/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

HUYỆN AN DƯƠNG VÀ BỐN QUẬN NỘI ĐÔ HẢI PHÒNG

Vùng đất An Dương nằm phía Đông của thừa tuyên Hải Dương. Theo nghĩa Hán thì Hải Dương có nghĩa là ánh mặt trời biển phía Đông.

HUYỆN AN DƯƠNG VÀ BỐN QUẬN NỘI ĐÔ HẢI PHÒNG.

     Vùng đất An Dương nằm phía Đông của thừa tuyên Hải Dương. Theo nghĩa Hán thì Hải Dương có nghĩa là ánh mặt trời biển phía Đông. Sự hình thành của miền đất ven biển này gắn liền với các giai đoạn phát triển của đồng bằng sông Hồng và sông Thái Bình. Đất đai của An Dương cũng như một số huyện ven biển của thành phố Hải Phòng như Kiến Thụy (Kinh Dương cổ), Tiên Lãng (Tân Minh cổ), Vĩnh Bảo (Tứ Kỳ cổ và Vĩnh Lại cổ) còn non trẻ, chịu những tác động của biển Đông. Nằm trong hệ thống sông ngòi dày đặc từ miền ngược đổ ra biển, đặc biệt là sông Đuống và sông Thái Bình qua hệ thống sông Lạch Tray, sông Tam Bạc và sông Cấm…, nên địa hình An Dương thấp dần từ phía Tây xuống phía Đông, càng gần ra biển thì càng thấp và đặc biệt là hai bên triền các sông là vùng trũng và ra đời muộn hơn. Đất đai hình thành đến đâu, con người tiến dần ra tới đó khai phá, sinh cơ lập ấp...

     Theo bản đồ thời cổ và sử sách, từ những năm đầu Công nguyên, vùng đất duyên hải Bắc Bộ của các huyện An Dương, Nghi Dương (Kiến Thụy), Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình), Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định) cũng như huyện Kim Sơn (Ninh Bình)… chưa xuất hiện. Hoặc chỉ có một số ít đất đai tại khu vực phía Tây Bắc của một số huyện, nhưng vẫn còn hoang sơ và có nhiều thực, động vật hoang dã vùng nước mặn,.. Thời đó miền Bắc Việt Nam thuộc quận Giao Chỉ (thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất).

     Quận này gồm mười huyện sau:

1- Liên Lâu: tương đương phần lớn tỉnh Bắc Ninh. Địa danh này hay bị dịch lầm là “Luy Lâu” hay “Liên Lâu”.

2- An Định: tương đương miền Hải Dương và Hưng Yên, ở giữa sông Hồng và sông Thái Bình  

3- Câu Lậu: tương đương tỉnh Nam Định và Ninh Bình (không kể vùng Đông Nam Nam Định và phía Nam Ninh Bình vẫn còn là biển).

4- Mê Linh: gồm khu vực Tây Bắc tỉnh Vĩnh Phúc, Tây Bắc Hà Tây cũ và tỉnh Yên Bái.

5- Khúc Dương: Tương đương với huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương, huyện Đông Triều, huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trải dài tới phía Bắc là vùng Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay.

6- Bắc Đái: Tương đương huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang và huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.

7- Kê Từ: Tương đương huyện Lạng Giang và huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.

8- Tây Vu: Tương đương tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, phía Bắc Hà Tây cũ và Hòa Bình.

9- Long Uyên: tức Long Biên về sau, tới thời thuộc Đường vì phải kiêng tên húy là Đường Cao Tổ và Lý Uyên mới đổi là Long Biên. Tương đương với nội thành Hà Nội và các huyện Hoài Đức, Thường Tín (Hà Nội), Khoái Châu (Hưng Yên), Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong (Bắc Ninh) trở lên phía Bắc, bao gồm các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và một phần phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc ngày nay. Đây là huyện có diện tích lớn nhất mà các đời sau còn chia tách để lập ra các quận, huyện khác.

1-    Chu Diên: Tương đương phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và tỉnh Hà Nam.

Có thể là hình ảnh về bản đồ và văn bản

 

      Vùng đất An Dương từ thời Lý - Trần (1010 – 1400) thuộc lộ Hồng, sau thuộc châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng. Thời thuộc Minh (1407 – 1427) vùng đất này thuộc phủ Tân An (Yên). Thời Lê sơ (1428) thuộc lộ Nam Sách Hạ. Vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông thì thừa tuyên Nam Sách được đổi thành thừa tuyên Hải Dương và vùng đất phía Nam của huyện Cổ Phí (gồm An Dương, Kim Thành và Giáp Sơn) được tách ra trở thành đơn vị hành chính cấp huyện mang tên An Dương thuộc phủ Kinh Môn, thừa tuyên Hải Dương. Cùng vào năm này thì huyện Nghi Dương (nay là Kiến Thụy) được tách ra từ huyện An Lão, phủ Kinh Môn. Bên cạnh đó thì huyện Đồng Lại, phủ Hạ Hồng, thừa tuyên Hải Dương được đổi tên thành huyện Vĩnh Lại (gồm sáu tổng của huyện Vĩnh Bảo bên triền Tả sông Hóa và triền Hữu sông Thái Bình, cùng năm tổng của huyện Ninh Giang bên triền Tả sông Luộc). Cũng vào thời gian này thì huyện Tân Minh (tên đầy đủ là Tân Lục Minh huyện, nay là huyện Tiên Lãng) được tách ra từ huyện Bình Hà lấy sông Mía làm ranh giới.

     Ta có thể khảng định bốn huyện ven biển của thành phố Hải Phòng (An Dương, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo) có nguồn gốc ra đời, lịch sử hành chính,… gần giống nhau và đều thuộc thừa tuyên Hải Dương:

Bốn huyện ven biển Hải Phòng

Cùng chung một xứ, cùng dòng giống tiên

Năm qua tháng đợi triền miên

Phù sa bồi đắp đất thiêng ngọt ngào

An – Kiến – Tiên – Vĩnh dạt dào

Cánh đồng xanh giấc chiêm bao bốn mùa.

     Năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) đời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương được phong tước là An Đô vương, nên các địa danh mang tên An đều đổi thành Yên. Và, từ năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) thì huyện An Dương cùng với huyện Kim Thành, huyện Thủy Đường được cắt từ trấn Hải Dương về trấn Yên Quảng. Lỵ sở của trấn Yên Quảng đóng tại xã Cổ Dũng huyện Kim Thành. Tới năm Gia Long thứ 3 (1804) trấn lỵ Yên Quảng di dời từ huyện Kim Thành về gò núi xã Quỳnh Lâu, huyện Yên Hưng, trấn Yên Quảng (nay thuộc phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên). Thời Tây Sơn (1788 – 1802) thì Nguyễn Huệ chuyển nốt các huyện thuộc phủ Kinh Môn (gồm các huyện Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão và Nghi Dương) của trấn Hải Dương về trấn Yên Quảng.


Có thể là hình ảnh về bản đồ

     Sang thời nhà Nguyễn thì huyện An Dương vẫn thuộc phủ Kinh Môn là một trong mười tám huyện của trấn Hải Dương (Đường Hào, Đường An, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại, Thanh Miện, Thanh Lâm, Thanh Hà, Tiên Minh, Chí Linh, Kim Thành, Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Thủy Đường và An Dương). Vào thời điểm này huyện An Dương gồm chín tổng với sáu mươi tư xã phường sau:

1- Tổng Điều Yêu có mười xã: Điều Yêu Thượng (nay là Kiều Thượng, xã Quốc Tuấn), Điều Yêu Hạ (nay là Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn), Nhu Điều (tên cổ là Nhu Kiều, nay thuộc xã Quốc Tuấn), Tri Yếu (nay thuộc xã Đặng Cương), Điều Yêu Đông (nay là Kiều Đông, xã Hồng Thái), Điều Yêu Trung (nay là Kiều Trung, xã Hồng Thái), Xích Thổ (nay thuộc xã Hồng Thái), Hy Tải (còn tên Hy Tái, nay thuộc xã Hồng Thái), Đào Yêu (nay thuộc xã Hồng Thái), Tiên Sa (nay thuộc xã Hồng Thái).

2- Tổng Văn Cú gồm mười xã: Văn Cú (nay thuộc xã An Đồng), Vân Tra (nay thuộc xã An Đồng), Vĩnh Khê (nay thuộc xã An Đồng), Đồng Giới (nay thuộc xã An Đồng và xã Lê Lợi), Lương Quy (nay thuộc xã Lê Lợi), Hoàng Lâu (nay thuộc xã Hồng Phong), Hoa Phong (tên cũ là Kiến Phong, nay là Văn Phong, xã Bắc Sơn), Đồng Dụ (nay thuộc xã Đặng Cương), Trường (Tràng) Duệ (nay thuộc xã Lê Lợi), Ô Kha (do ghi nhầm của xã Minh Kha, nay thuộc xã Đồng Thái),

3- Tổng Da Viên gồm sáu xã: An Trì (nay thuộc phường Hùng Vương), An Chân, Thượng Lý (nay thuộc phường Sở Dầu), Hạ Lý (nay thuộc phường Trại Chuối, phường Thượng Lý và phường Hạ Lý), Da Viên (nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, phường Minh Khai và phường Gia Viên), Lạc Viên (nay thuộc phường Lạc Viên)

4- An Dương có tám xã: An Dương (nay thuộc phường An Dương và làng An Dương xã An Đồng), Niệm Nghĩa (nay thuộc phường Niệm Nghĩa và phường Nghĩa Xá), Đôn Nghĩa, Vĩnh Niệm (nay thuộc phường Vĩnh Niệm), Trang Quán (nay thuộc xã An Đồng), Song Mai (từ 1901 là Bạch Mai, nay thuộc xã Đồng Thái), Hoàng Mai (nay thuộc xã Đồng Thái), Tê Chử (nay thuộc xã Đồng Thái).

5- Tổng Đông Khê gồm năm xã: Đông Khê (nay là phường Đông Khê), Hàng Kinh (nay là phường Hàng Kênh), Dư Hàng (nay là phường Dư Hàng), An Biên (nay là các phường An Biên, Trại Cau, Phạm Hồng Thái, Phan Bội Châu, Quang Trung và một phần phường Hoàng Văn Thụ), Phụng Pháp (tên Nôm là Phọng hay Bớp, nay thuộc phường Đằng Giang).

6- Tổng Trung Hành gồm sáu xã: Trung Hành (nay thuộc phường Đằng Lâm), Đông An (nay thuộc phường Cát Bi), An Khê (tên cũ là Tây Khê, nay thuộc phường Đằng Lâm), Thư Trung (nay thuộc phường Đằng Lâm), Lực Hành (tên Nôm là Rào, thuộc phường Đằng Lâm), Điều Sơn (nay là Kiều Sơn, thuộc phường Đằng Lâm) .

7- Tổng Trực Cát gồm năm xã: Trực Cát (nay thuộc phường Tràng Cát), Đồng Xá (nay thuộc phường Cát Bi), Hào Khê (nay thuộc phường Đằng Giang), Cát Khê (nay thuộc phường Tràng Cát), Cát Bì (nay thuộc phường Cát Bi). 

8- Tổng Lang Thâm gồm bảy xã: Lang Thâm (tên Nôm là Giầm hoặc Dâm, còn có tên là Lương Xâm, Lương Sâm, nay thuộc phường Nam Hải), Thâm Đông (còn có tên Xâm Đông, Sâm Đông, nay thuộc phường Nam Hải), Hạ Lũng (nay thuộc Đằng Hải), phường Phao Võng (nay thuộc phường Nam Hải), Lũng Bắc (nay thuộc phường Đằng Hải), Thâm Phụ (Xâm Bồ, nay thuộc phường Nam Hải), Lang Khê (còn tên Lương Khê, nay thuộc phường Tràng Cát).

9- Tổng Hạ Đoạn gồm bảy xã: Hạ Đoạn (chính âm Hạ Đoàn, nay thuộc phường Đông Hải Hai), Đoạn Xá (nay thuộc phường Đông Hải Một), Phú Xá (nay thuộc phường Đông Hải Một), Vạn Mỹ (nay thuộc phường Vạn Mỹ), Vĩnh Lưu (từ thời Đồng Khánh đổi thành Phương Lưu, nay thuộc phường Vạn Mỹ và Đông Hải Một), Thượng Đoạn (chính âm Thượng Đoàn, nay thuộc phường Đông Hải Một), thôn Định Vũ thuộc xã Vũ An (nay thuộc phường Tràng Cát).

    Còn về dân số, chúng tôi đưa ra một số dẫn chứng để bạn đọc có thể hiểu thêm làng xã nơi mình sinh sống, để có thể dự đoán được thời gian địa phương mình trở thành đơn vị hành chính cấp xã (làng). Theo Đại Nam nhất thống chí, tập III hay sổ Đinh bạ của tỉnh Hải Dương thời nhà Nguyễn thì vào năm Gia Long 18 (1819) toàn trấn Hải Dương (lúc này gồm mười tám huyện) với số nam giới có độ tuổi từ mười tám đến sáu mươi, gọi tắt là đinh có hai mươi ba ngàn chín trăm người. Như vậy một huyện có khoảng từ năm ngàn đến sáu ngàn người mà thôi, tương đương với dân số một xã hiện nay. Đến cuối thời Tự Đức (1848 – 1883) số đinh tăng lên bốn mươi ba ngàn chín trăm người (tức). Nếu tính trung bình thì số dân cuối thời Tự Đức của mỗi một huyện chỉ chưa bằng số dân của một phường ở nội thành Hải Phòng hiện nay (khoảng mười ngàn nhân khẩu) hoặc bằng dân số hai xã của huyện ngoại ô. Tức toàn bộ dân số của sáu mươi tư xã của huyện An Dương (trong đó có cả số dân của bốn quận nội thành là Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An) mới có khoảng chục ngàn nhân khẩu. Vì vậy một xã (làng) bao gồm nhiều giáp (xóm) mới đủ cơ số dân để trở thành đơn vị hành chính cấp xã (làng).

    Còn dân số cả nước vào thời đầu công nguyên thì miền Bắc vào khoảng  gần nửa triệu nhân khẩu vì cả quận Giao chỉ (từ Ninh Bình tới sông Giang Tây và Khâm Châu tỉnh Quảng Tây ngày nay) mới có trên bảy trăm ngàn người, thời Lý vào khoảng ba triệu nhân khẩu với hai mươi tư phủ lộ, thời thuộc Minh (1407) khoảng trên năm triệu, thời Minh Mạng (1820 – 1840) bảy triệu tám với ba mươi mốt đơn vị hành chính, thời Tự Đức (1848 – 1883) gần mười triệu, đầu thế kỷ XX mười ba triệu, năm 1945 hai mươi lăm triệu chết đói hai triệu với sáu mươi lăm đơn vị hành chính, sau giải phóng miền Nam thì miền Bắc ba mươi triệu, miền Nam mười chín triệu nhân khẩu.

    Chúng tôi đưa ra những con số tương đối trên nhằm giúp bạn đọc tham khảo, hiểu thêm về dân số toàn vùng nói chung và mảnh đất ven biển An Dương nói riêng. Qua số liệu này, độc giả có thể dự đoán được thời kỳ địa phương mình lúc nào có đủ cơ số dân (một trăm mười hộ) để có thể trở thành đơn vị hành chính xã (làng).

Từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831) trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương. Vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838) triều đình nhà Nguyễn lập phủ Kiến Thụy (gồm bốn huyện là An Dương, An Lão, Nghi Dương và Kim Thành) thuộc tỉnh Hải Dương. Phủ lỵ đóng tại xã Xuân La – tổng Trà Hương (đời Thành Thái đổi thành Trà Phương), rồi Minh (Cốc) Liễn – tổng Sâm Linh, sau chuyển về xã Trà Phương và Phương Đôi.        

    Lúc Pháp chiếm Bắc Kỳ lần II, huyện An Dương cùng với huyện Thủy Đường, huyện An Lão và huyện Nghi Dương được tách ra từ tỉnh Hải Dương để thành lập tỉnh Hải Phòng (1887). Ngay sau đó một phần đất của huyện An Dương là xã Da Viên, tổng Da Viên và xã An Biên, tổng Đông Khê bị cắt làm khu nhượng địa và vào ngày 19 tháng 7 năm 1888 thì thành phố Hải Phòng được thành lập nằm trong tỉnh Hải Phòng. Ngày 01 tháng 10 năm 1888 vua Đồng Khánh ra dụ nhượng hẳn thành phố Hải Phòng cho Pháp. Ngày 31 tháng 01 năm 1898 Toàn quyền Đông Dương quyết định tách thành phố Hải Phòng ra khỏi tỉnh Hải Phòng. Cũng từ ngày này tỉnh Hải Phòng được đổi tên thành tỉnh Phù Liễn được bổ sung thêm huyện Tiên Lãng của tỉnh Hải Dương. Có tài liệu khác ghi ngày 05 tháng 08 năm 1902 Toàn quyền Đông Dương ra quyết định đổi tên tỉnh Hải Phòng thành tỉnh Phù Liễn. Ngày 17 tháng 02 năm 1906 tỉnh Phù Liễn đổi tên thành tỉnh Kiến An.

    Từ lúc thành phố Hải Phòng trở thành đơn vị hành chính độc lập thì chính quyền thực dân Pháp đã cắt một số tổng của các huyện kế bên bổ sung vào huyện An Dương. Năm 1901 huyện An Dương được bổ sung thêm tổng Quỳnh Hoàng của huyện Giáp Sơn gồm các xã sau: Quỳnh Hoàng, Lương Quán, Vật Cách Thượng, Vật Cách Hạ (bốn xã trên nay thuộc xã Nam Sơn), Hoàng Lâu (nay thuộc xã Hồng Phong), Cống Hiến (Mỹ), Cam Lộ, Quỳnh Bảo sau là Quỳnh Cư (bốn xã trên nay thuộc phường Hùng Vương). Sau đó huyện An Dương nhận thêm ba tổng của huyện Kim Thành sau:

- Tổng Vụ Nông (Trước thuộc huyện Giáp Sơn, từ 1831 thuộc huyện Kim Thành) gồm tám xã: Vụ Nông, Tuyền (Xuyên) Đông, Lê Xá (ba xã trên nay thuộc xã Đại Bản), Khinh Giao (nay thuộc xã An Hưng), Phí Xá, Dụ Nghĩa (hai xã này nay thuộc xã Lê Thiện), Bắc Nguyễn, Nguyễn Xá (hai xã này nay thuộc xã Tân Tiến).

- Tổng Ngọ Dương gồm bốn xã: Ngọ Dương, thôn Tỉnh Thủy thuộc xã Hoàng Lâu (hai địa danh này nay thuộc xã An Hòa), Hoàng Lâu, Đình Ngọ (hai xã này nay thuộc xã Hồng Phong),

- Tổng Hà Nội sau tên là Hà Nhuận gồm năm xã: Hà Nội, Dưỡng Phú (hai xã này nay thuộc xã An Hòa), Phú Khê (tên mới là Phú La, nay thuộc xã An Hòa), Hạ Đỗ (còn gọi là Hà Đậu, Hà Đỗ, nay thuộc xã Hồng Phong), Ngạc (Hỗ) Đông (nay thuộc xã An Hưng).

    Cũng vào năm này (1901) thì tổng Song Mai của huyện Thủy Nguyên được bổ sung về huyện An Dương gồm bốn xã Song Mai (nay thuộc xã An Hồng), Miêu Nha (Do Nha, nay thuộc xã Tân Tiến), Mai Thự (còn gọi là Mai Thu, Mai Thử, Mai Thữ, tên Nôm là Moi, nay chỉ còn Mai Trữ tại xã An Hồng), Hà Liễn (còn gọi là Hà Liên, nay thuộc xã Bắc Sơn). Và ngay sau đó xã Song Mai thuộc tổng An Dương cũ đổi thành Bạch Mai vì trong một huyện không thể có hai địa danh trùng tên nhau.

    Ngày 16 tháng 12 năm 1901thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định tách một số xã thuộc huyện An Dương ra khỏi tỉnh Phù Liễn (từ tháng 2 năm 1906 đổi thành tỉnh Kiến An) để thành lập ngoại ô thành Hải Phòng. Tuy nhiên đến ngày 29 tháng 2 năm 1924, chính quyền thực dân Pháp bãi bỏ ngoại thành Hải Phòng, trả lại các xã trên cho tỉnh Kiến An để thành lập một huyện mới mang tên là huyện Hải An. Huyện An Dương lúc này còn bảy tổng: Hà Nhuận, Kiều Đông, Ngọ Dương, Quỳnh Hoàng, Song Mai, Văn Cú, Vụ Nông. Còn huyện Hải An có năm tổng: Đông Khê, Hạ Đoạn, Lương Thâm, Trung Hành, Trực Cát. Hai huyện này đều thuộc tỉnh Kiến An, trừ hai thôn Thượng Lý và An lạc của xã Hùng Vương sau này được sát nhập vào nội thành Hải Phòng từ ngày 26 tháng 09 năm 1955. Từ năm 1948 đến ngày giải phóng Hải Phòng, huyện Hải An thuộc tỉnh Kiến An. Từ ngày 26 tháng 09 năm 1955 đến cuối năm 1962 huyện này thuộc thành phố Hải Phòng và cuối năm 1962 tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng hợp nhât.

    Còn huyện lỵ An Dương lúc đầu ở xã An Dương (nay thuộc khu vực phường An Dương), sang thời Nguyễn huyện lỵ An Dương chuyển về làng Rào (giữa Lực Hành và Thư Trung), tổng Trung Hành và sau này chuyển về xã Tri Yếu, tổng Kiều Yêu (nay thuộc xã Đặng Cương). Thời kỳ đầu huyện lỵ An Dương cũng như nhiều huyện lỵ khác đều được đặt ở khu vực gần sông biển vì thời đó việc giao thông chủ yếu bằng đường thủy. 

    Vì biển mỗi ngày một lùi xa và người dân lại tiến đến khai hoang lập ấp. Mảnh đất phía Đông của lộ Hồng này được tách ra từ huyện Cổ Phí (trước đó là huyện Phí Gia, có huyện lỵ tại xã Phí Gia, tổng Phí Gia thuộc huyện Kim Thành) từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông được mang tên An Dương. Như vậy lịch sử hành chính của huyện An Dương phụ thuộc vào huyện Kim Thành và lịch sử hành chính về mảnh đất phía Đông huyện An Dương của bốn quận nội thành ngày nay (Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền và Hải An) ra đời muộn hơn, nhưng phụ thuộc vào lịch sử hành chính của huyện An Dương trước thế kỷ XX.

    Theo “Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng” thì ấp Cam Lộ (nay thuộc phường Hùng Vương) có từ thời Lý. Ngay tại chùa Cam Lộ có đôi câu đối:

Phiên âm:

Cam ấp tân khai thiên thế giới

Lý triều cựu tích địa danh lam

Nghĩa là:

Ấp Cam mới mở trời thế giới

Triều Lý tự xưa đất danh lam.

   Hay trong Thần tích Thần sắc của làng Cam Lộ còn ghi: Đình Cam Lộ thờ bốn vị thành Hoàng: Dương Đỗ (không rõ sự tích); Hai bà Lý Ngọc Châu và Trần Thị Hảo đều là người thời Lý; Tướng công Nguyễn Trung Thành, người ấp Cam Lộ, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1009, giúp vua Lý đánh Tống, bình Chiêm, được phong tới chức Bình Chương tể tướng, sau về làng Cam lộ chiêu dân lập phủ.

    Kết hợp với việc nghiên cứu các làng xã phía trên nữa, chúng tôi thấy một số phường thuộc quận Hồng Bàng, nội đô Hải Phòng như Hùng Vương, Quán Toan… đã hình thành cộng đồng người ở từ thời Hậu Lý (1010 – 1225). Như vậy nội đô bốn quận của thành phố Hải Phòng xuất hiện cộng đồng dân cư sớm nhất từ thời Hậu Lý. Dần xuống khu vực phía Đông thì hình thành cộng đồng người ở vào thời Trần (1225 – 1400), thời thuộc Minh (1407 – 1427), còn khu vực lõi chính như xã Hàng Kênh, Đông Khê, Trung Hành… đã hình thành cộng đồng người ở từ thời thuộc Minh (đầu thế kỷ XV). Còn lại các địa danh khác đều hình thành từ thời Lê sơ (1428) trở lại đây. Đặc biệt các xã ven sông Tam Bạc, ven sông Cấm, sông Lạch Tray… và các địa danh nằm ở khu vực gần biển còn ra đời muộn hơn, thậm chí một số phường xã mới hình thành cộng đồng người ở vào cuối thế kỷ XX.
NGỌC TÔ