VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Văn xuôi
CÁC THẦN SẮC TẠI ĐỀN THỜ NỮ THÁNH CHÂN
Chúng tôi đã nhiều lần tới đền thờ Nữ Thánh Chân (đền Nghè) và đình An Biên thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng,CÁC THẦN SẮC TẠI ĐỀN THỜ NỮ THÁNH CHÂN
.
Chúng tôi đã nhiều lần tới đền thờ Nữ Thánh Chân (đền Nghè) và đình An Biên thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, nhưng chưa được tiếp cận trực tiếp với các Thần sắc, mà Bản kê Thần tích của làng An Biên lập năm Bảo Đại thứ 11 (1936) và Bia đá Thần tích tại đền thờ Thánh Chân, số 53 phố Lê Chân, quận Lê Chân, Hải Phòng lập từ tháng giêng năm Khải Định thứ 9 (1924) ghi.
Rồi vào năm 2018, Bảo tàng Hải Phòng cho ra mắt cuốn “Nữ tướng Lê Chân trong tâm thức người dân Hải Phòng” do Nhà Xuất bản Hải Phòng ấn hành. Trang 118, 119, 120 có phần “Sắc phong tại đền Nghè” ghi 4 đạo (sắc) thuộc các đời Thành Thái thứ nhất (1889), Thành Thái thứ 14 (1902), Duy Tân thứ 3 (1909), Duy Tân thứ 5 (1911) và trang 33 có ảnh mầu chụp cả 3 Thần sắc vào các năm 1889, 1902, 1911. Sau đó, chúng tôi được tiếp cận với các Thần sắc thứ 4 qua mục “Những sắc phong lưu giữ tại đền Nghè” phường An Biên, quận Lê Chân, Hải Phòng (TBHNH 2012) trên trang website của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Và thấy 4 bản phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa của 4 sắc phong do cán bộ Bảo tàng Hải Phòng cung cấp gửi đăng.
Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi quyết định đánh máy lại và dịch nghĩa 3 Thần sắc (1889, 1902, 1911) mà chúng tôi được tiếp cận như sau:
a. Đạo thứ nhất: Thần sắc năm Thành Thái thứ nhất (1889).
Phiên âm Hán Việt (Vũ Hoàng):
Sắc Hải Dương tỉnh, An Dương huyện, An Biên xã, phụng sự Thánh Chân Phu Nhân Chi thần, nhẫm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi thần. Chuẩn y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Thành Thái nguyên niên, thập nhất nguyệt, thập bát nhật.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Sắc cho xã An Biên, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương phụng thờ thần Phu Nhân Thánh Chân đã tỏ rõ sự linh ứng, nhưng chưa được ban tặng sắc phong. Nay trên tuân theo mệnh trời, xa nhớ tới công lao che chở của thần. Trẫm phong cho thần là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi thần. Chuẩn cho dân làng được phụng thờ thần như cũ. Mong Thần hãy bảo vệ, che chở, giúp đỡ dân lành của Trẫm.
Hãy tuân theo!
Ngày 18 tháng 11, năm Thành Thái thứ nhất (1889).
b. Đạo thứ hai: Thần sắc năm Thành Thái thứ 14 (1902)
Phiên âm chữ Hán (Vũ Hoàng):
Sắc Hải Phòng thành phố, Tả nhị khu phụng sự Nam Hải Uy Linh Thánh Chân Công Chúa(1) Tôn thần, hộ quốc, tý dân, nhẫm trứ linh ứng. Hướng lai vị hữu dự phong(1). Tứ kim phi thừa, cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Trai Thục, Dực bảo Trung Hưng Trung Đẳng thần. Chuẩn nhưng cựu phụng sự, thần kỳ tương hữu, bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Thành Thái thập tứ niên, bát nguyệt, thập cửu nhật.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Sắc ban cho hai khu phố bên Trái, thành phố Hải Phòng, phụng thờ Nam Hải Uy Linh Công Chúa Thánh Chân Tôn thần. Thần đã có công giúp nước, che chở, bảo vệ cho dân, tỏ rõ linh ứng, nhưng chưa được ban cấp sắc phong. Nay trên tuân theo mệnh trời, xa nhớ tới công lao che chở của thần, Trẫm phong cho thần là Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng thần. Chuẩn cho dân làng được phụng thờ thần như cũ. Mong Thần hãy bảo vệ, che chở, giúp đỡ dân lành của Trẫm.
Hãy tuân theo!
Ngày 19 tháng 8 năm Thành Thái thứ 14 (1902).
__________
Ghi chú (1): Tên thần của Nữ Thánh Chân ở sắc thứ nhất vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) là Phu nhân Thánh Chân, thì tại sao ở sắc thứ 2 vào năm Thành Thái thứ 14 (1902) lại là Công chúa Thánh Chân? Hay đã có sắc thứ nhất rồi, sắc thứ 2 lại ghi: “向未有預封- Hướng lai vị hữu dự phong”, nghĩa là “vẫn chưa được ban cấp sắc phong”, chả lẽ người viết ở bộ Lễ lại ghi nhầm?
Theo trang 120 sách “Nữ tướng Lê Chân trong tâm thức người dân Hải Phòng” và sắc phong do cán bộ Bảo tàng Hải Phòng cung cấp được đăng trên trang website của Viện nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi xin trích nguyên văn sắc (đạo) thứ 3 như sau:
c. Đạo thứ 3: Thần sắc năm Duy Tân thứ 3 (1909)
Phiên âm chữ Hán (Cán bộ Bảo tàng Hải Phòng):
Sắc chỉ Hải Phòng tỉnh, thành phố Tả nhị khu, tòng tiền phụng sự Trai Thục, Dực bảo Trung hưng, Nam Hải uy linh, Thánh Chân công chúa Trung Đẳng thần, tiết kinh ban cấp sắc phong, chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Duy Tân tam niên, bát nguyệt, thập nhất nhật.
Dịch nghĩa (Cán bộ Bảo tàng Hải Phòng):
Sắc cho hai khu phố bên Trái, tỉnh Hải Phòng, theo trước phụng thờ Trai Thục Dực bảo Trung hưng Nam Hải Uy Linh Thánh Chân Công Chúa Trung Đẳng thần, trải qua các tiết đã được ban cấp sắc phong để phụng thờ. Nay niên hiệu Duy Tân thứ nhất, làm lễ đăng quang, Trẫm ban chiếu báu, tri ân nâng phẩm trật. Đặc biệt, chuẩn cho theo cũ phụng thờ thần, cho ghi chép vào điển lễ Quốc gia để thờ tự lâu dài.
Hãy tuân sắc.
Ngày 11 tháng 8 niên hiệu vua Duy Tân thứ 3 (1909).
d- Đạo thứ tư: Thần sắc niên hiệu vua Duy Tân thứ 5 (1911)
Phiên âm chữ Hán (Vũ Hoàng):
Sắc Hải Phòng tỉnh, Châu Thành, Đệ nhị hộ phụng sự Nam Hải Uy Linh Thánh Chân Công Chúa Tôn thần, hộ quốc, tý dân, nhẫm trứ linh ứng, hướng lai vị mông ban cấp sắc văn(2). Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miễn niệm thần hưu. Trứ phong vi Trai Thục, Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng thần. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Duy Tân ngũ niên, nhuận, lục nguyệt, thập bát nhật.
Dịch nghĩa (Vũ Hoàng):
Sắc cho khu phố thứ Hai thuộc Châu Thành, tỉnh Hải Phòng phụng thờ Nam Hải Uy Linh Công Chúa Thánh Chân Tôn thần. Thần đã có công giúp nước, bảo vệ, che chở cho dân, tỏ rõ sự linh ứng, nhưng chưa được ban cấp sắc văn(2). Nay trên tuân theo mệnh trời, xa nhớ tới công lao che chở của thần. Phong cho thần là Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng thần. Đặc biệt chuẩn y cho dân làng phụng thờ thần như trước. Mong thần hãy bảo vệ, che chở, giúp đỡ dân lành của Trẫm.
Hãy tuân theo!
Ngày 18 tháng 6 nhuận, năm Duy Tân thứ 5 (1911).
__________
Chú thích (2): Sắc thứ 3, năm Duy Tân thứ 3 (1909) đã ghi “節經蒙頒給敕封 - tiết kinh ban cấp sắc phong”, nghĩa là đã từng được ban cấp sắc phong, thì sắc thứ 4 vào năm Duy Tân thứ 5 (1911) lại ghi “向來未蒙頒給敕封 - hướng lai vị mông ban cấp sắc văn”, nghĩa là “chưa được ban cấp sắc văn (phong)”, chả lẽ người viết ở bộ Lễ lại ghi nhầm?
.
Qua Bản kê Thần tích của làng An Biên hay Bia đá Thần tích ở miếu An Biên và các Sắc phong thần đều ghi Công chúa Thánh Chân (gọi tắt là Thánh Chân) được các nhà vua triều Nguyễn phong thần với mỹ tự là Trai Thục Trung Đẳng thần và Trang Huy Thượng Đẳng thần (xem phần Sắc phong thần thời phong kiến Việt Nam). Điều này càng khảng định triều đình phong kiến Việt Nam trước đây đã công nhận Nữ Thánh Chân là Âm thần. Vì vậy ngày giỗ của nữ thần này ở đền thờ Lê Chân tại làng An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, hay tại đền Nghè số 53 Lê Chân, Hải Phòng, hay tại đền thờ Lê Chân ở thôn Khúc Giản (chân núi Voi), huyện An Lão vào ngày 25 tháng chạp âm lịch là hoàn toàn có cơ sở. Còn tên thần của Thành hoàng làng An Biên này là Thánh Chân. Theo luật, thì tên húy không bao giờ trùng với tên thần, nên ta càng có cơ sở khảng định tên húy (thật) của nữ thần này không phải là Chân.
Còn tại đền thờ Nữ Thánh Chân ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, hay tại đình An Biên, ngõ 170 phố Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng lại lấy ngày 13 tháng 07 âm lịch. Đây là ngày giỗ (hóa) của Thành hoàng làng Lạt Sơn (h. Kim Bảng, Hà Nam) Phu Nhân Xuân Anh Tôn thần, chứ không phải của Nữ Thánh Chân.
Để độc giả hiểu rõ hơn về ngày chạp thần, chúng tôi xin sơ lược giải thích như sau: Từ xa xưa đã có một tập tục quan trọng đối với cộng động người Việt cổ là lễ ông Công, ông Táo vào 23 tháng chạp. Còn lễ tiễn Thần Phật đi chầu Trời thường thực hiện vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch và được gọi là ngày lễ tiễn Thần hay là ngày chạp Thần và thông thường là những vị “người nhà Trời” (Thiên thần).
Đứng giữa khu trung tâm thành phố Hải Phòng, bao cảm xúc trong tôi trào dâng và mấy vần lục bát ra đời:
Nữ thần được sắc vua ban
Trang Huy, Trai Thục rõ ràng chẳng sai
Mấy người viết sách kỳ tài
“Ván cờ lật ngược” gió cài chiêm bao?
Qua 3 chuyên mục trên, độc giả phần nào đã hiểu rõ về cuộc đời của Nữ Thánh Chân. Ngay tại Bia đá Thần tích của làng An Biên lập năm 1924, hiện còn lưu giữ tại đền Nghè, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Trong đó ghi: “Nay nhân dịp trùng tu miếu, làng soạn văn khắc vào bia đá để muôn đời sau rõ. Nước ta từ cổ xưa đã có vị Thành hoàng làng An Biên một lòng yêu nước, thương dân. Đó là luân thường đạo lý. Thế thì văn bia này khắc ra cũng không phải là không có ích”. Đây là một nhân vật huyền thoại, từ chuyện người mẹ ra đồng sớm, ướm thử vào bàn chân khổng lồ rồi về nhà mang thai tròn 12 tháng, sinh ra Nữ Thánh và đặt tên cho con mình là Chân giống như truyện Thánh Gióng thời Hùng Vương…
Dẫu sao chăng nữa, Nữ Thánh Chân là một biểu tượng cao đẹp cho tinh thần yêu nước nồng nàn và sức mạnh quật khởi của dân tộc ta trong việc chống ngoại xâm và bảo vệ đất nước từ những năm đầu Công nguyên của vùng đất duyên hải Bắc Bộ. Đứng trước khu di tích thờ Nữ Thánh Chân, cảm xúc trong tôi thăng hoa và bài thơ “Làng Vẻn” được ra đời:
“Hoà tiếng reo vang qua vùng sú vẹt dọc ngang. Ngược mạch thời gian hai ngàn năm về làng Vẻn. Hàng cây bương bừ thừ trước cổng làng lá nhọn lao xao vỗ bạc gió trời. Tiếng vó ngựa ngoài chân bãi dập dồn, còng còng cõng nắng thả biển khơi.
Lần theo dấu chân chiến binh tay cầm khiên mây, giáo đồng, nỏ tre gồng mình theo nhịp trống. Hồn núi sông hiện về chân sóng. Dọc triền sông mồ hôi rơi tắm mát đôi bờ. Người quăng chài vợt hạnh phúc say sưa. Người cày khói, bừa sương ươm câu hát đúm. Trong đền thiêng gặp Nữ tướng “Cá kình biển Đông” tay cầm gươm tựa vầng trăng sáng...
Cả cuộc đời Bà sàng đêm lọc những ước mơ. Gieo nụ cười vào bến ưu tư. Vượt lên đỉnh chờ mong hái chùm mây ngũ sắc. Cấy tuổi xuân vào cánh đồng lộc biếc... Trống hội điểm rung mừng ngày vui hoa đỏ khắp nẻo đường. Cánh cửa làng mở gió bốn phương”.
NGỌC TÔ
Các tin khác
-
NGUỒN GỐC HỌ TÔ NỘI TẠ
-
BẾN QUÊ NỘI TẠ (PHẦN I)
-
“HÀ CẦU, HẠ HỒNG – SƠN ĐỒNG, QUỐC OAI”
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO