/Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà. Ta ngồi uống với mình ta hững hờ/ Thơ QUANG HUY

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

CẦU ĐÁ NGHINH PHONG CỦA TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Trời đã ngả chiều chúng tôi còn phải trở về Hải Phòng, mong sao Ban khánh tiết làng Lạng Am tiếp tục kiếm tìm các di sản văn hóa bị vùi lấp trong lòng đất

CẦU ĐÁ NGHINH PHONG CỦA TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

.

Nghinh Phong có tội gì đâu

Mà thời cách mạng phá cầu nung vôi

Dầm, xà số phận ngậm ngùi

Về làm bệ rửa chân người ven ao

Nhác trông, dòng lệ tuôn trào

Tang thương đình Lạng xiết bao đau buồn

Cỏ hoang mọc kín trong hồn

Có ai thấu hiểu ngọn nguồn nguyên do?

.

      Vì thời gian lùi đã xa, nên việc xác định cầu đá Nghinh Phong do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng cách nay gần 500 năm nằm chính xác ở chỗ nào cũng đã là điều vô cùng khó, chứ đừng nói đến trụ, thân, dầm, xà đá kia bị người dân tháo dỡ ra, giờ lưu lạc ở chốn nào, đó là việc làm như “mò kim đáy biển”. Vào sáng thứ 7 ngày 23 tháng 4 năm 2022, tôi có hẹn với Nhà văn – Nhiếp ảnh gia Vũ Thành Chung từ Hà Nội tới Hải Phòng, để hai anh em về miền đất quê Trạng xem mấy sắc phong của Thái sư Trung Tiết vương Tô Hiến Thành (1102 – 1179) tại làng Cổ Am và Lạng Am.

      Trên đường đi chúng tôi đón thêm nhà Hán Nôm Vũ Hoàng, rồi mấy anh em nhằm hướng Cổ Am thẳng tiến. Rất may cho anh em tôi, khi tới Cổ Am thì có ông Đào Trọng Giao, nguyên Chủ tịch huyện Vĩnh Bảo ra đón. Rồi một vài phút sau thì có Cán bộ xã Cổ Am phụ trách văn hóa đến và dẫn chúng tôi đi. Khoảng dăm phút sau còn có thêm ông Đỗ Văn Hiện, người Lạng Am cũng có mặt.

      Lúc tới miếu Tràng (tức miếu Cây Xanh) thì ông Trưởng Ban khánh tiết Hoàng Văn Tíu đã ra mở cửa. Sau khi thắp hương xong thì Cán bộ Văn hóa xã mở hòm sắc để anh em tôi xem. Trong 6 sắc phong còn được gìn giữ, thì 2 sắc cho Nam Hải Đại Vương, mà lâu nay rất nhiều người dịch đều cho là của Thái sư Trung Tiết vương Tô Hiến Thành, nhưng thực sự là của vị Thủy thần Nam Hải Đại Vương với mỹ tự Uông Nhuận Trung đẳng thần. Như vậy xã Cổ Am còn thờ một vị Thủy thần nữa là Nam Hải Đại Vương.

 

Có thể là hình ảnh về 4 người, mọi người đang ngồi, cây và ngoài trời

.3 tấm đá mà người dân cho là của cầu Nghinh Phong vừa mới phát hiện. Nữ giới ngồi thứ 2 từ phải sang là Nguyễn Thị Phơ

 

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

.Tấm bia đá Hậu thần bi ký thời Nguyễn mà chúng tôi vừa tìm được

     Sau đó chúng tôi cùng nhau thăm một số di tích văn hóa của mảnh đất khoa bảng xứ Đông như: Đình Thượng, chùa Mét, đình Phần và đặc biệt là Từ đường họ Đào Trọng và Bia đá “Uống nước nhớ nguồn”, bia đá đình Tràng đặt tại khuôn viên nhà ông Đào Trọng Giao ở giáp Tràng làng Cổ Am.

     Sau bữa trưa, đoàn chúng tôi về Lạng Am, tiếp tục khảo sát nơi thờ phụng Thái sư Trung Tiết vương Tô Hiến Thành. Đến gần nhà thờ mới liên lạc và gặp được với ông Đỗ văn Hiện, người làng Lạng Am. Lúc ra khu vực đình cũ xóm Đông của Lạng Am, tôi thấy cảnh quan nơi đây tương đối giống đình Viên Lang (Việt Tiến) và thích thú ngay. Cách nơi đây không xa là khu vực cầu Nghinh Phong xưa, nhưng nay con kênh đã bị lấp và thành ruộng trồng lúa cả rồi. Theo ông Đỗ Hiện và ông Nguyễn Phước Uông trên dưới 80 tuổi, thì cầu Nghinh Phong cách đình Đông Lạng Am khoảng 50 mét về phía Đông. Trước kia là con đường đất nhỏ từ quán Trung Tân qua chùa Lạng Am, rồi qua cầu Nghinh Phong tới xóm Đông làng Lạng Am. Rồi cầu Nghinh Phong và đình Lạng Am bị dỡ bỏ vào khoảng thời gian cách mạng văn hóa (từ năm 1966 đến năm 1968). Bao nhiêu đá cổ bồng, trụ đá, dầm cầu…, thôn dân nơi đây mang về bắc cầu ao hay nung vôi, nay không biết lưu lạc ở chỗ nào nữa.

 

Có thể là hình ảnh về hoa, thiên nhiên, cỏ và cây

.Nền đình Lạng Am (bị bỏ hoang gần 60 năm nay).

.

 

Có thể là hình ảnh về cây và ngoài trời

.Khu vực cầu Nghinh Phong, nay là cánh đồng Lạng Am, giáp xã Vĩnh Tiến

 

Có thể là hình ảnh về 6 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Các thành viên trước đình Phần - Cổ Am

.     Tôi là hậu duệ của Thái sư Trung Tiết vương Tô Hiến Thành, nên muốn tìm xem tại khu vực này còn ghi lại dấu tích gì về ông hay không? Tại khu vực đình cũ có hồ, có vườn và nền đình, nhưng cỏ dại mọc ngang người. Chúng tôi mượn chiếc xẻng phạt cỏ dại và thấy nhô ra đầu tấm đá, khi bới ra ít đất thấy đây là tấm bia đá. Anh em tôi muốn đào ra xem đây là tấm bia đá gì, nhưng toàn ông U70 không làm gì được. Ngay lúc đó có cô Nguyễn Thị Phơ là cán bộ thôn đi qua. Ông Hiện nhanh nhảu nói:

- Em gọi hộ vài ba thanh niên ra đây đào hộ tấm bia này để mấy bác Hán Nôm xem hộ?

- Để em gọi mấy người trẻ cho? Cô Phơ trả lời.

     Một lúc sau thì có dăm thanh niên với xà beng, giẻ lau, bột giặt, thùng đựng nước... mang tới. Sau một lúc thì bia đá kia cũng được móc lên, lật sang mặt sau thì còn nguyên chữ Nho được khắc khá rõ nét. Đây là Hậu thần bi ký dựng vào thời nhà Nguyễn. Lúc chúng tôi đang dịch tấm bia kia, thì mấy thanh niên thôn đào bới tiếp tìm ra mấy tấm bia đá khác nữa, cái thì còn một nửa, cái còn nguyên vẹn, nhưng không còn chữ nào vì những tấm bia này bị làm đe và bị mài nhẵn thín. Bới rộng ra bên cạnh còn thấy ba thanh đá của cầu. Mọi người nói đây là dầm cầu đá Nghinh Phong, lúc đầu họ mang về bắc cầu ao, nhưng người nhà bị ốm mãi không khỏi. Dân sợ mang ra khu vực đình này trả lại. Tôi đùa với cô Nguyễn Thị Phơ:

- Tôi trả làng 50 triệu đồng và gọi ô tô tải chở hết về Hải Phòng?

- Di tích văn hóa của làng em, bán sao được? Phơ trả lời.

     Trời đã ngả chiều chúng tôi còn phải trở về Hải Phòng, mong sao Ban khánh tiết làng Lạng Am tiếp tục kiếm tìm các di sản văn hóa bị vùi lấp trong lòng đất và các nhà nghiên cứu văn hóa vào cuộc để xác định 3 thanh đá kia là sản phẩm của cầu Nghinh Phong, mà cụ Trạng đã làm cách nay gần nửa thiên niên kỷ?

NGỌC TÔ

.