/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

CHƯA ĐI CHƯA BIẾT NAM NINH…

Nam Ninh đối với tôi không có gì xa lạ. Tuy là thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang - Trung Quốc, nhưng thành phố này cách cách biên giới Việt Trung gần 180 ki-lô-mét mà thôi.
CHƯA ĐI CHƯA BIẾT NAM NINH…
(Bút ký của Tô Ngọc Thạch)
 
 
        Nam Ninh đối với tôi không có gì xa lạ. Tuy là thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang - Trung Quốc, nhưng thành phố này cách cách biên giới Việt Trung gần 180 ki-lô-mét mà thôi. Nếu có việc gì cần, chỉ trong vài tiếng đồng hồ từ Lạng Sơn là có thể tới nơi được. Không biết bao lần tôi đã đến Nam Ninh. Lần thì bằng tàu hỏa, lần bằng xe điện hai tầng, lần bằng ô tô ca, lần bằng xe con, lần bằng máy bay. Lúc xuất phát từ biên giới Lạng Sơn, lúc từ biên giới Quảng Ninh, lúc từ Nội Bài, lúc bằng đường chính ngạch, lúc bằng đường tiểu ngạch, lúc đi với đoàn lãnh đạo trung ương, lúc thì nhóm người, đôi lúc có một mình. Mỗi lần xuất ngoại như vậy đều để lại cho tôi những ấn tượng khó phai.
        Thời tiết Hà Nội lúc này đang vào thu. Tờ mờ sáng một ngày đầu tháng 9 mấy chiếc lá vàng tà tà rơi bay ngang mặt, tôi giật mình chợt nhận ra rằng mùa thu sâu lắng đẹp đến ngỡ ngàng đã tràn hết phố phường. Chiếc ô tô ca Hyundai chở đoàn từ thủ đô bắt đầu lăn bánh theo cầu vượt Thanh Trì hướng về phương bắc. Muôn tiếng cười giòn, bao ánh mắt thân thiện, câu chào hỏi làm quen…tạo nên một không khí đầm ấm, vui vẻ. Cứ như vậy chiếc xe vun vút theo quốc lộ 1A về tới thị trấn Mẹt, mọi thành viên được mời xuống ăn sáng và đúng 10 giờ chúng tôi đã có mặt tại Cửa khẩu Hữu Nghị Quan thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cũng như các lần trước, mọi du khách phải làm thủ tục qua biên. Tòa nhà xuất cảnh lần này mang một diện mạo mới khá khang trang hiện đại tuy đang còn trong giai đoạn hoàn thiện. Không hiểu sao tâm trạng tôi mỗi khi rời mảnh đất Việt thân thương là lòng lại xốn xang, bồi hồi xao động, đặc biệt khi đôi chân bước qua cột mốc số không. Đã qua cửa khẩu này không biết bao lần rồi, nhưng mỗi lần qua đây đều để lại dấu ấn cho mình một cảm xúc, một góc nhìn khác lạ. Sau khi làm thủ tục nhập qua cửa khẩu Trung Quốc, trước mặt tôi là một cổng thành màu trắng xám, cao 22 mét gồm một tầng đế và ba tầng nhà có hành lang bao quanh trông khá hoành tráng. Công trình này được xây dựng vào năm 1957 theo kiểu kiến trúc Trung Hoa và đến năm 1965 mang tên Hữu Nghị Quan.
         Càng đi sâu vào trong ta càng thấy Trung Quốc đầu tư tương đối lớn vào cơ sở hạ tầng vùng biên. Có lẽ đây cũng là phong cách văn hóa Trung Hoa. Tôi bồi hồi nhớ lại, vào những năm 70 của thế kỷ trước khi sang Liên Xô học tập, chúng tôi đi bằng tàu hỏa từ Đồng Đăng qua Bằng Tường tới Mãn Châu Lý. Ngày ấy Trung Quốc còn nghèo lắm, nhưng tất cả các nhà ga quốc tế đều được xây dựng khang trang, không kém cỏi gì các nhà ga quốc tế của các quốc gia tiên tiến khác. Còn bây giờ với chính sách mở cửa của Bắc Kinh, mảnh đất và con người nơi đây thay đổi từng ngày. Các lần trước cách đây hơn chục năm chúng tôi qua biên giới bằng con đường tiểu ngạch, nơi ấy mốc biên giới cổ cách mốc biên giới mới một đoạn đường bộ khá xa. Từ năm 2000 tới nay tôi thường sang đây bằng đường chính ngạch, cuốc bộ một đoạn là tới bãi đỗ xe ngay. Còn ai không thích đi bộ thì lên xe điện với giá 5 tệ/người, một loáng là tới liền. Khi đặt chân tới đây mới thấy khí hậu vùng biên có vẻ dễ chịu hơn và những cái bắt tay nồng ấm, những lời chào mời khá thân thiện. Nhìn ra xung quanh không chỉ là cái nắng vàng mơn man, dịu ngọt lạ thường. Lúc ra khỏi trạm cuối cùng khu vực nhập cảnh có một nam hướng dẫn viên tay giương cờ chào đón. Hỏi ra mới biết anh ta tên Chiêu, người Hồ Nam, khá nhanh nhẹn và sõi tiếng Việt. Thế rồi cả đoàn lên xe và nghe phổ biến nội dung chương trình trong ngày. Cỗ xe ca 28 chỗ của Trung Quốc bắt đầu chuyển bánh, trong vòng hai chục phút chúng tôi đã có mặt tại thị xã Bằng Tường, thăm tiệm massage chân và sau đó đi ăn trưa.
        Ngồi nghỉ chân trên chiếc ghế đá tại Bằng Tường, bao ký ức về những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20 lại hiện về. Hồi ấy thị xã vùng biên này còn nghèo và thưa thớt dân cư, nhưng với tốc độ phát triển khá nhanh nay đã trở thành một đô thị vùng biên tương đối hiện đại được tọa lạc trên một thung lũng với khoảng 100 ngàn nhân khẩu, riêng ở trung tâm có khoảng 30.000 người. Có lẽ đây là thị xã ít người nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng Bằng Tường lại là một trong những trung tâm giao thương hàng hóa qua biên quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam. Người dân nơi đây chủ yếu làm thương mại, nhưng cũng bị ảnh hưởng khá nhiều nền văn hóa Việt. Các biển hiệu thường ghi bằng tiếng Hoa và tiếng Việt. Nếu các nhà làm phim thời sự quay cảnh ở Bằng Tường mà trình chiếu ở nước thứ 3 thì khán giả khó biết nơi đây là địa danh Trung Quốc hay Việt Nam. Thế rồi, sau bữa cơm trưa đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường về thủ phủ Quảng Tây.
        Nhìn lại thấy các công trình cơ sở hạ tầng giao thông nơi đây được đầu tư khá hoành tráng. Tôi liếc nhìn đồng hồ tốc độ trên chiếc xe ca thấy lúc nào cũng chỉ trên 100 ki-lô-mét/giờ mà cũng chẳng thấy một chiếc xe máy hay bóng dáng của cảnh sát giao thông. Toàn bộ các xe được lắp định vị, chạy quá tốc độ có người nhắc nhở, sắp tới chỗ nguy hiểm là được báo ngay và nếu có gì xảy ra trong hành trình đều được ghi lại và truyền tải về trung tâm điều khiển. Nhìn ra hai bên không thấy khu dân cư và nghĩa trang, một anh bạn mới sang lần đầu trong đoàn hỏi hướng dẫn viên:
- Trung Quốc không có nghĩa trang và nhà mặt tiền ở quốc lộ à?
Không có! Chiêu trả lời.
- Tại sao? Anh bạn lại tiếp tục hỏi.
Vì khi quy hoạch xây dựng đường cao tốc, những nhà hoạch định đã tính toán tránh xa khu dân cư và không cho phép bất kỳ tập thể hay cá nhân nào xây dựng gần quốc lộ. Còn nghĩa trang thì ở Trung Quốc đã giải tán từ lâu, hiện chỉ còn tồn tại nghĩa trang quân đội và nghĩa trang của các dân tộc sống ở trên núi cao mà thôi.
          Nhìn ra hai bên ta thấy núi non trùng điệp, xen kẽ là vô số những cánh đồng mía. Hỏi ra mới biết Quảng Tây có hai sản phẩm chính là mía và dứa. Mỗi một năm sản xuất trên một triệu tấn đường, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần tư lượng đường mà Trung Quốc cần. Nơi đây khi vào mùa thu hoạch mía là lực lượng lao động từ phương bắc xuống, lao động Việt Nam vùng biên tràn sang, đôi khi làm nhức đầu các nhà quản lý và hoạch định chính sách.
        
 
Tô Ngọc Thạch trước chùa Quan Âm
 
        Vì thời gian có hạn chúng tôi chỉ tham quan một vài điểm tiêu biểu mà thôi. Người dân Quảng Tây cũng như người Việt phần lớn theo đạo Phật, nên điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là vào chùa Quan Âm cầu may, cầu phúc. Đây là một công trình được quy hoạch khá bài bản, xây dựng trên một ngọn đồi thoáng mát. Từ tam quan, sân chùa, bái đường, chính điện đến hậu đường là một khối liên kết không thể tách rời nhau. Trong sân hậu cung có một bức tượng Phật với dáng vẻ phồn thực đứng trên bệ đá, tổng thể cao chừng 4 mét. Hình như không ai là không quên ghi lại cho mình một bức hình nơi đây để làm kỷ niệm. Phía sau chùa là cây bồ đề linh thiêng được ghi trên tấm biển bằng chữ cổ, ngay người Hoa còn khó dịch được ra nghĩa, chứ đừng nói người nước ngoài võ vẽ tiếng Trung như tôi. Sau khi cầu Phật và tham quan chùa, đoàn ra ngoài ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và lên xe tiếp tục cuộc hành trình.
        
        ...Thành phố Nam Ninh hiện có hơn 400 khách sạn, nhà hàng khá hiện đại. Trong đó có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, còn loại 3 sao thì nhiều vô kể. Vào những ngày chúng tôi đến đây, tất cả các các khách sạn đều kín chỗ vì nơi đây đang diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư – Thương mại ASEAN – Trung Quốc. Bầu trời lúc nào cũng vè vè chiếc máy bay trực thăng an ninh chao lượn. Thủ tướng Trung Quốc, Việt Nam, Căm pu Chia, Lào và nhiều nguyên thủ các nước ASEAN khác cũng có mặt. Nên ngày khai mạc hội chợ chính quyền thành phố Nam Ninh cho toàn thể cán bộ công nhân viên chức nội đô nghỉ làm việc để tránh ách tắc giao thông. Thế mới biết Trung Quốc quan tâm tới sự kiện lễ hội như thế nào? Mặc dù đường phố nơi đây được thiết kế rộng rãi, ngoài các luồng chính dành cho xe cơ giới đều có làn đường dành riêng cho xe thô sơ và vỉa hè rộng dành người đi bộ. Các công trình khác đều được xây dựng cách xa phố xá  hàng chục mét và đặc biệt, không có hàng quán mặt đường lè phè như ở các đô thị nước ta.
        Những lần trước chúng tôi thường nghỉ tại khách sạn 3 sao Nam Phương, cao 22 tầng, tầng trên cùng là một nhà hàng. Du khách vừa nhâm nhi vại bia hay ly cà phê vừa ngắm toàn cảnh thành phố, sau một giờ đồng hồ thì vòng quay 3600 nhà hàng này cũng vừa kết thúc. Còn lần này chúng tôi tất cả ở tầng 11 khách sạn Bằng Cảnh 18 tầng nằm trên phố Nhân dân, quận Tây Hương Đường cũng nằm ngay trung tâm thành phố. Cách đó không xa là phố đi bộ Triều Dương với hàng trăm cửa hàng cửa hiệu mở cửa suốt đêm như phố Bắc Kinh ở Quảng Châu hay Nam Kinh ở Thượng Hải. Ngoài ra Nam Ninh còn là thiên đường mua sắm với giá cả phải chăng, trong đó có nhiều con phố đặc trưng như 36 phố phường Hà Nội: Phố Trung Sơn chuyên về ẩm thực, phố Thất Tinh chuyên về thời trang, phố Bắc Hồ chuyên về mặt hàng chăn ga gối đệm, phố Đình Giang chuyên về cá giống, phố Nhân Dân chuyên về đèn, phố Nam Thiết chuyên về vải vóc, phố Công Viên chuyên về xe máy, phố Trung Hoa chuyên về linh kiện ô tô, xe đạp điện, phố Trung Nghêu chuyên thuốc bắc, phố Đào Nguyên chuyên về vui chơi giải trí, phố Kiến Chính chuyên về ăn tối, phố Hoa Đông, Hoa Tây chuyên hàng thông dụng, phố Hưng Ninh chuyên quảng cáo, khắc chữ, phố An Cát, Bạch Sa chuyên về ô tô, phố Tây Quan chuyên về nhôm, thép, phố Phúc Kiến chuyên về hải sản, phố Hoa Cường chuyên về ngũ kim, đồ điện…
 
(Còn nữa)