VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
Văn xuôi
“VƯƠNG QUỐC CỦA TỰ DO”
Thời tiết bây giờ đã sang thu, từng đợt heo may lũ lượt kéo về gợi cho ta bao cảm xúc bâng khuâng...“VƯƠNG QUỐC CỦA TỰ DO”
Có phải mùa thu là mùa xuất ngoại hay không, nhưng linh nghiệm này đối với tôi thì hoàn toàn đúng. Lần đầu tiên đi du học vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, rồi sau này nhiều lần đi học nâng cao, công tác, hội thảo và tham quan du lịch... phần lớn cũng đều vào mùa thu. Nhiều năm trở lại đây người ta đua nhau sang Thái khám phá mảnh đất huyền bí này và tìm cơ hội làm ăn. Nhưng mãi tới nay tôi mới có dịp sang đất nước Racha Anachakra Thai (Thái Lan) theo tiếng Thái có nghĩa là “Vương quốc của tự do”.
Thời tiết bây giờ đã sang thu, từng đợt heo may lũ lượt kéo về gợi cho ta bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi, xao xuyến. Càng gần về trưa bầu trời càng trong xanh, nắng vàng lịm, trải dài sóng sánh như mật. Dọc theo hai bên quốc lộ 3 tới phi trường là những gam vàng: “Hoa cúc giật mình vàng rạng rỡ”, vàng xuộm của những cánh đồng lúa chín, vàng cháy của những chiếc lá còn đang lơ lửng trên những vòm cây. Chả mấy chốc chiếc xe ca đã đưa các thành viên trong đoàn có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài. Như thường lệ chúng tôi làm các thủ tục, vào trong nhà chờ và đúng 13 giờ 18 tháng 10 năm 2004 chiếc phi cơ của Vietnam Airline bắt đầu cất cánh. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, máy bay hạ cánh xuống sân bay Don Muang thủ đô Băng Cốc, Thái Lan. Vừa ra khỏi chỗ làm thủ tục thì một hướng dẫn viên người Thái thành thạo tiếng Việt, tay cầm cờ hiệu ra đón đoàn.
Bất ngờ đầu tiên tại sân bay là những cử chỉ thân thiện và nồng hậu của đội ngũ nhân viên nhà ga. Rồi một nữ hướng dẫn viên du lịch trẻ trung của sân bay với những nụ cười tươi tắn, quàng vào cổ cho từng thành viên một vòng hoa lan xinh tươi với cái chắp tay thành kính, nghiêng mình đón chào và một cử chỉ thân thiện xin kiểu ảnh bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Ngay sau đó chúng tôi lên xe thong dong trên con đường rợp bóng những hàng cây về khách sạn gần trung tâm thủ đô. Vương quốc Thái Lan đã từng được gọi là Xiêm La, nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á với 4 vùng tự nhiên: Rừng núi phía bắc, đồng bằng miền trung, cao nguyên miền đông bắc, các đảo vùng nhiệt đới nằm dọc bờ biển và bán đảo ở miền nam. Quốc gia này có 76 tỉnh với 60 triệu nhân khẩu và diện tích 514.000 ki-lô-mét vuông, tương đương diện tích Việt Nam và Lào cộng lại.
Các phương tiện và người dân Thái tham gia giao thông giống như ở Anh Quốc (đi bên trái và sử dụng tay lái phải) và phần nhiều các phương tiện giao thông đều sử dụng nguyên liệu khí ga. Hệ thống đường cao tốc hai ba tầng khá phát triển, rồi xe điện trên cao, hệ thống tàu điện ngầm bắt đầu hoạt động, nhưng tình trạng tắc đường vẫn thường xuyên xảy ra. Vì luật pháp Thái Lan khá cởi mở, công dân từ 15 tuổi có thể mua xe con và thuế nhập khẩu thấp, nên hầu như gia đình nào cũng có xe hơi, nhiều gia đình có vài ba chiếc. Chính thế mà việc kẹt xe ở đây đáng sợ, đôi lúc có những đoạn tắc đường dài 20 - 25 ki-lô-mét. Quốc lộ được tư nhân hoá, nên rất nhiều đại gia bỏ tiền ra đầu tư và quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến khích các phương tiện đi vào đường của họ được hưởng nhiều tiện ích, tạo ra môi trường cạnh tranh khá hay. Có lẽ đây cũng là điểm nhấn để Việt Nam học tập.
Theo các sử gia thì lúc đầu Băng Cốc chỉ là một thương cảng nhỏ phục vụ cho thủ đô Ayuttaya. Đến năm 1767 một thủ đô mới được thành lập ở Thonburi (Một phần của Băng Cốc ngày nay) trên bờ tây của sông Chao Pharaya và năm 1782 thành phố được mang tên Krung Thep, nghĩa là “Thành phố của các vị thần”. Cái tên Băng Cốc thường dùng để chỉ quận ở Thonburi, nhưng đại đa số người nước ngoài dùng để chỉ cả thành phố. Cái tên Krung Thep hay Krung Thep Maha Nakhon là tên viết tắt, còn tên đầy đủ của thành phố này viết dài gần một trang giấy, nên có thể nói Thái Lan là quốc gia có tên thủ đô dài nhất thế giới. Với diện tích 1568 ki-lô-mét vuông và gần 5.7 triệu nhân khẩu theo đăng ký, nhưng gồm khá nhiều sắc tộc. Ngoài người Thái ra, ta còn thấy các cộng đồng thiểu số gồm: Người Hoa đại lục, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaisia, Singapore. Còn có khoảng nửa triệu người nhập cư bất hợp pháp gồm: Campuchia, Myanma, Nga, Ukraina, Pakistan, Nigeria, Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác nữa.
Chao Phraya là con sông chính chảy qua phía tây thành phố đổ ra vịnh Thái Lan, chia Băng Cốc thành nhiều khu khác nhau bởi những kênh rạch chằng chịt, nên người ta vẫn gọi thành phố này là “Vanezia phương đông”. Trên các sông rạch này xuồng ghe qua lại như mắc cửi. Những chiếc tắc ráng giống hình lá liễu chở đầy rau quả, đồ gia dụng... được các thương nhân rao bán. Cũng từ những hình thức giao thông này mà chợ nổi xuất hiện. Nếu ai đã từng qua chợ nổi Cần Thơ, Hậu Giang ở nước ta thì ở đây có nhiều nét la lá như vậy. Muôn tia nắng của vùng sông nước nhiệt đới chiếu xuống dòng kênh lấp lánh hòa với mái chèo khua nước, tiếng rao hàng lanh lảnh lan tỏa hai bên sông, làm buổi chợ nổi huyên náo. Theo hướng dẫn viên du lịch thì cứ đến rằm tháng 12 (khoảng giữa tháng 11 âm lịch) mọi người dân từ khắp nơi đổ về đây để mừng ngày lễ truyền thống thả đèn trên sông. Vào những ngày này người ta làm lồng đèn bằng lá chuối rồi cắm lên thân chuối kết thành bè. Nhiều người làm lồng đèn theo hình chú chim, hình chiếc thuyền, hình hoa sen… với các chất liệu dân dã khác nhau. Cũng giống như lễ hội hoa đăng ở Hội An, người thả đèn cầu may cho bản thân và gia đình. Vào những ngày này tại đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi như thi chèo thuyền, hội diễn văn nghệ làm cho Băng Cốc một sức hấp dẫn của “Thành phố trên sông”.
Sau bữa cơm chiều các thành viên trong đoàn được tự do. Mấy bạn trẻ rủ tôi bắt taxi đi khám phá khu “Phố đèn đỏ” về đêm. Chẳng phải mất nhiều lời, người tài xế đã hiểu địa điểm chúng tôi cần tới. Xe đưa lòng vòng qua mấy con phố rồi khu đèn đỏ cũng hiện ra. Vừa đặt chân tới Patpong đã thấy cảnh tấp nập, tiếng nhạc xập xình với những ánh đèn nhấp nháy để mở màn cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Nằm ngay trung tâm thủ đô Băng Cốc, Patpong là những con lộ nhỏ dài vài trăm mét nằm cắt giữa hai phố Silom và Suriwong với hàng trăm quán bar, tụ điểm massage, quán karaoke ôm, thoát y vũ với những bảng hiệu Show girls, Super girls... bằng tiếng Thái, Anh, Hoa, Nhật kèm với hình các “Cô gái con nhà nghèo” khêu gợi.
Patpong trước kia còn bé nhỏ, nhưng nay đã được mở mang phát triển, nhiều nhà hàng quán bar, vũ trường mọc nên san sát bởi nghề kinh doanh siêu lợi nhuận này. Mỗi khi thành phố lên đèn thì rất nhiều các cô gái xinh đẹp mà đa số là sinh viên và những người chuyển đổi giới tính chen chúc nhau mời gọi khách. Khoảng 20 giờ là cao điểm của các quán bar, những sân khấu bắt đầu trình diễn sex. Vào trong ta thấy hàng chục cô gái trẻ thoát y hoàn toàn đang uốn éo trên bục nhảy theo các điệu nhạc kích động với những ánh sáng mờ ảo trong một không gian lãng mạn. Trước khi tới đây tôi đã tìm hiểu trên sách báo và khi có mặt ở đây rồi càng chứng minh những điều báo nêu là hoàn toàn đúng. Có thể bạn vào cửa miễn phí, nhưng hãy chuẩn bị trả 3000 baht cho một chai bia với giá chỉ 90 baht và đừng có tranh cãi về chuyện thanh toán vì luật lệ ở đây là vậy. Còn nếu trốn tránh việc thanh toán thì không thể thoát bởi đám bảo kê sẽ “Thượng cẳng chân hạ cẳng tay” ngay.
Tiếp tới cuối “Phố đèn đỏ” có một căn nhà nhỏ khá nổi tiếng, đó là văn phòng của Empower, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì quyền lợi của những cô gái bán dâm tại Thái Lan do bà Chantawipa Apisuk sáng lập. Lúc đầu đây chỉ là một câu lạc bộ tiếng Anh dành cho những người hành nghề tại Patpong. Thấy cảnh các cô gái luôn bị giới chủ bóc lột, bà Chantawipa và những nhà hoạt động xã hội Thái quyết định thành lập một tổ chức hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những con người bất hạnh và từ đó Empower ra đời. Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc các nhân viên, tình nguyện viên của Empower chia nhau đi thâm nhập vào các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ thoát y vũ để tìm hiểu, tiếp cận, kịp thời giúp đỡ các cô gái có những số mệnh trớ trêu. Tới đây tôi mới thấy đằng sau sự hào nhoáng của một cuộc sống tưởng chừng sa hoa, giàu có là những nỗi buồn man mác trong một không gian quạnh vắng đìu hiu.
Các tin khác
-
NGUỒN GỐC HỌ TÔ NỘI TẠ
-
BẾN QUÊ NỘI TẠ (PHẦN I)
-
“HÀ CẦU, HẠ HỒNG – SƠN ĐỒNG, QUỐC OAI”
-
NAM TƯỚNG LÊ CHÂN
-
SÔNG “KINH THẦY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
-
ĐỒN SƠN CHU DU KÝ
-
CÁC BẾN ĐÒ NGANG - DỌC HUYỆN AN DƯƠNG CỔ
-
BẾN GÓT – CÁI VIỀNG HUYỆN CÁT HẢI (HẢI PHÒNG)
-
ĐÒ DỌC HUYỆN NGHI DƯƠNG (KIẾN THỤY – HẢI PHÒNG)
-
SẮC PHONG CHO THỔ THẦN LẠI BIẾN THÀNH NHÂN THẦN TRẦN QUỐC BẢO