/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

VĂN HỌC QUỐC TẾ

Cặp truyện cực ngắn của Slawomir Mrozek

Lời người dịch: Ngày 10/8/2013, tôi đã được tham dự một cuộc nói chuyện bổ ích và thú vị của giáo sư Chu Hảo,

Cặp truyện cực ngắn của Slawomir Mrozek

Lê Bá Thự dịch

 

 Lời người dịch: Ngày 10/8/2013, tôi đã được tham dự một cuộc nói chuyện bổ ích và thú vị của giáo sư Chu Hảo, do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, với chủ đề ”Tư duy về tư duy”. Tôi lấy làm thích thú khi giáo sư trích dẫn câu nói của Pascal ”Con người là cây sậy, nhưng là cây sậy biết nghĩ” mà nhà văn Ba Lan Slawomir Mrozek cũng có trích dẫn trong truyện ngắn ”Ngày thứ tám” của ông....

Ngày thứ tám

Đức Chúa Trời làm việc sáu ngày, nghỉ ngày chủ nhật... Người trần mắt thịt chẳng phải là Chúa Trời nên chóng mệt hơn, lẽ vậy họ mới định rằng, thứ bẩy cũng phải là ngày nghỉ của con người. Quyết định này không vấp phải sự phản đối ra mặt từ phía Đấng Tối Cao.

Chuyện nghỉ ngày thứ bẩy mà đã thuận buồm xuôi gió thì với thứ sáu có lẽ rồi cũng suôn sẻ mà thôi - tôi thầm nghĩ vậy, nên đã gửi lên Đức Chúa trời lá đơn như sau:

Do bị mệt mỏi sau thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu, con xin kính cẩn cầu Đức Chúa Trời cho con được nghỉ thêm cả thứ sáu nữa. Homo Sapieniens”.

Không có trả lời, nên tôi hiểu rằng mình đã được phép nghỉ thêm ngày thứ sáu.

Tuy nhiên, giữa thứ tư và đoạn còn lại của tuần vẫn còn kẹt cái ngày thứ năm chết tiệt. Chẳng có gì nhọc nhằn bằng phải lao động trong ngày cuối của tuần làm việc. Bởi vậy cho nên, lần này, trong đơn gửi lên Đức Chúa Trời tôi viết mạnh tay hơn:

Con người chẳng qua là thân sậy biết nghĩ” (Blaise Pascal, nhà toán học, nhà vật lý, nhà văn, nhà triết học, 1623 - 1662). Con nghĩ rằng thứ năm con cũng cần được nghỉ làm”.

Bây giờ thì chiều thứ tư là tôi đã xong việc. Nhưng mà còn cái thứ tư này... Sự lặng im của Đức Chúa Trời khiến tôi càng bạo dạn.

Con yêu cầu phải loại thứ tư ra khỏi ngày làm việc. Prometeusz”.

Về chuyện nghỉ ngày thứ ba thì tôi cự nự thẳng thừng:

Con người, hai tiếng đó vang lên với niềm tự hào”. (Mácxim Goocki, nhà văn 1868 - 1936). Thứ ba làm tổn thương danh dự của con. Con kiên quyết chối từ và kết thúc vào thứ hai”.

Chẳng thấy trả lời gì cả, cho nên còn chuyện nghỉ ngày thứ hai thì dễ ợt.

Thứ hai con cũng xin loại nốt”.

Bây giờ thì tôi nghỉ bẩy ngày trong một tuần, tôi lấy làm hãnh diện về cuộc nổi loạn của tôi. (L’Homme révolté, Albert Camus, nhà văn, 1913 - 1960). Tuy vậy, sau một thời gian tôi nhận ra rằng, tuần chỉ có bẩy ngày, cho nên trong tuần tôi không thể nghỉ hơn bẩy ngày được. Tôi nghĩ bụng, hạn chế tự do của của mình như thế là không có được. Tôi bèn đánh điện lên Đức Chúa Trời: “Xin tạo ngay cho con ngày thứ tám”.

Chẳng thấy hồi âm, điều này khiến tôi hoàn toàn tin là Nietzsche có lý (Friedrich Nietzsche, nhà triết học, 1844 - 1900), không có Đức Chúa Trời. Có điều, đã vậy thì ai là người chịu trách nhiệm khi tuần có độc bẩy ngày và tôi chẳng thể có hơn bẩy ngày nghỉ trong một tuần? Tôi bèn vớ cái gậy, đoạn ra rình ở cầu thang. Hễ thấy người láng giềng đi qua là tôi sẽ phang cho ông ta một gậy.

Phải có ai đó gánh chịu sự thiệt thòi của tôi chứ.

 

 

Mất ngủ vì lô gích

 

Nhẽ ra tôi đã thiếp đi, nếu không đập vào lỗ tai tiếng uỵch từ bên kia tường.

- Thế đó, bắt đầu rồi đây, - tôi nghĩ bụng. Rồi sẽ y hệt như giai thoại người ta vẫn kể cho mà coi. Gã khách trọ ở phòng bên cởi một chiếc giầy khỏi chân, đoạn quăng xuống nền nhà kêu đánh uỵch. Bây giờ thì đố tôi ngủ được, chừng nào gã chưa cởi nốt chiếc giầy thứ hai. Mà có khi tôi phải chờ lâu đây.

Nhưng rồi tôi thấy nhẹ hẳn người, khi tiếng uỵch thứ hai vọng sang.

Tôi lại thiếp đi. Song khi bên kia tường vang lên tiếng uỵch thứ ba thì tôi giật mình tỉnh dậy.

Tôi lấy làm lạ. Chẳng lẽ gã láng giềng của tôi có tới ba cẳng hay sao? Vô lý. Hay là gã lại xỏ chân vào một chiếc giầy, rồi lại tháo ra lần nữa? Có hoạ là dở hơi. Vậy thì đích thị tôi có hai gã láng giềng rồi.

Thế là tôi bắt đầu bị hành hạ, đúng như tôi đã lường trước. Duy có một điều bảo tôi ráng chịu, đó là niềm hy vọng, đằng nào thì cũng đến lúc hắn phải cởi nốt chiếc giầy thứ hai thôi. Ấy vậy mà, đợi hết đêm, vẫn không nghe thấy tiếng uỵch thứ hai, thực ra là thứ tư đâu cả.

Suốt đêm tôi không hề chợp mắt, sáng sớm tôi đi ăn sáng, người phờ phạc. Tại nhà ăn tôi gặp gã khách thuê phòng bên. Tôi đảo mắt nhìn quanh, đặng kiếm gã láng giềng thứ hai, nhưng chẳng thấy hắn ta đâu cả, chỉ một thôi. Gã kia chắc là say khướt, chân vẫn xỏ một chiếc giầy lăn quay ra ngủ một mạch cho đến tận giờ này.

Bên phòng ông có chuột không? - gã láng giềng hỏi tôi. Bên tôi có đấy. Chúng cứ làm sột soạt, nên tôi phải vớ một chiếc giầy ném cho chúng ngừng, - gã láng giềng nói tiếp.

Từ đó trở đi tôi không suy luận theo kiểu lô gích nữa. Một con chuột ngu mạnh hơn tất thảy mọi lô gích, còn lô gích chỉ tổ làm mất ngủ mà thôi.

Nguon theo hoinhavanvn