/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

CÂU HỎI XƯA Ở UCRAINA ĐÃ CÓ LỜI GIẢI ĐÁP?

Những câu hỏi người dân Ucraina hỏi tôi ngày trước nay đã có lời giải đáp.

CÂU HỎI XƯA Ở UCRAINA ĐÃ CÓ LỜI GIẢI ĐÁP?

 

        Ngày trước khi còn du học tại Liên Xô, tôi có tới Ucraina một vài lần. Chủ yếu những chuyến công du là thăm bạn bè, khám phá ra những vùng đất mới. Ucraina ngoài phong cảnh hữu tình thì còn nổi tiếng bởi con gái nơi đây thuộc diện xinh đẹp nhất thế giới. Tôi thường được nghe câu ví: “Tìm được người đẹp ở Hà Nội không khác nào tìm được người xấu ở Kiev”, càng làm tôi tò mò hơn, bằng mọi giá phải đến Kiev. Dù cách thủ đô của Ucraina rất xa, nhưng tôi quyết đến đây để thưởng lãm “Miền đất hứa này”.

      Thế rồi ngày lên đường đã đến. Nhớ lại, lúc ấy vào mùa hè năm 1987 tôi bay mất gần 4 giờ mới đến Matxcơva, rồi ra ga tàu hỏa đi Kiev. Chiếc tàu hướng về phía tây lao vun vút vào không gian đêm. Sáng hôm sau tôi đã tới thủ đô cổ kính của Ucraina. Vừa bước ra khỏi toa thì gặp 2 sinh viên triết năm thứ 3 là chú Sinh, chú Lữ ra đón. Chẳng mấy chốc anh em tôi đã có mặt tại Đại học Tổng hợp Kiev. Tại đây tôi được giao lưu với bạn bè quốc tế và khá nhiều công dân Ucraina. Biết tôi là người đã từng qua cuộc chiến chống Mỹ, nên có nhiều câu hỏi hóc búa từ bạn bè người Ucraina. Có người hỏi khá tỷ mỷ về cuộc chiến đã xảy ra ở Việt Nam. Họ không hiểu tại sao Việt Nam lại dính vào vũng bùn chiến tranh. Có người hăng hái hỏi: “Mày có bắn được thằng Mỹ nào không? Hay người Việt Nam chỉ bắn được người Việt Nam mà thôi”? Có người còn thóc mách hỏi những câu hỏi thật ấu trĩ như: “Sao đất nước chúng mày chỉ thích chiến tranh à?” Cố giải thích thế nào cũng không được, cuối cùng tôi buông một câu xanh rờn: “Chỉ một vài năm nữa là chiến tranh sẽ lan tới đây thôi…”. Cả bọn được trận cười vỡ bụng...

     Ngồi ngẫm lại, các nước châu Âu đã mấy chục năm không có chiến tranh và người dân không hiểu tại sao một mảnh đất Đông Nam Á nhỏ bé bằng một nửa Ucraina lại có cuộc chiến lâu dài, ác liệt đến vậy. Đặc biệt là những người sinh ra sau chiến tranh thế giới lần II, họ không hiểu cuộc chiến là gì? Nỗi đau của cuộc chiến ra sao?...

       Thấm thoắt mấy chục năm trôi qua, lời nói của tôi hôm nào nay đã thành sự thực. Cuộc chiến tranh giữa người miền tây và miền đông Ucraina đã trở lên khốc liêt. Hơn 5000 người chết và bao nhiêu nhà cửa, nhà máy xí nghiệp, cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông,… bị tàn phá. Miền đông quốc gia này trở thành đống tro tàn và rất có thể đây là nguyên nhân của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3.
.


Quảng trường Độc lập tại Kiev trước tháng 2 năm 2014

    Biết tôi có nhiều năm sống học tập và công tác tại Liên Xô, còn là ủy viên BCH Hội hữu nghị Việt Nga, nên nhiều người ở nơi tôi sinh sống thường hỏi về nguyên nhân của cuộc chiến. Tôi không phải là nhà chính trị học, không phải là nhà Ucraina học,… Nhưng tôi thấy cuộc chiến "Huynh đệ tương tàn" hiện nay ở Ucraina là phi nghĩa. Ví như một gia đình, anh em ruột thịt đánh giết nhau, chỉ có mấy hàng xóm đểu là được hưởng lợi. Nhiều người còn vặn lại tôi, cuộc chiến này là do Nga phải không? Tôi liền giải thích về Ucraina và Nga là hai dân tộc anh em thực sự, chứ không phải họ chỉ có 69 năm (1922 – 1991) sống chung dưới mái nhà Liên bang XHCN Xô Viết. Nhìn lại hơn một thiên niên kỷ trước, thủ đô cổ của Liên bang Nga là Kiev đã tồn tại 361 năm (Từ năm 882 đến năm 1243), nên nền văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ và cả vóc dáng con người nữa của họ khá giống nhau.

       Còn Crưm là mảnh đất trở thành một phần của Đế chế Nga vào năm 1783. Phía bắc Crưm tiếp giáp với lãnh thổ của Ukraina. Chiến tranh thế giới lần thứ II chấm dứt chưa được bao lâu, thì năm 1954 đã xảy ra một sự kiện phức tạp khác, đó là sự chuyển giao Crưm cho Ukraina. Vì thời đó Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, đồng thời là nguyên Bí thư thứ nhất BCH Đảng Cộng sản Ucraina đã quyết định làm một món quà tặng nước Cộng hòa Ucraina nhân kỷ niệm 300 năm ngày thống nhất Ukraina với Nga, nên ngày nay việc Nga đòi lại Crưm cũng là điều dễ hiểu…

          Có thể nói cuộc chiến hiện nay xảy ra ở Đông Âu là cuộc chiến của những “Ông lớn”, chỉ có dân đen là khổ thôi. Nếu như Mỹ và phương Tây không đông tiến, nếu như Ucraina khéo léo hơn, nếu như… thì cuộc chiến đã không đến với “Đất nước của những nữ hoàng sắc đẹp”. Những câu hỏi của người dân Ucraina hỏi tôi ngày trước nay đã có lời giải đáp.

 

Ngọc Tô