/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

ĐỀN THỜ HAI TIẾN SỸ NHO HỌC Ở TẠ XÁ (XÃ AN HÒA - VĨNH BẢO)

Nếu ai có ý kiến gì xin gửi cho chúng tôi theo Email sau: tongocthachhp@gmail.com

ĐỀN THỜ HAI TIẾN SỸ NHO HỌC Ở TẠ XÁ

.

       Trải qua một chặng đường dài hơn chục xuân, chúng tôi mới tìm được hai Tiến sỹ Nho học của xã Tạ Xá, tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Khi có trong tay danh sách này rồi thì lại tìm xem thuộc họ Nguyễn nào, ở thôn nào, đó cũng là những câu hỏi hóc búa.

       Hiện nay còn một số nhà khoa bảng của huyện Vĩnh Bảo đã có tên xã cổ rồi, nhưng nay là thôn xóm nào, dòng họ nào, đền thờ ở đâu… cũng là những câu hỏi làm đau đầu những nhà nghiên cứu? Cũng giống như nhà khoa bảng Phạm Tri Chỉ, hàng trăm năm nay giờ mới biết chính xác ở xóm Tường Vân, thôn Phương Tường, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

       Còn hai Tiến sỹ Nho học là Nguyễn Bá Tùng (? - ?), người xã Tạ Xá, huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương (cùng quê với Nguyễn Duy Tinh). Nay là thôn Tạ Ngoại và Nội Tạ, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) đời Lê Hiến Tông. Và, Nguyễn Duy Tinh (? - ?), người xã Tạ Xá, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (cùng quê với Nguyễn Bá Tùng), nay là thôn Tạ Ngoại và thôn Nội Tạ, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính 6 (1535) đời Mạc Đăng Doanh, cùng khoa thi với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Làm quan tới chức Thừa Chính sứ, về trí sỹ.

       Tất cả lai lịch của hai nhà khoa bảng trên chỉ vẻn vẹn có vài dòng vậy. Riêng Tiến sỹ Đệ tam Nguyễn Duy Tinh có ghi về trí sỹ, nhưng không phải ở Tạ Xá, mà chắc chắn ở vùng đất khác vì quan chức từ trước tới nay ít có người về trí sỹ tại quê, còn lại đa số ở thủ đô hoặc các nơi họ được cấp điền trang mới. Nếu các hậu duệ của các vị đại quan kia lại đỗ đại khoa hoặc các nhà khoa bảng là võ quan, trở thành Thành hoàng làng thì ta mới có thể dễ dàng tìm được phần mộ cũng như nơi thờ tự, dòng họ chính thức của các vị đại quan đó, còn không là việc làm rất khó khăn?

       Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì xã Tạ Xá cách nay nửa thiên niên kỷ thì số dân còn thưa thớt, tập trung chủ yếu ở khu vực xóm miếu Tè và xóm trong của thôn Nội Tạ. Bằng phương pháp loại trừ, qua 5 đền thờ đại quan chúng tôi đã tìm ra đền thờ TS. Nguyễn Bá Tùng tại khu vực gần xóm miếu Tè. Những hậu duệ của ông sẽ ở khu vực xóm miếu Tè tới nay khoảng trên 20 đời. Tại đền còn giữ lại được một bát hương cổ bằng gốm Thổ Hà (Hà Bắc), có đôi song long chầu vờn quả cầu lửa, đây là đồ sành, men vàng mật mía thuộc đời Lê.
.

Hình ảnh có thể có: thực vật, hoa và ngoài trời
Đền thờ đại quan Nguyễn Vương Thế (tức Nguyễn Bá Tòng)

Không có mô tả ảnh.
Bát hương gốm Thổ Hà có tuổi đời vài thế kỷ.

Trong đó hai câu đối ở đền thờ Tiến sỹ Nho học Nguyễn Bá Tùng còn lưu lại:

二甲科名榮謝邑
千秋香火福荠村

Phiên âm:

Nhị giáp khoa danh vinh Tạ ấp
Thiên thu hương hỏa phúc Tè thôn

Dịch nghĩa:
          Tiến sỹ khai khoa làm rạng danh cho làng Tạ xá
          Ngàn năm thờ phụng cầu phúc cho dân làng Tè

       .

Hình ảnh có thể có: bầu trời, thực vật và ngoài trời
      Còn đền thờ TS. Nguyễn Duy Tinh ở sau khu đất nhà ông Tô Văn Chiến thôn Nội Tạ, do ông Nguyễn Văn Thanh là thủ từ, nay đền thờ được xây dựng lại mới với hai câu đổi cổ được lưu truyền từ xa xưa, mà dòng họ nói thờ cụ Tổ họ Nguyễn đại thần quan:

後堂吉地龍後到
前池會水鳳前來

Phiên âm:

Hậu đường  cát địa long hậu đáo
Tiền trì  hội thủy phượng tiền lai

Dịch nghĩa:


Đình sau  đất tốt rồng bay tới
Ao trước nước lành  phượng viếng  thăm.

          Hai nhà khoa bảng trên dòng dõi đều từ vùng đất phía trên tỉnh lỵ Hải Dương nay thuộc huyện Nam Sách về định cư. Nếu ai có ý kiến gì xin gửi cho chúng tôi theo Email sau: tongocthachhp@gmail.com

Xin cảm ơn!

 Ngọc Tô