/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

VĂN HỌC QUỐC TẾ

Trở lại cố hương (VHQT)

Ông lão vỗ vai người thanh niên cười, trong nụ cười có sự đồng tình nhưng cũng có sự chua xót…

Trở lại cố hương

Thủ Vọng Thiên (Trung Quốc)


Lúc trẻ thì không hối hận vì cứ tưởng là đi sẽ làm nên sự nghiệp để cho bố mẹ và bè bạn nhìn thấy. Nhưng thời gian trôi đi, tuổi tác mỗi ngày một cao tôi mới hiểu rằng, dù cho tôi cố gắng đến mức nào, dù có làm thuê ở cái thành phố này một trăm năm đi chăng nữa cũng không làm nên trò trống gì, cũng không thể mua nổi một ngôi nhà cho mình...

Một ông lão xuống tàu bị những người lên xuống chen lấn xô đẩy loạng choạng suýt ngã, may mà có một người thanh niên đi bên cạnh dìu đỡ. Ông lão cảm động nói với người thanh niên:

- Cảm ơn cháu, tôi già rồi, người bây giờ yếu lắm - Nói xong lấy tay xoa xoa chỗ chân bị đau.

Người thanh niên thấy ông lão đi đứng có vẻ khó nhọc nên dìu ông lão đến chiếc ghế dựa ngồi xuống. Người thanh niên hỏi ông lão:

- Bác nhiều tuổi như thế này còn đi ra ngoài một mình làm gì?

Ông lão trả lời:

- Không phải tôi đi ra ngoài mà là tôi đi về thăm nhà đấy!

- Thế bác không phải là người vùng này à? - Người thanh niên hỏi.

- Không phải! À!... - Ông lão thở một hơi dài để lấy sức sau đó nói tiếp - Thời trẻ tôi rất muốn đi ra bên ngoài bôn ba kiếm sống. Tôi cứ nghĩ rằng ngoài cái làng quê nhỏ bé thì bất cứ chỗ nào trên thế giới này cũng đều là Thiên đường. Sau khi đi rồi tôi mới biết, người không có học thức, không có nghề nghiệp như tôi thì chẳng làm được gì cả. Tôi đã làm thuê và sống bằng cái sức lực hèn mọn ở cái thành phố này cả một đời rồi, cho đến bây giờ tôi vẫn đang làm tạp vụ cho một siêu thị.

Người thanh niên nghe nói, ngây người ra một lúc mới hỏi ông lão:

- Thế bác có hối hận vì đã ra đi không?

Giọng ông lão bỗng trầm hẳn xuống:

- Lúc trẻ thì không hối hận vì cứ tưởng là đi sẽ làm nên sự nghiệp để cho bố mẹ và bè bạn nhìn thấy. Nhưng thời gian trôi đi, tuổi tác mỗi ngày một cao tôi mới hiểu rằng, dù cho tôi cố gắng đến mức nào, dù có làm thuê ở cái thành phố này một trăm năm đi chăng nữa cũng không làm nên trò trống gì, cũng không thể mua nổi một ngôi nhà cho mình. Mỗi lần về nhà tôi đều mang một tâm trạng nặng nề khi thấy những bè bạn cùng tuổi đầm ấm quây quần bên con cháu, họ có vẻ hâm mộ, tưởng rằng tôi ở trên thành phố sung sướng lắm!

Những khi nghe họ hỏi về tình hình trên thành phố, tôi chỉ biết gật đầu cười. Nhưng cũng chỉ có tôi biết được trong nụ cười chứa đựng bao nhiêu điều chua xót. Vì để giữ thể diện, tôi cứ phải ở bên ngoài làm thuê. Vì để giữ thể diện, tôi phải gửi phần lớn số tiền kiếm được về cho gia đình. Có lẽ cuộc sống của tôi ở đây không nói thì anh cũng biết… Ôi! Nếu tôi có thể sống thêm một đời nữa, tôi sẽ nguyện ở mãi nơi quê nhà, ở bên cạnh bố mẹ, cày cấy trồng trọt thì sẽ không mắc sai lầm như hôm nay.

Chưa nói hết câu bỗng ông lão nhìn người thanh niên kêu lên:

- Kìa cháu, cháu mau lên tàu đi, tàu sắp chạy rồi. Tàu không đợi người đâu!

Người thanh niên bình tĩnh đặt cái túi hành lý rồi ngồi xuống cạnh ông lão nói:

- Cháu cũng không có học thức, không có nghề nghiệp gì cả. Bố mẹ cháu bắt cháu phải tiếp tục học tập nhưng cháu cứ muốn đi ra bên ngoài để lập nghiệp. Nghe bác nói cháu mới hiểu, không thể ra đi với hành lý đơn giản như thế này được. Nếu không có năng lực, không có tri thức mà đi ra bên ngoài làm ăn thì cháu lại mắc phải sai lầm của bác. Cháu sẽ quay về nhà, bây giờ còn trẻ học thêm kiến thức và bản lĩnh, đợi khi có đủ vốn liếng ra đi cũng không muộn.  Ông lão vỗ vai người thanh niên cười, trong nụ cười có sự đồng tình nhưng cũng có sự chua xót…

  Nguyễn Thiêm (dịch)
Theo VNCA