/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

DI TÍCH LỊCH SỬ THỜI TRẦN BÊN BỜ HÓA GIANG

Đấu Đong Quân, mả Vua, mả Thánh,… cũng đủ chứng minh cho mảnh đất Nội Tạ - Tạ Ngoại ngày nay là nơi luyện tập, nơi tiếp và cất giữ binh lương cho nghĩa quân...

DI TÍCH LỊCH SỬ THỜI TRẦN BÊN BỜ HÓA GIANG

 

        Mảnh đất Tạ Xá nằm bên bờ Tả sông Tranh (Hóa Giang), còn chếch về hướng Tây bên bờ Hữu con sông này một chút là mảnh đất A Sào gắn liền với “trung tâm chính” của khu căn cứ quân sự trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của dân tộc Việt Nam. Vùng đất này từ đầu thế kỷ XI trở về trước thuộc Hồng Châu, đến thời nhà Lý đổi thành lộ Hồng, sau đổi thành lộ Hải Đông.

        Theo các sử sách thì Anh Sinh vương Trần Liễu là con trưởng của Thượng hoàng Trần Thừa kết hôn cùng công chúa Thuận Thiên nhà Lý và ngay sau đó ông được vua Lý Huệ Tông ban cho Trần Liễu tước hiệu là Phụng kiền Vương (Tước hiệu xếp từ trên xuống là Vương, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) và cấp thang mộc ấp cho vợ chồng ông tại hương A Cảo vào năm Thiên Chương hữu Đạo thứ 2 (1225), nay là xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.  

       A Cảo theo nghĩa Hán thì là “đống rơm, cỏ” thường ám chỉ kho lương thảo dành cho quân đội,… Còn từ A Sào ám chỉ kho lương, bắt nguồn theo tích của thời Tam Quốc. Một địa danh chứa lương thực nổi tiếng của quân đội Viên Thiệu là Ô Sào bị Tào Tháo đốt phá hoàn toàn, nay thuộc phía Đông Nam miền Duyên Tân, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đến những năm 238 – 251, Trung Quốc có niên hiệu là Xích Ô, nên Ô Sào được đổi thành A Sào. Tích này cũng giống như danh từ “sư tử Hà Đông” là lấy từ câu thơ của thi sỹ Tô Đông Pha bên Trung Quốc:

“Hốt văn Hà Đông sư tử hống

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên”

Tạm dịch là:

“Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống

Gậy tuột khỏi tay tim bàng hoàng”

       Hay thơ Đỗ Phủ có câu: “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu”, chữ “Hà Đông” ở đây là có ý ám chỉ người đàn bà họ Liễu.v.v. chứ không phải địa danh tỉnh Hà Đông của Việt Nam… Song đây cũng có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà ông cha ta đặt tên hương A Cảo vì kho binh lương thời bấy giờ không chỉ có gạo mà còn các loại ngũ cốc khác và một số rơm, cỏ, cám… dành cho ngựa, voi chiến nữa.

       Vào thời gian này Trần Liễu đã đưa vợ về thái ấp của mình và mộ dân mở rộng điền trang, lập ấp, trong đó có ấp A Sào. Rồi đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237) xảy ra cuộc nội chiến giữa Trần Liễu và Trần Thủ Độ thì gia đình Trần Liễu bị “đưa về” Yên Sinh, Đông Triều. Còn thái ấp A Cảo bị sung công. Sau này, nhận thấy nơi đây có vị thế quan trọng về quân sự cũng như phát triển kinh tế, triều đình nhà Trần phong cho Trần Quốc Tuấn tước hiệu Thượng vị Hầu (cao nhất của tước Hầu) và giao về trấn thủ A Sào, chuẩn bị binh lương cũng như luyện tập thủy quân cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất.

       Thời gian trôi nhanh, giặc Nguyên Mông không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta và tiếp theo là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai diễn ra. Vua Trần Nhân Tông và Trần Quốc Tuấn về vùng đất lộ Hồng thuộc hai bên Tả Hữu sông Hóa này tổ chức một phòng tuyến với thế trận thủy chiến. Một lần nữa nơi đây trở thành khu hậu cần quan trọng và là nơi xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh. Cũng từ vùng căn cứ quân sự này lương binh được vận chuyển theo đường thủy bổ sung cho các cánh quân dọc theo sông Hồng và giải phóng Thăng Long…

       A Sào không chỉ gắn liền với cái tên “trung tâm chính” của vùng hậu cứ, mà còn lưu giữ cuộc chia tay lịch sử đầy nước mắt của tướng quân Trần Quốc Tuấn.

       Từ căn cứ quân sự A Sào, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng với quân sỹ, voi, ngựa chiến vượt sông Hóa bằng cầu phao (gồm nhiều thuyền ghép nổi trên mặt nước). Tất cả các kỵ binh, bộ binh vượt qua sông một cách thuận lợi, thì voi chiến của tướng quân bị sa lầy ngay bên bờ Hữu Hóa Giang. Nhân dân quanh vùng đã dùng rơm, rạ, phản gỗ, tre nứa, cánh cửa… để cứu voi chiến, nhưng cuối cùng cũng không đưa voi lên được. Trong khi đó, thế trận quá khẩn trương, chủ tướng Trần Quốc Tuấn đành nuốt nước mắt vào trong lên ngựa vượt sông tiếp tục lên đường đi đánh giặc. Voi ứa nước mắt nhìn chủ tướng, rống lên tiếng kêu thảm thiết, rồi từ từ chìm sâu vào lòng đất. Tiếc thương chú voi đạo nghĩa, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn rút gươm chỉ xuống khúc sông này thề: “Nếu trận này không thắng giặc That, ta thề sẽ không trở lại bến sông này nữa”.

Chia tay người bạn thủy chung

Heo may quấn quýt rưng rưng nghĩa tình

Người đi ai thắt tim mình

Kẻ đau chìm dưới bãi sình Hóa Giang

Buồn thương nước mắt loang loang

Câu thơ nhỏ máu bên hoàng hôn buông?

       Sau khi thắng giặc Nguyên mông lần thứ ba (1288) trở về Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã cho đắp con voi đất ngay trên mộ của voi đã hy sinh, sau này được thay thế bằng voi gạch, rồi từ năm Bảo Đại thứ 3 (1928) được thay bằng voi đá đưa về đúng vị trí cũ. Năm 1951, giặc Pháp đóng bốt ở đền A Sào, chúng đã dùng xe kéo voi đá về làm bia tập bắn, vòi voi bị gãy và sau được khôi phục lại, sau này chuyển vào khu di tích. Năm 2006, di tích bến Tượng A Sào được phục dựng, voi đá được làm với quy mô, kích thước lớn hơn trên cơ sở vóc dáng voi đá cũ…

       Nếu nhìn trên bản đồ thì khúc sông Hóa qua A Sào như một đường vòng chảo lõm cong xuống bên bờ Hữu, thường bị nước xoáy, nên nơi đây thường xuyên bị lở và cái tên bến Lở xuất hiện là như vậy. Từ khi có mộ voi đến nay còn được gọi với cái tên khác nữa là bến Voi hay bến Tượng…

       Nhìn xuyên suốt lại chiều dài lịch sử thì vùng đất hai bên bờ Hóa Giang gắn liền với ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần khi lấy A Sào làm đại bản doanh thì phía bên bờ Hữu sông Hóa (Thái Bình) có kho gạo Mễ Sương, An Ninh có kho bạc, kho vũ khí,… thì phía bên bờ Tả sông (Hải Phòng) có Tạ Xá (Nội Tạ và Tạ Ngoại) là nơi luyện tập nghĩa quân và thu gom binh lương của nghĩa quân. Ngoài ra còn khá nhiều làng quê bên bờ Tả sông Hóa là nơi luyện tập của nghĩa quân, tích trữ lương thực nữa như xã Uy Lỗ (làng Lả, làng Gạo, xã Hiệp Hòa), trang Linh Động (xã Đồng Minh),…thuộc huyện Vĩnh Bảo ngày nay.

       Quay lại bánh xe thời gian, khi biết căn cứ quân sự tại hai bên bở Tả Hữu sông Hóa mà A Sào làm thủ phủ thì quân Nguyên Mông đã theo đường thủy từ cửa biển Thái Bình vào sông Hóa nhằm tiêu diệt sinh lực cũng như kho lương của quân dân nhà Trần, rồi ngược lên sông Luộc vào sông Hồng, chúng sẽ tới Thăng Long. Còn đường thứ hai chúng từ cửa biển Thái Bình vào sông Thái Bình tới sông Lục Đầu (quãng sông do sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thày, sông Thái Bình hợp thành), một vị trí quân sự vô cùng quan trọng. Có thể nói mảnh đất “Bảo vệ vĩnh viễn”, đặc biệt là vùng hai bên bờ sông Hóa từ xã An Hòa tới ngã ba sông Hóa và khu vực Quý Cao ngày nay là một trận địa giao tranh ác liệt nhất giữa quân dân nhà Trần và giặc Nguyên Mông, mà sử sách cũng không ghi lại.

       Một lý do nữa mà những người làm sử cũng lãng quên, đó là trước cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông lần hai, sông Luộc (tên thật là sông Lục được gọi chệch đi vì dễ nhầm với sông Lục Nam), đoạn hạ lưu ngày ấy được nối liền vào sông Tranh (tức Hóa Giang). Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thấy vị trí chiến lược của các tuyến đường thủy, nên trước năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) thì quân dân nhà Trần đã huy động tổng lực đào mới khai thông dòng sông Luộc này từ ngã ba Tranh (sông Hóa) để đấu nối với hệ thống sông Thái Bình (chia cắt xã Tranh Xuyên làm hai và Tranh Chử ở bên bờ Hữu) cho tàu bè qua lại, có thể tới sông Lục Đầu (Vạn Kiếp) hay tới Bạch Đằng Giang bằng nhiều tuyến, tạo ra yếu tố bất ngờ cho đối phương. Từ sông Hóa hay sông Luộc có thể vào hệ thống sông Thái Bình với quãng đường vô cùng ngắn mà đến thời bấy giờ chưa một ai nghĩ tới. 

       Chiến trận trên mảnh đất “Bảo vệ vĩnh viễn” có công đóng góp rất lớn về con người, của cải, binh lương… của quân dân địa phương, đặc biệt một số tướng lĩnh tiêu biểu được sử sách ghi lại như: Hoa Duy Thành (Linh Động, Đồng Minh), Vũ Đăng Dung (Đan Điền, Dũng Tiến), Nguyễn Chính (Liễu Kinh, Việt Tiến),  Lương Toàn (Râu Xuyên, Giang Biên),…

       Dù đã hơn bảy thế kỷ trôi qua, nhưng nhiều di tích vẫn còn được duy tu, gìn giữ. Đây là những di sản văn hóa vô giá khảng định Tạ Xá là một phần không thể thiếu trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt. Một số di tích đã bị thiên nhiên và con người tàn phá như Đập Bông,… nhưng những di tích lịch sử còn lại như đống Trúc, Đấu Đong Quân, mả Vua, mả Thánh,… cũng đủ chứng minh cho mảnh đất Nội Tạ - Tạ Ngoại ngày nay là nơi luyện tập, nơi tiếp và cất giữ binh lương cho nghĩa quân góp phần vào cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông của ông cha ta.
Ngọc Tô