/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM TÊN CHO MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Hành trình tìm tên cho Mẹ thật gian nan vất vả nhưng cũng là nén hương tri ân những người mẹ đã đóng góp 3 người con là liệt sỹ cho quê hương đất nước.

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM TÊN CHO MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Ngọc Tô
.

       Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhưng việc đền ơn đáp nghĩa với những người có công mới được chú trọng vài chục năm nay. Nhân 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/07/2017), tôi có tới một số huyện ở ngoại thành vùng Duyên hải Bắc Bộ để tìm hiểu về những tấm gương tiêu biểu của các gia đình thương binh liệt sỹ và người có công với cách mạng. 

      Còn gặp một số địa phương đến giờ vẫn áp dụng biện pháp “cứng nhắc”: Nếu gia đình liệt sỹ không còn giữ được bản chính Bằng Tổ quốc ghi công thì tiền cúng giỗ liệt sỹ hàng năm bị chính quyền địa phương giữ lại. Đặc biệt có một điều đáng buồn là một số gia đình liệt sỹ bị chính anh em dòng tộc nhà chồng dã tâm lấy đất ở của vợ con liệt sỹ, hoặc tự ý bán phần đất mà cha ông liệt sỹ chia cho vợ con liệt sỹ,… Càng tìm hiểu kỹ, càng thấy buồn về tính pháp lý, “tình người” trong nền cơ chế thị trường. Tôi cũng không hiểu “lương tâm” của các cán bộ địa chính, lãnh đạo tại địa phương “cất ở đâu”, hay vì được “hậu hĩnh chút quà đút lót” mà dám tiếp tay cho các trường hợp như vậy. Đại đa số những gia đình liệt sỹ này thuộc dạng dân trí thấp, “thấp cổ bé họng” hoặc thuộc “phái yếu” hay ở “vùng sâu vùng xa”… trong thời “đồng tiền làm khuynh đảo đời sống xã hội”.

       Phần lớn những gia đình có ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em là liệt sỹ đều nằm trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay chống Trung Quốc, chống Pol Pot là chính, nên Bằng Tổ quốc ghi công ít nhất đã trên 30 năm. Những giấy tờ khác liên quan như giấy báo tử, giấy nhập ngũ, huân huy chương… cũng bị thất lạc, hỏng hóc, bị mối xông, bị bão gió làm hư nát… nay tìm lại không dễ gì, chẳng khác nào như “mò kim đáy bể”. Một số hộ quá nghèo không đủ tiền để nộp lệ phí cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công chứ đừng nói gì đến tiền “thuốc nước”.

       Việc xin cấp lại những giấy tờ trên không hề dễ dàng gì vì một số hồ sơ liệt sỹ được quản lý ở chính quyền xã, huyện lại khác tên đệm, ngày tháng năm sinh, năm hy sinh, tên tuổi bố mẹ liệt sỹ… với hồ sơ do Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, thành quản lý hoặc ngược lại.

       Từng là người lính với cái tâm của mình, tôi đã giúp khá nhiều gia đình làm thủ tục xin cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công. Có những gia đình liệt sỹ ở một số tỉnh khác, lại phải lận đận đến tận địa phương đó để tìm hiểu và giúp họ làm các thủ tục. Với cái thẻ Nhà văn nên tôi cũng dễ dàng tiếp cận được với các quan chức ở một số Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các thủ tục làm lại Bằng Tổ quốc ghi công cũng không gặp quá nhiều khó khăn.

       Riêng trường hợp làm thủ tục truy tặng bà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Lan có 3 con là liệt sỹ (2 con đẻ, 1 con rể) thì gặp khá nhiều gian nan vất vả vì hồ sơ được chính quyền xã làm gửi lên huyện và thành phố đã mấy năm trước, nhưng theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng thì bà mẹ này không có người con liệt sỹ thứ 2 như huyện và xã đề nghị.

       Tôi gặp người con thứ 3 của mẹ Trần Thị Lan là bà Nguyễn Thị Báo tại nhà riêng. Tôi đùa với bà:

-         Nếu có bộ phim “Làng Vũ Đại thời mới” thì nhà chị có thể thay nhà chị Dậu được. 

-         Số trời cho sao thì được vậy, chú ạ. Bà Báo trả lời!

Tuy tuổi đã ngót nghét 80, mái tóc bạc phơ, mắt mờ chân chậm, trí nhớ không còn tốt, nói câu được câu chăng, nhưng bà vẫn đề đạt với tôi rất khéo:

-         Chị đã già rồi, không biết có sống được đến ngày Nhà nước truy tặng mẹ chị là Mẹ Việt Nam anh hùng hay không? 

-         Em sẽ cố gắng hết sức để giúp chị xem nó sai ở đâu và ta tìm cách tháo gỡ. Tôi trả lời vậy.

-         Thôi giờ chị đã già yếu, chồng mất từ lâu, lại còn phải nuôi thằng em chồng gần 70 tuổi “điên điên dại dại” đây này, khổ lắm. Vừa nói chị lại chỉ sang người em chồng đầu nhọn hoắt như chiếc đó đơm tôm tép, ngồi thừ trước bếp ngửa mặt đếm mây trời, rồi bà nói: “Trăm sự nhờ chú?”.

       Tôi chỉ biết nhận lời và tìm hiểu xem có ai cùng nhập ngũ và những người nào có liên quan tới liệt sỹ Nguyễn Xuân Hải tại vùng quê này không? Trong quá trình tìm hiểu tôi được biết: Liệt sỹ Nguyễn Xuân Hải tên cúng cơm là Nguyễn Xuân Phong. Vì một lý do tế nhị nào đó, khi đến tuổi trưởng thành, anh đã đổi tên là Hải và đường tình “chớp nhoáng” của anh cũng lận đận như cuộc đời của mình. Một lần dạm vợ và hai lần cưới vợ, nhưng cũng chẳng có một đứa con nào để sau này nhang khói cho anh. Năm 1966 anh đã dùng máu ở tay mình viết đơn xin gia nhập quân đội, mặc dù anh vào diện “không phải đi bộ đội” vì nhà có hai anh em mà anh trai là liệt sỹ chống Pháp.

       Ngay sau đó tôi liền tới nghĩa trang liệt sỹ của địa phương và tìm thấy “mộ gió” liệt sỹ với tấm biển có ghi: Liệt sỹ NGUYỄN XUÂN HẢI, sinh năm 1950, mất 8/1975.

       Tôi nghĩ những thông tin về người liệt sỹ này hoàn toàn chưa chính xác vì theo chị gái liệt sỹ kể lại: Anh sinh năm 1944 hay 1945 gì đó, còn nếu mất vào 8/1975 khi đất nước đã giải phóng được gần 4 tháng, thì chắc chắn anh đã liên lạc được với gia đình mình. Tôi lại phải lặn lội dò hỏi ở khu vực địa phương này xem có ai cùng nhập ngũ cùng liệt sỹ Nguyễn Xuân Hải không để hỏi thêm. Hết gặp người này rồi người khác, cuối cùng tôi cũng tìm được người cựu chiến binh, thương binh Phạm Văn Thứ. Với giọng khàn khàn anh Thứ có kể cho tôi quá trình nhập ngũ rồi được huấn luyện cấp tốc ở núi Yên Tử, Quảng Ninh để bổ sung quân chủ lực cho chiến trường miền Nam.

-         Anh Hải trước khi nhập ngũ (10/1967) là đảng viên, được phân công làm tiểu đội phó ở D347 E5. Ngày 03 tháng 2 năm 1968 toàn bộ cán bộ chiến sỹ D 347 lên đường vào Nam chiến đấu và anh Hải được phân công là tiểu đội trưởng, còn anh Thứ làm tiểu đội phó của Đoàn 700 được bổ sung quân cho bộ đội chủ lực đi B dài (vào sâu trong chiến trường miền Nam). Tôi hỏi lại Thứ:

-         Có phải Đoàn 700 là đơn vị gồm 700 cán bộ chiến sỹ?

-         Đúng anh ạ. Thứ trả lời?

       Tiếp tục câu chuyện anh Thứ nói: Khi đến dốc ông Thủ (Quảng Nam) thì hai anh em được bổ sung cho hai đơn vị khác nhau. Anh Hải tham gia mặt trận ở Quảng Nam và sau một thời gian ngắn tham gia chiến dịch, anh Hải đã anh dũng hy sinh. Anh Phạm Văn Thứ nghe tin biết vậy thôi.

-         Liệu có thể tìm được hài cốt liệt sỹ Nguyễn Xuân Hải không? Tôi hỏi anh Thứ.

-         Chắc rất khó anh ạ vì khi mất thì đơn vị chôn ở rãnh khoai hay chân núi…giờ vật cảnh đã thay đổi, làm sao mà nhận được ra. Nếu may mắn khi có đồng đội nào ghi tên tuổi vào mảnh giấy bỏ vào lọ Pelicelin khi chôn cất mà nay còn thì may mới tìm ra, khó khăn lắm bác ạ? Thứ trả lời vậy.

          Vài ngày sau tôi quay lại gia đình bà Nguyễn Thị Báo để hỏi xem giấy báo tử, hay còn giấy tờ gì liên quan tới liệt sỹ NGUYỄN XUÂN HẢI? Mọi thứ đều trả lời là chẳng còn gì cả và bà Báo cũng không nhớ nổi em mình sinh chính xác ngày tháng năm nào, đi bộ đội năm nào nữa. Tôi liền hỏi thêm chị:

-         Không có ảnh thờ của bà hả chị?

-         Làm gì có, chú? Chị Báo trả lời.

-         Thế thẻ căn cước của mẹ chị còn không, để em mang ra thành phố nhờ người truyền thần hoặc làm photoshop cho? Tôi hỏi.

-         Không còn bất kỳ loại giấy tờ gì chú ạ và cả đời bố mẹ chị có đi chụp ảnh, truyền thần  bao giờ đâu? Bà Báo trả lời?

          Sau đấy một thời gian, tôi có tham khảo một số bạn bè ở hội Mỹ thuật và nhờ được một họa sỹ chuyên phác thảo chân dung của những người quá cố, rồi bức chân dung của bà mẹ đã mất cách đây bốn chục năm được tiến hành. Qua hàng chục lần chỉnh sửa và cuối cùng bức chân dung đã hoàn tất và được thân nhân của gia đình chị Báo cho là khá giống và rất có hồn…

          Qua tìm hiểu được biết liệt sỹ Nguyễn Xuân Hải được kết nạp Đảng tại địa phương trước khi gia nhập quân đội, tôi liền liên lạc với Đảng ủy địa phương, nhưng hồ sơ đã trên 50 năm, bị thất lạc không còn. Dò hỏi mãi tôi được biết kết nạp đợt ấy có chị Tô Thị Thanh, nhưng cô gióa Thanh đã ra thành phố theo chồng mấy chục năm rồi. Tôi tìm đến Ban liên lạc đồng hương thôn Nội Tạ tại nội thành Hải Phòng và cuối cùng cũng có địa chỉ người mình cần gặp. Nhà giáo Tô Thị Thanh đã U70 mà vẫn minh mẫn, nhớ như in sự việc trên 50 năm qua. Trong đống hồ sơ cô vẫn còn lưu giữ Quyết định kết nạp Đảng ngày nào có tên cô và anh Nguyễn Xuân Hải cùng một số đảng viên khác... Qua sự việc này càng thể hiện liệt sỹ có tên Nguyễn Xuân Hải là đúng.

 

          Thời gian sau tôi tiếp tục tới Ban Chính sách Bộ Quốc phòng, Ban Chính sách Bộ tư lệnh Quân khu III và Ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng, nhưng “nút thắt vẫn buộc” và không tìm được thêm thông tin gì sáng sủa hơn.

          Một tháng sau tôi có việc ở Hà Nội, tiện ghé vào Cục Người có công thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để hỏi xem. Được một cán bộ ở đây trả lời:

-         Chú phải có giấy giới thiệu chúng cháu mới tra xem được. Tôi đành viết đơn và quay về Hội Nhà văn Việt Nam nhờ xác nhận để gửi cho Cục Người có công. Đến nơi, một cán bộ trẻ hướng dẫn nói:

-         Chú phải về địa phương xã xin xác nhận?

-         Người xác nhận trong đơn này tương đương với hàm Bộ trưởng mà các cháu lại yêu cầu Chủ tịch xã xác nhận thì lạ thật. Tôi đùa vậy? Rồi cuối cùng Cục Người có công cũng chấp nhận đơn của tôi.

          Ngay sáng hôm sau, tôi liền đến Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước để nhờ người quen xem hộ danh sách liệt sỹ, nhưng sự thật như “đáy biển mò kim” thôi.

       Khoảng ba tuần sau tôi nhận được công văn của Cục Người có công. Bụng mừng thầm, nhưng khi mở thư ra đọc có dòng chữ: “Nhà văn trở lại Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng để liên hệ vì Cục Người có công không bảo quản danh sách hồ sơ liệt sỹ.

          Tôi trở lại Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng và nhờ mấy người quen công tác trong sở xem hộ có liệt sỹ nào tên Nguyễn Xuân Hải, bố là Nguyễn Xuân Kiểm, mẹ là Nguyễn Thị Lan không? Tìm tên liệt sỹ Nguyễn Xuân Hải ở tất cả các quận huyện khác và đặc biệt quan tâm tới huyện An Dương (vì huyện này cũng có xã An Hòa) xem có bị lẫn không? Mấy ngày sau thì tôi nhận được câu trả lời: Không có liệt sỹ Nguyễn Xuân Hải nào như vậy.

          Thời gian cứ vèo trôi, tối tối tôi lại nhận được điện thoại của bà Nguyễn Thị Báo. Bà nói: “Chị gần đất xa trời rồi mà chưa làm tròn bổn phận của người con duy nhất còn sống đối với mẹ mình”. Nên động cơ này lại thúc dục tôi càng quyết tâm đi tìm hồ sơ cho liệt sỹ Nguyễn Xuân Hải.

       Thời gian thấm thoát trôi, vài tháng sau tôi nhờ một cán bộ có kinh nghiệm ở Sở Lao động Thương binh & Xã hội thành phố Hải Phòng xem và trích lục hộ ở xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo có bao nhiêu liệt sỹ tên là Hải. Cuối cùng thì kết quả cũng hiện ra:

1-    Liệt sỹ Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1949, người thôn Tạ Ngoại, nhập ngũ tháng 08/1969, cấp bậc Hạ sỹ, hy sinh ngày 15/2/1970, Quyết định số 381 TTga, ngày 1/9/1973, Bằng số 333b. Bố là Nguyễn Văn Lưỡng sinh năm 1918 (mất năm 2013), mẹ Nguyễn Thị Trữ sinh năm 1920 (đã mất từ lâu).

2-    Liệt sỹ Nguyễn Văn Hải sinh năm 1942, người thôn Nội Tạ, cấp bậc Thượng sỹ, hy sinh 20/2/1969 tại Mặt trận phía Nam. Quyết định số 516 TTga, Bằng TQGC số 968. Bố là Nguyễn Văn Biên sinh năm 1917 (đã mất), mẹ là Phạm Thị Bạ sinh năm 1921 (đã mất).

3-    Liệt sỹ Nguyễn Luân Hải sinh năm 1945, cấp bậc Hạ sỹ, hy sinh 3/8/1970 tại Mặt trận phía Nam. Quyết định số 516 TTga, Bằng TQGC số KG661b. Bố là Nguyễn Văn Lưỡng sinh năm 1916, mẹ là Phạm Thị Trĩ sinh năm 1919.

          Tôi nghĩ ngay liệt sỹ thứ ba có tên là Nguyễn Luân Hải, năm sinh và năm mất trùng với những gì còn trong trí nhớ của bà chị gái và đồng đội còn sống của liệt sỹ Hải. Có thể các giấy tờ trước kia đều viết bằng tay, chữ người viết hơi bị ngoáy nên cữ X thành chữ L hoặc cũng có thể người ghi vào sổ hồ sơ danh sách liệt sỹ viết láu quá nên chữ X thành chữ L. Sau một vài tháng tìm hiểu thì tên đệm của liệt sỹ Hải bắt buộc là Luân mặc dù tên đệm trong hồ sơ kết nạp đảng ở địa phương là Xuân. Tôi liền nói với người nhà của bà Báo làm đơn xin cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Nguyễn Luân Hải rồi gửi cho tôi.

      Thật diễm phúc mấy tháng sau thì có kết quả, nhưng khi đi làm thủ tục truy tặng cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lan cũng gian lan không kém phần như đi tìm tên cho liệt sỹ Nguyễn Luân Hải. Nỗi đau của người đã khuất đã xâm chiếm hồn tôi và bài lục bát như một nén hương dâng tới anh linh người mẹ liệt sỹ được ra đời:“Mẹ ngồi xếp lại nỗi đau. Nhăn nheo gò má nát nhàu thời gian. Đồng Chiều tiếng cuốc lan man. Gọi hè hối hả thu sang đông về. Góc đêm lạnh lẽo hồn quê. Tuềnh toàng mái rạ, bờ tre xạc xào. Lời ru cạn kiệt chiêm bao. Đôi bờ thương nhớ gửi vào mênh mang. Tin đầu chưa hết bàng hoàng. Tin sau nối tiếp phũ phàng theo nhau. Nén lòng thao thức canh thâu. Sợ dông bão nổi làm ngầu biển xanh… Kiếp người như lá mong manh. Mẹ về với cỏ buồn tênh tháng ngày. Phập phồng mưa bụi lay phay. Gậy vông xếp lại lòng đầy vấn vương. Cong như dấu hỏi. Nén hương? Nỗi buồn dằng dặc khóc thương cõi đời?”…

.



Thủ tục của xã làm cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lan ngày 12/5/2014

     .

          Theo hồ sơ do Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng quản lý: Con trai cả là liệt sỹ Nguyễn Xuân Phượng thì bố là Nguyễn Xuân Kiểm (sinh năm 1906), mẹ là Trần Thị Lan (sinh năm 1904). Còn con trai út là liệt sỹ Nguyễn Luân Hải thì bố là Nguyễn Văn Lưỡng (sinh năm 1916), mẹ là Phạm Thị Trĩ (sinh năm 1919), còn hồ sơ do chính quyền địa phương đề nghị truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng có tới gần chục con dấu là Nguyễn Thị Lan.

       Một lần nữa lại phải làm thủ tục qua cơ quan chức năng từ thôn xóm, xã, huyện đến thành phố để thống nhất họ tên của mẹ hai liệt sỹ là Trần Thị Lan. Đến lúc xem lại hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân của bà Báo thì bố là Nguyễn Xuân Kiểm, con là Xuân Thị Báo, hộ khẩu ghi sinh năm 1939, chứng minh thư nhân dân ghi sinh năm 1936. Thêm một lần nữa phải làm lại hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân cho bà Nguyễn Thị Báo sao cho thống nhất họ tên, ngày tháng năm sinh...

.

     

       .  

          Được sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng ngành công an Hải Phòng, các cơ quan Trung ương, đến cuối năm 2019, nhân dịp ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/2019) thì mẹ Trần Thị Lan được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký cấp Bằng truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hành trình tìm tên cho Mẹ thật gian nan vất vả nhưng cũng là nén hương tri ân người mẹ đã đóng góp 3 người con là liệt sỹ cho quê hương đất nước.

Chiều cuối năm 2019

N.T