/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

VĂN HỌC QUỐC TẾ

Nhà văn và những thói quen

Công bố gần đây của Kurt Vonnegut về thói quen hàng ngày của tác giả khiến tôi đột nhiên thắc mắc, có bao nhiêu nhà văn lên lịch làm việc cho mỗi ngày của họ?

Nhà văn và những thói quen

Maria Popova * 

 

 

Maria Popova

“Một nhà văn chờ đợi điều kiện lý tưởng để làm việc có thể chết mà chưa viết được chữ nào trên giấy.”

 

Công bố gần đây của Kurt Vonnegut về thói quen hàng ngày của tác giả khiến tôi đột nhiên thắc mắc, có bao nhiêu nhà văn lên lịch làm việc cho mỗi ngày của họ? Vì vậy, tôi đã cố gắng lần mò cho đề tài của mình thông qua nhật ký và các phỏng vấn của các nhà văn và chọn lọc ra một số ít các thói quen từ những tác giả mà tôi yêu thích để giới thiệu đến cùng bạn đọc.

Thứ nhất, tôi muốn giới thiệu đến các bạn thói quen của nhà văn Ray Bradbury, một người suốt đời ủng hộ và làm việc nhiệt tình với các thư viện công cộng. Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2010, ông đã nói về thói quen của mình như sau:

“Tôi thích ngồi đánh máy trên chiếc xe của mình mỗi ngày, kể từ khi tôi 12 tuổi. Đó cũng là lý do tôi chẳng bao giời phải lo lắng về lịch trình. Một vài những ý tưởng mới luôn bùng nổ trong tôi và tôi cứ thế mà theo thôi. Nó luôn nói với tôi là hãy đánh chữ ngay bây giờ và hoàn thành nó.

Tôi có thể làm việc ở bất cứ nơi nào. Tôi viết trong phòng ngủ và phòng khách, khi tôi lớn lên với gia đình ở một căn nhà nhỏ tại Los Angeles. Tôi đã làm việc trên máy chữ của tôi trong phòng khách, khi mà bố mẹ, anh trai và cả đài phát thanh thi nhau lên tiếng. Sau đó, khi tôi muốn viết Thang nhiệt 451 (Thang nhiệt 451), tôi đã đến UCLA và tìm thấy một căn phòng đánh máy dưới tầng hầm. Chỉ cần bỏ vào 10 xu là tôi có thể mua được 30 phút sử dụng máy.”

Nhà văn thứ hai trong tìm kiếm của tôi là Joan Didion, tác giả của sự phân mảnh và hỗn loạn trong nhân vật và xã hội Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1968, bà đã nói rằng:

“Tôi cần một giờ trước bữa ăn tối một mình, cầm một ly nước gì đó, đi loanh quanh và xem xét lại những gì tôi đã làm ngày hôm đó. Tôi không thể làm điều này vào xế chiều vì nó quá gần. Ngoài ra, thức uống cũng sẽ giúp tôi tỉnh táo lại. Vì vậy, tôi dành một giờ này để xem lại và suy nghĩ đến những ý tưởng mới. Sau đó, tôi bắt đầu ngày hôm sau với tất cả những gì tôi đã làm giống như ngày hôm trước, theo các ghi chú vào tối hôm qua. Khi tôi đang viết, tôi không thích ra ngoài hoặc có ai đó cùng ăn tối, bởi như vậy sẽ mất của tôi một giờ. Nếu không có một tiếng đó trong buổi tối, tôi sẽ chẳng làm được cái gì cho ra hồn vào ngày hôm sau.

Khi sắp kết thúc một cuốn sách, điều cần thiết nhất với tôi là ngủ cùng với nó trong một phòng. Đó chính là lý do tôi thường về nhà ở Sacramento để viết đoạn kết cho cuốn sách. ở Sacramento, chẳng ai quan tâm việc tôi có xuất hiện hay không. Tôi có thể kết thúc và bắt đầu tại chính nơi này.”

Người thứ ba là E. B. White, một người nghiêm túc với thời gian và công việc đến đáng sợ: “Tôi không bao giờ nghe nhạc khi tôi đang làm việc. Nó sẽ khiến tôi bị phân tâm. Những tôi lại có thể làm việc khá tốt trong những điều kiện phiền nhiễu khác. Nhà tôi có một phòng khách, nó là điểm trung tâm, bất kể là muốn xuống bếp, ra ngoài hay vô phòng ngủ cũng đều phải đi qua. Ttôi thường làm việc tại đó, vì nó sáng sủa và vui vẻ nữa. Tôi không hề bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra xung quanh. Cô giúp việc có thể thoải mái làm việc của cô ta bên cạnh tôi, miễn là đừng có quá vụng về hay tạo ra những tiếng động bất thường. Vợ tôi chưa bao giờ vì tôi là một nhà văn mà bảo vệ nơi làm việc của tôi. Vì thế mà tất cả các thành viên trong gia đình chẳng thèm để ý đến tôi lấy một chút, họ cứ vô tư vui đùa hay làm bất cứ thứ gì họ muốn. Nếu tôi khó chịu thì tự tôi phải đi chỗ khác. Một nhà văn chờ đợi điều kiện lý tưởng để làm việc có thể chết mà chưa viết được chữ nào trên giấy.”

Nhà văn thứ tư là Jack Kerouac, ông đã tự mô tả nghi thức cầu nguyện và sự mê tín dị đoan của mình vào năm 1968 như sau:

“Tôi có một thói quen thắp nến rồi quỳ gối và cầu nguyện trước khi bắt đầu công việc của mình. Còn về sự mê tín của tôi? Tôi thường bắt đầu có những nghi hoặc khi trăng tròn. Tôi bị ám ảnh bởi con số 9, tôi luôn trồng cây chuối đủ 9 lần trong mỗi ngày với 9 lời khuyên. Thật tình cờ, nó lại là một cách để thể dục thể thao. Thành thật mà nói, tâm trí của tôi chẳng bao giờ đứng yên. Vì vậy, một “nghi lễ” như bạn gọi, là cầu nguyện Chúa Jesus để Ngài cho tôi sự tỉnh táo và năng lượng giúp đỡ mọi người trong gia đình mỗi ngày. Đó là người mẹ bị liệt của tôi, vợ tôi và cả con mèo luôn quanh quẩn bên tôi nữa. Vậy cũng có sao đâu, phải không?

Một nơi tuyệt nhất để làm việc đối với tôi là một chiếc bàn trong phòng, gần với giường ngủ, có đủ ánh sáng và nước uống để dùng khi mệt mỏi. Tốt nhất là ở nhà. Nhưng nếu bạn không có nhà, bạn cũng có thể tạo một không gian như thế tại khách sạn hoặc phòng trọ.”

Tôi cũng tìm được một đoạn nhật ký rất thú vị của Susan Sontag, một nhà văn và nhà làm phim người Mỹ, viết trong năm 1977:

“Bắt đầu từ ngày mai – nếu không phải hôm nay:

Mình sẽ dậy trước tám giờ vào buổi sáng (có thể phá vỡ quy tắc này một lần trong một tuần).

Mình sẽ dùng bữa trưa với Roger (Không, mình không muốn ra ngoài ăn trưa. Có thể phá vỡ quy tắc này hai lần trong một tuần).

Mình sẽ viết trong vở ghi chép mỗi ngày.

Mình sẽ nói mọi người đừng gọi mình vào mỗi buổi sáng, hoặc là không trả lời điện thoại.

Mình sẽ cố giới hạn sách mà mình đọc vào buổi tối (Mình đọc quá nhiều, cứ như đang tìm một lối thoát bằng văn bản vậy).

Mình sẽ trả lời thư mỗi tuần một lần (Thứ sáu? – phải đi đến bệnh viện nào thế nhỉ?).

Và, trong một buổi phỏng vấn của Paris Review gần 2 thập kỷ sau đó, bà đã mô tả chi tiết về thói quen của mình như sau:

“Tôi viết bằng bút bi, đôi khi là bút chì, lên những tấm giấy ghi chú nhỏ màu vàng hoặc trắng, rằng tôi tôn sùng các nhà văn Mỹ. Tôi thích viết bằng tay, sau đó đánh máy và phác họa nguệch ngoạc trên đó, rồi lại tiếp tục gõ lại, cho đến khi tôi cảm thấy hài lòng. Đó là cách làm việc của tôi cách đây 5 năm. Kể từ khi tôi có được một cái máy tính cá nhân, tôi thực hiện đánh máy và sửa chữa trên đó chứ không đánh lại toàn bộ văn bản như trước nữa.

Tôi viết khi bị dồn ép, khi các áp lực tích tụ đủ và tôi tự tin là có một cái gì đó đang trưởng thành trong đầu. Khi bắt tay vào viết, tôi không muốn làm thêm bất cứ việc gì khác. Tôi không đi ra ngoài, cắm cúi viết, quên ăn quên ngủ. Đó là một cách làm việc rất vô kỷ luật và nó cũng khiến tôi hao tổn rất nhiều. Nhưng nó không có nghĩa là tôi không quan tâm đến những thứ khác.”

Năm 1932, Henry Miller đã ghi chú như thế này trong nhật ký của mình như sau:

“Buổi sáng:

Nếu không khỏe, ghi chú và phân phát, để tăng thêm thu nhập.

Nếu khỏe mạnh, viết.

Buổi chiều:

Làm việc nghiêm túc theo kế hoạch. Không xâm nhập, không chuyển hướng. Viết để hoàn thành một phần tại một thời gian một cách tốt nhất.

Buổi tối:

Gặp bạn bè. Uống cà phê.

Đi dạo một chút, với xe đạp nếu khô ráo, không thì đi bộ.

Viết, nếu có tâm trạng, nhưng chỉ một ít thôi.

Tô vẽ gì đó nếu thấy mệt mỏi hay chán chường,

Lưu ý thêm: Cho phép đến các bảo tàng trong ngày và phác thảo liên tục khi có cảm hứng, trong quán cà phê, trên xe lửa hoặc trên đường phố. Không phim ảnh! Đi thư viện mỗi tuần một lần.”

Trong một buổi phỏng vấn năm 1965, phóng viên Simone de Beauvoir đã được huyền thoại văn bản Henry trả lời như sau: “Tôi luôn luôn vội vã, mặc dù tôi không thích bắt đầu một ngày như thế. Đầu tiên, tôi uống một tách trà và suy ngẫm, sau đó bắt tay vào công việc vào khoảng 10 giờ sáng, liên tục cho đến 1 giờ trưa. Tôi đi gặp bạn bè và trở về vào lúc 5 giờ chiều, lại tiếp tục làm việc đến 9 giờ tối. Tôi thường rất dễ tìm được chủ đề vào buổi chiều. Khi ra về, tôi sẽ đọc báo hoặc là đi mua sắm. Đó cũng là một niềm vui nho nhỏ. Nếu công việc tiến triển tốt, tôi sẽ dành một phần tư hoặc nửa giờ để đọc những gì mà tôi viết ngày hôm trước, rồi chỉnh sửa một chút, nếu cần.”

Tôi còn tìm được cả thói quen của Ernest Hemingway, nhà văn viết đứng. Gọi vậy là vì ông đứng khi viết, với một đôi giày quá khổ, cũ kỹ. Hemingway nói về thói quen của mình thế này:

“Tôi thường bắt đầu một cuốn sách hoặc một câu chuyện vào buổi sáng, ngay khi ánh nắng đầu tiên của ngày chiếu xuống thì càng tốt. Không có ai làm phiền bạn lúc đó cả. Bạn có thể đọc đọc lại những gì đã viết, dừng lại khi biết những gì sẽ xảy ra và rồi lại tiếp tục. Cứ thế, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Bạn bắt đầu vào 6 giờ sáng, kéo dài đến trưa, hoặc trễ hơn hay sớm hơn một chút. Khi dừng lại, bạn có thể cảm thấy trống rỗng, nhưng nó sẽ lại đầy lên sau khi bạn gặp gỡ người mình yêu. Không gì có thể khiến bạn bị bổn thương, không gì có thể xảy ra, không gì có ý nghĩa cho đến ngày hôm sau, khi bạn lại tiếp tục công việc một lần nữa. Đó chính là sự chờ đợi ngày mai không dễ dàng gì.”

Don DeLillo kể lại thói quen của mình trên một bài báo vào năm 1993 như sau: “Tôi làm việc với máy chữ vào mỗi buổi sáng, khoảng 4 giờ, sau đó chạy đi chơi. Điều này giúp tôi thoát khỏi thế giới trong văn bản để suy nghĩ tới những ý tưởng khác, sau đó, tôi trở vể và tiếp tục công việc vào buổi chiều. Thời gian tạo ra một cuốn sách với tôi là khoảng thời gian cô độc, không đồ ăn nhẹ hay cà phê, không thuốc lá và ngôi nhà cực kỳ yên tĩnh. Một nhà văn có những biện pháp nghiêm túc để đảm bảo sự cô đơn của mình và sau đó lại tìm ra vô số cách để lãng phí nó. Đại loại như là nhìn ra cửa sổ hay đọc một mục ngẫu nhiên nào đó trong từ điển. Còn tôi thì nhìn vào bức ảnh của Borges (nhà văn Argentina- BTV)”.

Haruki Murakami thì chia sẻ thế này: “Khi tôi viết một cuốn tiểu thuyết, tôi thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, làm việc khoảng 5 – 6 tiếng. Vào buổi chiều, tôi chạy bộ tới 10km hoặc bơi lội 1.500m, cũng có khi là cả hai, sau đó đọc một chút và nghe nhạc. Tôi đi ngủ vào 9 giờ tối. Tôi giữ thói quen này mỗi ngày và không hề thay đổi nó. Sự lặp lại của nó với tôi là một điều quan trọng, như một hình thức thôi miên vậy. Tôi thôi miên chính mình để đạt được một trạng thái tâm trí sâu sắc hơn.”

William Gibson lại nói trên Tạp chí Paris trong năm 2011 rằng: “Khi viết sách, tôi trở dậy vào 7 giờ sáng, kiểm tra email và lướt qua Internet như mỗi ngày. Một tách cà phê, và ba ngày trong một tuần tới Pilates, tôi ngồi xuống và cố gắng viết. Nếu không có ý tưởng gì hay ho, tôi sẽ đi cắt cỏ. Nhưng nói chung là chỉ cần ngồi xuống và thực sự nghiêm túc với việc viết là đã đủ để bắt đầu rồi. Tôi ăn trưa, nghỉ ngơi một chút rồi lại bắt đầu. Ngủ trưa là một điều rất cần thiết đối với tôi.”

Với Maya Angelou, một ngày của bà bắt đầu vào buổi sáng, về nhà vào buổi trưa và đi tắm: “Bạn biết đấy, viết là một công việc khó khăn, vì vậy, cần phải tắm gội để thoải mái hơn. Sau đó, tôi đi mua sắm và nấu nướng, chuẩn bị cho một bữa tối lãng mạn với nến và nhạc nhẹ. Sau bữa tối, tôi đọc lại những gì tôi đã viết vào buổi sáng, chỉnh sửa, biên tập lại trước khi đưa đến các biên tập viên.”

Cuối cùng, tôi muốn nhắc đến nhà văn Kurt Vonnegut, vì tôi đã đọc được những ghi chép về công việc mỗi ngày của ông trong một bức thư ông gửi cho vợ của mình vào năm 1965:

“Trong cuộc đời trôi dạt của anh, cái ngủ và cái đói dường như cũng tự biết sắp xếp cho mình và không cần tham khảo ý kiến của anh. Nhưng, anh lại vui mừng vì điều đó. Anh tỉnh giấc lúc 5 giờ 30 sáng, làm việc đến 8 giờ, ăn sáng, lại tiếp tục làm đến 10 giờ, đi bộ loanh quanh trong thành phố, làm việc vặt, đến hồ bơi, thành phố lân cận,… rồi trở về lúc 11 giờ 45 phút, đọc thơ, ăn trưa, nghỉ ngơi, tiếp tục làm việc đến khoảng 5 giờ 30 chiều rồi về. Tạt qua hàng quán trong thị trấn, ăn tối, đọc cái gì đó, nghe nhạc jazz và trở về nhà ngủ vào lúc 10 giờ đêm.”

Ngoài những nhà văn được kể trên, tất nhiên, cũng còn nhiều nhà văn nổi tiếng khác với những thói quen khác. Nhưng thôi, trong phạm vi đề tài và khả năng của mình, tôi muốn dừng lại tại đây, với những nhà văn mà tôi yêu quý nhất.

 

 ---------------------

*Maria Popova sinh năm 1984, là một nhà văn Bulgaria hiện đang làm việc và sống tại Brooklyn, New York. Cô cũng viết khá nhiều cho các tạp chí nổi tiếng như The Atlantic, Wired UK, GOOD Magazine, Nieman Journalism La,  MIT Futures,…

 

Vũ Thị Huế (Lược dịch theo Brainpickings.org)