 7 năm 1928 gọi là Tân Việt Cách mạng Đảng. Từ khi tổ chức này tiếp cận và tiếp nhận sự giáo dục chính trị đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Sau các hội nghị của các Đảng viên nòng cốt, tháng 9 năm 1929, những Đảng viên ưu tú trong Đảng Tân Việt ra tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

    Ba tổ chức Đảng ra đời, đều hoạt động biệt lập trong một quốc gia, đều ra Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ, đều khẳng định mục tiêu đấu tranh cho lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, đã dẫn đến nguy cơ bị chia rẽ. Yêu cầu bức thiết được đặt ra là cần có một Đảng Cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Từ ngày 06 tháng giêng đến ngày 07 tháng 2 năm 1930, Hội nghị hợp nhất các Tổ chức cộng sản họp tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Tham dự hội nghị có các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh; An Nam Cộng sản Đảng  là Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm; Còn Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã thành lập, song chưa có liên hệ, chưa cử được đại biểu tới dự. Hội nghị nhất trí thành lập một Đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt được coi là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

     Trong thời gian ở Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Nguyễn Văn Ngọ được làm việc trực tiếp với các đồng chí ở Kỳ bộ Bắc Kỳ như: Ngô Gia Tự, Dương Hạc Đính... Sau đó tại Hà Nội xảy ra vụ án Dương Hạc Đính, một số ít cán bộ thoái hóa biến chất, phản bội Đảng, do đó Nguyễn Văn Ngọ phải bỏ trốn lên Lào Cai ở nhà cụ Chánh Kiện. Tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng: Đi vô sản hóa, vận động công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, đấu tranh vận động nông dân Dương Am, Ngãi Am, Vĩnh Bảo và nông dân các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hòa Bình…

      Trong những năm 1927 – 1929, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội phát triển mạnh, khi phong trào đấu tranh cách mạng của nông dân Vĩnh Bảo lên cao. Nguyễn Văn Ngọ được Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội cử về Vĩnh Bảo - Hải Dương tuyên truyền vận động xây dựng cơ sở cách mạng. Bước đầu vận động người thân trong gia đình là những anh em ruột thịt như Nguyễn Phú Thọ, Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Văn Huống, Nguyễn Văn Phì.. Sau đó tìm gặp số thanh niên tiến bộ khác có tâm huyết để tuyên truyền giác ngộ cách mạng làm nòng cốt: Nguyễn Kim Vàng (Cống Hiền – Cộng Hiền), Nguyễn Văn Nghĩ, Nguyễn Văn Nghi (Lạng Am – Lý Học), Nguyễn Văn Bé (Tiên Am – Vĩnh Tiến)… Rồi tập hợp quần chúng vào một tổ chức trá hình thích hợp và đã thành công như: Tổ chức Hội Lò chũ (Liên Am), Hội Thợ mộc (Cổ Am), Hội Thợ xây (Tiên Am – Vĩnh Tiến), Hội Thợ gặt (Quán Khái – Vĩnh Phong)… Các hình thức tổ chức đó tạo cơ sở cho phong trào đấu tranh cách mạng sau này.

            Đến giữa năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Ngọ là Xứ ủy viên Bắc Kỳ được phân công về tăng cường cho phong trào cách mạng ở Thái Bình. Ngay mấy hôm sau, đồng chí Trần Phú về kiểm tra tình hình tại đây đã bổ sung Nguyễn Văn Ngọ vào Thường vụ Tỉnh ủy và giao nhiệm vụ trọng trách trực tiếp chỉ đạo các cuộc biểu tình của nông dân ở Tiền Hải, Duyên Hà - Tiên Hưng. Đây là một trong những cuộc đấu tranh tiêu biểu ở Bắc Kỳ đã đi vào lịch sử dân tộc. Như một hiệu lệnh mở đầu cho các cuộc đấu tranh trong toàn xứ Bắc Kỳ. Thường vụ Trung ương khi đó đánh giá: “Ở  Bắc Kỳ thì phong trào khá nhất là ở Thái Bình… Cuộc biểu tình đẫm máu ở Tiền Hải có thể là bước đầu cho cuộc đấu tranh gay gắt nhất ở Bắc Kỳ” (Theo Tổng hợp từ Địa chí Thái Bình và Lịch sử Đảng bộ Thái Bình, Báo điện tử Thái Bình ngày 5/3/2015).

 
Nhà cách mạng Nguyễn Văn Ngọ (1906 - 1954)  

            Cùng thời gian này, ở Vĩnh Bảo có cuộc nổi dậy giết tên tri huyện Hoàng Gia Mô vào ngày 15 tháng 02 năm 1930 thì ngày 17 tháng 2 năm 1930 tên Cung Đình Vận, tuần phủ Vĩnh Bảo cho lính về làng Hạ Đồng, truy lùng săn bắt Nguyễn Văn Ngọ - Xứ ủy viên Bắc Kỳ, vì chúng nghi có liên quan đến việc tổ chức giết tên tri huyện. Không bắt được Nguyễn Văn Ngọ, chúng điên cuồng đốt phá, hủy diệt nhà cửa của cụ Nguyễn Phú Huynh (thân sinh ra Nguyễn Văn Ngọ). Để tránh sự truy lùng của địch, Nguyễn Văn Ngọ đã chọn gian cung thánh ngôi nhà thờ họ giáo Hạ Đồng làm nơi ẩn dật, đi về, ăn ở, làm việc, gặp gỡ, liên lạc với cơ sở cũng như các đồng chí cán bộ khác. Mọi sự liên lạc, đưa đón, công tác bảo vệ đều qua khu lán bè tre gỗ ở đầu làng và có ám hiệu riêng được giao cho một người tin tưởng nhất là ông Trần Văn Núi. Còn một cơ sở khác nữa là nhà cụ Nguyễn Thị Tiến ở Lạng Am – Lý Học – Vĩnh Bảo.

     Nguyễn Văn Ngọ là người cộng sản luôn bám đất, bám dân, nêu cao tinh thần đấu tranh giai cấp, nắm chắc cơ sở và giúp đỡ quần chúng giác ngộ cách mạng. Đồng chí đã khẳng định: “Làm cách mạng thành công hay thất bại, làm tốt hay xấu đều diễn ra từ cơ sở. Vì thế phải chăm lo cho dân, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh”...

            Ngày 14 tháng 10 năm 1930, Nguyễn Văn Ngọ cùng hai đồng chí của mình là Nguyễn Xuân Hàm và Phạm Hữu Thủy trực tiếp tổ chức việc treo biểu ngữ trước cửa Nhà hát lớn thị xã Thái Bình, để phản đối thực dân Pháp đàn áp dã man cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải và kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga. Địch đã tìm ra đầu mối và truy bắt được cả ba người. Tổng đốc tỉnh Thái Bình lúc đó là Vi Văn Định luôn được miêu tả như một viên quan thét ra lửa đã trực tiếp chỉ đạo tra khảo Nguyễn Văn Ngọ và giam chính phạm ngay trong phủ. Vi Văn Định thấy: Dù có đánh đến chết, Nguyễn Văn Ngọ cũng không hé răng nửa lời, nên Tổng độc họ Vi đã chuyển sang dùng mỹ nhân kế. Người con gái  rượu nết na, xinh đẹp của Vi Văn Định thường xuyên vào thăm hỏi ân cần, dụ dỗ Nguyễn Văn Ngọ. Ngược lại bằng sự cảm hóa của mình, người con gái ấy đã có cảm tình với chàng thanh niên thư sinh họ Nguyễn này. Có lần chúng đánh đồng chí ngất xỉu, người con gái họ Vi kia đã ngấm ngầm đem mật gấu đưa cho Tu (Tu là một trong số 13 lính gác của Tổng đốc Vi Văn Định, duy nhất là người Kinh, còn lại đều là người dân tộc) nhờ chuyển cho Nguyễn Văn Ngọ, nhưng đồng chí kiên quyết chối từ. Sau đó đồng chí bị kết án và đầy đi các nhà tù ở Hải Phòng, Sơn La. Đến tháng 9 năm 1931 tại tòa Thượng thẩm, Nguyễn Văn Ngọ bị coi là “người trọng yếu” cùng với Phạm Quang Lịch, Nguyễn Văn Phúc, Quách Đình Thát, Nguyễn Thế Long, Đặng Trần Quý bị kết tội “khuynh đảo Chính phủ”, chịu 20 năm khổ sai, mức án nặng nhất và bị đầy đi Côn Đảo với các cuộc tra tấn “thừa sống thiếu chết”.(Theo tài liệu các tù chính trị Côn Đảo quê Thái Bình). Nhưng người cộng sản kiên trung ấy vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, vẫn một lòng tin vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng đất nước.

      Tháng 5 năm 1936 Mặt trận Bình dân Pháp giành chiến thắng có ảnh hưởng lớn tới phong trào cách mạng Việt Nam, nhiều tù nhân chính trị được thả, trong đó có Nguyễn Văn Ngọ. Đầu năm 1937 theo chỉ đạo của tổ chức, đồng chí được bố trí bí mật về quê dưỡng bệnh tại ngôi nhà thờ đạo Thiên Chúa giáo thôn Hạ Đồng và một cơ sở cách mạng ở thôn Lạng Am, xã Lý học là nhà cụ Nguyễn Thị Tiến. Sự chăm sóc chu đáo của người thân trong gia đình cùng với tấm lòng yêu mến của những người tiến bộ ở địa phương, đã lo toan tiền gạo thuốc thang, bảo vệ, liên lạc...chu đáo cho đồng chí. Công lao lớn nhất phải kể đến bà mẹ đẻ Nguyễn Thị Hóa, ông Trần Văn Núi và cụ Nguyễn Thị Tiến. Trong thời gian đồng chí Nguyễn Văn Ngọ dưỡng bệnh tại Vĩnh Bảo thì các đồng chí Lê Thanh Nghị, Vũ Dương, Nguyễn Nghĩ, Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Đức Vận, Trần Kiên, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Văn Ước, Trịnh Khắc Vần… thường đến bàn bạc, trao đổi, thăm nom và bàn cách phát triển phong trào cách mạng.  

     Sau khi sức khỏe bình phục, Nguyễn Văn Ngọ tiếp tục đi hoạt động ở Hà Nội. Năm 1938, đồng chí tham gia phong trào bình dân chống phát xít, phụ trách giới trí thức và tiểu thương ở Hà Nội. Rồi làm phóng viên báo Thời Nay, nhưng Nguyễn Văn Ngọ vẫn luôn quan tâm đến phong trào cách mạng ở quê nhà. Đồng chí chuyển các báo Lao Động, Dân Chúng, Thời Nay…. bằng đường dây liên lạc tới các cơ sở ở Vĩnh Bảo, Hải Dương qua các người anh em ruột là Nguyễn Phú Thọ, Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Văn Huống, Nguyễn Văn Phì... đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ quần chúng trong phong trào đấu tranh cách mạng.

            Trong khi phong trào cách mạng ở Vĩnh Bảo có tiến triển tốt, một số cán bộ cốt cán đề nghị thành lập tổ chức Đảng và xin ý kiến đồng chí Trần Huy Liệu cùng đồng chí Lê Thanh Nghị và được trả lời: “Làm công tác tổ chức không được nóng vội và phải chờ thời cơ chín muồi…”. Đồng chí Nguyễn Văn Ước là cán bộ cốt cán của Vĩnh Bảo rất lo lắng, sau đó lên Hạ Đồng tìm gặp Nguyễn Văn Ngọ mới từ Hà Nội về để trình bày ý kiến của mình. Sau khi nghe xong, Nguyễn Văn Ngọ có nói: “Mình ủng hộ các ông, nhưng phải có đủ điều kiện, cấp trên mới cho thành lập”. Điều kiện cần và đủ đó là: “Cần phải bồi dưỡng phát triển thêm cán bộ cốt cán, đủ số lượng Đảng viên theo Điều lệ, đẩy mạnh phong trào đấu tranh hơn nữa…chỉ thời gian ngắn nữa thôi là Vĩnh Bảo đủ điều kiện đấy…”. Nghe đến đây, Nguyễn Văn Ước cảm thấy sáng ra và về bàn với các đồng chí cốt cán khác đẩy mạnh phong trào cách mạng của huyện cũng như phát triển Đảng viên mới. Một thời gian ngắn sau Trịnh Khắc Dần được đứng trong hàng ngũ của Đảng và Đào Trọng Khoan là đối tượng đầy triển vọng.

            Ngày 8 tháng 8 năm 1938, tại nhà đồng chí Trịnh Khắc Dần ở Cổ Am, đồng chí Thành Ngọc Quản cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ về dự tổ chức kết nạp Đào Trọng Khoan vào Đảng và cũng tại buổi lễ này đã tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương gồm 3 Đảng viên (Ước, Dần, Khoan), Nguyễn Văn Ước được chỉ định làm Bí thư Chi bộ.

            Đây là Chi bộ nông thôn đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, đóng góp với phong trào chung của tỉnh Hải Dương, từ đây mọi hoạt động và sự phát triển của phong trào cách mạng đều gắn liền với sự lãnh đạo của Chi bộ, của Tổ chức Cộng sản ở huyện Vĩnh Bảo. Vào thời điểm này tỉnh Hải Dương chưa có Đảng bộ, mà các Chi bộ Đảng đều chịu sự lãnh đạo của Liên tỉnh B và Xứ ủy Bắc Kỳ.

      Trước đòi hỏi phong trào cách mạng trong tỉnh phải có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ. Ngày 10 tháng 6 năm 1940 diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ Hải Dương tại nhà cụ Lê Thị Thạch ở Tạ Xá (xã Hợp tiến, huyện Nam Sách). Liên tỉnh B đã chỉ định Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm ba đồng chí là Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn và Nguyễn Tấn Phúc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được bầu làm Bí thư.

            Năm 1939 đồng chí Nguyễn Văn Ngọ hoạt động ở báo “Ngày Nay” tại Hà Nội. Thế rồi vào tháng 9 năm 1939 chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương càng ra sức khủng bố đàn áp phong trào cách mạng. Đảng phải đi vào hoạt động bí mật. Nguyễn Văn Ngọ phải làm nghề buôn gỗ, tre nứa và nhiều ngành nghề khác để hoạt động. Sau đó lại bị đế quốc Pháp bắt và đầy đi bị đầy đi căng Bắc Mê (Hà Giang), Nghĩa Lộ (Yên Bái) rồi Bá Vân (Thái Nguyên). Trong nhà tù, mặc dù sức khỏe bị giảm sút do các đòn tra tấn của kẻ thù qua các nhà tù từ năm 1930 đến năm 1936, song đồng chí vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, cùng Chi bộ nhà tù tổ chức liên tục đấu tranh và tìm mọi cách để liên lạc với tổ chức Đảng ở Vĩnh Bảo – Hải Dương, qua anh em ruột là Nguyễn Phú Thọ, Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Văn Huống, Nguyễn Văn Phì. Cùng năm đó, sau một tháng Nguyễn Văn Ngọ bị bắt thì người vợ thân yêu của mình là nữ chiến sỹ cách mạng Triệu Thị Đỉnh (Đảng viên năm 1930) cũng bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai. Sau khi chúng tra tấn, dụ dỗ, nếu nhận làm tay sai cho chúng, thì chúng hứa sẽ thả chồng là Nguyễn Văn Ngọ, song bị đồng chí Triệu Thị Đỉnh cự tuyệt.

            Trong nhà tù đế quốc, dù bị tra tấn tàn khốc, nhưng lập trường của hai vợ chồng Đảng viên tiên phong này vẫn vững vàng, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng. Nguyễn Văn Ngọ thông qua cơ sở Đảng ở nhà tù vẫn thường xuyên liên lạc và chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa những năm tiếp theo để giành độc lập.  

            Đầu năm 1945, phát xít Nhật liên tiếp bị thất bại trên mặt trận Thái Bình Dương. Mâu thuẫn Nhật Pháp ở Đông Dương ngày càng gay gắt. Đêm ngày 09 tháng 03 năm 1945, để độc chiếm Đông Dương, Nhật nổ súng đảo chính Pháp. Hội nghị Trung ương Đảng được triệu tập. Nội dung hội nghị được thể hiện trong chỉ thị lịch sử là: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cũng vào đầu năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Ngọ ra được tù, về với quê hương, với gia đình bao năm xa cách. Nhưng tổ ấm gia đình không giữ được chân người chiến sĩ cách mạng, Nguyễn Văn Ngọ đã bắt được liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ và tiếp tục hoạt động.

            Thời gian này, Ban Cán sự Đảng tỉnh Hải Dương quyết định thành lập Ban Cán sự Mặt trận Việt Minh huyện Vĩnh Bảo. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọ được điều về Vĩnh Bảo chỉ đạo việc này và liên lạc với đồng chí Vũ Dương (ra tù tháng 2 năm 1945), đồng chí Nguyễn Văn Ước (ra tù tháng 3 năm 1945) và đồng chí Dần cùng nhau bàn bạc thực hiện bằng được quyết định trên.

     Trước mắt phải tập hợp nhanh lực lượng quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng vũ trang, củng cố phát triển Đảng. Ban Cán sự Đảng phân công mỗi người phụ trách một tiểu khu. Nguyễn Văn Ngọ  cùng Nguyễn Văn Ước triệu tập Hội nghị thanh niên toàn huyện tại xã Dũng Tiến phổ biến chương trình cứu nước của Việt Minh. Sau Hội nghị này các tổ chức đoàn thể cứu quốc được thành lập.

            Từ đầu tháng 4 đến tháng 7 năm 1945, Tỉnh ủy Hải Dương liên tiếp mở các cuộc họp ở Gia Lộc, Thanh Miện, Tứ Kỳ phổ biến chủ trương của Tổng bộ Việt Minh và có những chủ trương cụ thể chỉ đạo các địa phương tích cực chuẩn bị lực lượng cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị Tỉnh ủy tại Đông Thôn (Thanh Miện) tháng 6 năm 1945 giao nhiệm vụ:

- Huyện Vĩnh Bảo đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền vận động đông đảo quần chúng tham gia mặt trận Việt Minh.

- Tập hợp những Đảng viên vừa ở nhà tù đế quốc về hoạt động.

- Gấp rút chuẩn bị lực lượng để đón lệnh khởi nghĩa giành chính quyền.

      Tháng 7 năm 1945 đồng chí Nguyễn Văn Ngọ, đồng chí Nguyễn Văn Ước triệu tập Hội nghị Việt Minh tại thôn An Bồ xã Dũng Tiến để thống nhất Mặt trận Việt Minh huyện và thành lập đội tự vệ huyện Vĩnh Bảo. Tiếp sau đó đồng chí Nguyễn Văn Ngọ, đồng chí Nguyễn Văn Ước tổ chức Hội nghị Cán sự Việt Minh tại Lạng Am – Lý Học. Tại hội nghị này mới chính thức thành lập Ủy ban Mặt trận Việt Minh lâm thời huyện Vĩnh Bảo gồm các đồng chí (Ngọ, Dần, Nghĩ, Huống, Tuynh…) do đồng chí Nguyễn Văn Ngọ làm Chủ tịch.

      Ngày 20 tháng 8 năm 1945, Vĩnh Bảo giành được chính quyền. Sáng ngày 22 tháng 8 năm 1945 nhân dân Vĩnh Bảo từ các xã xa xôi đến các xã gần huyện đã nô nức kéo nhau về trung tâm huyện mít tinh chào đón chính quyền cách mạng ra đời. Không khí cách mạng thật sôi động. Ban khởi nghĩa tuyên bố cách mạng thắng lợi và các thành viên của Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện ra mắt trong tiếng hô, tiếng trống vang dậy. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọ chính thức làm Chủ tịch, đồng chí Đào Trọng Nhiễm và Phạm Văn Chương làm Phó Chủ tịch.

    Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi ở Vĩnh Bảo là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà đại diện là Chi bộ Đảng Cộng sản huyện. Các Đảng viên cộng sản, những thành phần quần chúng ưu tú trung kiên, những người con tiêu biểu của quê hương cách mạng dù bị địch cầm tù, tra tấn tàn ác, nhưng vẫn một lòng trung thành với Đảng, với nhân dân. Từ một đốm lửa nhỏ cách mạng được nhen nhóm ban đầu đã mau chóng lan tỏa ra toàn vùng và được Đảng phát động đã bùng lên hòa cùng cả dân tộc làm cuộc tổng khởi nghĩa vĩ đại nhất trong lịch sử cách mạng nước ta.

(Còn tiếp) 



TÀI LIỆU THAM KHẢO:

-         Lịch sử Đảng Cộng sản ViệtNam

-         Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình

-         Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương

-         Lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng

-         Nhân vật lịch sử Hải Phòng tập II (NXB HP 2001)

-         Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo

-         Lịch sử Đảng bộ xã Cộng Hiền

-         Hồ Chí Minh – Tiểu sử

-         Dư địa chí tập I

-         Những tư liệu gốc tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng

-         Ghi chép tay của đồng chí Nguyễn Văn Ngọ

-         Ghi chép tay của ông Nguyễn Văn Phì

-         Ghi chép tay của bác Nguyễn Văn Uẩn

-         Bách khoa toàn thư mở và một số tài liệu khác.
 

                                         Ngọc Tô biên soạn