VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Văn xuôi
KHÁI NIỆM CHUNG VỀ THẦN SẮC
Qua quá trình nghiên cứu và được tiếp cận với rất nhiều Sắc phong thần, gọi tắt là Thần sắc.KHÁI NIỆM CHUNG VỀ THẦN SẮC
Qua quá trình nghiên cứu và được tiếp cận với rất nhiều Sắc phong thần, gọi tắt là Thần sắc. Còn trong “văn nói” hay “viết tắt” nhiều người dùng ngắn gọn là Sắc phong cũng chẳng sai, nhưng hai từ Sắc phong còn có nghĩa khác như “Công lệnh”, hay “Lệnh chỉ”, hay như Quyết định của Chủ tịch nước ngày nay…
Chúng tôi chưa được tiếp cận với các Thần sắc từ thời Hồng Ninh (1591 - 1592) trở về trước, mà mới chỉ tiếp xúc với các Thần sắc của 3 triều đại là Lê Mạt (1592 - 1788), Tây Sơn (1778 - 1802) và Nguyễn (1802 - 1945) của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cả ba triều trên đều có Thần sắc, phản ánh quyền uy tối thượng của nhà vua. Nó còn thể hiện “con Trời” xuống dân gian để cai quản thần dân, nên không chỉ trị vì muôn dân trong thế giới trần tục, mà còn cai quản cả thế giới thần linh. Đây là loại hình di sản tư liệu đặc thù, tước hiệu cao quý mà nhà vua ban tặng, từ xưa tới nay được coi như báu vật của các làng xã. Các đoạn cuối của Thần sắc, bao giờ cũng nhắc lại lời vua gửi tới thần là phải “bảo ngã lê dân” (bảo vệ, che chở cho dân) và ra lệnh “khâm tai” (hãy tuân theo Sắc lệnh này), để nhắc nhở thần cùng muôn dân phải thực hiện nghiêm minh.
Thần sắc còn là cơ sở xác nhận danh chức, danh tước, công trạng của các danh nhân lịch sử, được làng xã tôn thờ. Các vị Dương thần (hay còn gọi là Nhân thần) là những nhân vật lịch sử có công với nước, thường gọi là Phúc thần, hay các đấng thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên... Đối tượng được phong thần ở Thần sắc cũng có thể là thường dân, nhưng có công khai hoang lập ấp, truyền dạy nghề thủ công, hoặc có công đức lớn với cộng đồng… gắn liền với truyền thống lịch sử làng xã. Với các bề tôi có công với nước, thì triều đình phong sắc thăng thưởng chức tước, quan lộc, kiến địa (cấp đất)... Với các vị thần được địa phương tôn thờ ở phủ, đền, miếu, đình… thì triều đình ban tặng Thần sắc với các mỹ tự được gia tặng, hay nguyên tặng (giữ nguyên) như trước.
.
.
Nhiều đạo (sắc) chứa đựng nhiều thông tin có giá trị góp phần bổ sung, lý giải một số tồn nghi trong lịch sử. Thần sắc còn là cơ sở xác nhận danh chức, danh tước, công trạng một số danh nhân lịch sử, được làng xã tôn thờ. Nó còn là nguồn tư liệu quý giá để khẳng định một nhân vật lịch sử nào đó có thật, hay chỉ là “nhân vật trong truyền thuyết” mà thôi.
Các văn bản này, với tính độc đáo, độc bản, đặc trưng và quý hiếm, thể hiện truyền thống đáng tự hào của làng xã, gia tộc ở mỗi địa phương, nên được xem là nguồn văn bản quan trọng, có giá trị và ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về nhiều phương diện liên quan đến lịch sử văn hóa nước nhà, cũng như các yếu tố chuyên môn trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội.
Quy trình phong sắc được tổ chức khá nghiêm ngặt và chính xác. Các thần (Thành hoàng) chỉ từ năm Tự Đức thứ 3 (1850) trở về sau, được chia làm ba hạng gồm: Tôn thần (Hạ Đẳng thần), Trung Đẳng thần và Thượng Đẳng thần.
- Tôn Thần là do làng xã thờ phụng, nhiều khi không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc về bậc chính thần.
- Trung Đẳng thần là những vị thần làng xã thờ đã lâu, có họ tên, mà không rõ công trạng, hoặc là có “quan tước” mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua cầu đảo mà có ứng nghiệm, thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung Đẳng thần.
- Thượng Đẳng thần là những thần danh sơn Đại Xuyên và các bậc Thiên thần như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh Đổng Thiên Vương, Sóc Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa... Các vị thần ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Còn các vị Dương thần có công lao to lớn với dân, với nước, nên sau khi mất, được nhà vua biểu dương công trạng, mà lập miếu (đền) thờ, hoặc bởi lòng dân tưởng nhớ tới công đức của vị thần đó mà lập đền thờ. Các bậc ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng Đẳng thần. Cũng có vị là Dương thần, nhưng lại không được nhắc tới nhiều trong chính sử, mà được nhắc tới nhiều trong dã sử và truyền thuyết như Đức Thánh Tam Giang... Và tất cả những vị Dương thần, thì thông thường ở Thần sắc năm Khải Định thứ 9 (1924), được gia tăng, hay nguyên tặng với mỹ tự Đoan Túc (端肅) Tôn thần, hay Quang Ý (光懿) Trung Đẳng thần, hay Trác Vỹ (卓偉) Thượng Đẳng thần.
Còn tất cả các thần từ năm Tự Đức thứ 3 (1850) trở về trước, đều không được phân hạng. Vì vậy, nhiều tài liệu ở miếu, đền hay đình, hay các sách sử… ghi vị thần nào đó được gia tặng “Thượng đẳng thần” là chưa có sức thuyết phục. Rất có thể, do người dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt chưa chính xác. Ví như, bia đá “Sự tích đền thờ hiển Thánh” được lập ngày 22 tháng 02 năm Đinh Dậu (1657). Còn mặt trước là “Bia ghi Lệnh cử dân phu coi sóc đền Thánh” của Nguyên soái Thống quốc chính Thanh Đô vương ban Lệnh ngày 01 tháng 09 năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626) ở miếu (đền) thờ Hoàng Tôn tại thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trong đó có câu được phong tặng “Thượng Đẳng thần từ” (上等神祠), tức miếu thờ Hoàng Tôn này được công nhận “Danh hiệu cấp cao nhất”, giống như “Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt” ngày nay, thì người dịch lại cho là vị thần này được phong Thượng Đẳng thần. Hay trong một số Thần sắc thời Lê trung hưng (1533 - 1788), hay Tây Sơn (1788 - 1802) có ghi “gia phong thượng đẳng mỹ tự (加封上等美字)”, có nghĩa là “ban cho lời khen cao nhất, hay nhất”, thì một số tác giả lại dịch là gia phong cho vị thần này là Thượng Đẳng thần… Đặc biệt vào thời Lê - Trịnh (1592 - 1778), thì quyền hành đều do phủ Chúa quyết định. Vì thế, hầu hết các công việc trong triều đều do chúa Trịnh thực thi.
Trong quá trình nghiên cứu về văn hóa cổ, chúng tôi thấy có hai loại Thần sắc đang tồn tại, đó là Thần sắc bản gốc và Thần sắc chép lại. Thông thường những Thần sắc chép lại là do việc phân chia địa giới hành chính, hoặc nhóm người ở địa phương gốc di chuyển tới nơi khác sinh sống. Có một điều chắc chắn rằng, “bản gốc” hay “bản chép” hoàn toàn giống nhau về nội dung và các địa phương chính, phụ ấy đều có liên quan “gốc rễ”, hay “máu mủ ruột rà” với nhau. Hay trong quá trình phát triển làng xã, từ một làng chính sau thành một số làng khác, Thần sắc cho “làng chính”, thì các “làng phụ” cũng đều được thờ các vị thần trên. Ngoài ra Sắc hợp phong là cùng một Thành hoàng, mà cấp cho nhiều làng, thì các làng đó đều có cội nguồn với nhau, tức từ một làng gốc mà ra. Còn Sắc đồng phong là cùng một địa danh (làng, xóm), mà cấp cho nhiều Thành hoàng trong một Thần sắc. Các Thần sắc từ năm Bảo Hưng thứ 2 (1802) trở về trước, thì địa phương được phong tặng ghi ở mặt sau của Thần sắc và tên thần với các mỹ tự khá dài. Ví như trong Sắc hợp phong cho 5 xã Nghi Dương, Du Lễ, Tú Đôi, Xuân Dương và Nghi Dương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), thì thần A Nương Quỳnh Trân với tên thần với 36 mỹ tự.
Nguyên văn chữ Hán (Vũ Hoàng):
陳朝阿娘天聴瓊珍福惠柔和宣美彰德貞淑莊肅質懿廣澤鴻慈純壹慧爽嘉行粹精大王
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
Trần Triều A Nương Thiên Thính Quỳnh Trân Phúc Huệ Nhu Hòa Tuyên Mỹ Chương Đức Trinh Thục Trang Túc Chất Ý Quảng Trạch Hồng Từ Thuần Nhất Tuệ Sảng Gia Hạnh Túy Tinh Đại Vương.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
A Nương Thiên Thính Quỳnh Trân Phúc Huệ Nhu Hòa Tuyên Mỹ Chương Đức Trinh Thục Trang Túc Chất Ý Quảng Trạch Hồng Từ Thuần Nhất Tuệ Sảng Gia Hạnh Túy Tinh Đại Vương thời Trần.
Còn cùng vị thần này ở năm Khải Định thứ 9 (1924) đã được rút gọn thành A Nương Thiên Thính Quỳnh Trân, hay viết tắt là “A Nương Quỳnh Trân”. Trong đó, trang 47 - 66 sách “Bà Chúa Mõ huyền tích và ước vọng” NXB Hải Phòng 2023, một Dịch giả có tiếng ở Hà Nội lại quên một vế rất quan trọng là sắc này cấp cho địa phương nào và đây là “Sắc hợp phong” cho 5 xã thuộc tổng Nghi Dương và A Nương thì lại dịch là Công chúa ở phần chú thích. Hay khi tôi xem cả 3 tập “Thần tích Thần sắc Hải Dương”, thấy hầu hết các Sắc hợp phong thời Tây Sơn và Lê trung hưng không ghi cấp cho các làng xã nào?
Còn những tên thần được rút gọn dễ bị nhầm lẫn với các thần khác. Ví như, thần Nam Hải tại Hải Phòng, chúng tôi đã tìm được hơn 30 vị có liên quan là: Nam Hải Tôn thần; Nam Hải; Nam Hải Tôn thần (húy là Hương); Nam Hải Cuối Ngòi Đại Vương Tôn thần; Nam Hải Đại Chúa Đại Vương Tôn thần; Nam Hải Đại Vương Tôn thần; Nam Hải Đại Vương Tôn thần, húy là Phạm Hải; Nam Hải Đại Vương Tôn thần, húy là Hải; Nam Hải Hộ Quốc Đại Vương Tôn thần; Nam Hải Khoái Nỗi Đại Vương Tôn thần; Nam Hải Minh Diệu Đại Vương Tôn thần; Nam Hải Quảng Tế Đại Vương Tôn thần; Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Tôn thần; Trấn An Nam Hải Tản Khâu Chi thần; Hùng Liệt Nam Hải Đàm Môm Chi thần; Trinh Từ Hiển Huệ Nam Hải Tôn thần; Vua Bà Nam Hải Tôn thần; Đại Càn Quốc gia Nam Hải Đặng Cẩm Nhạc, húy là Hồng, Cúc, Quế, Lý; Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng thần; Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Tôn thần (tức Càn Nương, Đức Thánh Cờn); Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, tức Tống Thái Hậu và Tứ Vị Hồng Nương; Nam Hải Uy Linh Công chúa Thánh Chân Tôn thần; Nhuận Trạch Long Triêm Bác Lợi Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nam Hải Trung Đẳng thần; Quảng Đại Nam Hải Chi thần; Nguy Tuấn Huyền Thông Tĩnh An Quảng Lợi Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nam Hải Trung Đẳng thần.v.v.
Hay thần Đông Hải được thờ phụng tại Hải Phòng, có tới 25 vị liên quan là: Đông Hải; Đông Hải Đoàn Thượng; Đông Hải (húy là Rý); Đông Hải (húy là Dực, Trào Vỹ); Đông Hải Ninh Thắng Hùng Sơn Bản Lộ Bảo Vệ Chính Trực; Đông Hải (húy là Tế Công); Đông Hải Đại Vương; Công Chúa Đông Hải; Đông Hải Thượng Đẳng thần; Đông Hải Tiết Chế Linh Ứng Đại Vương; Đông Hải Tôn thần; Đông Hải Trần Quốc Long Lang Chi thần...
Hay cùng một thần Đông Hải, mà các địa phương đều cho là Tướng quân nhà Hậu Lý Đoàn Thượng, nhưng khi xem các Thần sắc cùng năm Khải Định thứ 9 (1924), chúng tôi thấy tên thần không hoàn toàn giống nhau. Điều này chứng tỏ không phải cùng một vị thần. Ví như, tại làng Quý Cao, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, thì tên thần của vị này là Huệ Trạch Hoằng Hợp Quảng Nhuận Trác Vỹ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng thần. Hay tại thôn Đông, xã Hà Hương (nay là làng Hà Phương, xã Thắng Thủy), huyện Vĩnh Bảo, thì tên thần là Huệ Trạch Hoằng Thâm Quảng Nhuận Hoằng Trị Dực Bảo Trung Hưng Đông Hải Đoàn Thượng Đẳng thần. Hay tại xã Thiên Lộc, huyện Nghiêu Phong (nay là Gia Lộc, h. Cát Hải) và xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương (sau 1945 là thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy), thì tên thần là Dũng Quyết Hoằng Thi Quảng Tế Hàm Chương Bỉnh Chính Trác Vỹ Thượng Đẳng thần.
Còn tại huyện Gia Lộc (Hải Dương), quê hương của Tướng quân Đoàn Thượng là xã Lạc Thị, tổng Lạc Thị, hay xã Phương Duy, tổng Phương Duy đều có Thần sắc năm Khải Định thứ 9 (1924), thì tên thần là Kiến Nghĩa Bỉnh Trung Phù Chính Phi Anh Hiển Liệt Trác Vỹ Dực Bảo Trung Hưng Đông Hải Thượng Đẳng thần. Hay một đại quan nhà Lê sơ là Hoàng giáp Nguyễn Phục, còn gọi là Phục Công, hiệu là Tùng Giang tiên sinh, người xã Đoàn Tùng (Lâm), huyện Trường Tân, nay thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Sau khi mất được nhà vua phong làm Phúc thần và ban cho tước hiệu là Đông Hải Đại Vương, được thờ ở nhiều làng xã… Chính vì vậy, có khá nhiều thần Đông Hải, chứ không chỉ riêng có Tướng quân Đoàn Thượng nhà Hậu Lý. Trong đó, một số luận văn tốt nghiệp của sinh viên, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên cao cấp tại một số trường Đại học ở Hải Phòng và ở các tỉnh thành khác đều chủ quan khẳng định là: “Tất cả thần Đông Hải đều là Tướng quân Đoàn Thượng thời Hậu Lý”?
Hay tại Hải Phòng có rất nhiều làng xã thờ thần Cao Sơn, nhưng có tới trên 30 thần liên quan là: Cao San, Cao Sơn (húy là Hiển), Đức Cao Sơn, Cao Sơn (húy là Cao Bá Trường); Cao Sơn (húy là Hồng); Cao Sơn (húy là Sơn); Cao Sơn (húy là Sùng); Cao Sơn (húy là Thế); Cao Sơn Bạch Hổ; Cao Sơn Cốc; Công Chúa Cao Sơn; Cao Sơn Cống Lũ Đại Vương (húy là Cống); Cao Sơn Đại Vương; Cao Sơn Đại Vương (húy là Nguyễn Hiển); Cao Sơn Đại Vương (húy là Tuấn); Cao Sơn Đại Vương (húy là Văn Trường); Cao Sơn Đại Vương (húy là Vương); Cao Sơn Đương Xã Bạch Hổ; Cao Sơn Hiển Linh Phu Nhân; Cao Sơn Hiển Ứng; Cao Sơn Quốc Chúa; Cao Sơn Quý Minh; Cao Sơn Sùng Công; Cao Sơn Thiên Ứng Hoằng Tế Cư Sỹ Đại Vương; Cao Sơn Thượng Đẳng thần (húy là Hiển); Cao Sơn Viên Nha Đại Vương.v.v.
Hay tại các làng xã thuộc thành phố Hải Phòng thờ thần Thiên Quan, nhưng có tới 26 thần liên quan là: Thiên Quan; Thiên Quan Cai Cự Đại Vương; Thiên Quan Cây Vũ; Thiên Quan Chi thần; Thiên Quan Cống Gia Đại Vương; Thiên Quan Đại Đô Đại Vương; Thiên Quan Đại Đồng Đại Vương; Thiên Quan Đại Sát; Thiên Quan Đại Vương; Thiên Quan Đống Mộc Đại Vương; Thiên Quan Hòe Vương Tôn thần; Thiên Quan Linh Lang Cửa Đầm Đại Vương; Thiên Quan Long Môn Đại Vương; Thiên Quan Lý Vực Tôn thần; Thiên Quan Mộc Hoàn Bạt Hải Đại Vương (húy là Hải); Thiên Quan Tây Khu; Thiên Quan Thái Giám; Thiên Quan Thái Giám Tôn thần; Thiên Quan Thuần Chính; Thiên Quan Tôn thần; Thiên Quan Tô Ninh; Thiên Quan Tôn thần Đặng Cẩm Nhạc; Thiên Quan Vũ Muối…
Và còn rất nhiều vị thần khác, có tên gọi tắt giống nhau được thờ tại các làng xã tại thành phố Hải Phòng đó là: Quý Minh có tới 21 vị; Linh Lang có tới 16 vị; Đại Càn có tới 13 vị; Bạt Hải có tới 12 vị; Liễu Hạnh có tới 8 vị.v.v.
(còn nữa)
NGỌC TÔ
Các tin khác
-
NGUỒN GỐC HỌ TÔ NỘI TẠ
-
BẾN QUÊ NỘI TẠ (PHẦN I)
-
“HÀ CẦU, HẠ HỒNG – SƠN ĐỒNG, QUỐC OAI”
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO