/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

ĐỐNG TRÚC

Một gò đất cao ở vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ, nằm ở phía Tây Bắc làng Tạ Xá, huyện Tứ Kỳ, châu Hạ Hồng,

ĐỐNG TRÚC

 

      Một gò đất cao ở vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ, nằm ở phía Tây Bắc làng Tạ Xá, huyện Tứ Kỳ, châu Hạ Hồng, nay là làng Nội Tạ, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng với một diện tích khá rộng. Trong quá trình mở mang canh tác bởi các thửa ruộng xung quanh trải qua hơn thiên niên kỷ qua, diện tích bị thu hẹp dần, nay chỉ còn chừng độ trên một mẫu Bắc Bộ. Gò đất này được gọi là đống Trúc (), do bị Nôm hóa, hay do tật nói ngọng, nên thôn dân nơi đây thường gọi là đống Túc. Qua một số tài liệu cổ và địa danh phía Tây Bắc gần đó là xã Trúc Hiệp (), càng khảng định tên Trúc () là chuẩn xác. Từ Trúc ở đây có nghĩa là tre trúc và trước đây ở khu vực này từng có nhiều loại thực vật một lá mầm này.

     Theo tôi đây là cách gọi theo tiếng địa phương (thổ ngữ) và khi nghe những cái tên này, người nơi khác dễ dàng biết ngay nơi này thuộc vùng đất nào. Thời trước nơi đây còn là rừng, đặc biệt phía Nam tả ngạn sông Tranh là sình lầy, sú vẹt. Còn nay xung quanh đống Trúc là những cánh đồng lúa xanh bát ngát. Nếu từ đống Trúc qua một cánh đồng lúa xanh là sông Tranh (Hóa), chếch sang phải một chút, phía bên hữu ngạn sông là khu di tích A Sào. Nơi đó từng là căn cứ chính về hậu cần của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

     Thời ấy tại khu vực Đống Trúc này là kho tiếp lương của nghĩa quân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ II (1285 và lần thứ III (1288) đời vua Trần Nhân Tông. Vì nơi đây có một vị trí chiến lược về mặt quân sự và cao ráo hơn các nơi khác, lại được tách rời khỏi khu dân cư.

     Đến thời nhà Hậu Lê thì chùa Nội Tạ được xây dựng ở khu vực Đông Nam khu đống này. Rồi năm Bảo Đại thứ 19 (1944) thì đình Nội tạ cũng được chuyển tới đây. Còn gò đất này do thiên tạo hay nhân tạo cũng không thấy sử sách nào ghi chép. Nếu do nhân tạo thì việc chuyển đất từ nơi xa tới vì cấu trúc địa tầng của đống là đất gan gà, mà tất cả khu vực xung quanh đây là đất pha cát và chúng tôi chưa phát hiện ra các ao hồ lớn xung quanh.

      Trước đây trong khuôn viên đống Trúc đã có đa cổ thụ hàng trăm tuổi. Nó mang một ý nghĩa lớn của sự trường tồn, sức sống dẻo dai và còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của làng quê Nội Tạ. Tán đa rất rộng, mỗi khi trưa hè là chỗ nghỉ mát lý tưởng cho thôn dân nơi đây và đặc biệt là đám trẻ trâu.

“…Hương lúa níu chân người

Bông bênh một khoảng trời

Vòm đa xanh ngút ngát

Che tuổi thơ dịu mát

Rợp đến tận bây giờ

Lang thang mây mơ hồ

Cõi thinh không chìm lặng…”

Ngoài ra vỏ, cành, lá tươi hay rễ đa còn là một loại thuốc chữa được nhiều căn bệnh thông dụng, một vị thuốc quý, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Rồi đến cuối thập niên 60 thế kỷ trước, đa cổ thụ có thân gần chục người ôm bị đổ sau một trận bão khủng khiếp. Ngày ấy miền Bắc nước ta vào thời kỳ khó khăn nhất, việc duy tu bảo tồn lại các di tích lịch sử còn bị bỏ qua chứ chưa nói gì đến cây cối. 

     Rồi có một người con của quê hương là ông Tô Văn Hoài, sinh sống tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Nhiều bận ông tới chùa Láng Thượng vãn cảnh, thấy đa cổ thụ ông liền mê và mơ ước ngày nào đó quê ông cũng có cây đa cao lớn, sum suê như thế này. Sau đó ông đã thuê người chiết từ hộ cây đa mẹ thành 3 cây con. Nhân ngày giỗ lần thứ 36 ông nội mình, vợ chồng ông thuê xe chở về quê để hiến tặng cho làng. Sau bữa giỗ trưa ngày 15 tháng 8 (âm) năm Bính Tý (1996) ông Tô Văn Hoài và vợ là bà Lương Thị Chỉnh cùng mấy anh em trong dòng tộc mang đa, xô tưới nước và xẻng cuốc… ra trồng ở đống Trúc.

     Thời gian vun vút trôi. Ba cây đa lúc đầu đều lớn nhanh và tươi tốt. Vào ngày 26 tháng 8 năm Tân Tỵ (2001), thì ông Tô Văn Hoài về với tiên tổ và hai cây đa ở phía Nam và phía Đông đống Trúc cũng theo người chủ của mình ra đi. Còn duy nhất một cây ở phía Bắc đống Trúc vẫn phát triển xanh tốt đến tận bây giờ. Và ngày nay có lẽ “Cây đa ông Hoài” sẽ là một dấu ấn không thể nào phai với di tích đống Trúc của làng quê nơi đây. Bao cảm xúc trong tôi vỡ òa và bài thơ “Đa và người” ra đời:  

Từ phường Láng Thượng Hà Thành(1)

Anh cầm lời hẹn ba nhành đa ta

Thế rồi ngày tháng can qua

Đa về đống Trúc vỡ òa niềm vui

Muốn làm chú Cuội trên trời

Chăn trâu cắt cỏ ơi hời gọi đêm

Đa xanh đang tuổi hoa niên

Lớn nhanh vùn vụt bên triền vô tư…

Một ngày đứt gãy câu thơ

Anh về với cõi thiên thu ảo huyền

Đôi đa héo quắt khô liền

Còn cây ở lại giữa miền cô đơn

Bây giờ đa đã lớn khôn

Tán xòe lan rộng - Mảnh hồn làng quê

Mai ngày mưa nắng tràn trề

Tình người tình đất bộn bề nhớ thương?

__________

(1): 3 cây đa được chiết từ đa cổ thụ phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, gần nơi gia đình ông Hoài từng sinh sống.

(Trích trong tập Hải Phòng - Những trầm tích thời gian")

NGỌC TÔ