/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

DANH SÁCH TIẾN SỸ NHO HỌC HUYỆN AN DƯƠNG XƯA

Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919), đợt thi cuối cùng là năm Khải Định thứ 4, nhưng người đỗ đại khoa cuối cùng của huyện An Dương...

DANH SÁCH TIẾN SỸ NHO HỌC HUYỆN AN DƯƠNG XƯA

.

     Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919), đợt thi cuối cùng là năm Khải Định thứ 4, nhưng người đỗ đại khoa cuối cùng của huyện An Dương là Đại vương Phạm Đình Trọng, người xã An Hưng đỗ Đại khoa năm Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tông. Sau 149 năm thì thành phố Hải Phòng mới được thành lập (19/07/1888), nên 18 nhà khoa bảng dưới đây quê quán đều thuộc huyện An Dương. Có một điều đặc biệt là toàn bộ những người vượt qua đại khoa đều chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân mà thôi. Có nhiều người rất đáng được vinh danh và quá xứng đáng đặt tên cho đường phố, cho phường, cho quận... như Thái phó, Đại vương Phạm Đình Trọng, Tùng Lĩnh hầu Nguyễn Đôn, Thượng thư Vũ Khắc Kế.v.v:

1- Bùi Xuân Hổ (? - ?), người làng Đào Yêu, huyện Phí Gia, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng, nay là xã Hồng Thái, huyện An Dương, đỗ khoa thi Thái học sinh (Tiến sỹ) thời nhà Trần. Làm quan trong triều, rồi cho chị gái là Bùi Thị Thục về xây dựng đền chùa ở làng. Sau này được nhà vua phong Phúc thần. Đến năm 1938 địa phương còn giữ được một đạo sắc phong tôn thần thuộc đời Khải Định thứ 2 (1917).

          2- Bùi Xuân Hùng (? - ?), người làng Đào Yêu, huyện Phí Gia, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng, nay là xã Hồng Thái, huyện An Dương, đỗ khoa thi Thái học sinh (Tiến sỹ) thời nhà Trần. Làm quan trong triều, rồi cho chị gái là Bùi Thị Thục về xây dựng đền chùa ở làng. Sau này được nhà vua phong Phúc thần. Đến năm 1938 địa phương còn giữ được một đạo sắc phong tôn thần thuộc đời Khải Định thứ 2 (1917).

3- Nguyễn Truân (tên gọi khác là Đồn), sinh năm 1439, sống xã Trung Hành, huyện An Dương, quê gốc tại xã Hà Nội, huyện Kim Thành (nay là thôn Hà Nhuận, xã An Hòa, An Dương). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tham chính.

4- Vũ Mẫn Trí (? - ?), người làng Khuê Chương, tổng Phí Gia, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã Đại Bản, huyện An Dương. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đoán sự.

5- Nguyễn Hiếu Trung (? - ?), người làng Kinh Dao, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

6- Ngô Kim Húc (? - ?), người xã Hàng Kênh, huyện An Dương, nay là phường Dư Hàng, quận Lê Chân. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đô cấp sự trung khoa Lại.

7- Lê Công Truyền (? - ?), người làng Kinh Dao, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương. LHĐK ghi là Nguyễn Công Truyền. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

8- Lê Đức Liêu (? - ?), người làng Quỳnh Hoàng, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã Nam Sơn, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ.

9- Vũ Phất (1464 - ?), người làng An Chân, huyện An Dương, nay thuộc phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viện hiệu thảo.

10- Đỗ Bảo Chân (1456 - ?), có thể là Trực vì hai chữ khá gần nhau, người huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) đời vua Lê Thánh Tông.

11- Vũ Nhất Chi (? - ?), người làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, nay thuộc phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh nguyên niên (1505) đời vua Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Hàn lâm hiệu thảo.

12- Nguyễn Cảnh Quýnh (? - ?), người làng Vụ Nông, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã Đại Bản, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời vua Lê Tương Dực. Làm quan đến chức Hàn lâm viện kiểm thảo.

13- Vũ Nghi (? - ?), người làng Ngọ Dương, huyện Kim Thành, nay thuộc xã An Hòa, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520) đời vua Lê Chiêu Tông. Làm quan đến chức Đô cấp sự trung khoa Lại.

14- Nguyễn Đôn (? - ?), người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa nguyên niên (1541) đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan đến chức Thị lang, tước Tùng Lĩnh hầu.

 15- Vũ Khắc Kế (1524 - ?), người làng Tràng Duệ, huyện An Dương, nay thuộc xã Lê Lợi, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 6 (1553) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan đến chức Thượng thư, về trí sỹ.

16- Đặng Đức Thi (1564 - ?), người làng Dư Hàng, huyện An Dương, nay thuộc phường Dư Hàng, quận Lê Chân. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị thứ 2 (1589) đời vua Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Hàn lâm.

 17- Vũ Kiều (1695 - ?), người làng Ngọ Dương, huyện Kim Thành, nay thuộc xã An Hòa, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721) đời vua Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Thừa chính sứ. Sau mất được thăng chức Hữu thị lang bộ Hình.

  18- Phạm Đình Trọng (1714 - 1754), người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, nay thuộc xã An Hưng, huyện An Dương. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tông. Từng giữ chức Phó đô ngự sử, Bồi tụng, tước Dao Lĩnh hầu. Hiệp trấn ba đạo Đông, Nam, Bắc thống lĩnh quân dẹp Nguyễn Hữu Cầu. Thăng Thượng thư bộ Binh, hàm Thái tuế, Thái phó, tước Hải Quận công. Mất tại quân doanh, truy tặng tước Đại vương, phong Phúc thần.
     Chắc chắn rằng còn một số nhà khoa bảng nữa bị quên, bị lạc sang huyện khác... mong rằng các nhà nghiên cứu bổ sung thêm?

 NGỌC TÔ biên soạn