VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Văn xuôi
Ấn tượng mùa đông
Xibia có bốn mùa, nhưng theo quan niệm của những người đến từ xứ nhiệt đới thì mảnh đất này có tháng 6 và tháng 7 mùa hèẤn tượng mùa đông
(Trích trong Bút ký của Tô Ngọc Thạch)
Xibia có bốn mùa, nhưng theo quan niệm của những người đến từ xứ nhiệt đới thì mảnh đất này có tháng 6 và tháng 7 mùa hè, còn lại là mùa đông kéo dài lê thê. Từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 4 năm sau lúc nào cũng băng giá và “Tuyết trải dài tít tắp trời xa”. Khi bước ra khỏi nhà, ta không khỏi choáng ngợp bởi cánh đồng tuyết bao la của thiên nhiên Nga hùng vĩ để lại ấn tượng mùa đông không thể nào quên. “Nhịp thời gian rung động bồi hồi”, không gian cả ngày lẫn đêm lúc nào cũng mơ màng huyền ảo. Đôi lúc mặt trời mới chịu ló ra. Cái nắng yếu ớt của mùa đông không đủ xua đi cái giá lạnh nơi đây, nhưng nó làm ấm áp trái tim những con người xa xứ. Nhiều lúc cái tĩnh lặng mùa đông cũng giúp ta có giây phút thư dãn nhìn lại vạn vật xung quanh, khám phá ra những điều bình dị nhất mà con người không biết. Còn gì thú hơn những trò chơi thể thao trên tuyết, những lúc dắt tay nhau dọc theo lối mòn về ngôi nhà mình ở. Đứng trước mùa đông đẹp nhường này trong tôi lại bật ra tứ thơ lãng mạn. “Cánh đồng tuyết soãi mênh mông bát ngát. Trắng sững sờ dãn vầng trán nước Nga. Rót đầy tôi điệu dân ca réo rắt. Nồng nàn hương trong tuyết trắng kiêu sa... ”
Trong giá băng ấy có “Cây thông đứng vẫn tinh khôi màu lá”, còn lại các loài thực vật khác đều trơ trụi khẳng khiu. Chính vì vậy thông là biểu tượng cho tính cách Nga. Nhiệt độ trung bình mùa đông tại Altai, miền Tây Xibia là âm 300C. Hôm nào nhiệt độ từ âm 150Cđến âm 100C là niềm mơ ước của chúng tôi. Khi chưa đến đây, được nghe bao câu chuyện hoang đường về Xibia. Nào là những bí ẩn trong thung lũng chết, những phạm nhân có án phạt “dựa cột” đều bị giam giữ tại đây. Rồi những nhà hoạt động chính trị, khổ sai đều bị đọa đày tại vùng này. Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy giáo địa lý kể bao câu chuyện ly kỳ hấp dẫn về mùa đông Xibia, chỉ cần hắt một gáo nước từ tầng trên xuống, chưa kịp tiếp cận mặt đất nước đã biến thành băng và bao nhiêu chuyện khác nữa tạo nên một dấu ấn mùa đông mà không vùng miền nào có được.
Khi thâm nhập đời thực ở Xibia, chuyện hoang đường, dường như không phải là không có. Mà do đời sống của người dân được nâng cao, giá lạnh chỉ ở ngoài nơi ở, nên mọi người cảm thấy bình thường. Tuyết rơi ở Trung Á thì chỉ cần tấm áo khoác là xong, nhưng ở Xibia thì bắt buộc phải mang quần áo, khăn len, mũ, giầy tất ấm. Gặp hôm nhiệt độ xuống thấp, phải mặc hai hoặc ba quần len, quần ngoài. Còn áo thì hết lớp nọ đến lớp kia, chân xỏ hai hay ba tất len, quấn giẻ, trước khi đi ủng dạ. Rồi khoác ngoài áo lông hoặc bành tô, đầu đội mũ lông, tay xỏ găng tay da... Mỗi khi ra ngoài phải khoác trên mình hàng chục ki lô quần áo, giầy tất, mũ. Chẳng may có trượt chân ngã cũng chẳng sao vì được một lớp bọc khá kỹ. Thông thường khi cuốc bộ, người ta hay tập trung thành nhóm. Nếu đi đơn lẻ, chỉ áp dụng với những cự ly ngắn. Ở Xibia có căn bệnh “mũi trắng” mà nhiều người không biết. Khi đi ra ngoài trời lạnh quá lâu, mũi mất hết cảm giác, trông giống như miếng thịt chết, được gọi là hội chứng bỏng tuyết. Lúc ấy chỉ cần có lực một tác động nhẹ vào mũi là mất một mảng thịt như chơi. Muốn hồi phục lại cơ quan khứu giác, khi vào nhà bốc một vốc tuyết to ủ vào mũi lúc lâu cho mũi từ từ hồi phục trở lại. Vì vậy những người nước ngoài sống ở Xibia hầu hết dễ bị mắc bệnh về đường hô hấp.
Tại vùng đất huyền thoại này, một nơi lạnh nhất hành tinh có người sinh sống, đó là ngôi làng tại Oymyakonsky Ulus thuộc nước Cộng hòa Sa kha nằm dọc theo sông Indigirka với vẻn vẹn 800 nhân khẩu. Nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận là âm 71,20. Thức ăn chủ yếu của người dân nơi đây là thịt ngựa và tuần lộc. Sở dĩ họ không bị suy dinh dưỡng là nhờ vào sữa tuần lộc và sữa ngựa vì có nhiều vi lượng bồi bổ. Còn lông thú ở xứ hàn đới là thứ mốt thời thượng, nhưng ở Oymyakon chúng chỉ được sử dụng với mục đích duy nhất là giữ ấm...
Nếu gặp những ngày bão tuyết ở Xibia thì cực kỳ khủng khiếp. Đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, nhưng hiếm khi bão bắt đầu xảy ra vào ban ngày và thường xảy ra vào ban đêm. Những ngày nhiệt độ dưới âm 300C, phòng ở phải cắm thêm lò sưởi điện. Nếu quên mở của sổ con, ô xy bị đốt hết, đôi khi ảnh hưởng tới tính mạng. Có một số trường hợp người Việt ở thành phố khác, bị chết trong phòng vài ngày mới biết. Nên những hôm rét đậm, hay bị đau ốm, phụ trách ký túc xá khuyến cáo khi đi ngủ mọi người không nên chốt cửa trong.
Hệ thống lò sưởi hơi nước công cộng chỉ dành cho các nhà tập thể hoặc những gia đình trong thành phố. Mỗi khu phố có nhà máy hơi nước và các ống dẫn nước tới từng căn hộ. Trong từng căn hộ có những tấm tản nhiệt, muốn nóng nhiều, nóng ít thì điều chỉnh van tiết lưu. Những tấm sưởi này còn là chỗ phơi quần áo, tất về mùa đông. Những người chịu lạnh kém thì bố trí giường ngủ sát khu vực tấm sưởi nhiệt.
Việc xây dựng nhà ở, người ta đều xây rỗng ở khoảng giữa bức tường. Nhằm cách âm và chống truyền nhiệt. Từ phòng này muốn báo sang phòng bên, không thể dùng tay đấm vào tường làm hiệu được, phải gọi bằng cửa trước. Tất cả các phòng đều có cửa sổ tiếp xúc với ngoài trời. Cửa sổ nào cũng hai lần cửa kính, những khe cửa trong được chèn bông và dán băng keo, ngăn cách tuyệt đối với bên ngoài. Những nhà không có tủ lạnh, hoặc tủ lạnh bị trục trặc, người ta lấy lớp giữa của hai cửa sổ làm chỗ bảo quản thực phẩm.
Còn ở nông thôn, các gia đình xây lò sưởi riêng biệt, hoặc chung với gian bếp. Gần đến mùa tuyết rơi, phải chuẩn bị củi, than cho cả vụ. Nhờ vào hơi nóng của than đốt, dẫn tới các phòng. Sau lò đốt có van lá điều chỉnh, hoặc tùy vào lượng than đốt để lấy nhiệt nhiều hay ít. Kiểu làm lò thủ công, đốt bằng than không lợi cho sức khỏe lắm vì lượng ô xy bị cháy. Về mùa đông người Nga phải chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, kể cả lương thực thực phẩm để chống chọi với thời tiết giá lạnh.
Dân số Barnaul từ năm 1937 đến nay có chiều hướng giảm đi chứ không tăng lên như các thành phố lớn. Đất đai nhiều mà mật độ dân cư thưa thớt, hầu như nhà nào cũng có vài trăm đến vài nghìn mét vuông ở ngoại ô. Thông thường về mùa thu, họ trồng khoai tây, gieo hạt..., sang xuân tuyết tan. Hạt nảy mầm, cây có củ, đến mùa hè thu hoạch. Hay tại các mảnh đất đó, người ta trồng cây ăn quả, đến cuối vụ thu lượm. Tất cả những quả củ đó được bảo quản trong lòng đất bằng phương pháp truyền thống. Đào một giếng tròn nhỏ có đường kính trên một mét, sâu độ mươi mét, dưới đó là táo, cà rốt, khoai tây... được vùi trong cát. Không khí dưới giếng về mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, nhiệt độ trung bình khoảng dương 100C, nên củ quả có thể bảo quản quanh năm. Liên Xô ngày ấy con người thật thà như đếm, ruộng nương và giếng thực phẩm ở cách nhà hàng chục cây số, chẳng ai lấy của ai bao giờ. Khi nào trong nhà cạn thực phẩm thì đánh xe đi hoặc nhảy tàu đến lấy. Còn về mùa hè ra đó lao động, nghỉ ngơi thì còn gì thú hơn. Mùa đông ở đây tuy giá lạnh, nhưng có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong chương 2 tập trường ca “Tổ khúc Xibia” tôi có viết: “Tuyết trải dài tít tắp trời xa. Bông tuyết ôm nhau đắm đuối la đà. Tuyết khật khưỡng hòa hai thành một. Tuyết giao hoan trong bùa mê se sắt. Tuyết sinh sôi vào tháng giá ngày đông. Tuyết cồn cào sinh lực thập thồng. Tuyết cuồn cuộn ngập ngừng trong sắc nắng. Tuyết chôn vùi bao khổ đau bãng lãng. Tuyết là tình yêu. Tuyết năng lượng phồn sinh. Tuyết sự sống. Tuyết sáng lòa trong mộng. Tuyết mối tình trắng trong. Tuyết cùng người kết bạn thuở hồng hoang... ”
Do khí hậu lạnh, lớp mỡ cơ thể con người Xibia được tích tụ nhiều hơn. Có một chất xúc tác mà ai ở vùng băng giá này cũng thích đó là vodka. Vì thế dân Nga là dân tiêu thụ rượu trắng vào tốp đầu thế giới. Người Nga thông minh và rất cần cù chịu khó. Họ phải chuẩn bị tốt mọi thứ để chống đỡ với cái giá lạnh mùa đông. Nếu ở Việt Nam dương 5 đến 70C là công nhân nghỉ việc, thì ở Altai âm 500C, công nhân mới được nghỉ. Học sinh phổ thông cũng phải âm 450C mới không phải đến trường.
Cô Tanhia, cán bộ đoàn thanh niên, phụ trách văn thể ở ký túc xá chúng tôi. Cứ chủ nhật, ngày lễ lại rủ anh em đi trượt tuyết. Môn thể thao này có cách đây từ 3000 đến 4000 năm trước Công nguyên. Vận động viên sử dụng ván trượt làm phương tiện di chuyển trên tuyết. Ván trượt được gắn với giày khi trượt. Có hai loại trượt tuyết chính. Một loại sử dụng ván trượt chỉ gắn vào đầu giày trượt, chứ không gắn vào phần gót chân. Loại thứ hai ván trượt được gắn cả đầu và gót chân. Đối với người Nga, đây là môn thể thao ưa thích, còn người Việt thì không mấy người mặn mà. Từ ký túc xá, chúng tôi bắt xe ra vùng ngoại ô xa. Khi đi mang theo giày, quần áo, mũ và dụng cụ trượt tuyết. Tôi tham gia được một hai lần rồi bỏ, vì ít năng khiếu và không ham lắm. Trượt tuyết là môn thể thao đòi hỏi thể lực và tinh thần cao. Nếu tập được môn này rất có lợi cho sức khỏe. Mùa đông những năm đầu mới đến, anh em chúng tôi tới lớp học hay chỗ làm việc rất vất vả, kể cả khi di chuyển trên các phương tiện giao thông. Nhưng ở lâu thành quen. Mùa đông Xibia thật ấn tượng. “Cái rét căm căm nhói vào nhịp thở. Con chữ thày cho bừng mở khoảng trời. Như khúc vĩ thanh Xibia đồng cảm bên nôi. Bện dòng đời vào cùng năm tháng”. Rồi những lúc phải tạm xa Altai, lòng bồi hồi xúc động nhớ về nơi mà nhiều năm mình gắn bó “Tuyết lao chao dội trắng bến bờ. Tim đăm đắm dọc triền sông Ốp. Hồn si mê phía đơn côi ngụp lặn. Nụ hôn đầu bảng lảng giữa Altai. Lời thề xưa hằn vết xước hoa gai. Đời khao khát, tình không hao vợi. Ánh mắt lung liêng còn bổi hổi. Nỗi nhớ rấm vàng chín một mùa yêu”.
TNT
Các tin khác
-
NGUỒN GỐC HỌ TÔ NỘI TẠ
-
BẾN QUÊ NỘI TẠ (PHẦN I)
-
“HÀ CẦU, HẠ HỒNG – SƠN ĐỒNG, QUỐC OAI”
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO